QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 22:38 (GMT+7)
Qua hơn 5 năm giáo dục quốc phòng ở Thái Nguyên - kết quả và những vấn đề đặt ra

Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi, nằm ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội, nơi đây từng là Thủ đô kháng chiến - "Thủ đô gió ngàn" trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, là cửa ngõ vào khu Việt Bắc. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thái Nguyên là trung tâm của tiểu vùng Đông Bắc nên có vị trí chiến lược hết sức quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng-an ninh (QP-AN). Bởi vậy, trong khi tập trung phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, Thái Nguyên hết sức chăm lo nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương nói chung và công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) nói riêng. Đặc biệt từ khi có Chỉ thị của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) và Nghị định của Chính phủ về tăng cường công tác GDQP toàn dân trước tình hình mới, công tác GDQP ở Thái Nguyên có sự chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu và đạt chất lượng, hiệu quả cao, tương đối toàn diện, vững chắc trên tất cả các mặt công tác.

Hội đồng GDQP Tỉnh và 9/9 huyện, thành, thị đều thành lập Hội đồng GDQP và ngày càng được củng cố, kiện toàn bảo đảm số lượng đủ và chất lượng ngày càng cao (nhất là sau cuộc bầu cử hội đồng nhân dân 3 cấp, sau đại hội Đảng nhiệm kỳ các cấp và sau kỳ bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ) giúp ủy ban nhân dân (UBND) cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động và có những định hướng quan trọng về công tác GDQP ở cấp mình, địa phương mình; theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra sự phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp cơ sở, các tổ chức chính trị, xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ GDQP.
Cơ quan quân sự các cấp đã phát huy tốt chức năng là cơ quan thường trực của Hội đồng GDQP cấp mình, làm tham mưu cho cấp ủy, UBND về tổ chức thực hiện công tác GDQP. Nhờ vậy, công tác GDQP đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí quốc phòng, giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH cho toàn dân, nhất là cho thế hệ trẻ, xây dựng ý thức và tinh thần trách nhiệm của toàn dân, nhất là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các đoàn thể đối với nhiệm vụ QP-AN của địa phương, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời nâng cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, hạn chế những tác động mặt trái của cơ chế thị trường và những tệ nạn xã hội, góp phần quan trọng củng cố "thế trận lòng dân", xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền và chế độ XHCN.
Trong Nghị quyết lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND Tỉnh đã xác định rất cụ thể chủ trương về nội dung, nhiệm vụ, đối tượng, chỉ tiêu thực hiện công tác GDQP, tạo điều kiện thuận lợi để từng địa phương, cơ quan, đơn vị, nhà trường chủ động thực hiện tốt công tác quản lý GDQP cho các đối tượng theo đúng chương trình, nội dụng, thời gian quy định và từng bước đổi mới phương pháp giáo dục.
Trước hết, công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các đoàn thể từ Tỉnh đến cơ sở. Đây là việc làm có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt. Bởi vì, lực lượng này rất quan trọng, họ trực tiếp lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc hằng ngày ở địa phương, cơ sở. Hơn ai hết, họ phải được quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, quân sự, an ninh, về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và gần đây, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ rõ "Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công nhân viên và cho toàn dân, có nội dung phù hợp với từng đối tượng và đưa vào chương trình chính khóa trong các nhà trường theo cấp học, bậc học". Với tinh thần đó, hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng GDQP Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng của Tỉnh rà soát toàn bộ đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các đoàn thể trong Tỉnh, nắm chắc số lượng từng đối tượng cán bộ cần tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng theo quy định, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND và Hội đồng GDQP Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi để những đồng chí này đi bồi dưỡng kiến thức QP-AN an tâm phấn khởi lên đường học tập. Nhờ vậy, hằng năm hầu hết các chỉ tiêu phân bổ cho các loại đối tượng đều bảo đảm yêu cầu đi bồi dưỡng 100%. Riêng 9 tháng đầu năm 2006 toàn Tỉnh có 144 cán bộ chủ chốt các cấp được bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Trong quá trình học tập, các đồng chí đều có tinh thần trách nhiệm cao, miệt mài, tích cực nghiên cứu tìm tòi, liên hệ giữa lý luận với thực tiễn ở địa phương, cơ sở. Do vậy, kết quả các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN đều đạt 90-100% khá giỏi.
