QPTD -Thứ Bảy, 06/08/2011, 21:44 (GMT+7)
Phát triển tư duy về quốc phòng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc

Từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đất nước ta bước vào thời kỳ mới - thời kỳ cả nước tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) XHCN. Đối với nhiệm vụ BVTQ, “thành tựu cơ bản, bao trùm là giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN; đẩy mạnh phát triển kinh tế; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới; tạo lập được môi trường quốc tế thuận lợi, mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường thế và lực của đất nước”1. Đây là những cơ sở nền tảng quan trọng nhất để chúng ta khai thác, tăng cường sức mạnh BVTQ. Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực có những biến đổi ngày càng sâu sắc, phức tạp, mau lẹ và khó lường, tác động trực tiếp đến quốc phòng-an ninh (QP-AN) của nước ta, nhất là đặc điểm về đối tác, đối tượng của sự nghiệp xây dựng và BVTQ đã có những biến động phức tạp, khác trước. Cùng với quá trình đổi mới đi vào chiều sâu và phát triển toàn diện, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức, nguy cơ đang diễn biến đan xen, phức tạp. Đó là, nguy cơ tụt hậu về kinh tế, chệch hướng XHCN, nạn tham nhũng và tệ quan liêu, “Diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch gây ra. Đặc biệt, những vấn đề an ninh mới, như: chủ nghĩa khủng bố quốc tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh..., đang là những yếu tố có thể gây mất ổn định và đe dọa an ninh của đất nước. Chính vì thế, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược BVTQ trong tình hình mới” ra đời, đánh dấu bước phát triển mới, toàn diện về nhiệm vụ BVTQ, mà trọng tâm là các vấn đề về QP-AN và đối ngoại; trong đó, trước tiên là sự phát triển về tư duy, nhận thức về quốc phòng trong tình hình mới.

Vấn đề phát triển cơ bản, rõ nét nhất là sự chuyển biến từ tư duy quân sự đến tư duy quốc phòng. Đây là vấn đề đã được đề cập từ trước nhưng chưa hoàn thiện, chỉ đến khi Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) ra đời, vấn đề này mới được xem xét, quán triệt rõ ràng, đầy đủ và hoàn chỉnh hơn. Trước đây, khi đề cập đến vấn đề quốc phòng, tư duy chiến lược của chúng ta thường thiên về dùng sức mạnh quân sự với lực lượng vũ trang (LLVT) là nòng cốt để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chống lại sự xâm lược từ bên ngoài. Thậm chí, trong xem xét các vấn đề về quốc phòng, phòng thủ quốc gia và công cuộc giữ nước, tư duy của chúng ta thường nặng về các giải pháp quân sự để đối phó với chiến tranh xâm lược. Cách tư duy như vậy không hoàn toàn sai nhưng chưa đủ, không toàn diện, nhìn nhận vấn đề quốc phòng, BVTQ còn hạn hẹp, phiến diện, chỉ thấy được một phần (dù đó là phần đặc trưng của quốc phòng) mà không thấy được vấn đề toàn cục. Ngày nay, trong điều kiện mới, tư duy về quốc phòng, BVTQ đã có sự đổi mới; một mặt, phải chuẩn bị đầy đủ sức mạnh vũ trang cần thiết để giữ vững hòa bình, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch trong mọi tình huống; mặt khác, phải nhấn mạnh sức mạnh và các biện pháp “phi vũ trang” là chính, để vừa giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vừa bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển đất nước về mọi mặt theo định hướng XHCN mà không phải tiến hành chiến tranh. Như vậy, phát triển từ tư duy quân sự đến tư duy quốc phòng cho chúng ta cách nhìn nhận mới, rộng hơn, sâu hơn, khách quan, toàn diện hơn và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, yêu cầu nhiệm vụ BVTQ trong điều kiện mới.

