QPTD -Thứ Hai, 31/10/2011, 22:07 (GMT+7)
Phòng tuyến sông Như Nguyệt - một điển hình của tư tưởng, nghệ thuật phòng thủ chủ động, tích cực

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, để chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn của ngoại bang, cha ông ta đã sáng tạo ra nhiều phương thức đánh giặc độc đáo, hiệu quả, hình thành nên nền nghệ thuật quân sự truyền thống đặc sắc của dân tộc. Trong đó, xây dựng phòng tuyến quân sự là một minh chứng và được vận dụng khá phổ biến, như sông Đáy thời Hai Bà Trưng, sông Như Nguyệt thời Lý, sông Thao - sông Hồng thời Hồ Quý Ly, Tam Điệp – Biện Sơn thời Tây Sơn, v.v. Qua nghiên cứu và xem xét một cách tổng thể, có thể khẳng định phòng tuyến sông Như Nguyệt là một điển hình. Nó thể hiện sinh động tư tưởng phòng thủ chủ động, tích cực, kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa phòng ngự và tiến công, tiến công và phòng ngự.

Trước hết phải nói rằng, tuyến phòng thủ sông Như Nguyệt sẽ không thật đặc sắc về mặt nghệ thuật quân sự nếu tách rời đòn tiến công “tiên phát chế nhân” cuối năm 1075 và hai tháng đầu năm 1076, phá vỡ sự chuẩn bị chiến tranh xâm lược Đại Việt của quân đội nhà Tống. Ngay sau đó, để giữ quyền chủ động về chiến lược, Lý Thường Kiệt cùng triều đình nhà Lý xúc tiến ngay công việc chuẩn bị cho toàn dân đánh giặc.Trên cơ sở cân nhắc, tính toán kỹ thế và lực của ta và của địch, đồng thời phát huy  thắng lợi vừa giành được trong cuộc tiến công để tự vệ vừa qua, Lý Thường Kiệt đề ra một kế hoạch chiến đấu rất chủ động, tích cực nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự tàn phá của quân xâm lược và giành được thắng lợi oanh liệt cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Một nội dung quan trọng trong kế hoạch chiến lược, đó là lập phòng tuyến quân sự ở nơi có lợi nhất để chặn đứng bước tiến của quân xâm lược, bảo vệ an toàn kinh thành Thăng Long và địa bàn cơ bản của đất nước; sau khi chặn đứng cuộc tiến công xâm lược của địch, giam hãm chúng vào tình trạng bị tiêu hao, mệt mỏi, quân và dân ta sẽ tiến hành phản công, thực hành quyết chiến chiến lược giành thắng lợi hoàn toàn. Phòng tuyến sông Như Nguyệt được hoạch định, xây dựng trên những căn cứ khoa học sau:

Về đánh giá địch. Dựa vào những nguồn tin tình báo tin cậy thu được từ phía địch, bằng sự phân tích, đánh giá khoa học, Lý Thường Kiệt xác định quân Tống sẽ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta bằng cả lực lượng bộ binh – kỵ binh và thủy binh. Trong đó, bộ binh – kỵ binh hành binh theo hướng chủ yếu, là lực lượng quyết định trong những đợt tiến công xâm lược. Thủy binh chỉ là lực lượng phối hợp nhằm hiệp đồng với bộ binh-kỵ binh trong những cuộc vượt sông để tiến sâu vào Đại Việt. Con đường chính để bộ binh – kỵ binh địch tiến vào nước ta một cách thuận lợi nhất là qua Bằng Tường vào Lạng Sơn rồi theo lưu vực sông Thương và vượt qua sông Cầu vào Thăng Long. Hai con đường khác, không thuận lợi bằng, địch có thể sử dụng là từ trại Thái Bình (Ung Châu) vào Lạng Châu (Lạng Sơn, Bắc Giang) rồi cũng phải qua sông Cầu vào Thăng Long; một đường khác là từ trại Ôn Nhuận (thuộc đạo Hữu Giang) vào vùng Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, rồi xuống Thăng Long. Xét về thời gian, thì hành binh trên hai con đường này, địch phải mất nhiều thời gian hơn vì địa thế khó khăn, núi non hiểm trở, không thuận lợi bằng con đường chính. Còn đường thủy để thủy binh địch tiến vào nước ta là từ Khâm Châu, thuyền đi theo hướng tây- nam đến Châu Vĩnh An (Móng Cái, Quảng Ninh), sau đó  theo sông Đông Kinh vào cửa Bạch Đằng lên Vạn Xuân rồi đến Thăng Long.

