Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:58 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là một nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của Quân đội ta. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 71/ĐUQSTW, ngày 02-4-2002 của Đảng ủy Quân sự Trung ương “Về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới - Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội”, hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội ngày càng nền nếp, đạt hiệu quả toàn diện, trước hết là hiệu quả kinh tế-xã hội (KT-XH) và quốc phòng-an ninh (QP-AN).
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP), những năm qua, toàn quân đã tích cực tham gia phát triển KT-XH, gắn với tăng cường tiềm lực và thế trận QP-AN trên các địa bàn chiến lược; trong đó, đã và đang triển khai xây dựng 22 Khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP) ở những vị trí xung yếu trên các địa bàn chiến lược. Ngoài ra, các đơn vị thường trực, nòng cốt là lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, các quân khu,... trong khi đặt trọng tâm vào nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, đã tích cực tham gia các chương trình, dự án của Chính phủ về phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới; tham gia trồng rừng khu vực biên giới (Chương trình 661), làm Đường tuần tra biên giới, đường Trường Sơn Đông, xây dựng các công trình biên giới... góp phần phát triển KT-XH, gắn với tổ chức lại dân cư, hình thành những điểm, cụm dân cư trên vành đai biên giới (có 121 thôn, bản định cư mới), tạo nền tảng cho xây dựng và tăng cường tiềm lực, thế trận QP-AN bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Cùng với các chương trình, dự án trên khu vực biên giới đất liền, quân đội đã tích cực tham gia phát triển một số loại hình kinh tế biển, gắn với tăng cường QP-AN bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phối hợp với các ngành, địa phương phát triển các đội tàu đánh cá xa bờ, gắn với bảo đảm QP-AN trên các vùng biển, làm chỗ dựa tin cậy cho ngư dân và các lực lượng khác hoạt động kinh tế trên biển; đồng thời, từng bước phát triển thị trường bay dịch vụ, kết hợp với quản lý, bảo vệ vùng trời Tổ quốc...
Các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) được sắp xếp, đổi mới theo đúng quy định của Chính phủ và BQP; số lượng đầu mối doanh nghiệp (DN) được tinh giảm phù hợp với tổ chức, biên chế và chức năng, nhiệm vụ của quân đội, chủ yếu là DN QP-AN và DN KT-QP, hoạt động gắn chặt với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của quân đội trong thời bình và sẵn sàng cho thời chiến. Đáng ghi nhận là, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của kinh tế thị trường và sự tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới đối với nước ta, nhưng các DNQĐ vẫn đứng vững trên các địa bàn chiến lược; hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) giữ được ổn định và phát triển, có tốc độ tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ DN SXKD có lãi tăng cao. Với các chỉ tiêu kinh tế cơ bản đạt được 5 năm gần đây (doanh thu tăng 179%, lợi nhuận trước thuế tăng 476,5%, nộp ngân sách tăng 517%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 102%) và đặt trong bối cảnh chung của kinh tế đất nước, có thể khẳng định, hoạt động của DNQĐ đạt hiệu quả tương đối cao, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người lao động; giữ gìn và phát triển năng lực sản xuất quốc phòng. Đặc biệt, đã xuất hiện những thương hiệu mạnh của DNQĐ tham gia hoạt động kinh tế ở một số lĩnh vực mà quân đội có tiềm năng, khẳng định sự tăng trưởng vững chắc và định hướng chiến lược phát triển các ngành, nghề: xây dựng, bưu chính-viễn thông, bay dịch vụ, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ cảng biển, đóng tàu biển, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên,...
Các đơn vị thường trực, đơn vị sự nghiệp công lập trong khi đặt trọng tâm vào hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm đã đẩy mạnh sản xuất, làm kinh tế bằng nhiều hình thức, tuân thủ đúng pháp luật của Nhà nước và quy định của BQP, vừa tạo nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ với giá thành hợp lý để giữ ổn định bữa ăn hằng ngày của bộ đội, vừa tạo nguồn thu bổ sung cho các hoạt động của đơn vị, tái đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, duy trì và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; đóng góp một phần cho ngân sách quốc phòng...
