Thứ Năm, 24/04/2025, 15:08 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Xây dựng tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước, được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện từ năm 1987 và đã đạt được những thành tựu nhất định. Xuất phát từ yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 152/2007/NĐ-CP "Về khu vực phòng thủ". Đó là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho các cấp, các ngành, trước hết là các tỉnh (thành phố) trong cả nước đẩy mạnh xây dựng KVPT về chiều sâu.
Phú Thọ là tỉnh trung du, miền núi, dân số trên 1,3 triệu người, gồm 21 dân tộc anh em chung sống; có 215/274 xã (phường, thị trấn) là xã miền núi. Nằm ở trung tâm Bắc Bộ, là vùng chuyển tiếp giữa các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây bắc với thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Phú Thọ có vị trí quan trọng về nhiều mặt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Nhận thức rõ nhiệm vụ và vị trí quan trọng của Tỉnh trong thế trận phòng thủ chung của Quân khu 2 và cả nước, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), xây dựng KVPT và đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong Tỉnh. Các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng được củng cố vững mạnh, hoạt động có hiệu quả; dân chủ ở cơ sở luôn được chú trọng phát huy; lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và chế độ ngày càng được tăng cường; quốc phòng-an ninh (QP-AN) được củng cố vững chắc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Để tiếp tục xây dựng KVPT tỉnh vững chắc trong thời kỳ mới, Phú Thọ xác định phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm tạo sự chuyển biến toàn diện, vững chắc; trong đó, tập trung vào mấy nội dung cơ bản sau đây:
Trước hết, xây dựng vững mạnh về chính trị được Tỉnh xác định là vấn đề quan trọng hàng đầu, nhằm xây dựng tiềm lực chính trị-tinh thần của KVPT. Theo đó, phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở, vùng xung yếu, vùng sâu, vùng khó khăn. Các cấp ủy, chính quyền tỉnh Phú Thọ phải luôn quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP), Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị (khóa VI), đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và những định hướng cơ bản về QP-AN mà Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã nêu. Trên cơ sở đó, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng KVPT, chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục QP-AN cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và LLVT Tỉnh. Về nội dung, Tỉnh chú trọng tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, quan điểm, đường lối QP-AN của Đảng; thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân (ANND). Đồng thời, gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong học tập và làm theo tấm gương của Bác, nhất là trong phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phải chăm lo xây dựng các tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, có đủ năng lực lãnh đạo và triển khai thực hiện đúng đắn, sáng tạo mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh, đưa chúng vào cuộc sống của người dân. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực của chính quyền các cấp (nhất là cấp cơ sở) vững mạnh toàn diện, đủ sức chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ địa phương trong tình hình mới. Các tổ chức chính trị, các đoàn thể quần chúng, nhất là Mặt trận Tổ quốc các cấp phải thường xuyên được kiện toàn vững mạnh, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với tình hình địa phương. Triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ chính trị nội bộ, chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong Tỉnh; tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, góp phần bảo đảm an ninh nông thôn, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, kịp thời đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch ngay từ cơ sở.
Đẩy nhanh phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho KVPT. Trên cơ sở quán triệt quan điểm, đường lối QS, QP của Đảng, kết hợp kinh tế với quốc phòng, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực đẩy nhanh phát triển, tạo tiềm lực kinh tế, nguồn lực vật chất-kỹ thuật mới của KVPT tỉnh. Trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), nhất là các công trình giao thông vận tải, xây dựng cơ bản, thủy lợi, bưu chính, viễn thông, đầu tư, phát triển du lịch..., Tỉnh đều chú trọng gắn chặt phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN theo chủ trương thống nhất từ thường trực Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân Tỉnh đến các cấp, các ngành. Trong những năm đổi mới, KT-XH của Tỉnh đã có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 10,8%, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 17,7%, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng 8,1%; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, cơ sở hạ tầng KT-XH, đặc biệt là giao thông, bưu chính viễn thông có những chuyển biến rất quan trọng, đời sống của nhân dân có bước cải thiện đáng kể. Các dự án trọng điểm của Tỉnh và các huyện, đã và đang được triển khai, đều mang tính lưỡng dụng cao. Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, huy động gần 16 nghìn tỷ đồng đầu tư cải tạo, nâng cấp, làm mới trên 2.000 km đường giao thông, 180 công trình thủy lợi, 646 km kênh mương, bảo đảm đủ nước phục vụ gieo trồng cây lương thực, thực phẩm; trồng mới 27,7 nghìn ha và khoanh nuôi bảo vệ 40 nghìn ha rừng, nâng độ che phủ lên 45,2%, hằng năm khai thác 5.000-6.000 tấn nguyên liệu giấy phục vụ cho các nhà máy chế biến, sản xuất giấy tại địa phương. Đến nay, hầu hết các tuyến quốc lộ, đường liên tỉnh, liên huyện đều được nâng cấp và làm mới đến các xã vùng cao, các huyện miền núi của Tỉnh và nối liền các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, các khu vực trọng điểm kinh tế-quốc phòng, tạo thành các tuyến giao thông liên hoàn, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển và tạo nên thế trận vững chắc, đáp ứng yêu cầu cơ động lực lượng, phương tiện quân sự và tác chiến của KVPT khi chiến tranh xảy ra. Mạng lưới bưu chính, viễn thông được phủ kín từ trung tâm Tỉnh đến 100% các huyện, xã. Trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình giao thông vận tải, xây dựng cơ bản, bưu chính, viễn thông, Tỉnh luôn xác định rõ quan điểm kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN, trực tiếp tạo ra sức mạnh vật chất của KVPT.