Hai là, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả GDQP cho học sinh, sinh viên là mối quan tâm thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành và các nhà trường. Bởi vì, Thái Nguyên là một trong những trung tâm đào tạo lớn của cả nước, có Đại học Thái Nguyên với 5 trường đại học thành viên, 14 trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp (THCN), Dạy nghề và 29 trường Trung học phổ thông (THPT), được Chính phủ xác định là trung tâm của tiểu vùng Đông Bắc. Lưu lượng GDQP hằng năm rất lớn, đây lại là những chủ nhân tương lai của đất nước. Trong năm học 2005-2006 cả Tỉnh có trên 66.000 học sinh, sinh viên cần được GDQP. Nhờ sự cố gắng của tất cả các nhà trường và các cơ quan chức năng như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương, Trung tâm GDQP, Đại học Thái Nguyên đã khắc phục khó khăn, thiếu thốn về giáo viên GDQP, về cơ sở vật chất, mô hình học cụ, thao trường, bãi tập để đến tháng 5 năm 2006 Tỉnh đã hoàn thành chương trình GDQP theo quy định cho 100% học sinh, sinh viên. Trong đó, nhiều hình thức giáo dục được áp dụng như: lồng ghép môn GDQP với các môn khoa học xã hội có liên quan như: lịch sử, văn học, nhà nước và pháp luật. Tham quan di tích lịch sử cách mạng, tìm hiểu lịch sử, truyền thống đánh giặc của quê hương, đất nước, nêu gương các anh hùng, liệt sĩ trên quê hương để khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương cho học sinh, sinh viên. Trang bị cho thế hệ trẻ những tri thức quân sự cần thiết, những quan điểm, đường lối của Đảng về chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và những kỹ năng quân sự cần thiết, góp phần quan trọng trong chiến lược đào tạo con người mới XHCN phát triển toàn diện để tham gia vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Qua kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, tất cả học sinh, sinh viên đều đạt yêu cầu trở lên, riêng khối THPT có 66,2% khá giỏi, khối THCN, dạy nghề có 68,1% khá giỏi, khối Cao đẳng, Đại học có 67,7% khá giỏi.
Năm học 2005-2006, Thái Nguyên có 8 trường THPT, 3 trường dạy nghề và 8 trường cao đẳng, THCN thực hiện học rải môn GDQP. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên GDQP, tháng 8/2006, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chọn cử 13 giáo viên đủ tiêu chuẩn để đào tạo giáo viên GDQP tại Đại học Thái Nguyên và Đại học Sư phạm Hà Nội, phấn đấu năm học 2006-2007 các trường đều có giáo viên GDQP.
Ba là, đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức GDQP cho toàn dân. Đây là đối tượng GDQP đông đảo nhất, có vai trò quyết định đến việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Tỉnh. Những năm qua, công tác GDQP cho đối tượng toàn dân đã được Tỉnh thực hiện khá toàn diện, có hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng tăng cường "thế trận lòng dân", xây dựng và củng cố niềm tin yêu, gắn bó của đồng bào các dân tộc với Đảng, chính quyền. Việc GDQP cho nhân dân do Tỉnh ủy lãnh đạo, UBND chỉ đạo, trực tiếp là Hội đồng GDQP ở cấp tỉnh và các huyện, thành, thị đảm nhiệm. Nhờ sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Hội đồng GDQP Tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa - Thông tin chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, trước hết là báo, đài, phát thanh, truyền hình Tỉnh theo định kỳ mở chuyên trang, chuyên mục về QP-AN. Chỉ tính riêng năm 2005, ở cấp Tỉnh đã có gần 300 tin, bài tuyên truyền trên báo Thái Nguyên, báo Quân khu 1, báo Quân đội nhân dân và Tạp chí Quốc phòng toàn dân; gần 100 tin, bài phát sóng trên truyền hình Tỉnh, truyền hình Quân đội nhân dân và hàng trăm tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương. Nhiều địa phương, cơ sở, nhà trường còn thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền thông qua các ngày kỷ niệm, các cuộc sinh hoạt, giao lưu do các tổ chức, đoàn thể quần chúng thực hiện như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...; trong các đợt huấn luyện dân quân, tự vệ, lực lượng dự bị động viên; trong các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ, truyền thống Quân đội nhân dân và truyền thống dân tộc... Chính quyền các cấp huy động các tổ chức, đoàn thể, các già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo, trưởng tộc ở cơ sở cùng tham gia GDQP cho nhân dân.
