QPTD -Thứ Hai, 28/11/2011, 23:32 (GMT+7)
Quân chủng Hải quân thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, chính sách hậu phương quân đội và phong trào \\"Đền ơn đáp nghĩa\\"
Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, song hậu quả của nó để lại còn rất nặng nề; sự hy sinh, mất mát của các thương binh, gia đình liệt sĩ... là vô cùng to lớn. Thực hiện tốt việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" là trách nhiệm, tình cảm, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc; đồng thời, là biểu hiện cụ thể và sinh động đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về công tác thương binh, liệt sĩ (TB, LS). Điều đó không chỉ có ý nghĩa là sự trân trọng, ghi nhớ công ơn, sự bù đắp, động viên đối với những người có công và gia đình có người thân hy sinh vì Tổ quốc, mà còn tác động mạnh mẽ đến những người đang và sẽ cống hiến vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Với truyền thống của Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: lúc hy sinh, gian khổ, hoạn nạn có nhau, khi hoà bình nghĩa tình đồng chí vẫn không phai mờ, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, trực tiếp là của Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ), Bộ Quốc phòng về thực hiện công tác TB, LS, người có công và Hướng dẫn của Tổng cục Chính trị về đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trong giai đoạn mới. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Quân chủng đã tổ chức quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chỉ đạo của Thường vụ ĐUQSTƯ về chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, thực hiện chính sách TB, LS và hậu phương quân đội. Đảng ủy Quân chủng có Nghị quyết chuyên đề về công tác TB, LS, thực hiện phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; cơ quan chính trị các cấp có Hướng dẫn cụ thể cho đơn vị mình tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương quan trọng đó của Đảng và Nhà nước. Các đơn vị trong Quân chủng đã kết hợp chặt chẽ giữa việc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác TB, LS với việc giáo dục sâu sắc đạo lý và truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc cũng như tình cảm đồng chí, đồng đội của quân đội ta. Đồng thời, tích cực tuyên truyền về phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" và thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Qua đó, mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trong Quân chủng đều nhận thức được công lao to lớn của các thế hệ đi trước, những người đã vĩnh viễn ngã xuống hoặc đã cống hiến một phần xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc... Do làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục, nên toàn Quân chủng đã dấy lên được phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" sâu, rộng. Từ đất liền đến hải đảo, từ nhà máy, xí nghiệp đến mỗi con tàu, đài, trạm rađa..., ở đâu, cán bộ, chiến sĩ Hải quân cũng đều tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện công tác TB, LS và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng tình cảm, trách nhiệm với cả tấm lòng kính trọng, biết ơn, mang lại hiệu quả thiết thực.
Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày TB, LS, Quân chủng đã vận động mọi người hưởng lương đóng góp xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; đến nay các đơn vị đã đóng góp được trên 4 tỉ đồng; ngoài ra còn tham gia vào quỹ này của các địa phương được hơn 1 tỉ đồng. Nhân kỷ niệm Ngày TB, LS và vào các dịp lễ, tết, các đơn vị đã dùng quỹ vốn nội bộ phục vụ cho việc gặp mặt, thăm và tặng quà thương binh, thân nhân liệt sĩ với số tiền hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, Quân chủng còn chủ động phối hợp với cơ quan quân sự và lãnh đạo, chính quyền các địa phương đi thăm, tặng quà động viên các đồng chí thương binh tại các trung tâm điều dưỡng, các bệnh binh trong các bệnh viện, các thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công trên địa bàn đóng quân với số tiền gần 7 tỉ đồng. Việc giải quyết các tồn đọng chính sách trong chiến tranh được đẩy nhanh tiến độ, nhất là công tác cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ trên các đảo về nghĩa trang theo quy định; việc xác nhận số thương binh còn tồn đọng hoặc đã chuyển ra ngoài quân đội theo Thông tư Liên tịch số 16/1998/TTLT giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Thông tư số 20 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bảo đảm chặt chẽ về nguyên tắc, thủ tục hồ sơ và quyền lợi cho anh em. Quân chủng cũng rất quan tâm đến các đối tượng chính sách trên địa bàn đóng quân, với các hình thức thiết thực, như thăm hỏi, khám, chữa bệnh lúc ốm đau, tặng quà vào dịp lễ, tết.
Trong những năm qua, các đơn vị trong Quân chủng đã xây dựng được 119 Nhà tình nghĩa, tương đương với số tiền gần 3 tỉ đồng để tặng các gia đình chính sách; sửa chữa 68 Nhà tình nghĩa; tặng 530 Sổ tiết kiệm tình nghĩa với số tiền gần 500 triệu đồng. Hưởng ứng chương trình “Xây dựng 1.000 Nhà tình nghĩa” do Bộ Quốc phòng phát động nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày TB, LS, các đơn vị trong Quân chủng đã xây dựng được 39 nhà, vượt chỉ tiêu 5 nhà theo kế hoạch. Hiện toàn Quân chủng đang phụng dưỡng 48 mẹ Việt Nam Anh hùng, 30 bố, mẹ liệt sĩ cô đơn. Ngoài ra, các đơn vị còn duy trì trợ cấp học bổng, tạo việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh nặng.
