Thứ Bảy, 23/11/2024, 08:43 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
L.T.S: Gần đây, một số bạn đọc có thư và điện thoại về Tòa soạn bày tỏ mong muốn tìm hiểu rõ thêm về phong trào cánh tả ở Mỹ La-tinh hiện nay. Nhằm đáp ứng phần nào yêu cầu của bạn đọc, Tạp chí Quốc phòng toàn dân đăng bài viết dưới đây của tác giả Thái Văn Long, cán bộ Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
Cánh tả Mỹ La-tinh hiện nay bao gồm lực lượng của các Đảng Xã hội Dân chủ trong khu vực. Tuy nhiên, do sự thống nhất về mục tiêu và tính lan tỏa cách mạng vốn nổi trội ở khu vực, nên cánh tả Mỹ La-tinh còn bao gồm sự hợp tác, tham gia của các Đảng Cộng sản, công nhân và các lực lượng cách mạng tiến bộ khác trong liên minh cầm quyền, vì vậy gọi là: Phong trào cánh tả Mỹ La-tinh.
Lực lượng cánh tả liên tiếp giành thắng lợi trên chính trường Mỹ La- tinh gần đây do nhiều nguyên nhân; song trước hết, do tác động bởi xu hướng dân chủ hoá đời sống chính trị khu vực. Xu hướng này bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX - thời kỳ mà các nhà bình luận quốc tế hay dùng là: "Thời kỳ sau Việt Nam". Tiến trình dân chủ hoá có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cục diện chính trị toàn khu vực, trong đó tiêu biểu nhất là sự kiện ở Chi-lê và Pa-ra-goay. Ở Chi-lê, sau 13 năm bị kìm kẹp bởi chế độ độc tài phát xít, 16 đảng đối lập ở Chi-lê đã đoàn kết trong một liên minh chung và giành thắng lợi trước nhà độc tài Pi-nô-chê trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1988 và Tổng tuyển cử năm 1989. Ở Pa-ra-goay, chế độ độc tài khét tiếng Xi-trô Et-xnô cũng bị sụp đổ sau cuộc tổng tuyển cử tự do tháng 1-1989. Trước tình hình đó, các Tổng thống Mỹ, từ R.Rigân (nhiệm kỳ 1983-1989) đến G.Bush (cha) (nhiệm kỳ 1989-1993) buộc phải bỏ rơi những đồng minh thân cận nhất của mình, công nhận thắng lợi của các lực lượng dân sự, tiến bộ ở các nước này và điều chỉnh chính sách đối với khu vực. Sau khi thoát khỏi chế độ độc tài, khôi phục thể chế dân chủ, các cải cách chính trị đã tạo dựng một môi trường hoà bình và thuận lợi để Mỹ La-tinh tập trung phát triển kinh tế. Gần đây, sự bất lực của các chính quyền cánh hữu trong việc đề ra đường lối phát triển đất nước cùng với nạn tham nhũng đã gây bất bình trong nhân dân, tạo điều kiện cho các lực lượng cánh tả có đường lối dân tộc tiến bộ nắm thời cơ, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng lao động để tranh cử và giành thắng lợi ở một loạt nước.
