QPTD -Chủ Nhật, 20/11/2011, 23:01 (GMT+7)
Phong cách tư duy quân sự Lê Duẩn


                                                    
1- Là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp to lớn vào việc hoạch định, không ngừng bổ sung, hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối chống Mỹ, cứu nước, trong đó có phần đóng góp xuất sắc về lý luận quân sự của cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam.
Tôi muốn khái quát sự đóng góp đó về lý luận quân sự của Lê Duẩn thể hiện một phong cách, một phong cách riêng, rất “Lê Duẩn”, có thể gọi là phong cách tư duy quân sự Lê Duẩn. Bởi tôi thấy ở đồng chí một sự thống nhất rất cao giữa lý luận quân sự và thực tiễn quân sự, với một cách lập luận và nhiều luận điểm sắc bén, đôi khi có tính phê phán gây ấn tượng đối với một số quan niệm quân sự đương thời, nhưng rất thuyết phục. Những luận điểm  đó được rút ra từ thực tiễn mà nhiều khi lại là những giải pháp có tính đột phá để xử lý những vấn đề thực tiễn, đề xuất những nhận định và quyết định táo bạo ở cương vị nặng nề của đồng chí trong sự lãnh đạo của tập thể Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Bộ Thống soái của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh.
Trong hệ tư tưởng Mác-Lê-nin, trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và tiếp thu những tinh hoa quân sự truyền thống Việt Nam, lý luận quân sự và phong cách tư duy quân sự của đồng chí Lê Duẩn là sự vận dụng nhuần nhuyễn phép biện chứng duy vật Mác-xít để xử lý một cách sáng tạo những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, của cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam. Tôi hiểu lý luận quân sự và phong cách tư duy quân sự Lê Duẩn là ở tầm cao của đồng chí Bí thư thứ nhất, một trong những đồng chí lãnh đạo chủ chốt xuất sắc của Đảng ta, của cách mạng Việt Nam.
Thực tế cho thấy, tình hình mọi mặt của đất nước, của thế giới, trong đó có những diễn biến phức tạp nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) anh em, đã tác động đến nhiều quyết định quan trọng của cách mạng Việt Nam, của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, của cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam, trong đó có nhiều vấn đề quân sự và đôi khi cả một số vấn đề kỹ thuật quân sự. Do vậy, lý luận quân sự và phong cách tư duy quân sự của lãnh đạo đòi hỏi một lập trường cách mạng kiên định với một tầm nhìn rộng, một suy nghĩ sâu, tỉnh táo, nhạy bén và khôn ngoan của một tập thể. Đồng thời, phải được bổ sung thường xuyên bằng tri thức quân sự, kinh nghiệm và bản lĩnh của đội ngũ tướng lĩnh từ cấp cao nhất; được luôn luôn tiếp nhận “năng lượng” trong sức sáng tạo vĩ đại của quần chúng, của cán bộ và chiến sĩ, khi mà cuộc cách mạng ở miền Nam phát triển dần thành một cuộc chiến tranh cách mạng thực sự chống kẻ thù hung bạo là đế quốc Mỹ. Trong cuộc chiến tranh cách mạng này, có sự vận động của cả quy luật cách mạng và quy luật chiến tranh, trong đó quy luật cách mạng là cơ sở cho sự vận động và phát huy vai trò ngày càng chi phối và quyết định trực tiếp cuối cùng của quy luật chiến tranh - quy luật chiến tranh cách mạng. Tư duy về vai trò quyết định của quy luật chiến tranh cách mạng luôn luôn dựa vào sức mạnh của cuộc cách mạng, của quần chúng cách mạng, phục tùng đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, là lập trường nguyên tắc của tư duy quân sự cách mạng.
