QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 23:25 (GMT+7)
Phát triển năng lực chỉ huy gắn với năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị cho học viên ở Trường Sĩ quan Lục quân 2

Công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) là một nội dung công tác quan trọng của người chỉ huy trong lãnh đạo, chỉ huy, quản lý đơn vị. Nhận rõ ý nghĩa, tầm quan trọng đó, trong quá trình đào tạo, Trường Sĩ quan Lục quân 2 đã tích cực bồi dưỡng năng lực tiến hành CTĐ, CTCT cho học viên của Nhà trường.

 

Những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã có nhiều chủ trương, giải pháp tích cực, nhằm không ngừng phát triển năng lực chỉ huy gắn với năng lực tiến hành CTĐ, CTCT cho người học. Nhà trường đã tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, phân tích làm rõ những yếu tố cấu thành năng lực của người cán bộ chỉ huy; trong đó có hai nội dung cơ bản quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau là: năng lực chỉ huy, quản lý, huấn luyện bộ đội và năng lực tiến hành CTĐ, CTCT. Từ đó, Nhà trường có những điều chỉnh trong chương trình, nội dung giáo dục - đào tạo, bảo đảm cho người học phát triển hài hòa những năng lực đó khi ra trường, đủ điều kiện làm tốt công tác chỉ huy và có thể chuyển sang làm cán bộ chính trị khi cần thiết. Theo đó, tỷ lệ phân chia thời gian cho các môn học được bố trí hợp lý: kiến thức khoa học quân sự chiếm 64%, kiến thức khoa học xã hội và nhân văn chiếm 29,5%, còn lại là các nội dung khác. Nhờ vậy, những năm qua, hầu hết học viên ra trường đều hoàn thành chức trách nhiệm vụ; biết kết hợp hài hòa giữa chỉ huy, quản lý với tiến hành CTĐ, CTCT. Thống kê những năm gần đây cho thấy: khoảng 25% cán bộ do Nhà trường đào tạo ra đã chuyển sang làm cán bộ chính trị (khối quân khu khoảng 33%; khối quân đoàn khoảng 17%).

Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, việc tạo điều kiện tối ưu để phát triển năng lực chỉ huy gắn với năng lực tiến hành CTĐ,CTCT cho học viên vẫn còn những bất cập. Có những thời điểm, Nhà trường chưa xác định cụ thể vai trò, chức năng tiến hành CTĐ, CTCT của người sĩ quan chỉ huy tham mưu lục quân cấp phân đội trong cơ chế lãnh đạo và trong mọi hoạt động, nên còn lúng túng trong việc thực hiện chương trình giáo dục chính khoá và ngoại khoá cho đối tượng này. Mặt khác, Nhà trường chưa huy động một cách đầy đủ, có hiệu quả các mặt hoạt động CTĐ, CTCT vào trong quá trình giáo dục, rèn luyện học viên; chất lượng, hiệu quả thực hành CTĐ, CTCT của học viên cũng chưa được quan tâm đúng mức...

Để phát triển năng lực chỉ huy gắn với năng lực tiến hành CTĐ, CTCT cho học viên, hiện nay Nhà trường đang thực hiện các biện pháp cơ bản sau:

 Một là, đổi mới chương trình, nội dung giáo dục - đào tạo. Chương trình, nội dung giáo dục - đào tạo là yếu tố cơ bản, chi phối trực tiếp tới hoạt động giảng dạy của giáo viên, hoạt động học tập, nghiên cứu của học viên và hoạt động của các lực lượng khác trong toàn trường. Chương trình, nội dung quy định hệ thống khối lượng kiến thức cơ bản, cơ sở, chuyên ngành, hệ thống kỹ năng, kỹ xảo tương ứng, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo; trong đó có khối lượng kiến thức về phát triển năng lực chỉ huy gắn với phát triển năng lực tiến hành CTĐ, CTCT, bảo đảm cho học viên khi ra trường đảm nhiệm tốt cương vị, chức trách ban đầu là trung đội trưởng và có thể phát triển lên các chức vụ cao hơn. Trên cơ sở sự ổn định về chương trình, nội dung đào tạo chuyên ngành quân sự, Nhà trường đã nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung CTĐ, CTCT theo hướng tập trung chủ yếu cho chức vụ ban đầu là trung đội trưởng. Chương trình, nội dung CTĐ, CTCT được bổ sung, điều chỉnh bảo đảm tính khoa học, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu, thể hiện rõ sự thống nhất lý luận với thực tiễn. Trong đổi mới chương trình, nội dung giáo dục - đào tạo, Nhà trường luôn quán triệt nguyên lý “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn liền với thực tiễn”, “nhà trường gắn liền với chiến trường”; xác lập một cách hợp lý tỷ lệ giữa lý thuyết và thực hành ở tất cả các khâu, các bước, các hình thức huấn luyện, từ bài giảng, thực hành, thực tập, thảo luận, tập bài, đến thi, kiểm tra… Theo đó, các môn học quân sự: lý thuyết chiếm 14%, thực hành chiếm 86%; các môn khoa học xã hội và nhân văn: lý thuyết chiếm 83%, thực hành chiếm 17%. Từ năm 2009, Nhà trường đã bổ sung 8 nội dung CTĐ, CTCT của trung đội trưởng vào chương trình giáo dục - đào tạo (CTĐ, CTCT của trung đội trưởng trong giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng; trong huấn luyện; trong diễn tập chiến thuật; trong chấp hành kỷ luật; trong chiến đấu tiến công; trong chiến đấu phòng ngự; trong hành, trú quân; trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện).

Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên giữ vai trò trực tiếp quyết định tới việc phát triển năng lực chỉ huy, gắn với năng lực tiến hành CTĐ, CTCT của học viên. Để xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đó, Nhà trường hết sức chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho họ cả về lý luận và phương pháp tiến hành CTĐ, CTCT cũng như kinh nghiệm thực tiễn, đạo đức, lối sống, phong cách công tác. Nhà trường chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng nguồn giảng viên có phẩm chất đạo đức, năng lực, sức khỏe, có độ tuổi phù hợp, cử đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội; đồng thời, tổ chức tốt việc bồi dưỡng tại chỗ về CTĐ, CTCT thông qua học tập tại chức, tập huấn, tổ chức hội thi, hội thao, đi thực tế tham khảo kinh nghiệm của các trường bạn; khuyến khích giảng viên tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ mọi mặt. Cùng với việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn, bảo đảm đủ sức đào tạo, cập nhật, giải quyết những vấn đề lý luận mới và yêu cầu thực tiễn đặt ra, Nhà trường còn chủ động bồi dưỡng đội ngũ giảng viên khoa học quân sự, tạo điều kiện để đội ngũ này có khả năng đưa được các kiến thức CTĐ, CTCT vào nội dung giảng dạy, khắc phục triệt để tình trạng giảng dạy quân sự thuần tuý; góp phần phát triển năng lực chỉ huy, gắn với năng lực tiến hành CTĐ, CTCT cho người học.

  Ba là, phát huy vai trò quản lý giáo dục-đào tạo của đội ngũ cán bộ khung. Ngoài việc hướng dẫn, định hướng, tổ chức các hoạt động ngoại khoá và duy trì mọi hoạt động của học viên, đội ngũ cán bộ khung của Nhà trường luôn được coi là nhà giáo dục - “người thầy thứ 2” tác động trực tiếp đến hoạt động tự học, tự rèn, phát triển năng lực chỉ huy, gắn liền với năng lực tiến hành CTĐ, CTCT của học viên.

Do chức trách, nhiệm vụ của mình, đội ngũ cán bộ khung là người trực tiếp quản lý, tổ chức và xử lý các tình huống trong huấn luyện, xây dựng nền nếp chính quy, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ khác. Nhiệm vụ đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ khung không chỉ là tấm gương sáng về mọi mặt, mà còn phải nắm vững tâm tư, nguyện vọng, sở trường cũng như công việc, nhiệm vụ của học viên để giáo dục, rèn luyện, thuyết phục, cảm hoá họ. Mọi thái độ, hành vi của đội ngũ cán bộ khung đều có tác động trực tiếp, mạnh mẽ tới học viên; vì thế, đội ngũ cán bộ khung phải thực sự mô phạm, có đạo đức trong sáng, giản dị, lời nói đi đôi với việc làm, "đồng cam cộng khổ" với học viên.

Để đội ngũ cán bộ khung hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, Nhà trường đã lựa chọn những đồng chí tiêu biểu trong số học viên tốt nghiệp giữ lại làm cán bộ khung; tiến hành tốt công tác luân chuyển cán bộ; tăng cường bồi dưỡng cả về phẩm chất, năng lực và phương pháp, tác phong công tác, bảo đảm cho người cán bộ luôn thực sự là tấm gương sáng, là hình ảnh mẫu mực để học viên học tập, noi theo.

Bốn là, vận hành tốt mọi hoạt động, các hình thức sinh hoạt. Sự vận hành nhịp nhàng của các tổ chức, các hình thức sinh hoạt trong Nhà trường chính là những bài học thực tiễn sinh động, có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển năng lực chỉ huy gắn với năng lực tiến hành CTĐ, CTCT của học viên. Thông qua các hoạt động này, một mặt, thoả mãn các nhu cầu của chính bản thân học viên; mặt khác, có tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm, để lại những dấu ấn rất sâu sắc và có ảnh hưởng trực tiếp tới phương pháp, tác phong công tác của học viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Vì vậy, trong tổ chức và các hình thức sinh hoạt của mọi tổ chức, Nhà trường luôn quán triệt và thực hiện tốt cả hai yêu cầu: thoả mãn nhu cầu của học viên và đảm bảo tính thị phạm. Sự vận hành của các tổ chức và việc tiến hành các buổi sinh hoạt ở Nhà trường luôn đạt yêu cầu chuẩn xác, mẫu mực, cuốn hút được đông đảo học viên tham gia; đã thực sự là những kinh nghiệm bổ ích để học viên học tập, vận dụng vào quá trình chỉ huy, giáo dục, quản lý bộ đội sau khi ra trường.

Phát triển năng lực chỉ huy gắn với năng lực tiến hành CTĐ, CTCT cho học viên trong quá trình đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu là một yêu cầu khách quan. Để thực hiện ngày càng tốt hơn yêu cầu đó, cần phải có sự  quan tâm đầy đủ của lãnh đạo, chỉ huy Nhà trường và sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức, các lực lượng, sự nỗ lực, tự giác cao độ của mỗi học viên.

Thiếu tướng PHẠM VĂN DỸ

Chính ủy Nhà trường

 

Ý kiến bạn đọc (0)