QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:05 (GMT+7)
Quan điểm phòng giữ đất nước – nhìn từ góc độ lịch sử
Trên cơ sở phân tích, nhận định, đánh giá tình hình thế giới và khu vực, Đại hội IX của Đảng đã xác định: “Bảo vệ Tổ quốc XHCN là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc”1. Để thực hiện mục tiêu mà Đại hội IX đề ra, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới  đã khẳng định quan điểm, phương châm chỉ đạo chiến lược là: kiên định mục tiêu độc lập gắn với CNXH, lấy việc giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển kinh tế - xã hội. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; sức mạnh bảo vệ Tổ quốc phải là sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng, kinh tế-xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành thống nhất của Nhà nước với lực lượng vũ trang làm nòng cốt; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, không ngừng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; ra sức phát huy nội lực, kết hợp tranh thủ ngoại lực, lấy sức mạnh bên trong là nhân tố quyết định.

Nhìn từ góc độ lịch sử,  quan điểm bảo vệ Tổ quốc nêu trên của Đảng ta khởi nguồn từ  quan điểm phòng giữ đất nước của dân tộc, có sự đúc rút, kế thừa  và phát triển lên tầm cao mới phù hợp với đặc điểm, tình hình mới.

           
Nghiên cứu kỹ quan điểm phòng giữ đất nước của Tổ tiên, chúng ta thấy tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của các triều đại là đề cao nhân nghĩa, khát khao yêu chuộng hòa bình, mở rộng bang giao thân thiện với các quốc gia láng giềng nhằm giữ vững môi trường ổn định để xây dựng, phát triển, đồng thời lấy đó là nền tảng, là phương sách phòng giữ đất nước. Đây là tư tưởng sáng suốt của cha ông ta, xuất phát từ đặc điểm bất lợi của một nước nhỏ phải thường xuyên đối phó với các âm mưu và hành động nô dịch, thôn tính của những quốc gia lớn, cho nên Tổ tiên ta luôn phải lựa chọn và đặt lên hàng đầu kế sách nhằm ngăn ngừa chiến tranh, trì hoãn chiến tranh toàn cục đến cùng. Nhưng đến khi không thể tránh được thì chấp nhận và kiên quyết tiến hành cuộc chiến tranh chống xâm lăng đến thắng lợi cuối cùng, bằng sức mạnh cả nước. Nét đặc sắc trong quan điểm phòng giữ đất nước của dân tộc ta là, kiên quyết đánh địch, giành thắng lợi to lớn trên chiến trường, nhưng không chủ trương lấy vũ lực làm giải pháp duy nhất để giành thắng lợi, mà quan trọng là đánh bại ý chí xâm lược của địch. Do đó, ta vừa đánh vừa mở đường cho đối phương chấp nhận thất bại, sớm kết thúc chiến tranh. Bởi vì, chiến tranh chỉ là nhất thời, nhằm thực hiện mục đích chính trị hoặc giải quyết mâu thuẫn giữa các quốc gia, kết cục của nó có thể chấm dứt một thể chế thống trị nhưng không thể loại bỏ một dân tộc, một đất nước. Dù muốn hay không, về lâu dài các quốc gia vẫn tồn tại trong mối quan hệ lân bang để xây dựng và phát triển. Vì vậy, cách tốt nhất là cởi bỏ oán thù, ngăn ngừa chiến tranh, thiết lập mối quan hệ bang giao cùng có lợi. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có hai thời lập lại quan hệ bình thường với nước đã từng thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta trong thời gian nhanh nhất. Đó là thời Trần và thời vua Quang Trung, quan hệ bình thường giữa hai nước được tái lập chỉ trong vòng 6 tháng, trên tất cả mọi phương diện, sau khi chiến tranh kết thúc. Còn sau cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, quan hệ hữu nghị giữa nước ta và nước Trung Hoa rộng lớn kéo dài lâu nhất, gần ba thế kỷ. Thời Lý, quan hệ bang giao giữa nước ta với các nước láng giềng phát triển toàn diện, nổi trội là về văn hóa,  sứ thần và quốc sư  của các quốc gia thường qua lại thăm hỏi, ngao du ngắm cảnh, đàm đạo văn thơ.
           
