QPTD -Thứ Ba, 29/11/2011, 00:51 (GMT+7)
Phú Yên đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng toàn dân
Phú Yên là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí quan trọng về nhiều mặt, nhất là quốc phòng- an ninh (QP-AN) đối với Quân khu 5 nói riêng và cả nước nói chung trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Tỉnh có diện tích tự nhiên là 5.045 km2, dân số trên 86 vạn người; địa hình dài và hẹp, 3/4 diện tích là đồi núi, bờ biển dài 189 km. Nhân dân Phú Yên có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Với những thành tích đạt được, Tỉnh đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là những năm gần đây, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Tỉnh luôn coi trọng tăng cường QP-AN; xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân (ANND). Trong đó, giáo dục quốc phòng (GDQP) toàn dân được xác định là một trong những công tác quan trọng hàng đầu, trực tiếp góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị đối với sự nghiệp BVTQ trong tình hình mới.

Để nâng cao chất lượng GDQP toàn dân, Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh, Hội đồng GDQP Tỉnh đã chủ động tham mưu giúp Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai chặt chẽ công tác này tới tất cả các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ sở của Tỉnh. Trước hết, tập trung quán triệt các chỉ thị, nghị định của Đảng, Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 62/CT-TW của Bộ Chính trị, Nghị định 15/2001/NĐ-CP của Chính phủ về GDQP trong tình hình mới. Hội đồng GDQP các huyện (thành phố) được thành lập, kiện toàn, hoạt động có nền nếp, hiệu quả. Tỉnh chú trọng triển khai toàn diện công tác GDQP cho các đối tượng, trước hết là bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh (BDKTQP-AN) cho cán bộ các cấp, các ngành, các tổ chức quần chúng trong hệ thống chính trị. Tính đến hết năm 2006, đã có 10.503/18.915 cán bộ, đảng viên từ đối tượng 1 đến đối tượng 5 được BDKTQP-AN. Chủ trương của Tỉnh là trong nhiệm kỳ công tác, 100% cán bộ, đảng viên phải được BDKTQP-AN, coi đó là một trong những tiêu chí cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ. Qua BDKTQP-AN, cán bộ các cấp đã nâng cao một bước về kiến thức QP-AN, nắm được nội dung cơ bản về chiến tranh nhân dân BVTQ; về quản lý quốc phòng, thế trận QPTD gắn với thế trận ANND, xây dựng xã, phường vững mạnh toàn diện; xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên… Thể hiện rõ nhất trong cuộc diễn tập khu vực phòng thủ Tỉnh năm 2006, đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, đặc biệt là cán bộ các sở, ban, ngành của Tỉnh đã vận dụng khá tốt kiến thức quân sự, quốc phòng vào công tác điều hành diễn tập, được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Tỉnh kiên quyết khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong nhận thức và tổ chức thực hiện như: còn một số cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp quán triệt chưa sâu sắc về nhiệm vụ QP-AN nên việc tổ chức, triển khai chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao; việc phân cấp số cán bộ thuộc diện được BDKTQP-AN có thời điểm chưa đúng, chưa đủ thành phần, tỷ lệ đạt thấp; trình độ, năng lực của một số cán bộ cơ sở chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ; một bộ phận cán bộ và nhân dân còn biểu hiện thiếu cảnh giác, xem nhẹ công tác GDQP, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi; Hội đồng GDQP các cấp chưa thực hiện đầy đủ chức năng trong công tác kiểm tra, thanh tra, báo cáo, sơ kết, tổng kết; khen thưởng chưa kịp thời… Theo đó, Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, rà soát theo phân cấp, khắc phục những thiếu sót để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh; đồng thời, tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả toàn diện công tác GDQP đúng thực chất và đi vào chiều sâu.
Phú Yên có hơn 4 vạn người theo đạo (gồm Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, Cao đài); 3 huyện miền núi là Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân (giáp địa phận của 2 tỉnh Tây Nguyên là Đắc lắc và Gia Lai), tập trung nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số như: Ê-đê, Ba-na, Gia-rai, Chăm-pa, là đặc điểm chi phối lớn đến công tác GDQP. Từ tình hình trên, Hội đồng GDQP Tỉnh đã chủ động tham mưu cho Uỷ ban nhân dân Tỉnh mở các lớp BDKTQP-AN cho các chức sắc, chức việc tôn giáo. Lớp học đầu tiên được tổ chức vào năm 2005 cho 92 vị chức sắc tại trường Chính trị Tỉnh. Tuy thời gian ngắn, nhưng các học viên đã được tập trung nghiên cứu các nội dung về chiến tranh nhân dân BVTQ trong tình hình mới; phòng chống chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; công tác vận động quần chúng có đạo tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 22/NĐ-CP về thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Qua lớp bồi dưỡng, học viên đã nắm tương đối tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nhận rõ trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động giáo dân, tăng ni, phật tử thực hiện nghĩa vụ công dân, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Điểm đáng ghi nhận là, lần đầu tiên các chức sắc tôn giáo được ngồi lại với nhau, bình đẳng tham gia vào công việc của địa phương, cùng thảo luận chung một vấn đề về trách nhiệm và nghĩa vụ công dân với nhiệm vụ xây dựng và BVTQ. Trên cơ sở kinh nghiệm rút ra từ lớp bồi dưỡng đầu tiên, Tỉnh chỉ đạo các huyện mở các lớp bồi dưỡng cho 746 chức sắc, chức việc còn lại tại Trung tâm bồi dưỡng Chính trị của các huyện (thành phố), đạt 100% chỉ tiêu chức sắc, chức việc các tôn giáo được BDKTQP-AN.