Sự phát triển tư duy về quốc phòng còn được thể hiện trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD). Trước đây, trong thời gian dài, BVTQ chủ yếu gắn với bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bằng phương thức đấu tranh vũ trang là chính. Do đó, trong xã hội dần hình thành nhận thức: QP-AN là công việc riêng của LLVT, mà chủ yếu là của lực lượng Quân đội và Công an. Ngày nay, nhận thức về quốc phòng đã có sự phát triển, nhất là nhận thức rõ hơn, sâu hơn về nền QPTD. Xây dựng nền QPTD không những để sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược, mà còn phải gắn chặt với yêu cầu bảo vệ an ninh trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời, đối phó thắng lợi với các tình huống khác. Do vậy, nền quốc phòng đó phải là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; mang tính toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường và ngày càng hiện đại. Trách nhiệm xây dựng nền QPTD là của toàn Đảng, toàn dân và LLVT, của cả hệ thống chính trị, đoàn thể quần chúng và trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, vai trò của nhân dân được khẳng định một cách tiên quyết trong xây dựng nền QPTD... Trong khi xác định 6 nhiệm vụ, 6 giải pháp BVTQ, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) đã tập trung nhấn mạnh 4 nhiệm vụ, 4 giải pháp nói về Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhân dân và tư tưởng, văn hóa; chỉ có 2 nhiệm vụ, 2 giải pháp nói về QP-AN và đối ngoại. Điều đó chứng tỏ BVTQ không chỉ có lĩnh vực QP-AN và đối ngoại, mà QP-AN và đối ngoại chỉ là lĩnh vực cơ bản, đặc trưng.

Về sức mạnh quốc phòng, BVTQ, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) tiếp tục khẳng định, đó vẫn là sức mạnh tổng hợp của quốc gia; là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại... Tuy nhiên, trong điều kiện hệ thống XHCN không còn, sức mạnh bên trong của đất nước, sức mạnh của chế độ chính trị, sự trong sạch của đội ngũ cán bộ và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định. Từ lâu, chúng ta đều nhận thức được rằng: quốc phòng là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh của toàn dân tộc; trong đó, sức mạnh quân sự là đặc trưng, LLVT là nòng cốt. Sức mạnh đó được xây dựng dựa trên cơ sở toàn diện các nhân tố, cả về chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học-công nghệ và văn hóa, tư tưởng...; mỗi nhân tố ấy đều có vị trí xứng đáng trong mối quan hệ tương tác hợp thành sức mạnh tổng hợp. Nhưng trong tình hình mới, Nghị quyết một lần nữa cần thiết phải khẳng định lại nhân tố con người với sức mạnh từ nhân tố chính trị-tinh thần, mà tiêu biểu là đội ngũ cán bộ trong sạch và đoàn kết có vai trò quyết định. Đây là điểm mới và là sự khẳng định dứt khoát, sức mạnh quốc phòng phải được bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân, từ “lòng dân”, với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; đồng thời, đây cũng là vấn đề trọng yếu hiện nay, nhất là trên các địa bàn chiến lược. Nếu lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ giảm sút thì không thể tạo ra sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc, cho dù kinh tế có thể phát triển, quân sự có thể hùng mạnh. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy, không một công cuộc giữ nước nào thành công mà không có sự đồng tình cao của nhân dân. Vì vậy, tư duy mới về quốc phòng, BVTQ đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, trong sạch, có trách nhiệm cao trước dân, luôn tăng cường đoàn kết, mở rộng dân chủ ở cơ sở..., giữ vững uy tín và niềm tin với quần chúng nhân dân.

