QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 23:03 (GMT+7)
Quân chủng Hải quân kết hợp kinh tế với quốc phòng, góp phần nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Quân chủng Hải quân là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Lực lượng Hải quân đóng quân dọc suốt chiều dài bờ biển đất nước, thuộc 28 tỉnh, thành phố giáp biển, được phân chia thành các vùng hải quân (theo địa lý vùng biển) với các cụm đóng quân, canh phòng tương ứng. Trong khi đặt trọng tâm vào nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển, đảo, Bộ đội Hải quân đã tích cực sản xuất, xây dựng kinh tế, coi đó là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài, nhằm góp phần nâng cao khả năng quản lý, bảo vệ biển, đảo.

Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ sản xuất, làm kinh tế của quân đội, nhất là Nghị quyết số 71/ĐUQSTW, ngày 25-4-2002 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về “Nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội trong thời kỳ mới. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, gắn phát triển kinh tế biển với tăng cường quốc phòng- an ninh (QP-AN) trên biển, đảo và đã đạt kết quả quan trọng. Phát huy thế mạnh của lực lượng đóng quân và hoạt động trên địa bàn chiến lược biển, đảo, Bộ đội Hải quân đã và đang tham gia phát triển một số loại hình kinh tế biển, như: khai thác, chế biến, nuôi trồng, xuất khẩu thủy- hải sản; khai thác hải sản xa bờ; sửa chữa, đóng mới tàu quân sự và tàu dân sự; dịch vụ biển (chủ yếu là dịch vụ bảo vệ thăm dò, khai thác dầu khí trên biển); dịch vụ cảng biển (xếp dỡ hàng hóa, trung chuyển Container,...). Lực lượng tham gia sản xuất, làm kinh tế bao gồm: các doanh nghiệp (lực lượng nòng cốt), các đơn vị thường trực và đơn vị dự toán có thu; địa bàn hoạt động cả trên biển đảo, cả trên đất liền và ven biển.  

 Các doanh nghiệp Hải quân từng bước được bố trí, sắp xếp lại, phù hợp với cơ cấu vùng, miền và nhiệm vụ của Quân chủng; được đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả hoạt động. Một số doanh nghiệp (Công ty Hải sản Trường Sa và Công ty 128) tham gia hoạt động ở các lĩnh vực kinh tế biển mà mình có nhiều lợi thế và bề dày kinh nghiệm (khai thác, chế biến, nuôi trồng hải sản), vừa tham gia phát triển kinh tế biển, vừa kết hợp quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên từng vùng biển, đảo. Nổi bật là, các doanh nghiệp đã từng bước đầu tư phát triển đội tàu đánh bắt cá xa bờ, hoạt động trên các ngư trường Vịnh Bắc Bộ, khu vực quần đảo Trường Sa, thềm lục địa phía Nam, kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá (cung cấp dầu, nước đá, bốc xếp, vận chuyển hải sản cho ngư dân) ở các vùng biển xa. Lực lượng của các tàu khi làm nhiệm vụ sản xuất kinh tế trên biển đã kết hợp quan sát phát hiện, xua đuổi hàng ngàn lượt tàu thuyền đánh cá, tàu thăm dò, khai thác dầu khí của nước ngoài xâm phạm lãnh hải của Tổ quốc; cùng các lực lượng khác ngăn chặn có hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên biển và bắt giữ nhiều tàu thuyền vi phạm, giao cho các địa phương xử lý. Đây còn là lực lượng nòng cốt trong việc giữ gìn an ninh, trật tự trên các vùng biển, là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân và các lực lượng khác của ta hoạt động trên biển, tạo điều kiện cho các lực lượng phát triển kinh tế biển, nhất là ở các vùng biển, đảo xa. Hệ thống cảng biển Hải quân từng bước được mở rộng, nâng cấp cả về quy mô, thiết bị, công nghệ (riêng Công ty Tân cảng Sài Gòn có năng lực tương đương với các cảng biển khu vực và là nhà khai thác cảng biển hàng đầu của Việt Nam), không những nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng Hải quân, mà còn tham gia có hiệu quả vào việc phát triển kinh tế đất nước (trung bình hằng năm có trên 15 triệu tấn hàng hóa lưu chuyển qua cảng). Các doanh nghiệp đóng tàu, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ đóng mới, sửa chữa tàu quân sự, đã tận dụng công năng chưa sử dụng để tham gia đóng mới, sửa chữa hàng trăm tàu, thuyền, phương tiện thủy cho lực lượng tìm kiếm, cứu nạn và các thành phần kinh tế của các ngành, địa phương trong cả nước...Hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp ngày càng cao, tốc độ tăng trưởng khá (trung bình 5 năm gần đây đạt trên 30%), lợi nhuận hơn 10% so với giá trị doanh thu, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giao nộp với Nhà nước, giải quyết việc làm và bảo đảm ổn định đời sống cho hàng vạn lao động. Năm 2008, mặc dù gặp nhiều khó khăn gay gắt, nhưng doanh thu khối doanh nghiệp đạt hơn 3.693 tỷ đồng (tăng 36% so với năm 2007), nộp ngân sách trên 247 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 668 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 5,5 triệu đồng/người/ tháng... Nhờ SXKD có hiệu quả, các doanh nghiệp đã thực hiện tái đầu tư xây dựng cơ sở nội lực, giữ gìn và phát triển năng lực sản xuất quốc phòng, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật có tay nghề cao và hệ thống dây chuyền công nghệ; đồng thời, đóng góp bổ sung ngân sách để cân đối bảo đảm cho các nhiệm vụ của Quân chủng.