Về chọn địa hình lập phòng tuyến. Căn cứ vào tình hình địch, Lý Thường Kiệt không lập phòng tuyến ở sát biên giới mà là ở bờ nam sông Cầu, nơi  từ ngã ba sông Cà Lồ và sông Cầu về xuôi, tức sông Như Nguyệt. Đây là nơi có địa hình tự nhiên lý tưởng cho việc xây dựng phòng tuyến để thực hiện mục tiêu chiến lược đã đề ra. Nó được xây dựng chạy dài từ chân núi Tam Đảo (khoảng Đa Phúc), chủ yếu là từ ngã ba sông Cà Lồ – sông Cầu đến Vạn Xuân (Phả Lại). Trên đoạn sông này có nhiều chỗ địa thế hiểm trở, đó là những chỗ núi ăn sát bờ sông như núi Nhan Biền hoặc nơi có rừng cây um tùm, qua lại rất khó khăn. ở những chỗ đó, quân và dân Đại Việt không nhất thiết phải đắp lũy, dựng bãi chướng ngại mà có thể tận dụng địa hình để bảo vệ phòng tuyến và ngăn chặn quân địch vượt sông. Phòng tuyến được tập trung xây dựng ở những bến đò, đường giao thông, nơi quân địch có khả năng vượt sông, quan trọng nhất là các địa điểm Như Nguyệt, Thị Cầu, Vạn Xuân – nơi có những bến đò và con đường thuận lợi nhất để quân Tống vượt qua sông Như Nguyệt tiến về Thăng Long. Những nơi này, Lý Thường Kiệt cho đắp chiến lũy dọc bờ sông. Phía ngoài lũy, giáp mặt sông, ông sai đóng cọc tre làm giậu dày mấy tầng. Dưới bãi sông bố trí những hầm chông ngầm. Sông rộng, lũy cao, giậu tre dày, ... tất cả những kiến trúc tự nhiên và nhân tạo đó được tổ chức lại, kết hợp với nhau tạo thành một phòng tuyến kiên cố.

Về bố trí lực lượng đánh địch. Quân đội chủ lực của triều đình là lực lượng chiến đấu chính trên phòng tuyến, do Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy. Ông không dàn mỏng lực lượng kéo dài theo phòng tuyến mà tổ chức các trại quân để vừa kiểm soát, bảo vệ được toàn bộ trận địa, vừa có thể nhanh chóng cơ động, tập trung quân đánh bại những mũi đột phá của địch hay tổ chức phản công khi thời cơ đến. Trong số các trại quân được bố trí bảo vệ phòng tuyến có ba trại quân quan trọng, bố trí ở Như Nguyệt, Thị Cầu, Phấn Động. Hai trại quân ở Như Nguyệt, Thị Cầu có nhiệm vụ khống chế hai bến đò ngang và con đường tiến về Thăng Long. Trại quân ở Phấn Động có nhiệm vụ bảo vệ phòng tuyến, đoạn sông từ vùng Phấn Động ngược lên phía bắc đến Thọ Đức và xuôi về phía nam đến Đại Lâm. Thời ấy, vùng này là cánh rừng rậm, không có bến đò ngang, nhưng lòng sông ở đây hẹp, giữa sông lại có ghềnh đá, quân địch có thể lợi dụng bắc cầu vượt sông. ở mỗi trại quân, ngoài bộ binh ra còn có thủy quân phối hợp. Thuyền chiến của ta đậu ven sông, phía bờ nam. Nhưng đại bộ phận thủy binh được đóng quân tập trung ở Vạn Xuân, phía cực đông của phòng tuyến. Từ đây, thủy quân ta có thể ngược sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu tiến sâu vào địa bàn vùng Đông Bắc, có thể  xuôi sông Bạch Đằng, sông Thái Bình ra biển, lại có thể  theo sông Đuống về Thăng Long. Do đó, nhiệm vụ của thủy binh đóng ở Vạn Xuân là sẵn sàng cơ động tiếp ứng cho mọi mặt trận khi cần thiết và đặc biệt là phối hợp với bộ binh chiến đấu bảo vệ phòng tuyến sông Như Nguyệt và tổ chức phản công thực hành các trận quyết chiến. Còn đại quân, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Lý Thường Kiệt, đóng ở phủ Thiên Đức, phía sau chiến tuyến. Địa điểm đóng quân là một vị trí cơ động, có thể khống chế mọi ngả đường tiến về Thăng Long và kịp thời chi viện cho các hướng trên phòng tuyến mỗi khi bị địch tiến công. Nhiệm vụ của đại quân là sẵn sàng sử dụng binh lực tập trung tổ chức phản kích đánh bại mọi mũi tiến công của địch và giữ vai trò chủ yếu trong cuộc phản công chiến lược sau này. Lực lượng dân binh, hương binh, thổ binh các địa phương có nhiệm vụ đánh du kích, đánh phá giao thông, hậu cần, liên tục quấy rối quân địch cả ngày lẫn đêm, làm cho chúng mệt mỏi bằng những cuộc tiến công nhỏ, lẻ vào trước mặt, sau lưng, bên sườn địch... Khi đại quân tiến hành tổng phản công thì phải phối hợp chặt chẽ, đánh vào những đơn vị, toán quân nhỏ, lẻ của địch và sẵn sàng đảm đương công việc tải thương, tiếp tế hậu cần, bắt và áp giải tù, hàng binh.

