QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 02:43 (GMT+7)
Phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Trong thời đại ngày nay, khoa học và công nghệ (KH-CN) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Cũng vì thế, ngay từ Đại hội VIII, Đảng ta đã xác định: "Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài". Đại hội X tiếp tục khẳng định: KH-CN là nền tảng và động lực thúc đẩy CNH, HĐH đất nước. Đó là yêu cầu khách quan, cấp thiết để tăng cường tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước, nhằm xây dựng thành công CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, luật, pháp lệnh, nghị định để đẩy mạnh phát triển nguồn lực KH-CN đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội X của Đảng xác định rõ: "Nhà nước đầu tư vào các chương trình nghiên cứu quốc gia đạt trình độ khu vực và thế giới, xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ của một số lĩnh vực trọng điểm. Đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư cho khoc học và công nghệ, huy động các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Nâng cao chất lượng và khả năng thương mại của các sản phẩm khoa học và công nghệ; đẩy mạnh việc đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp... Chú trọng nhập khẩu công nghệ hiện đại; từng bước phát triển mạnh công nghệ trong nước"... "Phấn đấu đến năm 2010, năng lực khoa học và công nghệ nước ta đạt trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực trên một số lĩnh vực quan trọng". Thực hiện nghị quyết của Đảng, những năm qua, ngành KH-CN nói chung và Bộ KH-CN nói riêng đã nỗ lực phấn đấu, từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nghiên cứu phát triển và quản lý nhà nước về KH-CN. Đến nay, chúng ta đã xây dựng được hàng nghìn viện, trung tâm, cơ sở nghiên cứu và ứng dụng KH-CN ở các cấp, các bộ, ngành, địa phương và đã thiết lập quan hệ hợp tác về KH-CN với gần 70 nước, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ.Từ năm 2000 đến nay đã có hơn 540 thoả thuận, hiệp định hợp tác quốc tế về KH-CN được thực hiện ở các cơ sở nghiên cứu và triển khai ở các cấp. Hoạt động sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường, chất lượng hướng vào sản phẩm hàng hoá và dịch vụ KH-CN...đã được đổi mới, từng bước hoàn thiện và phát huy tác dụng trên các lĩnh vực. Nhiều thành tựu KH-CN mới được ứng dụng đem lại những hiệu quả thiết thực trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng-an ninh (QP-AN). Đặc biệt là những đóng góp của KH-CN trong việc hoạch định đường lối, chính sách, điều tra, đánh giá tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng hoá sinh học, nghiên cứu ứng dụng  nhiều thành tựu KH-CN mới phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và  tăng cường tiềm lực QP-AN, bảo vệ Tổ quốc... Tuy nhiên, so với yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, lĩnh vực KH-CN còn nhiều hạn chế, bất cập. Cơ chế quản lý KH-CN chậm đổi mới, chưa có chính sách, biện pháp tốt để huy động các nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước đầu tư cho hoạt động KH-CN. Nhiều hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH-CN chưa gắn kết với đào tạo nhân lực và thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Trình độ công nghệ còn lạc hậu; đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học còn hạn chế về trình độ, cơ cấu chưa hợp lý. Chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật quốc tế cũng như trí thức Việt kiều tham gia vào các hoạt động KH-CN trong nước.