Các đơn vị thường trực và đơn vị dự toán có thu, trong khi đặt trọng tâm vào nhiệm vụ chính trị trung tâm, đã tích cực tăng gia sản xuất, làm kinh tế, tạo nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ đưa vào cải thiện bữa ăn hằng ngày của bộ đội; tạo nguồn thu ngân sách (năm 2008 đạt gần 51 tỷ đồng) đưa vào cân đối bảo đảm các hoạt động của đơn vị, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, làm kinh tế của Bộ đội Hải quân còn những mặt hạn chế. Đó là, kết quả hoạt động sản xuất, làm kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng; quy mô kinh tế biển còn nhỏ lẻ; hầu hết các doanh nghiệp chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, năng lực sản xuất còn hạn chế, sức cạnh tranh với thị trường chưa cao; cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa được xây dựng đồng bộ; chưa có quy hoạch và dự án tổng thể kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường QP-AN bảo vệ biển, đảo và ven biển...  

Thời gian tới, Quân chủng tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trên cơ sở đó, Quân chủng đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất, làm kinh tế lên một bước mới; phát huy vai trò nòng cốt tham gia xây dựng và phát triển KT-XH, gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận QP-AN trên biển, đảo; trong đó, tập trung phát triển các loại hình kinh tế có hiệu quả và mang tính chất đặc thù quốc phòng, có khả năng kết hợp tốt giữa nhiệm vụ phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN bảo vệ biển, đảo. Để thực hiện mục tiêu, phương hướng đó, Quân chủng tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau.

Chủ động tham mưu với Bộ Quốc phòng trình Nhà nước quy hoạch, xây dựng các khu kinh tế- quốc phòng (KT-QP) trên các vùng biển, đảo. Theo đó, Dự án khu KT-QP biển đảo (đang trình Nhà nước phê duyệt), khi được thông qua, sẽ tạo cơ sở vững chắc cho quá trình thực hiện kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Nhiệm vụ chủ yếu của các khu KT-QP trên biển, đảo là: xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân cư làm ăn, sinh sống; làm chỗ dựa cho người dân phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng, nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển kinh tế hàng hóa; thông qua đó, tiến hành xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ tại chỗ làm nòng cốt và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên biển, đảo. Khu KT-QP trên biển, đảo được tổ chức theo từng vùng hải quân; thành phần lực lượng chủ yếu là các hải đoàn (do Quân chủng trực tiếp tổ chức và quản lý), các cơ sở sản xuất, chế biến, nuôi trồng thủy sản xa bờ, các điểm dân cư trên đảo, quần đảo xa. Cơ chế hoạt động của Đoàn KT-QP được xác định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cấp trên giao, bảo đảm sự phối hợp hoạt động với các vùng hải quân và chính quyền địa phương, có tư cách pháp nhân để giải quyết các vấn đề theo phạm vi chức trách và quan hệ phối hợp với các địa phương vùng dự án, các đơn vị quân đội trên địa bàn.