Cùng với sự biến đổi đó là sự phá sản của chủ nghĩa tự do mới. Trong các thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước, Mỹ La-tinh là khu vực đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhờ thực hiện đường lối công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu. Nhưng chính điều đó đã gây ra sự khan hiếm ngoại tệ mạnh và sự cắt đứt với thị trường quốc tế. Bởi vậy, từ cuối những năm 70, khi sức cạnh tranh của khu vực này trên thị trường xuất khẩu thế giới bắt đầu sụt giảm, nền kinh tế Mỹ La-tinh nhanh chóng rơi vào tình trạng suy thoái, khủng hoảng. Những năm 80, nợ nước ngoài của Mỹ La-tinh lên tới 240 tỷ USD, lạm phát phi mã ở mức 4 con số; lưu thông tiền tệ bị phá vỡ... Nhằm thoát khỏi tình trạng này, Mỹ La-tinh bắt đầu thực hiện cải cách kinh tế theo mô hình chủ nghĩa tự do mới. Thực chất mô hình này là hiện thân chiến lược của tư bản Mỹ nhằm duy trì và củng cố vai trò thống trị đối với khu vực "sân sau" của mình. Thực tế, đầu những năm 90, việc tiến hành những cải cách theo mô hình chủ nghĩa tự do mới (như: loại bỏ việc kiểm soát giá cả, đô la hoá tiền tệ, tự do hoá thương mại, tư nhân hoá, giảm vai trò quản lý của nhà nước...) đã đem lại một vài cải biến tích cực trong đời sống kinh tế khu vực. Mức tăng trưởng kinh tế và tình hình tài chính được cải thiện (GDP tăng bình quân trong mấy năm đó đạt 3,5%); lạm phát giảm từ mức 3 con số xuống 1 con số; xuất khẩu mở rộng; thu hút đầu tư bên ngoài với số lượng lớn... Tuy nhiên, những khởi sắc kinh tế đó lại dựa trên cơ sở các yếu tố không vững chắc. Từ giữa những năm 90, hệ lụy của những cải cách theo mô hình chủ nghĩa tự do mới bắt đầu lộ rõ; nền kinh tế bị chao đảo, GDP tăng giảm thất thường (với dao động từ 5,2% năm 1994 xuống 0,3% năm 1999); phân hoá giàu nghèo lan rộng. Vì thế, Mỹ La-tinh được coi là khu vực bất bình đẳng nhất trên thế giới (người nghèo chỉ nhận được 1,6% GDP, người nghèo tăng từ 200 triệu năm 1999 lên 225 triệu năm 2003, chiếm 44% tổng số dân toàn khu vực); tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 7,5% (năm 1990) lên hơn 10% (năm 2001)1. Đứng trước tình hình đó, Tổng thống Vê-nê-du-ê-la H.Cha-vét đã lên án chính sách thị trường tự do của Mỹ áp dụng ở Mỹ La-tinh là một "liều thuốc chết người”2; đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động tỏ rõ sự bất bình, thất vọng về "chủ nghĩa tự do mới” và hướng sự ủng hộ vào các chính sách tiến bộ của lực lượng cánh tả.
Trong số các nguyên nhân tạo nên sự phát triển của phong trào cánh tả Mỹ La tinh, còn phải kể đến sự thay đổi sách lược đấu tranh và thực hiện cải cách kinh tế. Những năm gần đây, các lực lượng cánh tả đã chuyển từ hoạt động vũ trang sang vận động quần chúng nhân dân, liên kết với các phong trào cánh tả và tiến bộ ở trong nước và khu vực; thực hiện đấu tranh nghị trường, đưa ra cương lĩnh vận động đáp ứng nguyện vọng của người dân và phù hợp với tình hình thực tế ở Mỹ La-tinh. Đặc biệt, các đảng cánh tả đã liên kết với nhau thành lực lượng rộng rãi, phối hợp đấu tranh trên mặt trận chung; như việc các nhà lãnh đạo 3 nước: Bô-li-vi-a, Cu-ba và Vê-nê-du-ê-la đã ký Hiệp định thương mại ba bên (ALBA) nhằm trao đổi thương mại và hỗ trợ nhau cùng phát triển và là đối trọng của Khu vực mậu dịch tự do châu Mỹ (FTAA)... Các nước Mỹ La-tinh có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hoá, địa lý; vì thế, việc các đảng cánh tả giành thắng lợi càng tạo điều kiện để họ gắn bó, sát cánh, giúp đỡ nhau cùng đấu tranh cho mục tiêu xoá bỏ nghèo đói, bất công, cải cách kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, vì sự tiến bộ và phát triển.