2- Như đã biết, có một vấn đề thời sự nóng bỏng nhưng rất cơ bản giữa thế kỷ XX đặt ra trong phong trào cách mạng thế giới, trong đó có cách mạng Việt Nam, là nhận định về sức mạnh và khả năng của đế quốc Mỹ. Đã có những đánh giá quá cao, không thấy hết chỗ yếu cơ bản và những khả năng hạn chế của đế quốc Mỹ; đi tới tâm lý sợ Mỹ và từ đó nảy sinh một số biểu hiện hữu khuynh trong đấu tranh cách mạng. Điều đó có ảnh hưởng phần nào đến đảng viên, cán bộ và nhân dân ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khẳng định phải đưa cách mạng Việt Nam phát triển, tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam kết hợp với đẩy mạnh cách mạng XHCN ở miền Bắc. Nhưng cách mạng miền Nam tiến lên như thế nào, theo con đường nào khi phải trực tiếp đương đầu với đế quốc Mỹ?
Đột phá đầu tiên là Đề cương cách mạng miền Nam do Lê Duẩn khởi thảo giữa lòng Sài Gòn bị tạm chiếm (1956), được tập thể Xứ ủy Nam Kỳ thảo luận nhiều lần, và các cuộc nổi dậy đầu tiên của quần chúng cách mạng ngay khi chưa có tín hiệu của Trung ương. Tiếp đó là Nghị quyết Trung ương 15 khóa II (1959) như  “mưa rào cho ruộng hạn”, là Nghị quyết Đại hội III (1960), Nghị quyết Trung ương 9B Khóa III (1963)... Đường lối chống Mỹ, cứu nước của Đảng ta – theo tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do", đã hình thành và phát triển, hoàn chỉnh dần.
Có thể thấy dấu ấn của phong cách tư duy quân sự Lê Duẩn trong trí tuệ tập thể ở nhiều vấn đề cơ bản của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, của cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam, mà theo tôi, đặc điểm quan trọng nhất là sự thống nhất bên trong, biện chứng giữa cách mạng và chiến tranh thành chiến tranh cách mạng.
Đúng là cách mạng và chiến tranh có khác nhau. Nói cách mạng miền Nam là phải xử  lý những vấn đề như: tính chất chế độ thống trị thực dân mới của Mỹ; mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn chủ yếu của cách mạng; nhiệm vụ và đối tượng của cách mạng; lực lượng cách mạng và phương pháp cách mạng... Nói chiến tranh cách mạng miền Nam là phải xử lý những vấn đề như: mục đích chính trị của chiến tranh và nhiệm vụ quân sự; lực lượng vũ trang và phương thức tiến hành chiến tranh, nghệ thuật quân sự; hậu phương của chiến tranh... Tuy nhiên, xét theo góc độ tư duy quân sự, trong lý luận và phong cách tư duy của Lê Duẩn, cách mạng và chiến tranh không tách rời; ngoài những cái riêng (khác biệt), có những cái chung cho cả cách mạng và chiến tranh, không hẳn chỉ thuộc phạm trù cách mạng mà đã thuộc phạm trù chiến tranh, nhưng cũng không thuộc phạm trù chiến tranh thông thường, “chiến tranh cổ điển”. Trong tư duy về chiến tranh của đồng chí Bí thư thứ nhất, đương nhiên chi phối vẫn là những vấn đề cơ bản của cách mạng đối với chiến tranh; đồng thời, trong tư duy về cách mạng của Lê Duẩn, tất yếu là sự tác động của chiến tranh đối với cách mạng. Theo Lê Duẩn, chiến tranh cách mạng là phương pháp cách mạng để đạt mục tiêu cách mạng; là cách mạng được tiến hành bằng chiến tranh và cả trong chiến tranh. V.I Lê-nin thường nhắc đến luận điểm của Clao-dơ-vít “chiến tranh là kế tục của chính trị bằng phương thức khác - bạo lực”. Nhưng phải chăng như vậy trong chiến tranh, cách mạng (chính trị) chỉ còn là chiến tranh, chỉ bằng chiến tranh, chỉ có quy luật của chiến tranh? Thực tế lịch sử ở Việt Nam không phải là như thế.
Theo đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, ở miền Nam là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân phát triển dần thành chiến tranh cách mạng nhằm lật đổ ách thống trị thực dân mới và đánh bại chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ. Từ mục tiêu của cách mạng đến mục đích chính trị của chiến tranh; từ lực lượng cách mạng đến lực lượng của chiến tranh cách mạng, lực lượng quân sự, lực lượng vũ trang; từ phương pháp của cách mạng đến phương thức tiến hành  chiến tranh và nghệ thuật quân sự - đúng là một thể thống nhất bên trong. Điều đó rõ ràng đòi hỏi một tư duy quân sự tổng hợp ở cấp độ cao hơn.