Do đặc điểm của Quân chủng là đóng quân trên địa bàn rộng, một số đơn vị ở rất xa đất liền, nên tình hình gia đình có tác động không nhỏ đến việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ. Bởi vậy, Quân chủng rất quan tâm đến công tác chính sách, động viên gia đình quân nhân trong Quân chủng; các đơn vị luôn thực sự là cầu nối giữa gia đình với cán bộ, chiến sĩ và giữa cán bộ, chiến sĩ với gia đình, nhất là những đồng chí đóng quân trên đảo xa. Việc làm đó đã thực sự giúp cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm hơn trong công tác và các gia đình cũng bớt lo lắng về người thân của mình, qua đó góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Hằng năm, Quân chủng phối hợp với cơ quan quân sự và lãnh đạo, chính quyền các địa phương đi thăm, tặng quà động viên các gia đình có quân nhân đang làm nhiệm vụ ở những nơi khó khăn, gian khổ, như Trường Sa, DK1. Nhiều Tết nguyên đán của dân tộc, Quân chủng đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình trực tiếp giữa đảo xa với đất liền... Nhờ đó, tình cảm của những người ở đất liền với những người ở đảo xa càng gắn bó chặt chẽ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ ta càng được nâng cao hơn.
Thực hiện Nghị định số 63/2003/NĐ - CP ngày 18/6/2003 của Chính phủ về khám, chữa bệnh cho thân nhân sĩ quan tại ngũ, Quân chủng đã triển khai làm giấy chứng nhận và kết hợp với địa phương mua Thẻ bảo hiểm y tế cho gần 10.000 thân nhân cư trú ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hằng năm, các đơn vị tổ chức thăm, viếng kịp thời bố, mẹ, vợ, con của cán bộ khi ốm đau, tai nạn hoặc từ trần; thực hiện việc trợ cấp khó khăn đột xuất do thiên tai, bão lũ với các gia đình cán bộ, chiến sĩ theo đúng quy định. Nhằm tạo điều kiện cho bộ đội ở Trường Sa nghỉ dưỡng, phục hồi sức khoẻ, được sự giúp đỡ của Công ty Tân cảng Sài Gòn, Quân chủng đã xây dựng một khu điều dưỡng tại tỉnh Lâm Đồng, với số tiền là 3,5 tỉ đồng.
Các hoạt động cụ thể mang ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc của Quân chủng Hải quân đã góp phần động viên, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, cũng như gia đình của cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng giảm đi một phần khó khăn trong cuộc sống. Việc làm của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong lãnh đạo, chính quyền và nhân dân các địa phương. Đó là sự bày tỏ tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân; đồng thời, là sự động viên, khích lệ mọi cán bộ, chiến sĩ Hải quân tiếp tục phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của những người đi trước.
Sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc đang đặt ra cho Quân chủng Hải quân nhiệm vụ rất nặng nề. Do tính chất nhiệm vụ, các đơn vị của Quân chủng đóng quân dọc theo bờ biển đất nước, các vùng đảo xa bờ; trong khi đối tượng chính sách lại đông và có nhiều trường hợp còn hết sức khó khăn. Điều đó đòi hỏi Quân chủng vừa phải tập trung xây dựng lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, vừa phải thực hiện tốt hơn công tác TB, LS, chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, ngành Chính sách Quân chủng cần làm tốt hơn nữa chức năng tham mưu cho lãnh đạo và chỉ huy các cấp phát huy tốt đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và nghĩa tình đồng đội trong mọi cơ quan, đơn vị, mọi cán bộ, chiến sĩ Quân chủng, đưa công tác TB, LS, chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển sâu, rộng, đạt được những thành tích vững chắc hơn nữa. Trước mắt, các đơn vị cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao hơn nữa nhận thức cho mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên về công tác TB, LS, chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Hai là, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ban, ngành thực hiện có hiệu quả cao công tác TB, LS, chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Ba là, tập trung kiện toàn, nâng cao trình độ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách; phấn đấu không để xảy ra sai sót, tiêu cực làm ảnh hưởng đến quan điểm, chủ trương, chính sách ưu đãi người có công của Đảng, Nhà nước và truyền thống đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Bốn là, tích cực nghiên cứu, tiếp thu, ứng dụng những thành tựu mới của khoa học, công nghệ quản lý; đặc biệt là công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát huy vai trò, hiệu quả công tác chính sách của Quân chủng trong thực tiễn.
Đại tá Nguyễn Cộng Hòa
Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân
 
Ý kiến bạn đọc (0)