 Để đảm bảo cho KH-CN thực sự là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm QP-AN trong tiến trình CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian tới, hướng nghiên cứu, xây dựng và phát triển nguồn lực KH-CN nước ta cần tập trung vào một số lĩnh vực  quan trọng, cơ bản, thiết thực sau đây:
Trước hết, xây dựng, phát triển nguồn lực KH-CN phải hướng vào giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp thiết đang đặt ra từ quá trình CNH,HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu mang tính sứ mạng của ngành KH-CN trong thời kỳ mới là "xây dựng một nền KH-CN tiên tiến, hiện đại để phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao trình độ quản lý; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh CNH,HĐH; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người mới Việt Nam; góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm QP-AN"1. Để thực hiện tốt sứ mạng trọng đại này, Bộ KH-CN đã và đang tập trung triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KH-CN đến 2010 và xây dựng Chiến lược hội nhập quốc tế về KH-CN đến năm 2020, trong đó xác định rõ, công tác nghiên cứu, phát triển nguồn lực KH-CN phải góp phần làm sáng tỏ những nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta; giải đáp những vấn đề mới của kinh tế thị trường định hướng XHCN; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, cần tập trung nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, đặc biệt là các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và thế mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh có chọn lọc việc nhập công nghệ, mua sáng chế, kết hợp với công nghệ nội sinh để nhanh chóng đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ của các bộ, ngành, địa phương. Coi trọng phát triển công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và công nghệ vật liệu mới. Đổi mới cơ chế quản lý KH-CN theo hướng Nhà nước tập trung đầu tư vào các chương trình nghiên cứu quốc gia đạt trình độ khu vực và thế giới, xây dựng tiềm lực KH-CN của một số lĩnh vực trọng điểm, đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư phát triển KH-CN. Nâng cao chất lượng và khả năng thương mại của các sản phẩm KH-CN; đẩy mạnh việc đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp. Chú trọng nhập khẩu và làm chủ công nghệ hiện đại gắn với tăng cường năng lực nội sinh về KH-CN của đất nước... Đó là những vấn đề  quan trọng, cấp thiết đang đặt ra cho ngành KH-CN nước ta nghiên cứu, giải quyết, góp phần phục vụ tốt yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới. Riêng lĩnh vực phát triển nguồn lực KH-CN phục vụ QP-AN thuộc hướng ưu tiên của Nhà nước, cần có chính sách đặc thù và cơ chế thích hợp để nâng cao sức mạnh QP-AN của đất nước. Thực tiễn hoạt động KH-CN trong lĩnh vực QP-AN những năm qua cho thấy, tiềm năng KH-CN về lĩnh vực công nghệ cao như chế tạo các trang thiết bị điện tử, tin học, viễn thông, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học dùng trong quân sự... rất có triển vọng và trên thực tế chúng ta đã nghiên cứu, ứng dụng thành công trên lĩnh vực quân sự, QP-AN, nhất là việc cải tiến các trang thiết bị, vũ khí, khí tài đáp ứng kịp thời yêu cầu chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quân và dân ta. Vì vậy, trong giai đoạn sắp tới, cần đầu tư, phát triển nguồn lực KH-CN có tính lưỡng dụng, vừa phục vụ dân sinh vừa phục vụ QP-AN; gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng các công trình, đề tài KH-CN dân sinh với quốc phòng để cùng sử dụng chung kết quả đã nghiên cứu phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách và môi trường pháp lý cho hội nhập quốc tế về KH-CN.  Chủ động hội nhập quốc tế về KH-CN là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy nhanh tiến trình phát triển KH-CN của đất nước. Thực hiện chủ trương này, chúng ta có cơ hội tiếp cận với những tiến bộ KH-CN của thế giới, thuận lợi trong việc chuyển giao, mua bán công nghệ hiện đại, rút ngắn khoảng cách về KH-CN với các nước trong khu vực và thế giới. Khai thác các nguồn lực bên ngoài (tài chính, thông tin, nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật KH-CN...) để phát triển KH-CN trong nước. Tiếp cận với nhiều phương thức, mô hình đào tạo tiên tiến để phát triển nguồn nhân lực KH-CN cho đất nước. Tiếp cận với các công ty đa quốc gia, các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới, trên cơ sở đó học tập những kinh nghiệm về đầu tư, phát triển và quản lý có hiệu quả hơn các hoạt động KH-CN. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, thuận lợi, chúng ta cũng sẽ gặp không ít thách thức trong quá trình hội nhập. Bởi, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của hội nhập quốc tế về KH-CN, nên chưa có nhiều kinh nghiệm; tiềm lực KH-CN của đất nước còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Điều quan ngại nhất hiện nay là hệ thống chính sách, pháp luật, thể chế quản lý về KH-CN nói chung và hội nhập quốc tế về KH-CN nói riêng chưa hoàn chỉnh và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đội ngũ cán bộ KH-CN còn bất cập và không đồng bộ, chưa đáp ứng các yêu cầu tham gia có hiệu quả hoạt động KH-CN quốc tế... Những thách thức đó nếu không được khắc phục kịp thời sẽ là vật cản lớn trên bước đường phát triển nguồn lực KH-CN của quốc gia. Vì vậy, Nhà nước cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện Chiến lược hội nhập quốc tế về KH-CN, làm cơ sở pháp lý và định hướng quan trọng cho việc phát triển KH-CN trong những năm tiếp theo. Tập trung hoàn thiện chính sách và môi trường pháp lý để thu hút đầu tư cả ở trong nước và nước ngoài phát triển các nguồn lực KH-CN; tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; tăng cường phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh tham gia các hoạt động KH-CN quốc tế và khu vực; đa dạng hoá các nguồn lực tài chính; nâng cao năng lực hoạt động, quản lý và điều phối việc hội nhập quốc tế về KH-CN. Với chức năng quản lý nhà nước về KH-CN, Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, triển khai thực hiện có hiệu quả những nhóm giải pháp trên.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực KH-CN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực KH-CN đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng KH-CN trong tiến trình CNH,HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp phát triển KH-CN nước ta. ý thức rõ tầm quan trọng đó, ngành KH-CN đang tích cực xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực KH-CN cả trước mắt và lâu dài cho đất nước; xây dựng và hoàn thiện các chương trình đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ KH-CN về các mặt, chú trọng nâng cao trình độ tổ chức và quản lý hoạt động nghiên cứu-phát triển. Có kế hoạch đào tạo một thế hệ các nhà quản lý KH-CN vừa giỏi về chuyên môn, vừa thông thạo với môi trường hoạt động KH-CN quốc tế, thông qua các hình thức đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học ở các viện, các trung tâm nghiên cứu có trình độ đạt chuẩn quốc tế. Sớm hình thành các tập thể cán bộ khoa học mạnh, đủ sức thực hiện các nhiệm vụ KH-CN của quốc gia, được Nhà nước giao quyền tự chủ cao về tài chính, nhân sự. Thể chế hoá và kế hoạch hoá việc phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ KH-CN trong việc sử dụng các điều kiện hợp tác song phương, đa phương, vốn ODA..., nhằm xây dựng nguồn nhân lực KH-CN một cách chủ động, khắc phục tình trạng tản mạn, kém hiệu quả. Có chính sách khuyến khích cán bộ khoa học trẻ ươm tạo công nghệ và thành lập doanh nghiệp KH-CN. Khuyến khích và phát huy tính chủ động của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng nguồn nhân lực KH-CN và tham gia các cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; tạo điều kiện cho các nhà khoa học làm việc trong các tổ chức liên doanh, liên kết với nước ngoài , các tổ chức quốc tế; từng bước nâng cao năng lực nội sinh và làm chủ công nghệ nhập, tiến tới có phát minh, phát triển những công nghệ mới cho đất nước. Đi đôi với nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ KH-CN, cần có chính sách phù hợp để chống "chảy máu" chất xám và bảo vệ bí mật an ninh quốc gia. Có chính sách thu hút các chuyên gia giỏi, các cơ quan khoa học có trình độ cao của nước ngoài và các tổ chức quốc tế trong nghiên cứu, phát triển KH-CN trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, QP-AN mà đất nước đang cần. Tiếp tục gửi học sinh, sinh viên đi đào tạo tại các nước có nền KH-CN tiên tiến để tạo nguồn nhân lực lâu dài; đồng thời, có chính sách đủ mạnh để thu hút trí thức Việt kiều và chuyên gia KH-CN nước ngoài đến Việt Nam làm việc.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực KH-CN của quốc gia phục vụ QP-AN. Huy động tiềm lực KH-CN của quốc gia phục vụ QP-AN là nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, hiện đại ; xây dựng  lực lượng vũ trang nhân dân và quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Vì vậy, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực KH-CN của đất nước phục vụ QP-AN là yêu cầu chiến lược để tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả nước trong bảo đảm QP-AN. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về huy động nguồn lực KH-CN phục vụ QP-AN; nhờ đó, công tác huy động nguồn lực KH-CN phục vụ QP-AN đã đi vào nền nếp và thu được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nguy cơ xung đột vũ trang và chiến tranh cục bộ chưa bị loại trừ, do đó, Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương phải hết sức quan tâm, tiếp tục củng cố và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với việc huy động nguồn lực KH-CN cho QP-AN, cả trong điều kiện thời bình cũng như thời chiến. Bộ KH-CN đã và đang chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch và cơ chế huy động nguồn lực KH-CN quốc gia phục vụ yêu cầu QP-AN theo yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, xây dựng, ban hành các quy chế, chính sách phù hợp với đặc điểm, tình hình và khả năng thực tế của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, nhằm phát huy tối đa nguồn lực KH-CN, góp phần tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.
Hoàng Văn Phong
Ủy viên BCH TƯ Đảng
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
 

Ý kiến bạn đọc (0)