QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 00:50 (GMT+7)
Phê bình trước hết phải biết tự phê bình

Lẽ thường, ở đời ai cũng thích được khen hơn là bị chê. Và thật ra, việc phê bình (chê) người khác thì cũng không mấy ai muốn và cũng chẳng hề đơn giản. Dẫu không muốn, thì cuộc sống vẫn cần phê và chê. Trong Đảng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển. Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ; sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, nhằm tăng cường sự đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình phải "triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người"1. Như vậy, đủ biết: trong phê bình, phải phê bình đúng sự thật; đó là điều đáng trân trọng biết bao!

Rất tiếc, trong sinh hoạt ở cơ quan, đơn vị cũng như trong giao tiếp xã hội, có những người rất ngại bị phê bình lẫn phê bình người khác. Đó là những người thuộc dạng "mũ ni che tai", "dễ người dễ ta", ngại va chạm. Nếu có ai đó làm công tác thống kê, "tuýp" người này chắc là không hiếm.

Nhưng cũng có một "tuýp" người khác hẳn. Đó là những người rất ít khi chú ý đến tự "phê" mình nhưng lại rất thích "chê", rất thích "bình" người khác… Điều đáng nói là cái việc "bình" của họ không phải vì sự tiến bộ của tổ chức, của người khác, mà lại nặng về toan tính lợi, hại của riêng mình. Thay cho sự trao đổi thẳng thắn, chân tình, giúp đỡ nhau một cách vô tư, trong sáng theo tình đồng chí, đồng đội, là sự tính toán ứng xử theo lối có đi có lại, dễ người, dễ ta. Tệ hại là, cứ nhằm vào dịp sắp đại hội Đảng các cấp, hoặc đề bạt, bổ nhiệm… thì đơn thư tố cáo mới bung ra; trong số đó, không ít thư nặc danh, vu cáo. Tình trạng đó diễn ra "muôn hình, vạn trạng" đã gây cho tổ chức và các cơ quan chức năng tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức; làm cho đoàn kết nội bộ và uy tín của những người bị vu cáo ít nhiều bị sứt mẻ, khó có thể lấy lại được.

Điều đáng bàn ở đây là, nhân cách của những người đi "phê bình" kiểu đó. Họ lớn tiếng phê bình người khác, nhưng năng lực, phẩm chất, đạo đức của họ thì dở, mức độ hoàn thành nhiệm vụ thì trung bình và nếu xét công việc họ phụ trách cũng không hơn gì ai… Thế nhưng, nếu có ai chân thành góp ý thì họ phản ứng quyết liệt; hoặc có buộc phải tiếp thu thì cũng lý giải kiểu ngụy biện…cho bản thân mình là đúng.

Dẫu vẫn biết "Nhân vô thập toàn", nên trong cuộc sống, trong công tác, cần lắm việc phê bình. Và cũng chẳng nên đòi hỏi người đi phê bình phải "tròn vẹn"; song chí ít, khi phê bình người khác thì "điều kiện cần" ở người đi phê bình là bản thân phải có cái "tâm" trong sáng. Thế mới biết, phê bình chẳng phải là một việc làm đơn giản. Vậy nên, muốn phê bình, trước hết phải biết tự phê bình.

PHIẾM ĐÌNH

_________

1- Hồ Chí Minh - Toàn tập , Tập 5, Nxb ST, H.1995, tr. 232.

 

Ý kiến bạn đọc (0)