QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:19 (GMT+7)
Quan điểm của các bên liên quan trong vấn đề hạt nhân của I-ran

Vấn đề hạt nhân (VĐHN) của I-ran tồn tại từ nhiều năm nay, đã và đang thu hút sự quan tâm, lo lắng của dư luận, bởi đây là một nhân tố quan trọng, tác động mạnh mẽ đến hoà bình, ổn định ở khu vực Trung Đông cũng như thế giới. Vấn đề này càng trở nên căng thẳng hơn khi ngày 4-2, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã đưa nó lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) để xem xét và có thể áp dụng những biện pháp trừng phạt I-ran. Đáp lại, ngày 6-2, Tổng thống I-ran Ma-mút A-ma-đi-nê-giát ra lệnh chấm dứt các cuộc thanh sát của IAEA đối với chương trình hạt nhân của I-ran, ngừng việc tự nguyện thực hiện các biện pháp của Nghị định thư bổ sung Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT), tiếp tục công nghệ làm giàu U-ra-ni. Thế giới đang chờ đợi sự phán xét của HĐBA LHQ, liệu có hay không những biện pháp trừng phạt, cấm vận đối với I-ran và hậu quả của nó sẽ ra sao ? Còn có những lối thoát, giải pháp nào hữu hiệu cho VĐHN của I-ran?… Đó là những câu hỏi đang được dư luận rất quan tâm.

VĐHN của I-ran là vô cùng phức tạp, biểu hiện tập trung của nhiều mâu thuẫn, liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều lợi ích của các bên với những lập trường, quan điểm khác nhau.
Về phía I-ran, ngày 14-1-2006, phát biểu với giới báo chí tại Thủ đô Tê-hê-ran, Tổng thống Ma-mút A-ma-đi-nê-giát đã khẳng định lại quan điểm của I-ran rằng, nước này theo đuổi chính sách đối ngoại tích cực và tìm kiếm hoà bình dựa trên cơ sở công bằng. I-ran có quyền sử dụng công nghệ hạt nhân vào mục đích hoà bình và bác bỏ những cáo buộc cho rằng nước này đang bí mật tìm cách phát triển  vũ khí hạt nhân (VKHN). Đề cập tới việc đưa VĐHN của I-ran ra HĐBA LHQ xem xét các biện pháp trừng phạt dưới sức ép của phương Tây, Tổng thống M. A-ma-đi-nê-giát cho rằng nếu các nước này muốn tước đoạt quyền chính đáng của I-ran thì họ sẽ không thành công, vì I-ran tiến hành hoạt động nghiên cứu nhiên liệu hạt nhân theo đúng quy định của NPT và các quy tắc của IAEA. Đòi I-ran chấm dứt chương trình nghiên cứu hạt nhân là trái với các công ước quốc tế. Nghiên cứu hạt nhân là quyền tự nhiên của I-ran, các nước phương Tây trước tiên nên tự giải trừ VKHN, nếu họ muốn bảo đảm hoà bình và an ninh của thế giới. Phó Tổng thống I-ran Ph.Gia-va-đi cho rằng, không ai có thể ngăn cản I-ran thực hiện quyền phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hoà bình và khẳng định khoa học và nghiên cứu là quyền của tất cả các nước, trong đó có I-ran. Ông lập luận, Mỹ có hơn 400 khu tổ hợp nguyên tử nhưng hiện nay nước này lại muốn loại bỏ khả năng phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hoà bình của I-ran, đó là điều hoàn toàn phi lý, v.v.
Trước sức ép của phương Tây, I-ran một mặt tỏ rõ lập trường cứng rắn, chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đối phó. Mặt khác, I-ran cũng tỏ rõ thiện chí, mong muốn xây dựng niềm tin nhằm thúc đẩy các cuộc thương lượng với Anh, Pháp, Đức về vấn đề hạt nhân. Từ năm 2003, I-ran đã cho phép IAEA thanh sát các cơ sở hạt nhân của mình cũng như thực hiện các cuộc kiểm tra bất ngờ tại các cơ sở hạt nhân theo cam kết trong nghị định thư bổ sung của NPT. Ngày 6-2 vừa rồi, khi tình hình trở nên căng thẳng, I-ran tuyên bố ngừng việc hợp tác với IAEA để đáp lại việc cơ quan này đưa VĐHN của I-ran lên HĐBA LHQ, nhưng vẫn cam kết tuân thủ NPT và để ngỏ khả năng thương lượng để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân này.