Trước thực tế đó, từ năm 1998 đến nay, thông qua bầu cử dân chủ, các chính phủ cánh tả tiến bộ đã lên cầm quyền ở nhiều nước Mỹ La- tinh, trong đó có một số chính phủ tái đắc cử, như: Vê-nê-du-ê-la, Chi-lê, Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Pa-na-ma, U-ru-guay, Bô-li-vi-a, Ni-ca-ra-goa, E-cu-a-đo... Tại Pa-ra-guay, ngày 21-4-2008, ông Phéc-năng-đô Lu-gô - lãnh tụ phong trào cánh tả - đã đắc cử Tổng thống. Gần đây nhất, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Pha-ra-bun-đô Mác-ti (En Xan-va-đo) đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 15 tháng 3 năm 2009, đưa nhà báo Ma-uy-xi-ô Phu-nét (Thành viên của Mặt trận) lên làm Tổng thống. Sau những năm cầm quyền, lãnh đạo cánh tả đã tiến hành một số cải cách phù hợp, tiến bộ, bước đầu mang lại kết quả đáng khích lệ, đưa kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, trì trệ và đang trên đà phục hồi, tăng trưởng khá (Vê-nê-du-ê-la: 9,6%; Ác-hen-ti-na: 8,3%; Chi-lê: 5%...). Nhờ tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống nghèo đói của các chính phủ cánh tả, tỷ lệ người nghèo giảm từ 44% (năm 2002) xuống còn 38% (năm 2006)3. Từ năm 2002 đến năm 2005 Bra-xin đã hoàn trả số nợ 15,5 tỷ USD cho IMF trước thời hạn 2 năm4. Chương trình xã hội "không có người đói" của Chính phủ Bra-xin được coi là chương trình trợ cấp xã hội lớn nhất trên thế giới. Những năm qua, đa số chính phủ cánh tả ở Mỹ La-tinh đã tuyên bố tiến hành cải cách kinh tế - xã hội, chuyển từ mô hình kinh tế thị trường tự do sang mô hình kinh tế thị trường kết hợp giải quyết các vấn đề xã hội; đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng; cải cách ruộng đất; xoá đói giảm nghèo, xoá nạn mù chữ; tạo công ăn việc làm; cung cấp tín dụng, vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng nhà ở cho người nghèo; cải thiện dịch vụ y tế, văn hoá cộng đồng; điều chỉnh một số luật theo hướng coi trọng lợi ích quốc gia và có lợi cho người lao động. Về đối ngoại, các nhà lãnh đạo cánh tả đều thực thi chính sách mềm dẻo, linh hoạt, thúc đẩy hợp tác đa phương. Họ chủ trương thiết lập quan hệ với tất cả các nước trên thế giới và thực hiện công bằng với Mỹ, trên nguyên tắc tôn trọng hoà bình và quyền tự quyết của các dân tộc. Các nước trong khu vực đã nối lại và tăng cường hợp tác với Cu-ba, phản đối chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đối với hòn đảo tự do này; ủng hộ quá trình dân chủ hoá trong quan hệ quốc tế và cải tổ Liên hợp quốc; ủng hộ cuộc đấu tranh chống khủng bố; phấn đấu vì một trật tự thế giới mới. Để đạt mục tiêu đề ra, các đảng cánh tả đã có chính sách đoàn kết liên minh rộng rãi, tập hợp lực lượng, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hành động chống lại chủ nghĩa tự do mới, chống lại sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc, phấn đấu xây dựng một xã hội lấy con người làm trung tâm; tiêu biểu như: Diễn đàn Sao Pao-lô; các cuộc hội thảo quốc tế "Các đảng và một xã hội mới" do Đảng Lao động Mê-hi-cô chủ trì hằng năm; hội nghị "Toàn cầu hoá và những vấn đề của phát triển" do Cu-ba đăng cai; Diễn đàn Xã hội thế giới tại Pô-tô A-lê-gre do các tổ chức phi chính phủ của Bra-xin khởi xướng…