Trong kháng chiến chống Pháp, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân trong chiến tranh. Trong kháng chiến chống Mỹ, vừa tiến hành kháng chiến trên cả nước, vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc và những cơ sở đầu tiên của chế độ dân chủ nhân dân trong những vùng tự do và giải phóng ở miền Nam. Phần gọi là cách mạng trong chiến tranh-xây dựng chế độ mới- trước mắt là nhằm phục vụ cho kháng chiến thắng lợi, đồng thời, chuẩn bị cho nhiệm vụ mở rộng xây dựng chế độ mới sau chiến tranh. Đương nhiên, cách mạng trong chiến tranh không chỉ có thế. Những cuộc đấu tranh chính trị đòi dân sinh, dân chủ trong các thành thị ở miền Nam, những hoạt động phá hoại ngầm về kinh tế của công nhân trong vùng địch tạm chiếm..., thường được coi thuộc phạm trù đấu tranh cách mạng. Nhưng xét theo tiêu chí của chiến tranh cách mạng, thì những cuộc đấu tranh đó thuộc phạm trù của chiến tranh cách mạng, đánh địch cả bằng vũ trang và chính trị.
3- Đặc điểm quan trọng nhất nêu trên đây trong phong cách tư duy quân sự Lê Duẩn chi phối và thể hiện trong cách tiếp cận nhiều vấn đề quan trọng như đã biết. Song có lẽ đậm hơn cả- và cũng được thảo luận nhiều- là xoay quanh các vấn đề về phương pháp cách mạng; về tư tưởng chiến lược tiến công và chiến lược tiến công; về những phương án dứt điểm bằng Tổng khởi nghĩa - Tổng công kích.
Về phương pháp, đương nhiên Lê Duẩn không thể đi sâu vào “phươngpháp” của chiến tranh là phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự. Từ sự thống nhất biện chứng của cách mạng và chiến tranh cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đề xướng cả “phương pháp cách mạng” và “phương pháp của chiến tranh” trong một thể thống nhất, gọi là “phương pháp của chiến tranh cách mạng”.
Trong nhiều buổi nói chuyện với Ban biên tập Tạp chí Quân đội nhân dân (nay là Quốc phòng toàn dân) tháng 3/1967, theo chủ đề “Cách mạng, phương pháp cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam”, đồng chí Lê Duẩn đã đưa ra một công thức gồm bốn đoạn, được coi thuộc phạm trù phương pháp: “Khởi nghĩa từng phần, quân sự-chính trị song song, ba vùng, tổng khởi nghĩa - tổng công kích”. Tôi thấy đây chính là sự khái quát quá trình phát triển của cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam theo một chiến lược đã được xác định và phát triển, hoàn chỉnh dần, với các bước: mở đầu, điều khiển cuộc chiến tranh từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, và kết thúc chiến tranh, giành thắng lợi hoàn toàn.
“Phương pháp của chiến tranh cách mạng miền Nam” đã được kiểm nghiệm, chứng thực, cụ thể hóa, bổ sung và phát triển trong thực tiễn. Nhìn lại, có thể phân tích như sau:
Khởi nghĩa từng phần là cách mạng miền Nam đã chuyển từ thế thủ  sang thế công- một cách mở đầu độc đáo, rất khôn khéo trong tình hình phức tạp của thế giới và nội bộ phe XHCN. Khởi nghĩa không chỉ là quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công mà là đã thực hành chiến lược tiến công, nhưng là chiến lược tiến công của cách mạng bằng khởi nghĩa, trên cơ sở phát huy sức mạnh của quần chúng cách mạng đánh vào những chỗ yếu của chế độ thực dân mới ở cơ sở; phát triển từ nhỏ đến lớn, từ cục bộ đến toàn bộ, như V.I Lê-nin nói. Đó chưa phải là chiến lược tiến công quân sự của chiến tranh thông thường, giành thắng lợi quân sự trong thời gian tương đối ngắn để kết thúc chiến tranh theo yêu cầu của quy luật chiến tranh.