Các nước phương Tây, bao gồm Mỹ và các nước đồng minh trong Liên minh châu Âu - EU (đại diện là ba nước Anh, Pháp, Đức) và I-xra-en có lập trường, quan điểm cơ bản giống nhau, cho rằng I-ran nghiên cứu phát triển nhiên liệu hạt nhân không chỉ vì mục đích dân sự mà còn vì mục đích quân sự, I-ran đã và đang bí mật  chế tạo VKHN, vi phạm NPT, đòi I-ran phải chấm dứt hoàn toàn chương trình nghiên cứu phát triển nhiên liệu hạt nhân, đặc biệt công nghệ làm giàu U-ra-ni vừa có thể dùng cho nhà máy điện hạt nhân, vừa có thể làm bom nguyên tử. Tuy nhiên, về biện pháp để đạt mục tiêu thì có khác nhau. EU chủ trương bằng các biện pháp ngoại giao mềm dẻo, thương lượng với I-ran để giải quyết vấn đề. Các vòng đàm phán giữa ba nước Anh, Pháp, Đức đại diện EU với I-ran đã được tiến hành gần ba năm nay, vòng đàm phán hồi tháng 11-2004 đã từng đạt được thoả thuận là I-ran tạm ngừng chương trình làm giàu U-ra-ni trong thời gian thương lượng; đổi lại, EU sẽ cải thiện quan hệ chính trị và dành các ưu đãi thương mại cho nước này. Song, do sức ép của Mỹ nên các vòng đàm phán tiếp theo giữa EU và I-ran thường bị gián đoạn, không có kết quả.
Mỹ và I-xra-en thiên về biện pháp cứng rắn để giải quyết VĐHN của I-ran. Chính phủ I-xra-en không giấu ý đồ sử dụng mọi phương tiện, kể cả tiến công quân sự để phá huỷ các cơ sở hạt nhân của I-ran. Còn Mỹ, Tổng thống G.W.Bu-sơ đã từng liệt I-ran vào “trục ác quỷ”, nước ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, có tham vọng phát triển VKHN, thách thức các quyền lợi của Mỹ nên cần phải bị trừng phạt, từ bao vây kinh tế, cấm vận ngoại giao đến tiến công quân sự. Báo chí nước ngoài đang nói nhiều về khả năng Mỹ tiến công quân sự I-ran ở mức độ “đạn đã lên nòng”. Tờ “Điện tín chủ nhật” (Anh) dẫn lời một quan chức cao cấp của Lầu Năm góc cho biết, các nhà hoạch định của Bộ chỉ huy chiến lược và Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ đang lên kế hoạch tấn công I-ran; họ đang xác định mục tiêu, chuẩn bị vũ khí và công tác hậu cần cho chiến dịch tấn công quân sự chống I-ran như một biện pháp cuối cùng nhằm ngăn chặn chương trình phát triển VKHN của nước này. Mỹ đang nhằm ba mục tiêu: trước mắt là loại bỏ các cơ sở hạt nhân của I-ran bằng tên lửa tầm xa, làm tê liệt khả năng phát triển hạt nhân của nước này. Mục tiêu trung hạn là lật đổ Chính phủ I-ran, thay vào đó là chính phủ thân phương Tây được lập ra qua “bầu cử dân chủ”. Mục tiêu lâu dài sau