Trong các nước Mỹ La tinh do cánh tả cầm quyền hiện nay, Vê-nê-du-ê-la là nước có tiến trình cải cách sâu rộng và triệt để. Tổng thống H.Cha-vét nhiều lần công khai tuyên bố mục tiêu của cuộc cách mạng Bô-li-va5 ở Vê-nê-du-ê-la là đưa đất nước đi lên "chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI". Trong bài phát biểu (ngày 3-12-2006) ngay sau khi tái đắc cử, Tổng thống H.Cha-vét đã khẳng định "Vê-nê-du-ê-la sẽ tiếp tục con đường đi lên CNXH thế kỷ XXI". Thực hiện mục tiêu trên, Tổng thống H.Cha-vét cùng các chính đảng cánh tả ở Vê-nê-du-ê-la đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thảo luận và bước đầu xác định những nội dung cơ bản của "Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI". Theo đó, về chính trị, lấy chủ nghĩa Mác, tư tưởng cách mạng và tiến bộ của Xi-mông Bô-li-va, tư tưởng nhân đạo Thiên chúa giáo làm nền tảng tư tưởng; nhấn mạnh tư tưởng "dân chủ cách mạng" (còn gọi là dân chủ tham gia) và "chính quyền nhân dân"; xúc tiến thành lập Đảng XHCN thống nhất Vê-nê-du-ê-la (PSUV). Về kinh tế, chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế Nhà nước và kinh tế Hợp tác xã giữ vai trò chủ đạo; thực hiện quốc hữu hoá nền kinh tế quốc dân.Về xã hội, thực hiện phân phối công bằng của cải xã hội; giải quyết vấn đề bất bình đẳng và phân hoá giàu nghèo. Về đối ngoại, thúc đẩy khối đoàn kết Mỹ La-tinh và quan hệ hữu nghị với tất cả các nước; lấy hợp tác thay thế cạnh tranh; đấu tranh cho một thế giới đa cực và dân chủ. Về phương thức thực hiện, kế thừa những mặt tốt đẹp của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu trước đây, nhưng không rập khuôn, sao chép mà thường xuyên đổi mới và sáng tạo; phát triển mạnh kinh tế, tham gia hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; coi trọng các giá trị đạo đức, tinh thần; đoàn kết toàn dân tộc; chú trọng kinh nghiệm quốc tế của các nước XHCN.
Việc thành lập Đảng XHCN thống nhất Vê-nê-du-ê-la làm nòng cốt lãnh đạo sự nghiệp xây dựng CNXH thế kỷ XXI, được Tổng thống H.Cha-vét tiến hành một cách khẩn trương; tháng 12 năm 2007 Đảng đó chính thức đi vào hoạt động. Trong năm 2008, Đảng XHCN thống nhất Vê-nê-du-ê-la do Tổng thống H.Cha-vét làm chủ tịch đã giành thắng lợi trong lần trưng cầu dân ý về việc sửa đổi Hiến pháp, cho phép tăng nhiệm kỳ của Tổng thống lên 6 năm. Điều này đã mở đường cho H.Cha-vét tiếp tục tranh cử Tổng thống lần sau.