Kẻ thù phản ứng quyết liệt bằng “chiến tranh đặc biệt”. Cách mạng miền Nam đã phát triển tiến công từ khởi nghĩa thành chiến tranh, bởi, cũng theo  V.I Lê-nin, “phòng ngự là con đường chết của khởi nghĩa”. Chiến tranh đánh địch bằng quân sự - chính trị song song (hiểu là kết hợp); khởi nghĩa trong chiến tranh trở thành những cuộc nổi dậy giành quyền làm chủ của quần chúng kết hợp với tiến công quân sự ở các địa phương.
Cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam diễn ra trên cả ba vùng chiến lược, tức là kết hợp đánh địch cả ở rừng núi, nông thôn và thành thị. Đột phá này của Lê Duẩn là tổng kết kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam, cả trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, khắc phục tư duy cũ “lấy nông thôn bao vây thành thị”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp nhất trí với quan điểm này, và qua thực tế, đã nhấn mạnh rất đúng là phải “đứng chân vững chắc ở nông thôn”. Do vậy nên tổng kết là “đứng chân vững chắc ở nông thôn, kết hợp đánh địch cả ở nông thôn và thành thị mà đòn quyết định là ở thành thị”. “Đòn quyết định ở thành thị” đã được đồng chí Trường Chinh tổng kết từ thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.
Chiến lược tiến công của cách mạng ngày càng mang nhiều nhân tố quân sự và dần dần trở thành chiến lược tiến công của chiến tranh cách mạng, chiến lược tiến công về quân sự khi cách mạng phát triển dần thành một cuộc chiến tranh cách mạng thật sự đầy đủ. Mà nói chiến tranh là phải nói nghệ thuật quân sự, là chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, là tiến công, phản công và phòng ngự (trong chiến tranh cách mạng miền Nam, tiến công và phản công là chính); là vai trò quyết định của quả đấm chủ lực trong ba quả đấm chiến lược của chiến tranh cách mạng miền Nam (quả đấm chủ lực, quả đấm tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng ở nông thôn, quả đấm chính trị ở thành thị).
Chiến tranh cách mạng miền Nam rõ ràng là sự tổng hợp và nâng lên một trình độ mới cả kinh nghiệm Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 và kinh nghiệm chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Pháp. ở đây đã hình thành và phát triển một nghệ thuật điều khiển chiến tranh rất sáng tạo của Bộ thống soái. Cũng thấy dấu ấn Lê Duẩn: nhạy bén với những nhân tố mới xuất hiện trên chiến trường, từ đó có những đề xuất táo bạo mà có cơ sở khoa học, được tập thể Bộ thống soái bổ sung hoàn chỉnh. Các trận đánh ấp Bắc, Bình Giã, Ba Gia, Vạn Tường, Phước Long... mà đồng chí Lê Duẩn coi là “ những trận đánh báo hiệu” những khả năng mới trên chiến trường, đã thực tế đánh dấu những chuyển biến chiến lược trong cục diện chiến tranh ở miền Nam.
Sau cùng là kết thúc chiến tranh, với những phương án dứt điểm bằng Tổng khởi nghĩa- Tổng công kích (hoặc Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa).
Lần thứ nhất, 1961-1962, khi chính quyền thực dân mới bắt đầu dùng “chiến tranh đặc biệt” để chống lại các cuộc khởi nghĩa, “đồng khởi” của quần chúng. Trong thư gửi đồng chí Nguyễn Văn Linh và Trung ương cục miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã đặt vấn đề Tổng khởi nghĩa-Tổng công kích nhằm lật đổ chế độ Mỹ-Diệm, thiết lập một chính quyền độc lập và trung lập ở miền Nam, không để ngụy quyền phát triển “chiến tranh đặc biệt”.