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội còn những mặt hạn chế nhất định. Đó là: nhận thức của một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp về hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội chưa thật đầy đủ. Do nhiều nguyên nhân cả về khách quan, chủ quan, nên tiến độ xây dựng các Khu KTQP còn chậm. Một số DN còn lúng túng trong sắp xếp, chưa chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả SXKD; nhìn chung, năng lực cạnh tranh của các DNQĐ chưa cao. Hoạt động kinh tế đối ngoại còn hạn chế, hiệu quả xúc tiến đầu tư chưa được như mong muốn. Một số đơn vị thường trực, đơn vị sự nghiệp công lập chưa phát huy đầy đủ thế mạnh để tổ chức sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng,... Đây là những vấn đề cần được các cấp, các ngành, đơn vị quan tâm giải quyết.
Nhiệm vụ phát triển KT-XH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong giai đoạn mới đang đặt ra những nội dung, yêu cầu rất cao đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động sản xuất, tham gia phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN, BVTQ, thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt những vấn đề chủ yếu sau:
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội; xem đó là vấn đề có ý nghĩa quyết định, xuyên suốt. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các chính sách của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ Quân đội và các chỉ thị, mệnh lệnh của BQP, cấp ủy, chỉ huy các cấp, nòng cốt là cơ quan, đơn vị kinh tế cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của toàn đơn vị đối với nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội trong giai đoạn mới; tiếp tục khẳng định đó là một nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của quân đội ta. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội phải kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ QP-AN, BVTQ, lấy phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, củng cố QP-AN là mục tiêu hàng đầu; triệt để khai thác mọi tiềm năng, phát huy nội lực, mở rộng hợp tác quốc tế, tận dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến để đứng vững và phát triển trong môi trường cạnh tranh và hội nhập kinh tế trong nước và quốc tế.
Tập trung nguồn lực để thực hiện Quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển các Khu KT-QP đến năm 2020 và những năm tiếp theo đã được Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1391/QĐ-TTg, ngày 09-8-2010). Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng, hoàn thiện quy hoạch chi tiết, kế hoạch thực hiện từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn và từng Khu KT-QP; trong đó, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức phát triển sản xuất, gắn với bố trí lại dân cư, sắp xếp, ổn định đời sống nhân dân, hình thành các cụm làng, xã biên giới, tạo vành đai biên giới trên đất liền, biển, đảo trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc; phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 32 Khu KT-QP (chuyển tiếp 21 Khu, đầu tư xây dựng mới 11 Khu trên đất liền, đảo gần bờ và trên biển, đảo).
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu KT-QP thực hiện chuyển tiếp; từng bước chuyển một số Khu KT-QP đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng để giao cho địa phương quản lý; tiếp tục kiện toàn tổ chức, biên chế Đoàn KT-QP phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của từng địa bàn; đồng thời, rà soát lại các hạng mục và cơ cấu đầu tư tại các Khu KT-QP để điều chỉnh mục tiêu đầu tư một cách hợp lý, tập trung cho các công trình trực tiếp phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân; nghiên cứu, tổ chức lại mô hình sản xuất tập trung tại các Khu KT-QP phù hợp với đặc điểm KT-XH cụ thể của từng vùng, miền; đổi mới cơ chế quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả SXKD, nâng cao đời sống người lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số làm việc trong các vùng dự án. Đối với các Khu KT-QP không sản xuất tập trung, cần tăng cường hoạt động dịch vụ “hai đầu” giúp dân phát triển kinh tế để họ tự lực vươn lên xóa đói giảm nghèo, nâng cao và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, ổn định và phát triển cuộc sống. Gắn nhiệm vụ xây dựng các Khu KT-QP với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 62 huyện nghèo; triển khai tốt dự án đưa trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các Khu KT-QP. Xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch và tổ chức thực hiện trồng rừng vành đai biên giới khi được Chính phủ phê duyệt.