Hiện nay, Phú Thọ đang đẩy mạnh CNH, HĐH, nền kinh tế của Tỉnh phát triển nhanh, nhiều dự án đầu tư trong nước và nước ngoài được triển khai; bên cạnh mặt tích cực là cơ bản cũng đang nẩy sinh nhiều vấn đề bất cập, nếu giải quyết không tốt sẽ tác động xấu đến công tác QS, QP nói chung và xây dựng KVPT nói riêng. Vì thế, phải hết sức chú trọng đến công tác quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH. Theo đó, các dự án đầu tư nước ngoài, xây dựng khu công nghiệp, các công trình giao thông... phải được nghiên cứu, thẩm định kỹ, nhằm đáp ứng tất cả yêu cầu phát triển KT-XH và củng cố QP-AN, xây dựng thế trận KVPT.
Tiếp tục hoàn thiện, vận hành tốt cơ chế lãnh đạo QP-AN, xây dựng KVPT. Căn cứ vào nhiệm vụ trên giao và từ tình hình thực tiễn của địa phương, hằng năm, Tỉnh ủy và các huyện (thị, Thành) ủy đều đã có nghị quyết, chỉ thị về công tác QS, QP địa phương làm căn cứ để Uỷ ban nhân các cấp chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành phối hợp thực hiện. Trong quá trình thực hiện, Phú Thọ đã thường xuyên củng cố, từng bước hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, ban, ngành làm tham mưu theo chức năng; cơ quan quân sự, công an làm trung tâm hiệp đồng và phối hợp cùng các ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện; chỉ huy trưởng quân sự chỉ huy thống nhất LLVT thuộc quyền. Để có cơ sở thực tiễn nghiên cứu thực hiện vận hành cơ chế, Phú Thọ đã tổ chức huấn luyện và diễn tập phòng thủ tỉnh, huyện và liên huyện, diễn tập chỉ huy cơ quan cấp huyện và nhiều cuộc diễn tập phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy rừng, phòng chống cháy nổ. Trong thời gian tới, nội dung này cần tiếp tục làm tốt hơn; bởi thông qua các cuộc diễn tập, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, LLVT và nhân dân đối với hai nhiệm vụ chiến lược sẽ được nâng cao; qua đó, có thể rút được nhiều kinh nghiệm bổ ích, phát hiện những vấn đề mới, để có các giải pháp phù hợp đẩy mạnh xây dựng KVPT một cách có hiệu quả.
Tập trung xây dựng các LLVT địa phương vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhằm bảo đảm cho LLVT thực sự là nòng cốt trong xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận ANND, xây dựng KVPT, đáp ứng đúng yêu cầu nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới.
Các lực lượng quân sự, công an của Tỉnh phải được quan tâm, xây dựng có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, trước hết là chất lượng chính trị, khả năng SSCĐ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phối hợp hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Tập trung xây dựng các chi bộ, đảng bộ quân sự, công an trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì; gắn xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng cơ quan quân sự, công an vững mạnh toàn diện, có đủ trình độ, năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về nhiệm vụ xây dựng KVPT và nhiệm vụ QP-AN ở cơ sở. Lực lượng thường trực của Tỉnh phải được biên chế, tổ chức, xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý, sắp xếp, biên chế theo chỉ tiêu được giao, chất lượng chuyên nghiệp quân sự ngày càng được nâng lên, nhất là các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ và nhiệm vụ A2. Lực lượng dân quân, tự vệ được xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”, bảo đảm tỷ lệ theo quy định; cán bộ xã (phường, thị trấn) đội trưởng thường xuyên được kiện toàn, bồi dưỡng, đào tạo, củng cố theo hướng ổn định lâu dài, có trình độ năng lực và phẩm chất chính trị tốt.
Đi đôi với xây dựng LLVT, cần coi trọng xây dựng thế trận KVPT. Hiện nay, Tỉnh và các huyện, thị, thành phố đang tập trung xây dựng KVPT then chốt, căn cứ chiến đấu, làm hạt nhân vững chắc của KVPT tỉnh. Trong quá trình xây dựng thế trận KVPT, Tỉnh sẽ thường xuyên quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, thực hiện bố trí lực lượng hợp lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trong thời bình và thời chiến. Các phương án, kế hoạch tác chiến phòng thủ của các cấp đã hoàn thành, sẽ thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện. Đồng thời, tích cực cải tạo địa hình, điều chỉnh quy hoạch bố trí dân cư phù hợp với từng vùng, tạo thế trận phòng thủ liên hoàn, vừa có chính diện, vừa có chiều sâu trên địa bàn Tỉnh.
Nguyễn Doãn Khánh
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011