Lần thứ hai, 1964-1965, khi “chiến tranh đặc biệt” sắp phá sản. Trong thư gửi đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Lê Duẩn lại đặt vấn đề Tổng khởi nghĩa- Tổng công kích nhằm lật đổ ngụy quyền Sài Gòn, thiết lập một chính quyền trung lập, đặt quan hệ ngoại giao với các nước, "có thể chưa cần đặt vội vấn đề giao thiệp với miền Bắc", yêu cầu Mỹ rút, ngăn không cho Mỹ đưa quân vào tiến hành chiến tranh cục bộ.
Ta thấy rõ dự kiến của đồng chí Lê Duẩn trong hai lần này không phải là giành thắng lợi hoàn toàn, đạt được mục tiêu của cách mạng miền Nam mà mới là thắng lợi theo một mục đích chính trị hạn chế – một miền Nam Việt Nam trung lập - kết thúc chiến tranh, chuyển sang một thời kỳ mới trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài chống chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ. ở đây trực tiếp có vấn đề quy luật khởi nghĩa khác quy luật chiến tranh, vì vậy Lê Duẩn không chỉ đề ra Tổng khởi nghĩa mà đề ra Tổng khởi nghĩa-Tổng công kích. ở đây có thể thấy, vấn đề trước tiên là chiến lược và sách lược của cách mạng: muốn chấm dứt một cuộc chiến tranh cụ thể, với mục đích chính trị hạn chế nhằm tìm kiếm một sự lựa chọn khác- có thể không nhất thiết là chiến tranh- để từng bước tiến lên đạt được mục tiêu cách mạng. Thành ra cũng có cả vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa chiến tranh và hòa bình. Trong lãnh đạo cách mạng, cần thiết phải tính đến những khả năng, những phương án có thể ở những thời cơ nào đó của cách mạng: khi thời cơ qua đi, “phương án có thể” lại trở thành không thể.
Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, cũng với “mô hình” Tổng khởi nghĩa- Tổng công kích, là một quyết định chiến lược đúng, táo bạo của tập thể Bộ Chính trị, theo đề xuất của Lê Duẩn và một số đồng chí nữa, với cả mặt được và hạn chế của nó, với cả phần ưu điểm và khuyết điểm khi tiến hành. Ta đã giành thắng lợi quyết định. Chưa giành thắng lợi hoàn toàn nhưng đã đi tới “đánh cho Mỹ cút” và mở ra một cục diện vô cùng thuận lợi để “đánh cho ngụy nhào” theo tư duy chiến lược Hồ Chí Minh.
Trong quyết định chiến lược được xác định từ 1974 và đã dẫn tới Đại thắng mùa Xuân 1975, vẫn đề ra Tổng khởi nghĩa- Tổng công kích, nhưng chuẩn bị sẵn cả hai phương án phù hợp với hai khả năng: một là, đánh đổ chính quyền Thiệu, thành lập chính phủ liên hiệp rồi từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn; hai là, dùng lực lượng quân sự đánh đòn quyết định, giành thắng lợi hoàn toàn ngay. Chiến tranh cách mạng miền Nam đã phát triển đến đỉnh cao, chiến lược tiến công của chiến tranh cách mạng, chiến lược tiến công về quân sự  đã phát triển đến đỉnh cao. Quy luật chiến tranh đã phát huy vai trò quyết định trực tiếp cuối cùng trong cuộc Tổng tiến công về quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng (không diễn ra Tổng khởi nghĩa).
 Quân và dân cả nước đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam, cuộc chiến tranh yêu nước thần thánh của dân tộc. Thật là “thần tốc”! Như Lê Duẩn nói: “ Thời cơ này, không cho phép lừng chừng, do dự”1. Thắng lợi nhanh chóng, bất ngờ trong “15 phút cuối cùng của trận đấu” (55 ngày/21 năm); kẻ địch không kịp trở tay và các thế lực khác muốn  vào lấp chỗ trống cũng không kịp chuẩn bị.
Lịch sử dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi công thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó khẳng định cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Duẩn, những đóng góp của đồng chí về lý luận quân sự của cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam. Phong cách tư duy quân sự Lê Duẩn chính là một trong những cống hiến đó.
Trung tướng Phạm Quang Cận
 
Ý kiến bạn đọc (0)