Tích cực triển khai xây dựng các Khu KT-QP trên biển, đảo. Trên cơ sở phân định vị trí các Khu KT-QP trên biển, đảo và quy hoạch cụ thể chi tiết, các Đoàn KT-QP chủ động khắc phục những khó khăn bước khởi đầu để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, phù hợp với kế hoạch từng thời kỳ và khả năng đầu tư; trọng tâm là: xây dựng các khu căn cứ bờ (có cơ sở tăng gia, sản xuất, chế biến tập trung, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền) để cung cấp nhu cầu hậu cần, kỹ thuật cho các lực lượng hoạt động trên vùng biển; xây dựng các âu tàu cho tàu thuyền của ngư dân vào neo đậu tránh bão và sử dụng các dịch vụ hậu cần nghề cá tại các điểm có điều kiện; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để thu hút ngày càng nhiều ngư dân ra làm ăn sinh sống ở các đảo, quần đảo có điều kiện. Tham gia phát triển các loại hình kinh tế biển có hiệu quả và mang tính chất đặc thù quốc phòng, có khả năng kết hợp tốt giữa nhiệm vụ phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN trên biển, đảo; coi trọng phát triển các hoạt động nghề cá trên các vùng biển, đảo (khai thác, nuôi trồng thủy sản; xây dựng các khu chế biến, bảo quản, xuất khẩu sản phẩm thủy sản; tổ chức dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo quản nguồn lợi thủy sản...); tổ chức hoạt động du lịch biển, đảo; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch trên biển, đảo; phát triển các loại hình dịch vụ về cảng biển, vận tải biển, bảo vệ, nghiên cứu khoa học một số lĩnh vực về kinh tế biển; phối hợp với các lực lượng khác trong việc tổ chức cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu sự cố tràn dầu, bảo vệ môi trường biển, đảo; duy trì an ninh, trật tự, góp phần thực thi pháp luật trên biển. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường sức mạnh QP-AN, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNQĐ theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Phương án sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn nhà nước thuộc BQP giai đoạn 2008-2010”; bảo đảm sau khi sắp xếp lại, hoạt động SXKD của các DN có hiệu quả hơn và sức cạnh tranh cao hơn, phát huy đầy đủ quyền tự chủ hạch toán kinh tế, gắn với hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, định hướng rõ về đầu tư nguồn lực để tạo nên tiềm lực quốc phòng đủ mạnh đối với các DNQĐ có thế mạnh trên các lĩnh vực: xây dựng, giao thông, công trình ngầm, công nghệ thông tin, dịch vụ cảng biển, dịch vụ bay, khai khoáng, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên... Đặc biệt quan tâm việc tái cấu trúc DN khi thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật DN; xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển của DN, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn SXKD, đổi mới công tác quản trị DN, phát triển nguồn nhân lực theo hướng nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ QP-AN gắn với hiệu quả SXKD, hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, chủ động cùng Hiệp hội DNQĐ mở rộng công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm và dịch vụ tới các tổ chức, nhà đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác, nhằm giúp DN hoạt động đúng định hướng, tận dụng thời cơ, hạn chế rủi ro để ổn định và phát triển.
Trong hoạt động SXKD, các DN cần phát huy tính chủ động, giữ vững và từng bước phát triển vững chắc thị trường truyền thống, trên cơ sở nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; đồng thời, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các DNQĐ. Tập trung đầu tư, phát triển những ngành nghề truyền thống, mũi nhọn; thực hiện đa dạng hóa các loại hình hoạt động SXKD, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; tích cực cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ; phát huy ưu thế về tổ chức, kinh nghiệm, trang thiết bị,... không ngừng nâng cao hiệu quả SXKD, năng lực sản xuất quốc phòng cả trước mắt và lâu dài, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học, người lao động có tay nghề cao, dây chuyền công nghệ. Triển khai xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý các DNQĐ, đảm bảo cho DN hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao hơn.
Cùng với việc thực hiện nghiêm Quy chế quản lý đất quốc phòng chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng vào hoạt động kinh tế, các đơn vị thường trực, đơn vị sự nghiệp công lập cần tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, làm kinh tế. Trong khi đặt trọng tâm vào hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm, các đơn vị này cần phát huy thế mạnh tại chỗ và năng lực chưa sử dụng để tổ chức sản xuất, làm kinh tế, tạo ra sản phẩm và nguồn thu tài chính; tận dụng diện tích mặt đất, mặt nước và điều kiện thuận lợi khác để tổ chức sản xuất với quy mô tập trung và phân tán theo hướng tự túc rau xanh, chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản, chế biến lương thực, thực phẩm; tổ chức quy hoạch vườn cây ăn trái, cây lấy gỗ...; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý, bảo đảm vệ sinh và cảnh quan môi trường, tạo ra nhiều sản phẩm kinh tế, góp phần cải thiện đời sống bộ đội và hoạt động của đơn vị, tái đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, duy trì, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, cùng toàn quân và cả nước xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thiếu tướng, PGS, TS. TRẦN TRUNG TÍN
Cục trưởng Cục Kinh tế - BQP
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011