đó là kiểm soát triệt để I-ran để tiến tới kiểm soát cả khu vực chiến lược trọng yếu và nhiều dầu hoả này. Mỹ đang cân nhắc ba phương án. Một là, tiến công quân sự, phát động chiến tranh như kịch bản đã từng diễn ra ở I-rắc. Nhưng thực tiễn I-rắc chắc sẽ làm nản lòng những tác giả của kịch bản này. Hai là, dùng tên lửa, máy bay ném bom, hay các đội đặc nhiệm tiến công phá huỷ các cơ sở hạt nhân của I-ran. Nhưng cho dù có thể phá huỷ các công trình hạt nhân của I-ran, cũng chỉ làm chậm quá trình phát triển hạt nhân của nước này và gây nên hậu quả xấu đối với mối quan hệ quốc tế, với thường dân vô tội và môi trường sinh thái, khiến cho I-ran trở thành kẻ thù không đội trời chung với Mỹ. Ba là, tiến hành chiến tranh tâm lý, gây bạo loạn lật đổ chế độ từ bên trong I-ran. Kịch bản này đã và đang được tiến hành. Ngày 14-2-2006, Ngoại trưởng C. Rai-xơ nói rằng Chính phủ Mỹ dự chi 85 triệu USD để giúp các tổ chức đối lập ở I-ran, từ đó làm cho nước này tự thay đổi từ bên trong. Nhưng cách làm này không chỉ đi ngược luật pháp của I-ran, mà còn kích thích sự phẫn nộ của Chính quyền nước này, càng làm tăng thêm tinh thần chống Mỹ của thế giới Hồi giáo nói chung và người dân I-ran nói riêng. Dư luận cho rằng, để thực hiện biện pháp “không đánh mà thắng” ở quốc gia Hồi giáo đang thâm thù Mỹ như I-ran là điều không tưởng. Hơn nữa, I-ran có rất nhiều biện pháp để phản kích lại Mỹ, đã cảnh báo nếu tiến công quân sự I-ran, Mỹ sẽ bị mắc bẫy, sa lầy còn tệ hại hơn cả ở I-rắc.
 Đứng trước triển vọng về giải pháp “cái gậy” thì lợi bất cập hại, và để làm dịu bớt mâu thuẫn với các đồng minh trong EU, từ đầu năm ngoái, Mỹ có chút “thay đổi chính sách” đối với I-ran, tuyên bố ủng hộ nỗ lực ngoại giao đàm phán của EU nhằm thuyết phục I-ran từ bỏ chương trình hạt nhân. Gần đây, phía Mỹ cũng nói tới việc “ưu tiên cho giải pháp ngoại giao” và giải pháp quân sự chỉ là biện pháp cuối cùng, nhưng Mỹ vẫn tránh đàm phán trực tiếp, song phương với I-ran. Thực tế, Mỹ vẫn thiên về các biện pháp cứng rắn, vận động, gây sức ép với các đồng minh và đối tác để đưa VĐHN của I-ran lên HĐBA LHQ xem xét các biện pháp trừng phạt, cấm vận I-ran. Với 27 phiếu tán thành, 3 phiếu chống và 5 phiếu trắng, IAEA đã thông qua nghị quyết đưa VĐHN của I-ran lên HĐBA LHQ. Dư luận nước ngoài coi đó là “thắng lợi ngoại giao của Mỹ”, đây cũng là sự chuẩn bị về ngoại giao, chính trị, chuẩn bị dư luận để tấn công quân sự I-ran khi cần thiết.