Tư duy mới về quốc phòng trong Chiến lược BVTQ còn được thể hiện ở mục tiêu BVTQ và cơ bản đó cũng là mục tiêu quốc phòng. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) đã chỉ rõ quan điểm chỉ đạo về BVTQ là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển đất nước là lợi ích cao nhất; đồng thời, chuẩn bị đất nước sẵn sàng đánh thắng nếu chiến tranh xảy ra. Đây là sự phát triển tư duy nhận thức về quốc phòng, BVTQ trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhận thức mới này đã khắc phục sự phiến diện trong tư duy chỉ nhấn mạnh đến bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đất nước; rằng làm quốc phòng là để tiến hành chiến tranh, đối phó chủ yếu với chiến tranh... Chúng ta cần thấy rằng, xây dựng quốc phòng không chỉ chống giặc ngoài, mà còn chống cả thù trong; không chỉ đối phó với chiến tranh, mà chủ yếu để không phải tiến hành chiến tranh. Quốc phòng để đối phó với chiến tranh chỉ là biện pháp cuối cùng, khi các giải pháp khác không thực hiện được. Vì vậy, lấy mục tiêu giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển là trên hết, lấy ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh là cơ bản; nhận thức mới đó cho chúng ta tư duy đúng về BVTQ nói chung và về quốc phòng nói riêng. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để chống lại những tư tưởng sai trái, nhận thức lệch lạc: hoặc chỉ coi trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế mà lơi lỏng nhiệm vụ củng cố quốc phòng; hoặc quá đề cao vai trò của quốc phòng mà kìm hãm sự phát triển của đất nước. Mặt khác, nhận thức đúng về mục tiêu quốc phòng cũng đòi hỏi ngay từ thời bình, chúng ta phải thường xuyên chăm lo củng cố quốc phòng vững chắc, theo phương châm “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, “giữ nước phải giữ từ thời bình”.

Một phát triển nữa trong tư duy về quốc phòng được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX), đó là quốc phòng phải được xây dựng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), gắn bó mật thiết với mọi mặt của đời sống xã hội, kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường, củng cố QP-AN và QP-AN với đối ngoại. Đây là bước phát triển quan trọng trong nhận thức của chúng ta về quốc phòng trong thời kỳ mới, phản ánh quan điểm nhất quán của Đảng ta về sức mạnh tổng hợp trong việc kết hợp mọi nguồn lực cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, BVTQ. Lâu nay, chúng ta vẫn thường quan niệm quốc phòng là lĩnh vực đặc biệt, có tính đặc thù, nên cần được xây dựng theo những kế hoạch riêng, phù hợp với sự phát triển KT-XH và không nhất thiết phải gắn bó với mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội. Trong quá khứ và ngay cả hiện tại, do những yêu cầu cấp thiết của các cuộc kháng chiến và yêu cầu của sự nghiệp BVTQ, lĩnh vực quốc phòng đã có những mặt, những nội dung phát triển vượt trước khả năng, trình độ của nền kinh tế; thậm chí, có những công trình quốc phòng còn được xây dựng độc lập với quá trình phát triển KT-XH. Tuy nhiên, về cơ bản lâu dài, muốn xây dựng quốc phòng vững chắc, toàn diện, có chiều sâu thì nó phải được xây dựng trong quá trình phát triển KT-XH, phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH và luôn gắn bó mật thiết với mọi mặt của đời sống xã hội. Thực tiễn của hơn 20 năm đổi mới vừa qua cho thấy, chúng ta không thể nhìn nhận đúng các vấn đề quốc phòng, nếu không đặt nó gắn bó với các mặt của đời sống xã hội. Chính những hoạt động phong phú của các mặt đời sống xã hội trong quá trình đổi mới đã góp phần điều chỉnh, quy định nội dung, biện pháp của quốc phòng. Do đó, quốc phòng ngày nay phải trở thành một bộ phận khăng khít, không thể tách rời trong các hoạt động xã hội. Điều đó sẽ bảo đảm cho từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực tự bảo vệ được mình, tự “miễn dịch” trước âm mưu “Diễn biến hòa bình” và mưu đồ làm ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch đã và đang chống phá ta quyết liệt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, QP-AN và tư tưởng, văn hóa..., đòi hỏi quốc phòng phải được thẩm thấu, hòa quyện vào tất cả các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường quốc phòng trong quá trình phát triển KT-XH phải là yêu cầu khách quan, tất yếu của sự nghiệp BVTQ; là vấn đề cần được nhận thức và hành động đúng trong tình hình hiện nay.

Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH

Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự-BQP

____________

1- Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986-2006), Nxb. CTQG, H. 2005, tr. 101.

   

 
Ý kiến bạn đọc (0)