QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:56 (GMT+7)
Phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng trong tình hình hiện nay

Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn coi công tác tư tưởng là bộ phận trọng yếu của công tác xây dựng Đảng, là nhân tố cấu thành quan trọng của sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của đất nước. Mỗi thành tựu, thắng lợi và khó khăn, mất mát của cách mạng đều có nguyên nhân từ sự hoạt động tư tưởng của Đảng. Công tác tư tưởng cũng là kênh quan trọng - cầu nối giữa Đảng với nhân dân, tạo ra sức mạnh về chính trị, tinh thần to lớn của xã hội. 

Thực tiễn đã khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác tư tưởng đã có những đóng góp xứng đáng vào mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Đặc biệt, trong 20 năm đổi mới vừa qua, công tác tư tưởng đã góp phần khẳng định và bảo vệ lập trường chính trị đúng đắn của Đảng và Nhà nước trước các sự kiện phức tạp trong nước và trên thế giới, từ đó tiếp tục củng cố và thống nhất nhận thức chính trị, tạo được sự thống nhất trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, sự đồng thuận trong xã hội trên nhiều vấn đề cơ bản như:  mục tiêu xây dựng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; về đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc của đất nước; đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại những âm mưu, hành động chống phá của các thế lực cơ hội, phản động, giữ được ổn định chính trị. Gần đây nhất, công tác tư tưởng đã góp phần vào thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, tạo niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng. 
Tuy nhiên, cần nghiêm túc thấy rõ công tác tư tưởng trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, có lúc, có nơi còn thiếu chủ động, sắc bén và kịp thời; tính chiến đấu, tính thuyết phục chưa cao; chưa làm tốt yêu cầu bồi dưỡng, nâng cao tình cảm, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước; vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân có biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn ra nghiêm trọng, là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ...
Hiện nay, đất nước ta đang đứng trước những thời cơ lớn, đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt trong quá trình phát triển. Bối cảnh đó đòi hỏi công tác tư tưởng phải vươn lên đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đó là, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội rất nặng nề, nền kinh tế nước ta tuy tăng trưởng cao nhưng chưa vững chắc, nguy cơ tụt hậu xa so với nhiều nước trong khu vực và thế giới vẫn còn; những thách thức đặt ra cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các điều kiện trước, trong và sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); xử lý nhiều vấn đề bức xúc, những tiêu cực nảy sinh làm mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trên bình diện chung ở nước ta hiện nay, tuy chính trị, xã hội ổn định, nhưng đôi khi những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội vẫn chưa được khắc phục triệt để. Các thế lực thù địch không ngừng tăng cường thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, kết hợp với bạo loạn, lật đổ; lợi dụng cái gọi là “dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo” để chống phá ta về tư tưởng, chính trị; không ngừng xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các đối tượng cơ hội chính trị ở trong nước ráo riết phụ họa với luận điệu thù địch, ra sức phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lợi dụng các phương tiện thông tin hiện đại, trong đó có mạng Internet, để tuyên truyền quyết liệt hơn các luận điệu sai trái, thù địch.
Tình hình trên đã và đang làm cho cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng diễn ra ngày càng phức tạp. Vì vậy, đòi hỏi công tác tư tưởng phải thật sự chủ động, nhạy bén, bám sát phương hướng, mục tiêu tổng quát là: phát huy những thuận lợi, vượt qua khó khăn và thách thức, góp phần quan trọng giữ vững môi trường chính trị, xã hội ổn định, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định sự lãnh đạo của Đảng và đường lối đổi mới. Chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Kiên quyết phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch. Nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đảng viên; củng cố khối đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức tiến hành công tác tư tưởng theo hướng bám sát thực tiễn, sát đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm và sức thuyết phục; kịp thời tổng kết thực tiễn để làm rõ hơn các vấn đề về lý luận do thực tiễn đặt ra; nâng cao năng lực nghiên cứu, tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra và tính chiến đấu của công tác tư tưởng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao sự phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Quán triệt sâu sắc phương hướng, mục tiêu đã đề ra, công tác tư tưởng trong thời gian tới cần thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau.
1- Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các quan điểm cơ bản của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng; xây dựng chương trình hành động, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các mục tiêu đã đề ra; đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đẩy mạnh tuyên truyền về thành tựu 20 năm đổi mới đất nước, làm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân ta phấn khởi, tự hào, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
2- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Bí thư khóa IX về Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người, sự trân trọng và biết ơn đối với công lao to lớn của Hồ Chủ tịch; biến tình cảm thiêng liêng đó thành những việc làm thiết thực ở mọi ngành, mọi giới, mọi địa phương, đơn vị. Tạo môi trường thuận lợi cho việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam theo 5 tiêu chí mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã đề ra, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