Với Dự án này, hoạt động sản xuất, làm kinh tế của Bộ đội Hải quân sẽ có sự  chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu ngành nghề theo hướng phát triển các hoạt động dịch vụ biển, chuyển đổi và xã hội hóa các ngành nghề trực tiếp sản xuất, như: khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy, hải sản. Trong đó, xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá được coi là mũi nhọn với các hình thức: xây dựng các đội tàu công ích, thu mua, chế biến hải sản; cung cấp dầu, nước ngọt, nước đá, lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ, sửa chữa nhỏ tàu thuyền; quy hoạch và xây dựng chợ hải sản ở khu vực các đảo xa, triển khai dịch vụ cứu hộ, cứu nạn; xây dựng các âu tàu, khu neo đậu tránh bão, cảng cập tàu; nghiên cứu, xây dựng mô hình tàu (hải đoàn) gắn với các tàu cá của dân, thông qua ký kết hợp đồng giữa hải đoàn với dân; xây dựng mô hình hoạt động nuôi trồng hải sản xa bờ; hình thành những điểm du lịch tại các đảo có điều kiện thuận lợi..., tạo cơ sở phát triển KT-XH kết hợp với tăng cường QP-AN trên biển đảo, nhất là trên các huyện đảo lớn, quần đảo xa bờ có vị trí then chốt trên biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên, việc xây dựng khu KT-QP biển đảo là rất khó khăn, cần có sự cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là các địa phương ven biển.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả hoạt động SXKD của các doanh nghiệp. Cùng với việc hoàn thành sắp xếp lại doanh nghiệp (theo Quyết định 339/QĐ-TTg, ngày 31-3-2008 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 75/2008/CT-BQP của Bộ Quốc phòng), hình thành các doanh nghiệp đa ngành và 100% doanh nghiệp thuộc loại hình doanh nghiệp QP-AN, Quân chủng chú trọng nâng cao trình độ quản lý, tay nghề của đội ngũ chuyên môn kỹ thuật, nhất là thợ lành nghề; từng bước đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, trọng tâm là công nghệ đóng tàu quân sự, xây dựng và khai thác cảng biển, nuôi trồng, chế biến hải sản, dịch vụ hàng hải, du lịch,...Trên  cơ sở đó, tạo nền tảng cho doanh nghiệp nâng cao năng lực thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển, trên các đảo, nhất là các cảng nước sâu, vừa nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng hải quân quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vừa tham gia phát triển KT-XH đất nước; đồng thời, thực hiện đồng bộ các biện pháp, không ngừng nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp, trước hết là hiệu quả phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN trên biển, đảo.

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả sản xuất, làm kinh tế của các đơn vị thường trực, các đơn vị dự toán có thu. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị thường trực cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường và thế mạnh tại chỗ, chủ động khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất với các hình thức phù hợp, kết hợp với quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư, sản phẩm thu hoạch, tạo nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ với giá thành hợp lý để đưa vào cải thiện bữa ăn hằng ngày của bộ đội, tạo nguồn thu hỗ trợ cho các hoạt động của đơn vị. Các đơn vị dự toán có thu cần tổ chức có hiệu quả hoạt động dịch vụ gắn với kỹ thuật, chuyên môn, bảo đảm đúng quy định; vừa tham gia phát triển kinh tế biển của đất nước, vừa tạo nguồn thu đưa vào cân đối chung bảo đảm cho các nhiệm vụ của đơn vị và đóng góp một phần ngân sách cho Quân chủng, góp phần xây dựng Quân chủng Hải quân vững mạnh toàn diện, tạo cơ sở nâng cao sức mạnh chiến đấu, tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới.

Chuẩn đô đốc LÊ VĂN ĐẠO

Phó Tư lệnh Quân chủng

 

Ý kiến bạn đọc (0)