Có thể nói, sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, sự phát triển của phong trào cánh tả Mỹ La-tinh là một “hiện tượng”, được dư luận thế giới hết sức quan tâm. Giới phân tích dự báo: thời gian tới, nhiều khả năng lực lượng cánh tả vẫn giữ được vai trũ cầm quyền tại nhiều nước trong khu vực, do duy trì thể chế dân chủ tư sản và nền kinh tế thị trường, nhưng vẫn đáp ứng một phần nhu cầu của đa số cử tri. Các nước do lực lượng cánh tả lãnh đạo tiếp tục thực hiện chính sách phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, thu hẹp bất bình đẳng xã hội; đề cao ý thức bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc, tinh thần đoàn kết Mỹ La-tinh, chống đế quốc. Xu thế liên kết, hội nhập chính trị - kinh tế - thương mại giữa các nước trong khu vực tiếp tục được thúc đẩy. Các tổ chức hội nhập cấp tiểu vùng, như Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (MERCOSUR), Cộng đồng các quốc gia vùng lãnh thổ An-dét (CAN), khối thị trường chung Ca-ri-bê (CARKOM), Khối kinh tế Trung Mỹ (Kế hoạch Pu-ê-la)… có thể sáp nhập với nhau thành những tổ chức hội nhập lớn hơn theo mô hình chung EU để tăng cường sức mạnh nội khối và năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, ngoài các nhân tố tác động từ bên ngoài, sự cạnh tranh vai trò ảnh hưởng trong khu vực sẽ diễn ra theo chiều hướng tăng lên, nhất là giữa các lực lượng cánh tả ôn hòa và lực lượng cánh tả cấp tiến (Vê-nê-du-ê-la và Bra-xin). Có thể dự đoán xu hướng trong thập kỷ tới: Thứ nhất, các lực lượng đế quốc, tư sản phương Tõy (đặc biệt là Mỹ) sẽ tỏ rõ thái độ của mình và sẽ tìm mọi biện pháp để giành lại vị thế trước đây ở khu vực; Nga và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh quan hệ với các nước Mỹ La-tinh trên mọi lĩnh vực để gây ảnh hưởng và tăng thế cạnh tranh trực tiếp với Mỹ ở Tây bán cầu. Thứ hai, các đảng phái đối lập ở nhiều nước vẫn còn thế lực và lại có sự hậu thuẫn của Mỹ, sẽ ra sức chống phá những cải cách mang tính cách mạng mà các chính phủ cánh tả đang nỗ lực thực hiện ở Mỹ La-tinh. Thứ ba, bản thân các lực lượng cánh tả trong khu vực phải tìm cách giải quyết nhiều vấn đề hóc búa cả về lý luận cũng như tổ chức thực tiễn. Thứ tư, cho dù những ảnh hưởng tích cực của phong trào này đối với sự phát triển của khu vực là không nhỏ, nhưng việc phổ biến nó lại là điều không đơn giản. Có thể nói, triển vọng tới đây của trào lưu cánh tả ở Mỹ La-tinh và mục tiêu xây dựng CNXH thế kỷ XXI tùy thuộc rất nhiều vào tài năng chèo lái, uy tín của các nhà lãnh đạo; vào khả năng tiếp tục đẩy mạnh các cải cách về chính trị, kinh tế - xã hội mang tính cách mạng; vào việc xây dựng các chính đảng tiên phong vào việc củng cố khối đoàn kết toàn dân, xây dựng và củng cố khối liên kết, hợp tác hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước Mỹ La-tinh cũng như ủng hộ của các lực lượng cách mạng, cánh tả tiến bộ trên thế giới.
Những chuyển biến tích cực của phong trào cánh tả Mỹ La-tinh trong thời gian qua đã làm thay đổi cán cân so sánh lực lượng giữa các đảng phái tại vùng đất vốn được coi là "sân sau" của Mỹ và làm suy yếu nghiêm trọng ảnh hưởng của Oa-sinh-tơn ở đây. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng những thắng lợi mà phong trào đạt được đã tạo niềm tin cho nhân loại tiến bộ trên thế giới vào tương lai "một thế giới tốt đẹp hơn" là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
TS. THÁI VĂN LONG
______________
1- Xem: Sôi động Mỹ La tinh, báo Nhân dân, ngày 26-12-2006.
2- Dẫn theo Website: http@//baocantho.com. Vietnam. vietnamnet/nhanvat, ngày 28-4-2006.
3- Minh Phương - Cộng đồng Nam Mỹ với ước vọng về sự thống nhất, báo Cựu chiến binh Việt Nam, số 633, ngày 21-12-2006, tr. 11.
4- Thái An dẫn theo Website: http@/ baocantho.com. Việt Nam . vietnamnet/nhanvat, ngày 28-4-2006.
5- Cách mạng Bô-li-va - cuộc cách mạng tên Xi-mông Bô-li-va - Anh hùng giải phóng dân tộc của Vê-nê-du-ê-la thời kỳ chống ách đô hộ của thực dân Tây Ban Nha.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011