Một đặc điểm nổi bật trong quan điểm phòng giữ đất nước của Tổ tiên ta là ngay khi kết thúc chiến tranh chống xâm lược thì tập trung vào nhiệm vụ xây dựng đất nước, kết hợp củng cố quốc phòng. Có thể thấy quan điểm, tư tưởng phòng giữ đất nước qua câu thơ bất hủ “ Thái bình tu nỗ lực. Vạn cổ tự giang san” của Thượng tướng quân Trần Quang Khải, thời Trần. Trong xây dựng đất nước, tư tưởng chủ đạo là tha thiết giữ vững hòa bình đến cùng, lấy đó làm nền tảng để phát triển kinh tế, văn hóa ... “Sao cho nơi thôn cùng, xóm vắng không còn tiếng hờn giận, oán sầu”2. Đời Lý, những năm được mùa to vẫn “xá tô thuế cho thiên hạ 3 năm”; những nơi hạn hán mất mùa, được miễn thuế, xá tô. Đời Trần, những năm lụt lội, “vua đích thân  đi xem xét việc đắp đê”. Các triều đại hết sức chú trọng đến việc đắp đê , đào kênh, khơi rạch cho nhân dân cày cấy; đề ra các chính sách khuyến nông, “chiêu tập dân phiêu tán để khai khẩn ruộng đất bỏ hoang, lập thành điền trang” phát triển kinh tế. Đến vụ, “vua tự mình xuống cày ruộng tịch điền” và có khi còn buộc “tất  cả các  tể thần, các tôn thất và các quan đi gặt” để khích lệ sản xuất. Nhân dân ốm đau, bệnh tật, triều đình có quy định phát thuốc tận tay. ý nghĩa của “vạn việc” này không nhỏ. Đời sống nhân dân có được cải thiện, no đủ thì “lòng dân mới yên”, đất nước mới hùng cường. Các  triều đại còn chú trọng mở mang dân trí. Ngay từ đời Lý đã lập ra Văn Miếu (1070) để khuyến học, nâng cao học vấn, đào tạo hiền tài cho đất nước. Đời Trần rất coi trọng việc “ mở học đường, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài”. Các triều đại đều coi hiền tài là “nguyên khí của quốc gia”, có rất nhiều hình thức để tuyển chọn người tài, từ thi cử đến “tự cử”, không phân biệt giàu nghèo, xuất thân... Vì thế, nhiều  trí thức uyên bác, phong thái cương trực được đưa vào bộ máy cầm quyền. Trường hợp Phạm Ngũ Lão “ tự cử”, được triều đình trọng dụng là một điển hình. Công lao nhiều đời chăm lo, mở mang dân trí, tu tạo, hun đúc trí tuệ Việt Nam đã góp phần quyết định tạo nên niềm tự hào lớn của một dân tộc nghìn năm văn hiến. Trên nền tảng phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội, các triều đại hết sức chăm lo đến việc củng cố quốc phòng, coi đó là “việc không thể thiếu” với “muôn vạn việc”. Điển hình nhất là việc các triều đại nhất quán trong việc thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông”. Hằng năm đều kiểm duyệt đinh tráng và quân thường trực thay phiên nhau về làm ruộng nên khi cần có thể huy động được phần lớn dân chúng tham gia vào các lực lượng vũ trang. Làm như vậy vừa đảm bảo phát triển sản xuất, lại vừa có thể đảm bảo được việc luyện tập chiến đấu. Độc đáo của chính sách này là ở chỗ, không phải duy trì lực lượng quân thường trực nhiều trong thời bình mà vẫn có điều kiện phát triển được một lực lượng quân đội lớn mạnh khi đất nước có chiến tranh. Hơn thế, trong tác chiến, vừa có thể tổ chức lực lượng tập trung cơ động, lại vừa có lực lượng tại chỗ đánh địch ở bất cứ nơi nào chúng đến. Chính sách “Ngụ binh ư nông” liên quan chặt chẽ đến cách thức tổ chức quân đội: quân của triều đình, quân của các lộ, hương binh, thổ binh. Thực hiện “Ngụ binh ư nông” thì “ binh vẫn được đủ mà không phải tiêu phí nhiều, càng thêm hăng hái chống thù”. Đây là điều kiện rất quan trọng để “trăm họ ai cũng là binh”. Ngoài chính sách kể trên, các thời Lý, Trần... hằng năm đều có duyệt lại “đinh tráng”, “đăng ký sổ quân, thanh thải già yếu, bổ sung người khỏe”, giao cho các đô, các lộ huấn luyện võ nghệ và hằng năm đều tổ chức