Khác với ở đồng bằng, phương tiện thông tin đại chúng phát triển, nhân dân có thể tiếp nhận thông tin qua nhiều kênh khác nhau thì ở miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, việc tuyên truyền chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện thường phải thông qua việc nói và làm trực tiếp của cán bộ cơ sở, trong đó, già làng, trưởng buôn là những người rất có uy tín và được nể trọng. Do đó, việc tổ chức bồi dưỡng, nâng cao ý thức, kiến thức QP-AN cho cán bộ cơ sở, già làng, trưởng buôn được Tỉnh hết sức quan tâm. Năm 2006, Tỉnh đã chỉ đạo các huyện Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân mở 3 lớp BDKTQP-AN cho 120 già làng, trưởng buôn. Các học viên được bồi dưỡng những vấn đề cơ bản về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chủ trương đại đoàn kết các dân tộc, phân biệt đối tượng, đối tác; chỉ rõ những kẻ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào để truyền đạo trái pháp luật; phổ biến những kinh nghiệm sản xuất, định canh định cư, giúp đồng bào ổn đinh cuộc sống… Sau khi được bồi dưỡng, các huyện tổ chức cho các già làng, trưởng buôn nói chuyện về những vấn đề đã học, đã biết cho 1.740 lượt người của 87 buôn, làng trong 29 xã trên địa bàn 3 huyện.
Phú Yên có 26 trường trung học phổ thông; 5 trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề; 3 trường đại học, cao đẳng với hơn 40.000 học sinh, sinh viên mỗi năm. Để hoàn thành chương trình, nội dung GDQP cho đối tượng này, Phú Yên tập trung khắc phục khó khăn về giáo viên, cơ sở vật chất và địa điểm học. Đối với sinh viên, do không có trung tâm GDQP trên địa bàn nên Tỉnh chủ trương tổ chức học tập trung tại Trường Quân sự Tỉnh, tạo cho các em môi trường học tập chính quy. Năm 2006, Tỉnh đã tổ chức GDQP cho 7.880/9.984 sinh viên, kết quả kiểm tra có 65,73% khá, giỏi. Đối với học sinh các trường trung học phổ thông, hiện tại do thiếu giáo viên nên các trường tổ chức theo hình thức học tập trung (năm 2006 đã GDQP được 33.952/41.772 em, kết quả kiểm tra có 75,9% khá, giỏi). Thời gian tới, Tỉnh chỉ đạo khắc phục triệt để tình trạng thiếu giáo viên để đảm bảo học sinh được học rải môn GDQP; đồng thời, có kế hoạch tiếp tục đầu tư, nâng cấp Trường Quân sự, đáp ứng số lượng ngày càng tăng của sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề; tăng ngân sách để mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy- học môn GDQP của các trường.
Cùng với các đối tượng trên, Tỉnh luôn quan tâm GDQP cho các tầng lớp nhân dân. Hội đồng GDQP Tỉnh phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam khu vực Phú Yên, đài phát thanh- truyền hình, báo Phú Yên, xây dựng chuyên mục QPTD trên báo, đài với nội dung phong phú, đa dạng về công tác quân sự địa phương, QP-AN, công tác GDQP, được nhân dân trong Tỉnh đón nhận và hoan nghênh. Ngoài ra, nhân các ngày lễ, ngày truyền thống, Hội đồng GDQP Tỉnh đã chỉ đạo ngành Văn hoá-Thông tin phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự tỉnh, huyện (thành phố) xây dựng nhiều hình thức hoạt động phong phú như: nói chuyện truyền thống, văn hoá- thể thao, giao lưu kết nghĩa,… có tác dụng giáo dục tốt, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường đoàn kết quân dân. Chủ trương của Tỉnh là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức GDQP cho các tầng lớp nhân dân, coi đây là một nội dung quan trọng của sự nghiệp xây dựng nền QPTD, ANND và phải được xác định là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, sự điều hành chặt chẽ của chính quyền các cấp và sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể. Đồng thời, phát huy sự năng động, sáng tạo của các cấp, các ngành, nâng cao chất lượng GDQP toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép các chuyên mục QP-AN với các nội dung tuyên truyền về các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, xã hội, truyền thống lịch sử địa phương, dân tộc. Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để công tác GDQP toàn dân ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực.
Những kết quả đạt được trong công tác GDQP của Phú Yên mới chỉ là bước đầu, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng. Trong thời gian tới, Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác GDQP toàn dân ngang tầm yêu cầu của sự nghiệp xây dựng nền QPTD. Trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TW ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác GDQP-AN trong tình hình mới" và các chỉ thị, nghị định có liên quan về GDQP. Tiếp tục kiện toàn, bổ sung Hội đồng GDQP các cấp đủ số lượng, đúng thành phần và chỉ đạo thành lập Hội đồng GDQP cấp xã, phường, thị trấn theo quy định của trên, nhằm phát huy hơn nữa vai trò làm tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền cơ sở về công tác GDQP. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quân sự, QP-AN; phát huy trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, nhất là đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực chuyên môn tốt, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận ANND vững mạnh, làm cơ sở đưa Phú Yên trở thành một tỉnh giàu về kinh tế, mạnh về QP-AN ở khu vực miền Trung.
Đại tá Nguyễn Như Trí
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)