Do đặc điểm Thái Nguyên có 8 dân tộc chính cùng sinh sống, nghề nghiệp chính chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, lại thường xuyên phân tán nhỏ lẻ, khả năng nhận thức không đồng đều và phong tục, tập quán, tín ngưỡng khác nhau nên GDQP cho đối tượng này, cán bộ phải thường xuyên sâu sát, đồng cảm, hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để không chỉ phổ biến, tuyên truyền mà còn giải thích, vận động và thuyết phục nhân dân thấy được lợi ích thiết thân của công tác QP-AN là vì dân, xuất phát từ quyền lợi của nhân dân, trong đó có gia đình và bản thân họ. Một hình thức nữa cũng được Thái Nguyên áp dụng có hiệu quả là Tỉnh tăng cường bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên GDQP ở cơ sở (gồm những người được lựa chọn, có năng khiếu, còn sức khỏe, có nhiệt tình trong các Chi hội Cựu chiến binh, trong lực lượng dân quân, tự vệ, những người nghỉ hưu) để phát triển hình thức tuyên truyền miệng về QP-AN thông qua các sinh hoạt tập thể của nhân dân. Ngoài ra, lực lượng bộ đội địa phương và các đơn vị đóng quân trên địa bàn hằng năm tổ chức các đoàn dã ngoại làm công tác dân vận, kết hợp GDQP cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn, ít cập nhật thông tin để nhân dân hiểu được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cảnh giác với các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, không nghe lời kẻ xấu, không di dịch cư tự do, không tham gia truyền đạo trái pháp luật.
Tuy vậy, để thực hiện tốt  GDQP ở Thái Nguyên, chúng tôi đề xuất, kiến nghị một số vấn đề sau:
1- Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu, sớm thống nhất biểu biên chế giáo viên chuyên trách GDQP ở các trường THPT để nhà trường có điều kiện học rải môn GDQP ra đều các tuần trong năm và thống nhất chế tài cho, tính điểm của học sinh đối với môn GDQP như các môn học khác để đảm bảo sự công bằng, chính xác giữa các nhà trường và học sinh thực sự quan tâm đến môn học.
2- Việc phân cấp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng đến nay đã có thay đổi phù hợp với thực tế, trong đó: đối tượng 2 đã giao một phần cho cấp Tỉnh bồi dưỡng; đối tượng 3 đã giao cho cấp huyện tổ chức bồi dưỡng. Như vậy, Trường Quân sự Quân khu I không có điều kiện giảng dạy cho đối tượng 2 ở tất cả các lớp của 6 tỉnh trên địa bàn Quân khu và Trường Quân sự Tỉnh không thể tham gia giảng dạy cho các lớp ở tất cả các huyện, thành, thị trên địa bàn Tỉnh, trong khi đó lại cấp “giấy chứng nhận” nên gặp nhiều khó khăn. Đề nghị phân cấp việc cấp giấy chứng nhận, cấp nào bồi dưỡng thì cấp đó cấp giấy chứng nhận.
 
Đại tá Nguyễn Văn Trình
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy,
Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)