QPTD -Chủ Nhật, 07/08/2011, 23:56 (GMT+7)
Phòng, chống \\"Tự diễn biến\\" trên lĩnh vực tư tưởng - Một nhiệm vụ chính trị quan trọng của quân đội

Thực hiện chiến lược "Diễn biến hòa bình" chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch đã và đang đẩy mạnh nhiều hoạt động thâm độc, nhằm thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", hòng gây nên sự chia rẽ, mất đoàn kết từ nội bộ Đảng và Nhà nước ta; khi thời cơ đến, chúng sẽ sử dụng tổng lực các biện pháp phi vũ trang hoặc vũ trang; kết hợp trong phá ra, ngoài đánh vào làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng, đi đến xóa bỏ CNXH ở Việt Nam. "Tự diễn biến" là một trong những mục tiêu cơ bản và hết sức nguy hiểm của các thế lực thù địch nhằm chống phá các nước XHCN, trong đó có Việt Nam. Nói đến "tự diễn biến", trước hết và chủ yếu là về tư tưởng chính trị. Tùy theo chủ thể và phạm vi tác động  mà các thế lực thù địch sử dụng thủ đoạn và điều chỉnh cường độ chống phá, nhưng trọng tâm là tác động vào kiến trúc thượng tầng - các cơ quan chiến lược, nơi hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của đất nước... Một khi tư tưởng "có vấn đề" thì phương hướng, mục đích, hành vi hoạt động dễ nảy sinh tiêu cực; nếu lĩnh vực tư tưởng chính trị bất ổn thì các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục... khó có khả năng và điều kiện phát triển lành mạnh; một khi tư tưởng chính trị chệch hướng, sẽ làm cho nội bộ Đảng bị chia rẽ và nguy cơ tự sụp đổ của thể chế chính trị là khó tránh khỏi.

"Tự diễn biến" là một thủ đoạn đã được chủ nghĩa đế quốc sử dụng  từ nhiều thập kỷ trước, chủ yếu nhằm vào các nước XHCN. Bằng thủ đoạn chống phá tạo sự chuyển hóa từ bên trong và bên trên, chủ nghĩa đế quốc đã thành công trong việc tạo nên "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" từ tư tưởng chính trị đến tổ chức, xóa bỏ CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu.

Hiện nay, với những gì đã làm được đối với các nước XHCN đã sụp đổ, các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh thực hiện "tự diễn biến" đối với các nước XHCN còn lại, trong đó có nước ta, vì chúng cho rằng: quá trình mở rộng quan hệ đối ngoại, giao lưu văn hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế thị trường sẽ có "khoảng trống" và mặt trái để chúng dễ tiếp cận, lợi dụng chống phá. Bên cạnh đó, lợi dụng chủ trương, chính sách tự do ngôn luận, tự do báo chí của Đảng, Nhà nước ta; những vấn đề nhạy cảm về nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; đặc biệt là những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng, những yếu kém, tiêu cực của một số đảng viên là cán bộ chủ trì trong giải quyết chính sách kinh tế, xã hội... chúng xuyên tạc, bịa đặt, nhằm tạo ra mâu thuẫn xã hội, thông qua đó, thúc đẩy "tự diễn biến" trong nội bộ ta... Trên thực tế, bên cạnh sự ổn định, vững vàng về tư tưởng và tổ chức, nội bộ chúng ta cũng đã xuất hiện những dấu hiệu "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" rất đáng lo ngại. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng cách mạng và niềm tin cộng sản chủ nghĩa; thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tuy chưa công khai từ bỏ CNXH, song cho rằng, CNXH là mục tiêu cao cả nhưng xa vời, trước mắt nên tập trung phấn đấu cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh là đủ. Cá biệt, một số người đã thực sự "tự chuyển hóa", đòi "đổi mới chính trị" phải song song với "đổi mới kinh tế", nghi ngờ tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có cán bộ, đảng viên trước đây đã từng giữ cương vị, trọng trách trong các cơ quan đảng, chính quyền, nay cố ý đi tìm "cái tôi đã mất", "sám hối", "bới lông tìm vết", lẫn lộn trắng, đen, phủ nhận lịch sử, nhìn nhận, phê phán hiện tại thiếu khách quan toàn diện, đòi "đổi mới chính trị", "dân chủ hóa"... theo kiểu phương Tây, cổ suý cho những mô hình phát triển xa rời thực tiễn Việt Nam. Những biểu hiện "tự diễn biến" còn xuất hiện trong một số lĩnh vực khác. Trong đời sống xã hội xuất hiện xu hướng "chuộng ngoại", "Tây hóa" một cách thái quá. Nhận thức chính trị, lý tưởng sống, phẩm chất đạo đức của một bộ phận học sinh, sinh viên có nhiều biểu hiện rất đáng lo ngại. Trong sinh hoạt văn hóa, sáng tác, quảng bá, lý luận văn học nghệ thuật... đã xuất hiện những tác phẩm xa rời với bản sắc dân tộc, đánh mất chức năng định hướng giá trị xã hội, chức năng giáo dục; đề cập một chiều mặt trái, tiêu cực của xã hội; suy diễn chủ quan, cực đoan, thiếu căn cứ khoa học những vấn đề lịch sử, nhấn mạnh "cái tôi" thiển cận, bệnh hoạn... Những biểu hiện "tự diễn biến" nêu trên, cùng với những yếu kém, bất cập trong quản lý xã hội và phát triển kinh tế chậm được khắc phục đã dẫn tới tình trạng "trong Đảng đã xuất hiện những ý kiến khác nhau về một số vấn đề cơ bản liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng tới sự thống nhất tư tưởng và hành động; trong cán bộ, đảng viên, công nhân, nông dân, trí thức, kể cả trong những lực lượng nòng cốt gắn bó với Đảng, với chế độ, đã phát sinh một số vấn đề tư tưởng, tâm trạng bức xúc đáng lo ngại, ảnh hưởng tới sự đồng thuận xã hội"1. Tình trạng trên nếu không được khắc phục kịp thời, triệt để sẽ làm cho mầm mống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cả về tư tưởng và hành động ngày càng phát triển, tạo ra những nguy cơ khó lường.

"Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" xuất hiện do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, trong đó có sự tác động bởi thủ đoạn "Diễn biến hòa bình"  của các thế lực thù địch. Hiện nay, thủ đoạn đó ngày càng thâm độc, xảo quyệt; quyết liệt hơn về cường độ, mở rộng hơn về nội dung, đối tượng, phạm vi hình thức, cũng như phương pháp tấn công. Tuy nhiên, mảnh đất "màu mỡ" của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trước hết là ở tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó là tình trạng tiêu cực trong bộ máy Đảng, Nhà nước, tệ nạn tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và trong xã hội còn nhiều mặt bị buông lỏng; công tác lý luận chưa khắc phục được sự lạc hậu so với phát triển của thực tiễn; lý luận chưa giải đáp có căn cứ khoa học, thuyết phục những vấn đề thực tiễn đặt ra, làm chậm việc hoàn thiện đường lối đổi mới, ảnh hưởng tới sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, trong xã hội. Công tác tư tưởng còn thiếu sắc bén, thiếu sức thuyết phục, tính chiến đấu còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ trì... thiếu kiên định, vững vàng, phẩm chất và năng lực hạn chế, không đủ tỉnh táo để phân biệt rõ đúng, sai; thiếu tu dưỡng, rèn luyện, chạy theo lợi ích cá nhân cực đoan; từ thoái hóa về đạo đức, lối sống, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đã tác động xấu đến tình hình chung của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đối với quân đội, trong những năm qua đã được Đảng, Nhà nước chăm lo xây dựng về mọi mặt, trước hết là xây dựng vững mạnh về chính trị, nhờ đó chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu không ngừng được nâng lên. Quân đội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh, nhất là đã làm tốt vai trò nòng cốt, phối hợp với các ngành, các lực lượng, chủ động phòng ngừa, tích cực tấn công, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn "Diễn biến hòa bình"  của các thế lực thù địch; góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Nội bộ quân đội không có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Nhưng quân đội cũng là một bộ phận của xã hội; là lực lượng chính trị, đội quân chiến đấu tin cậy và trung thành tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và nhân dân; bởi vậy, để chống phá Đảng, chuyển hóa chế độ ta, các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện "phi chính trị hóa" quân đội, thực hiện âm mưu chia rẽ quân đội với Đảng, quân đội với công an và tìm cách làm "méo mó" hình ảnh của quân đội trong lòng nhân dân. Những hiện tượng vi phạm về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của một số đảng viên, cán bộ, chiến sĩ hiện nay, nếu không có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời sẽ là nguyên nhân nảy sinh "tự diễn biến" về tư tưởng, chính trị. Vì vậy, phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong quân đội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của công tác tư tưởng; cần tập trung triển khai chặt chẽ, nghiêm túc công tác an ninh tư tưởng, tăng cường quản lý, giám sát những hoạt động mang tính nghiệp vụ, bảo đảm không để lọt, lộ bí mật quân sự; đồng thời, ngăn chặn không cho tư tưởng, văn hóa xấu độc xâm nhập, lây lan vào quân đội. Thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, gắn với làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tập trung vào đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt, hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu; đội ngũ văn nghệ sĩ, phóng viên, báo chí; tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, trọng tâm là giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quán triệt sâu sắc, kịp thời mọi đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; giáo dục nâng cao cảnh giác cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, nâng cao sức đề kháng trước mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Trong giáo dục, cần chú ý rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, sự sắc sảo, nhạy bén, tính kiên định về mục tiêu, lý tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ cấp ủy, cán bộ chủ trì, đội ngũ văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí tuổi đời còn trẻ, ít trải nghiệm thực tiễn. Cần thường xuyên làm tốt việc cung cấp có định hướng tình hình thời sự, chính sách và âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; khắc phục tình trạng cán bộ, chiến sĩ thiếu thông tin, dẫn đến tâm lý hoang mang trước những sự kiện phức tạp diễn ra, hoặc hiểu không đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nảy sinh tư tưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, cần đổi mới và tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận; đề cao tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt chính trị, văn hóa, tinh thần, kịp thời phát hiện, phê phán những biểu hiện nhận thức tư tưởng lệch lạc trong nội bộ cơ quan, đơn vị; đồng thời, tổ chức triển khai một cách cơ bản, chủ động, có hiệu quả công tác đấu tranh chống lại các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch hòng chống phá Đảng, Nhà nước và quân đội.

Trung tướng MAI HỒNG BỈNH

Cục trưởng cục Tuyên huấn

_______________

1- ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H. 2009, tr. 64.

 

Ý kiến bạn đọc (0)