duyệt quân. Thời Lý, việc chế tạo vũ khí, trang thiết bị cho quân đội được giao cho các tướng có nhiều kinh nghiệm trận mạc chăm lo. Thời Trần, trước nguy cơ quân Nguyên – Mông xâm lược, vua giao cho Trần Hưng Đạo đích thân lo việc chuẩn bị vũ khí, thuyền bè. Đặc biệt, việc nâng cao học vấn, tri thức, bản lĩnh quân sự, quốc phòng cho các tướng lĩnh được giao cho “Giảng võ đường”, còn chăm lo giáo dục quân sự, quốc phòng cho toàn dân thì cả nhà nước, các địa phương và nhân dân cùng lo. Các lò luyện võ phát triển khắp mọi miền đất nước không những phổ cập việc binh bị cho nhân dân mà còn hình thành  nên những môn phái võ Việt Nam nổi tiếng, lưu truyền đến ngày nay.
Thực tế lịch sử chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã xây đắp nên truyền thống tốt đẹp "cố kết cộng đồng", được các triều đại coi là một trong những  điểm hệ trọng liên quan đến lẽ hưng vong của đất nước. Chính vì thế, nó được các danh tướng, danh nhân chính trị, quân sự, văn hóa của dân tộc đề cao trong xây dựng quan điểm phòng giữ đất nước. Nguyễn Trãi nói, nếu để đất nước ở vào tình trạng “trăm vạn người, trăm vạn lòng” thì dẫu thành cao, hào sâu, binh hùng, tướng mạnh vẫn sẽ rơi vào thảm họa (nói về triều đại Hồ Quý Ly). Còn Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương-Trần Quốc Tuấn thì khẳng định, điều kiện tiên quyết để đánh thắng giặc ngoại xâm là “ Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức, giặc tự bị bắt”. Lịch sử đã tạo ra cho dân tộc ta một “khung dân tộc” khá độc đáo, không phải nước nào cũng có. Đó là 54 dân tộc cùng chung sống trong một cộng đồng, bản địa có, di cư có... nhưng ngay từ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã tự nguyện tham gia vào “đại nghĩa dân tộc”. Đại biểu của nhiều dân tộc khác nhau đoàn kết cùng nhau, không có sự phân biệt đối xử, được giao đảm đương những vị trí lãnh đạo, chỉ huy quan trọng. Tuy lịch sử một số triều vua vẫn còn có những vụ “đánh dẹp” nhưng không hề có dấu vết của nạn “kỳ thị sắc tộc” hay những phản ứng dây chuyền của các dân tộc thiểu số đối với triều đình trung ương. Trong các cuộc khởi nghĩa giành độc lập cho dân tộc hay trong những cuộc chiến tranh chống xâm lược giữ nước, chưa bao giờ chỉ có người Kinh ở vùng đồng bằng mà có đủ các thành phần dân tộc, từ núi cao đến trung du, hải đảo, từ bắc vào nam tham gia. Đặc biệt, những căn cứ khởi nghĩa ban đầu, những trận đánh quân xâm lược đầu tiên thường đều bắt đầu từ vùng rừng núi, trong đó đất và người của các dân tộc thiểu số làm nền tảng vững bền. Trong thời bình, những vùng đất “phên dậu” được nhà nước tập trung xây dựng, từ mở mang giao thông đến khai khẩn đất hoang, mở điền trang, thái ấp, sau này là xây dựng các đồn điền. Truyền thống cố kết cộng đồng của dân tộc ta đã gợi ý cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn xây dựng nên hình (thế) trận chữ nhân độc đáo trong phòng giữ đất nước. Chìa khóa giành thắng lợi trong công cuộc phòng giữ đất nước nằm trong: hình (thế) trận như chữ nhân ( ƒ ) gọi là nhân trận. Thuận nghịch cũng là chữ nhân, tiến thoái cũng là chữ nhân, hợp tan cũng là một người. Một người làm một trận, nghìn muôn người làm một trận, nghìn muôn người động làm một người. ý nghĩa cao quý mang tính nhân văn sâu sắc của hình (thế) trận chữ nhân giúp chúng ta nhiều suy ngẫm để xây dựng “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
 
Hà Thành
 
1- Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX - Nxb CTQG, H. 2001, tr. 117.
2- Nguyễn Trãi, Toàn tập, Nxb KHXH, H.1969, tr 63.
 

Ý kiến bạn đọc (0)