QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 23:30 (GMT+7)
Phương pháp khoa học để nhận thức bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác- Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới

Chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động cách mạng của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chủ nghĩa Mác-Lê-nin nghiên cứu những quy luật tổng quát của sự phát triển xã hội làm cơ sở khoa học cho mục tiêu và điều kiện giải phóng xã hội. Những phát kiến: quan điểm duy vật về lịch sử; lý luận về giá trị thăng dư; vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là những phát ki?n vĩ đại của chủ nghĩa Mác, có ý nghĩa vạch thời đại. Những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) của chủ nghĩa Mác-Lê-nin là những định hướng hết sức quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta.
Bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lê-nin được thể hiện trong sự thống nhất giữa phương pháp và nội dung lý luận của học thuyết. Bản chất này bắt nguồn từ quan điểm biện chứng duy vật và tinh thần nhân đạo hiện thực của giai cấp công nhân. Đó là cái tinh tuý nhất, cốt lõi nhất của toàn bộ học thuyết Mác-Lê-nin mà tính biện chứng mác-xít của nó về thực chất luôn luôn bao chứa tính phê phán và cách mạng.
Sự thống nhất bên trong giữa phương pháp và lý luận làm cho chủ nghĩa Mác-Lê-nin luôn luôn là một học thuyết mở, có khả năng và tất yếu không ngừng tự phát triển trong dòng trí tuệ của toàn nhân loại. Toàn bộ học thuyết Mác-Lê-nin có giá trị bền vững xét trong tính biện chứng, tinh thần nhân đạo và hệ thống tư tưởng cốt lõi của nó. Đồng thời tinh hoa trí tuệ  của nhân loại sẽ góp phần phát triển học thuyết Mác-Lê-nin làm cho nó được thường xuyên cập nhật và khi đủ điều kiện sẽ nâng lên một chất lượng mới.
Chủ nghĩa Mác-Lê-nin với tư cách là một học thuyết về sự giải phóng và phát triển xã hội với nội dung triệt để và toàn diện hơn tất cả những lý luận đã có trước khi nó ra đời. Học thuyết Mác-Lê-nin không những chỉ ra mục tiêu, đối tượng của sự giải phóng và phát triển mà còn chỉ ra những lực lượng và động lực thực hiện sự giải phóng và sự phát triển đó, đặc biệt quan trọng là nó đã chỉ ra những quy luật của sự giải phóng và phát triển, đồng thời nêu ra những định hướng phương pháp luận cho việc thực hiện sự nghiệp to lớn đó. Chính vì vậy, chủ nghĩa Mác-Lê-nin là vũ khí tinh thần của giai cấp công nhân và của cả dân tộc ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được bản chất cách mạng và khoa học, tinh thần biện chứng và nhân đạo của học thuyết Mác-Lê-nin, vận dụng một cách sáng tạo học thuyết ấy phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của nước ta; đồng thời, Người đã kế thừa, phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hoá của nhân loại. Trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và con đường đi lên CNXH ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Tư tưởng của Người đang soi sáng công cuộc đổi mới của nhân dân ta giành thắng lợi mới.
ở Hồ Chí Minh, nắm vững chủ nghĩa Mác-Lê-nin là nắm vững linh hồn, nắm vững lập trường, quan điểm, phương pháp luận của học thuyết ấy, không bị trói buộc bởi những câu chữ, những khẩu hiệu có sẵn trong các tác phẩm của C. Mác và V.I Lê-nin. Người hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa giáo điều. Những tư tưởng lớn cũng như nội dung cơ bản được Người trình bày thật rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn, gần gũi với mọi người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.
Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lê-nin bắt đầu từ lý luận của V.I Lê-nin về cách mạng ở các nước thuộc địa. Là người sinh ra và lớn lên ở một nước thuộc địa, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc về yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng Người không chấp nhận sự thụ động trông chờ thắng lợi của cách mạng vô sản ở các nước phương Tây để đem lại độc lập cho nhân dân ở các nước thuộc địa và Người cho rằng, các dân tộc thuộc địa có thể và cần phải chủ động đứng lên, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta; cách mạng ở các nước thuộc địa không những không phụ thuộc vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc mà có thể và cần phải tiến hành trước và thắng lợi của nó sẽ "giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn"1. Đây là một luận điểm mới của Hồ Chí Minh đã được thực tế thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng như thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới xác nhận.
Về cách mạng XHCN, Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh: Việt Nam xây dựng CNXH trong những điều kiện đặc biệt, không giống với Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác, vì vậy, phải nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, phải học tập kinh nghiệm của các nước anh em, nhưng không được sao chép, rập khuôn, bởi ta có đặc điểm riêng của ta.
C. Mác, V.I  Lê-nin đã đưa ra những đặc trưng của CNXH, Hồ Chí Minh cũng nêu ra những đặc trưng của CNXH một cách giản dị, dễ hiểu, nhưng vẫn bao quát được những bản chất cốt lõi: CNXH là làm sao cho dân giàu nước mạnh, ai cũng có công ăn việc làm, được ấm  no hạnh phúc; CNXH là lấy nhà máy, xe lửa, ngân hàng… là của chung, chế độ người bóc lột người sẽ dần dần được xóa bỏ, làm  nhiều hưởng  nhiều, làm ít hưởng ít, có sức lao động mà không làm thì không hưởng; CNXH gắn liền với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và văn hoá của nhân dân, do nhân dân tự xây dựng lấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng; CNXH là một chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, địa vị cao nhất là dân, cán bộ là công bộc của dân. Trong khi nêu lên những đặc trưng thuộc về bản chất, mục tiêu, động lực của CNXH, Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh các đặc trưng dân giàu, nước mạnh, nhân dân làm chủ, văn hoá, đạo đức, quan hệ giữa người và người phát triển tốt đẹp. Đó là  những mặt ưu việt của CNXH so với chủ nghĩa tư bản.
Hồ Chí Minh quan niệm CNXH là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Do đó phải phát huy sức mạnh của toàn dân tộc thông qua hoạt động tích cực của con người trong khi coi trọng phát huy các động lực về vật chất nhất là tác động vào lợi ích cá nhân chính đáng của người lao động, kết hợp hài hoà ba lợi ích (lợi ích cá nhân người lao động, lợi ích tập thể và lợi ích xã hội).
Về con đường quá độ lên CNXH ở nước ta, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sự nghiệp xây dựng CNXH là một cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, phải trải qua nhiều bước, nhưng đi bước nào vững bước ấy, cứ tiến dần dần.
Đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cách mạng được Hồ Chí Minh đề ra từ rất sớm và đã trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của cách mạng  nước ta, một nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi - một đóng góp hết sức có ý nghĩa vào kho tàng kinh nghiệm của cách mạng thế giới.
           
Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, cho nên mối quan tâm lớn nhất của Người là làm sao cho Đảng mãi xứng đáng là Đảng của đạo đức, văn  minh; làm sao chống lại các nguy cơ có thể dẫn đến thoái hoá, biến chất của một Đảng cầm quyền. Người cho rằng, dân là chủ, cán bộ là đầy tớ thì phải "yêu dân, kính dân, trọng dân" "bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh"2.
Tư tưởng Hồ Chí  Minh về xây dựng Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền là những đóng góp  mới làm phong phú thêm học thuyết của V.I Lê-nin về xây dựng Đảng, là di huấn quý báu cho việc đổi mới, chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ đổi mới  hiện nay.
Trên đây là những vấn đề cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Rõ ràng, để nắm vững và vận dụng, thực hiện đúng đòi hỏi phải có phương pháp tiếp cận và phương pháp nghiên cứu, quán triệt thực sự khoa học; luôn luôn đối chiếu và gắn liền với thực tiễn sinh động hết sức phong phú. Phải chú ý tổng kết thực tiễn, từ thực tiễn khái quát thành lý luận, vì thực tiễn bao giờ cũng là tiêu chuẩn của chân lý. Khi chúng ta nhấn mạnh phải có phương pháp khoa học để  nhận thức bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là vì bản thân đối tượng nghiên cứu này mang trong mình bản chất đó; hơn nữa, bản chất cách mạng và khoa học gắn bó hữu cơ một cách biện chứng, chúng ta không thể sử dụng phương pháp mô tả, cảm tính, giáo điều, thụ động… để tiếp thu được cái tinh tuý nhất, cái cốt lõi nhất của học thuyết và tư tưởng - bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Vì không nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của đối tượng nghiên cứu trên, trước những biến động, những đảo lộn lớn của tình hình thế giới, đặc biệt là trước sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và ở các nước Đông Âu, một số người trong đó có cả cán bộ, đảng viên đã dao động, giảm lòng tin đối với con đường đi lên CNXH ở nước ta và mắc sai lầm khi họ đồng nhất sự sụp đổ của CNXH ở một nước với sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác-Lê-nin.
Những luận điệu xuyên tạc, vu khống, bác bỏ chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta của các thế lực thù địch hòng gieo hoang mang, hoài nghi, họ muốn tạo ra một sự "diễn biến" từ bên trong xã hội ta, trước hết là diễn biến về nhận thức, tư tưởng từ đó dẫn đến những diễn biến về các mặt khác.
Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khoá VIII đã đánh giá một cách cơ bản và toàn diện tình hình suy thoái cả hai mặt tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống đang diễn ra trong Đảng. Hội nghị không những nghiêm khắc phê phán những biểu hiện xấu đã được nêu ra từ trước mà còn thẳng thắn vạch rõ thêm  một số biểu hiện mới như: một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, hoài nghi về con đường đi lên CNXH; nhiều cán bộ, đảng viên thiếu cảnh giác với "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch. Đại hội IX của Đảng nhận định: "tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta.  Tình trạng lãng phí, quan liêu còn khá phổ biến"3.
Để khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tận dụng được thuận lợi và thời cơ mới, hơn lúc nào hết, Đảng ta phải chú ý chăm lo công tác tư tưởng, công tác lý luận, trên cơ sở lấy chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng và là kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng và nhân dân ta với thái độ và phương pháp thực sự khoa học, khách quan.
           
Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng - một Đảng dày dặn kinh nghiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, cách mạng nước ta sẽ vững bước đi lên, sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
 
GS, VS. Nguyễn Duy Quý
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam
 
1- Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1. Nxb CTQG, H, 1995, tr. 36.
2- Sđd, Tập 4, tr.22.
3- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thư  IX, Nxb CTQG, H, 2001, tr 76.
 

Ý kiến bạn đọc (0)