Trung Quốc và Nga là hai nước thường trực, có quyền phủ quyết trong HĐBA LHQ, đều có quan hệ hợp tác năng lượng và thương mại với I-ran, sự hợp tác này mang lại lợi ích to lớn cho các bên. Trung Quốc và Nga đều chủ trương giải quyết VĐHN của I-ran bằng con đường ngoại giao, đàm phán. Gần đây, các đặc phái viên của Trung Quốc và Nga đã tăng cường tới Tê-hê-ran đối thoại với lãnh đạo nước này để tìm cách giải quyết VĐHN của I-ran nhằm tránh bị LHQ áp đặt trừng phạt. Trung Quốc mong muốn có các cuộc trao đổi với I-ran quan điểm về VĐHN và cách giải quyết. Nga tập trung vào đề nghị làm giàu U-ra-ni tại Nga và cung cấp nhiên liệu đã xử lý để tiện cho việc giám sát chương trình phát triển hạt nhân của I-ran, giảm bớt sức ép của phương Tây đối với I-ran. I-ran chưa chấp thuận đề nghị của Nga, nhưng cho rằng các cuộc thảo luận với Nga là tích cực và hy vọng tiếp tục đối thoại với Nga về vấn đề này. Trước đây, Trung Quốc và Nga đều có chung quan điểm là giải quyết VĐHN của I-ran trong khuôn khổ IAEA, tránh đưa vấn đề này lên HĐBA LHQ, nhưng gần đây có sự điều chỉnh mang tính thoả hiệp, tán thành đưa VĐHN của I-ran lên HĐBA LHQ để thảo luận, vì Trung Quốc và Nga cũng không muốn có quan hệ căng thẳng, đối đầu với Mỹ và EU. Nhưng tại HĐBA LHQ, hai nước này có thể sẽ phủ quyết việc trừng phạt, cấm vận kinh tế I-ran. Vì việc này sẽ làm thiệt hại ngay tới lợi ích kinh tế của Trung Quốc và Nga. Trung Quốc là nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong các nền kinh tế lớn và đang “đói” nhiên liệu. Trung Quốc đã ký thoả thuận mua 250 triệu tấn khí tự nhiên hoá lỏng của I-ran trị giá 70 tỷ USD; 17 % lượng dầu của Trung Quốc là nhập từ I-ran; một công ty năng lượng của Trung Quốc đang chuẩn bị khai thác dầu khí ở I-ran. Các chuyên gia đã tính toán rằng, nếu bị cấm vận, I-ran ngừng xuất khẩu dầu, giá dầu thế giới sẽ lập tức tăng lên 100 USD/thùng. Với mức giá này, không nền kinh tế nào chịu đựng nổi, dù đó là Mỹ. Trung Quốc cũng sẽ là một trong những nước chịu hậu quả nặng nề nhất bởi lệnh cấm vận I-ran. Nga cũng thiệt hại không kém, vì nước này đã và đang xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở I-ran; I-ran cũng là khách hàng lớn tiêu thụ vũ khí của Nga.
Hồ sơ VĐHN của I-ran đang nằm trên bàn nghị sự của HĐBA LHQ - tổ chức quốc tế duy nhất có quyền ra lệnh trừng phạt bất cứ quốc gia nào vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, gây nguy hại cho hoà bình, an ninh thế giới. Dư luận cho rằng, khả năng thực tế lúc này là HĐBA LHQ chỉ có thể ra một Tuyên bố về VĐHN của I-ran và kêu gọi các bên liên quan tiếp tục đàm phán, kêu gọi I-ran tiếp tục có những nỗ lực “xây dựng niềm tin”, đánh tan những mối nghi ngờ, tiếp tục hợp tác với  IAEA để từng bước giải quyết vấn đề cho thấu tình đạt lý. Bởi vì, cho tới nay, IAEA thuộc LHQ qua thanh sát I-ran hàng năm trời cũng chưa đưa ra được chứng cứ rõ ràng nào, vẫn chỉ là mối “nghi ngờ” của phương Tây về việc nước này sản xuất, hay tàng trữ VKHN thì việc HĐBA LHQ ra lệnh trừng phạt I-ran là điều khó có thể. Giả thiết nếu như có một biến cố, hoặc một sức ép nào đó khiến LHQ phải ra lệnh trừng phạt I-ran bằng cấm vận kinh tế, ngoại giao…thì thật “lợi bất cập hại”, hậu quả tai hại không chỉ cho I-ran mà cho cả nhiều nền kinh tế thế giới. Còn giải pháp tiến công quân sự I-ran như Mỹ dự trù thì “bài học I-rắc” vẫn đang còn nóng hổi với Mỹ và cộng đồng quốc tế. Đặc biệt trong dịp kỷ niệm ba năm ngày nổ ra cuộc chiến I-rắc (20-3-2003 / 20-3-2006) thế giới đã chứng kiến những làn sóng người biểu tình chống chiến tranh ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới để thấy được “bài học I-rắc” còn đang nhức nhối lương tâm nhân loại biết chừng nào ! Không ai còn muốn thấy có một sự trùng hợp kỳ lạ và đau lòng ở I-rắc mà Mỹ đang mưu toan lặp lại ở I-ran: từ việc quy kết hai nước này trong “trục ác quỷ”, ủng hộ khủng bố, có VKHN để lấy cớ gây chiến tranh để rồi hậu quả tai hại không chỉ giáng xuống các nước bị tiến công mà còn cho cả lính Mỹ, dân Mỹ và cộng đồng quốc tế.