3- Công tác tư tưởng phải góp phần xây dựng Đảng, phải xuất phát từ nhiệm vụ xây dựng Đảng để triển khai công tác tư tưởng. Hiện nay, một số lĩnh vực công tác tư tưởng của chúng ta chưa quán triệt sâu sắc yêu cầu này. Để công tác tư tưởng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, một mặt, Đảng phải hết sức chăm lo công tác tổ chức, cán bộ, có cơ chế, chính sách hợp lý; mặt khác, các binh chủng tư tưởng phải bám sát sự chỉ đạo của Đảng, phục vụ tốt công tác xây dựng Đảng. Chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo ra sự thay đổi về chất, nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong quá trình phát triển đất nước hiện nay và những giai đoạn tiếp theo.
 Chăm lo phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh, coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về bảo vệ bí mật của Đảng, kỉ luật phát ngôn; thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm. Gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; tăng cường sức mạnh an ninh, quốc phòng... Công tác tư tưởng phải trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội. Trên ý nghĩa đó, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh có ý nghĩa to lớn trong xây dựng Đảng, phát triển đời sống tinh thần của xã hội.
4- Phát huy kết quả Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, động viên các tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, hưởng ứng Cuộc vận động: “Toàn dân làm kinh tế giỏi, làm giàu cho mình, cho cộng đồng, cơ sở và đất nước”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xóa đói, giảm nghèo và nhiều phong trào thi đua khác; biểu dương kịp thời những cá nhân và tập thể, ban, ngành, đơn vị, địa phương có thành tích tốt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, phòng chống tiêu cực, tệ nạn xã hội; bảo vệ môi trường; thực hiện kế hoạch dân số – gia đình và trẻ em; bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo...
5- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về công tác tư tưởng, lý luận; Kết luận Hội nghị Trung ương 10, Kết luận Hội nghị Trung ương 12 (khóa IX). Phối hợp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu lý luận sau Đại hội X của Đảng, nhằm làm tốt hơn công tác tư tưởng, lý luận, công tác văn hóa, văn nghệ trong tình hình hiện nay. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lãnh đạo và quản lý xuất bản, báo chí, thông tin đối ngoại... để báo chí, xuất bản có sự chuyển biến rõ rệt về thông tin, ngăn chặn và đẩy lùi khuynh hướng “thương mại hóa”, thực hiện tốt Qui định đạo đức nghề nghiệp báo chí.
6- Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, tuyên truyền sâu hơn về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc thực hiện các cam kết của nước ta khi tham gia tổ chức WTO; giữ đúng phương châm tuyên truyền, cả thời cơ và thách thức khi Việt Nam gia nhập WTO; chú ý nêu rõ những thuận lợi và khó khăn, làm cho các tổ chức kinh tế – xã hội, từ người lãnh đạo đến mỗi cán bộ, công nhân, viên chức và các tầng lớp nhân dân có ý chí vươn lên, giữ vững đà tăng trưởng cao và ổn định, nâng cao uy tín nước ta trên trường quốc tế. Coi trọng chất lượng, hiệu quả tuyên truyền đối ngoại, làm cho thế giới hiểu đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, đẩy lùi những thủ đoạn chống phá, cô lập nước ta.
7- Hướng dẫn và trực tiếp tổ chức đấu tranh có hiệu quả chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt sau Đại hội X của Đảng. Kiên quyết vạch trần những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác– Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, tạo sức đề kháng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân trước mưu toan lợi dụng vấn đề dân chủ,nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là đối với đồng bào các vùng Tây Nguyên, Tây Nghệ An, Tây Bắc, Tây Nam Bộ. Trong công tác tư tưởng, cần coi trọng phương châm hướng về cơ sở, bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến chính đáng của nhân dân để tham mưu với cấp ủy, chính quyền có biện pháp giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nhất là vấn đề khiếu kiện đất đai. Cùng với các cơ quan chức năng và các địa phương ngăn chặn không để xẩy ra sự mất ổn định ở các khu vực trọng yếu, các địa bàn chiến lược. Tăng cường nắm tình hình tư tưởng các đối tượng, kịp thời tham mưu cho Trung ương để có định hướng, xử lý.
Làm tốt hơn nữa công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp của cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa. Từ đó, xây dựng ý thức đề cao cảnh giác, bồi đắp tính kiên định, sự vững vàng của những người làm công tác tư tưởng – văn hóa trước mọi diễn biến của tình hình thế giới và trong nước.
8- Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận, chính trị, tập trung vào biên soạn, bổ sung các chương trình giáo dục chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng; kiểm tra việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập bộ môn Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường đại học và cao đẳng; bổ sung và nâng cao chất lượng chương trình giáo dục chủ nghĩa yêu nước; bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị. Củng cố tổ chức các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, các trường chính trị, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, học tập lý luận ngày càng tăng của cán bộ, đảng viên như Qui định 54 của Bộ Chính trị (khóa VIII).
9- Tiếp tục củng cố tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo Ban Tuyên giáo các quận, huyện, tỉnh, thành phố; đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đồng chí mới được cấp ủy phân công phụ trách công tác tuyên giáo ở các địa phương.
10- Nghiên cứu và có đề án tiếp tục đổi mới phương thức công tác tư tưởng cho phù hợp với tình hình phát triển nhanh của xã hội về thông tin, văn hóa, về cuộc đấu tranh trên làn sóng điện, trên mạng Internet. Phải hết sức coi trọng nhiệm vụ nghiên cứu dư luận xã hội. Hơn bao giờ hết, việc nắm bắt đúng và trúng dư luận xã hội có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, xử lý kịp thời các vấn đề nóng bỏng, “điểm nóng” nảy sinh ở từng địa bàn. Công tác tư tưởng là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Vì vậy, cần phải tổ chức cho toàn dân làm công tác tư tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự tham gia của nhân dân vào đời sống tư tưởng mang một ý nghĩa chính trị lớn, là sự đảm bảo vững chắc mọi thành quả thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nước nhà.
 
PGS,TS. Tô Huy Rứa
Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương
 

Ý kiến bạn đọc (0)