Nhìn chung, phòng tuyến sông Như Nguyệt là một công trình quân sự lớn của quân và dân nhà Lý thế kỷ thứ XI. Giá trị cũng như tính kiên cố, vững chắc của phòng tuyến được tạo nên bởi sự kết hợp tài tình giữa địa hình tự nhiên lợi hại với những chiến lũy, những bãi chướng ngại, hầm chông do bàn tay con người xây dựng và lực lượng quân đội được tổ chức, bố trí một cách hợp lý, khoa học. Phòng tuyến sông Như Nguyệt thể hiện sinh động tư tưởng quân sự phòng thủ trong thế công của Lý Thường Kiệt. Đặc điểm nổi bật của thế trận này là bố trí lực lượng đánh địch trên diện rộng, có chiều sâu, có trọng điểm, phối hợp chặt chẽ giữa quân đội chủ lực của triều đình với lực lượng dân binh, hương binh, thổ binh của các địa phương nhằm đánh cả trước mặt, sau lưng, bên sườn địch. Lập tuyến phòng thủ, trước mắt là nhằm bảo vệ kinh thành Thăng Long, bảo vệ vùng đồng bằng phì nhiêu, đông dân, nhiều của, trung tâm của đất nước không bị nhanh chóng rơi vào tay giặc. Sau đó, biến thời gian thành lực lượng, giam hãm quân địch trong một không gian nhất định nhằm làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng; đồng thời khoét sâu vào những khó khăn, nhược điểm của quân đội đi xâm lược, xa nước, xa hậu phương; còn ta chủ động tạo thời cơ tiến hành phản công nhằm quét sạch quân thù ra khỏi đất nước.

Ngày nay, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng ta đã thực hiện chủ trương chiến lược: xây dựng tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ vững chắc, tạo cơ sở nền tảng cho việc củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Xét ở góc độ nào đó, có thể khu vực phòng thủ hiện nay có đặc điểm và nội dung khác với tuyến phòng thủ trước đây, nhưng cần khẳng định có sự kế thừa về tư tưởng, nghệ thuật quân sự. Vì thế, nghiên cứu tuyến phòng thủ sông Như Nguyệt là cần thiết, nhằm tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo trong điều kiện, hoàn cảnh lịch sử hiện nay. Thực tiễn cho thấy, các khu vực phòng thủ đã và đang được xây dựng ngày càng vững chắc, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc trong thời bình và thời chiến. Điều quan trọng là, quá trình xây dựng khu vực phòng thủ là quá trình quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng, phục vụ phương thức kết hợp chặt chẽ tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương với tác chiến của các binh đoàn chủ lực; kết hợp hoạt động tác chiến rộng khắp, thường xuyên với các hoạt động tác chiến tập trung quy mô vừa và nhỏ; quán triệt tư tưởng tích cực tiến công, tích cực và chủ động vận dụng linh hoạt và kết hợp các hình thức chiến đấu tiến công (phản công) và phòng ngự; kết hợp chặn đánh địch ở phía trước, diệt vu hồi và đổ bộ đường không với trấn áp địch gây bạo loạn ở phía sau; bằng mọi biện pháp đánh phá giao thông, vận chuyển hậu cần, kỹ thuật của địch, lấy vật chất của địch bổ sung cho ta; kết hợp đấu tranh quân sự với các hình thức  đấu tranh khác; kết hợp tác chiến với địch vận; vừa chiến đấu vừa sản xuất tại chỗ, vừa tác chiến vừa củng cố, xây dựng lực lượng tại chỗ, duy trì sức mạnh tác chiến lâu dài.

Hà Thành

 

Ý kiến bạn đọc (1)

Lý thường Kiệt
31/07/2021 15:44
Dạy đúng chủ đề
Bùi Phương Nguyên