 Trong tình hình hiện nay, các giải pháp trừng phạt, cấm vận kinh tế, ngoại giao hoặc tiến công quân sự đối với I-ran đều phi lý và hậu quả khôn lường. Giải pháp đúng đắn, duy nhất cho vấn đề này chỉ có thể thông qua con đường thương lượng hoà bình, đối thoại đa phương, song phương, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, lắng nghe lẫn nhau, tìm ra tiếng nói chung, hài hoà giữa các quan điểm, lợi ích của các bên. Các kênh đối thoại giữa EU với I-ran, Nga, Trung Quốc với I-ran, v.v, cần được tiếp tục và mở thêm các kênh đối thoại mới, đặc biệt đối thoại trực tiếp giữa I-ran và Mỹ lúc này như sáng kiến của Anh là đáng hoan nghênh và rất cần thiết. HĐBA LHQ là cơ quan quyền lực để duy trì luật pháp quốc tế trong lúc này cần đóng vai trò chủ trì, hoặc trung gian hoà giải cho các cuộc đàm phán đa phương, song phương để giải quyết VĐHN của I-ran.
Dù lạc quan đến mấy, người ta cũng không thể trông chờ VĐHN của I-ran có thể được giải quyết nhanh chóng mà cần phải kiên trì, bền bỉ, vì vấn đề này là vô cùng phức tạp, là biểu hiện tập trung của nhiều mâu thuẫn, liên quan đến lợi ích của nhiều nước, nhiều bên và cả cộng đồng quốc tế. Chừng nào mà các mâu thuẫn, các vấn đề giữa Mỹ và phương Tây với I-ran nói riêng, thế giới A-rập Hồi giáo nói chung, hoặc giữa I-xra-en với Pa-le-xtin ,v.v, chưa được giải quyết một cách cơ bản, thì cũng chưa thể trông mong VĐHN của I-ran được giải quyết một cách cơ bản, lâu dài.
Chừng nào mà còn có một nước siêu cường muốn áp đặt các giá trị của riêng mình, muốn quy kết tuỳ tiện, thì cũng không mong VĐHN của I-ran được giải quyết một cách cơ bản, lâu dài. Tờ báo “Người bảo vệ” của Anh, ngày 18-1-2005 viết có lý rằng: “Đối với Tê-hê-ran, một kho VKHN sẽ như một phương tiện răn đe hữu ích chống lại cuộc xâm lược có thể có của Mỹ…Chỉ có những bảo đảm an ninh từ Mỹ, như là một phần của sự dàn xếp chính trị rộng lớn hơn, mới có thể thuyết phục được I-ran có những nhượng bộ lâu bền trong lĩnh vực hạt nhân”. Phải chăng, từ bỏ chính sách thù địch lẫn nhau, cũng là mấu chốt để giải quyết vấn đề này ?
Phổ biến, phát triển VKHN là một nguy cơ, hiểm hoạ của toàn nhân loại, cần phải bị nghiêm cấm. Nhưng chừng nào còn có những nước mà VKHN đầy ắp trong kho, lại không ngừng cải tiến, phát triển thì làm sao cấm được người khác ! Không phải ngẫu nhiên mà các nhà lãnh đạo I-ran nói rằng, các nước phương Tây trước tiên hãy giải trừ VKHN của mình nếu họ muốn bảo đảm hoà bình, an ninh thế giới. Không ai được phép bào chữa hoặc khuyến khích cho một nước có ý đồ phát triển VKHN. Nhưng những sự thật, những mâu thuẫn, những sự “ngược đời”, “trái khoáy” trên đây vẫn tồn tại nên cuộc đấu tranh để giải trừ VKHN, loại trừ nỗi ám ảnh của bóng ma huỷ diệt loài người vẫn hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài và gian khổ! Chỉ biết, và tin rằng, nền văn minh nhân loại cuối cùng sẽ chiến thắng, trường tồn.
 
Nguyễn Trung
 

Ý kiến bạn đọc (0)