QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 23:50 (GMT+7)
Phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh - mối quan tâm thường xuyên của Hà Tĩnh
Hà Tĩnh nằm ở Bắc Trung bộ; phía Tây giáp Lào, với đường biên giới 145 km; phía Đông có bờ biển dài 137 km; có hệ thống giao thông huyết mạch Bắc- Nam (đường sắt, quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh) đi qua. Địa hình Hà Tĩnh dài mà hẹp, chủ yếu là rừng núi, ven biển là dải đồng bằng hẹp. Vị trí địa lý có tính đặc thù như vậy đã đem lại cho Hà Tĩnh một vị thế chiến lược về kinh tế và quốc phòng- an ninh (QP-AN). Hiện nay, các thế lực thù địch coi Hà Tĩnh là một trong những địa bàn trọng điểm để đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Tình hình an ninh trên tuyến biên giới phía Tây và tuyến ven biển vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường; an ninh nông thôn, các tệ nạn xã hội, hoạt động tôn giáo trái pháp luật, tai nạn giao thông, buôn lậu hàng hóa, đặc biệt là buôn bán ma túy qua biên giới đất liền, trên biển..., đang là những vấn đề bức xúc đặt ra cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP) và an ninh của Tỉnh những yêu cầu mới ngày càng cao. Vì vậy, đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế- xã hội (KT- XH) với tăng cường QP-AN là mối quan tâm thường xuyên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân; là một bảo đảm chắc chắn để Hà Tĩnh phát triển bền vững.

Nhận thức rõ điều đó, gần 16 năm qua, kể từ ngày tái lập (12-8-1991) Tỉnh, đặc biệt là những năm gần đây, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực phấn đấu, chủ động khắc phục khó khăn, phát huy những tiềm năng, lợi thế của mình, giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước; bình quân GDP hằng năm đạt 8,85%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp. Tiến trình đô thị hóa được đẩy mạnh, cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng kỹ thuật được tăng cường; diện mạo của các thị xã, thị trấn, thị tứ, các trung tâm kinh tế, văn hóa ngày càng khởi sắc; bộ mặt nông thôn  được đổi thay từng ngày; phúc lợi công cộng và điều kiện sống của nhân dân thành thị cũng như nông thôn không ngừng được cải thiện. Nhiều công trình trọng điểm có quy mô lớn, chất lượng cao, được triển khai xây dựng. 
Với quan điểm coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, Tỉnh thường xuyên chú trọng xây dựng và phát huy nguồn lực con người; coi trọng nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo (GD-ĐT), khoa học-công nghệ (KH- CN), phát triển nhân lực, thu hút chất xám, đào tạo nhân tài, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các ngành KT-XH và LLVT. Công tác GD-ĐT ở Hà Tĩnh phát triển đồng đều ở các ngành học, bậc học; giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và đạt chuẩn quốc gia phổ cập trung học cơ sở; giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề được đầu tư và phát triển tương đối vững chắc. Môi trường văn hóa phát triển lành mạnh, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi; phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được chú trọng; các hoạt động văn hóa, thông tin, văn học, nghệ thuật có chuyển biến tích cực. Hệ thống y tế từ tỉnh đến huyện, xã được củng cố, tạo điều kiện thuận lợi để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Những vấn đề bức xúc về xã hội được chỉ đạo giải quyết trên quan điểm tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt; đời sống các đối tượng chính sách được cải thiện một bước...
Quán triệt sâu sắc đường lối QS,QP của Đảng, Tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của trên về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới. Tỉnh ủy đã có nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng Tỉnh thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc”. Cơ quan Quân sự Tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về nhiệm vụ QS,QP với nhiều chủ trương, biện pháp phù hợp, nhằm đẩy mạnh xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD, gắn với thế trận an ninh nhân dân (ANND), biên phòng toàn dân; gắn quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN trên địa bàn, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, biên giới, ven biển. Đã đầu tư xây dựng một số công trình phòng thủ quan trọng ở các KVPT then chốt, đi đôi với tăng cường quản lý, bảo vệ các công trình quốc phòng, khu quân sự và địa hình có giá trị cao về QP-AN. Công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) toàn dân từng bước được xã hội hóa, trước hết là bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Đặc biệt, Tỉnh thường xuyên chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT, trước hết là chất lượng chính trị, sức mạnh chiến đấu, trình độ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cả lực lượng thường trực cũng như lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV), dự bị động viên (DBĐV), đủ khả năng làm nòng cốt cho nền QPTD bảo vệ vững chắc địa bàn, góp phần giữ vững  an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ QS,QP-AN.
Bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, Hà Tĩnh còn có một số hạn chế. Đó là, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; hiệu quả nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người đạt thấp; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ yêu cầu của sự phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN; văn hóa- xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc; GD-ĐT, y tế còn những mặt bất cập...
Thời gian tới, Đảng bộ, nhân dân và LLVT Hà Tĩnh tiếp tục phấn đấu  thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI  (2005- 2010) mà phương hướng, mục tiêu tổng quát là: không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh công cuộc đổi mới trên tất cả các lĩnh vực, tập trung mọi nguồn lực tạo bước phát triển đột phá về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đồng thời hết sức coi trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa; thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về GD- ĐT, KH- CN , y tế, văn hóa và các hoạt động xã hội; bảo đảm QP-AN, giữ vững ổn định chính trị; phấn đấu đưa Hà Tĩnh từ một tỉnh nông nghiệp, sớm trở thành tỉnh có công nghiệp- dịch vụ phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2015 trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của miền Trung. 
Để thực hiện được mục tiêu quan trọng đó, Tỉnh xác định một số  nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: 
Về kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm  trên 12% để đến năm 2010, công nghiệp-xây dựng chiếm 35% trong GDP. Tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp. Phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng tăng 27%/năm. Tập trung xây dựng khu kinh tế Vũng áng, khu công nghiệp Da Lách, Nam thị xã Hồng Lĩnh và các cụm công nghiệp, làng nghề theo quy hoạch. Triển khai Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, xây dựng khu liên hợp luyện thép và nhà máy nhiệt điện. Đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có. Đẩy mạnh tiến trình đô thị hóa; nâng cấp, hình thành một số khu đô thị và đơn vị hành chính mới, trước hết là các trung tâm tỉnh, huyện, thị xã, thị trấn, thị tứ dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1A, 8A, đường 12 và tuyến đường ven biển. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, theo hướng sản xuất hàng hóa và từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp (đến năm 2010 chiếm 28% trong GDP), khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế từng vùng và từng địa bàn. Quan tâm quy hoạch, phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ nông nghiệp, làng nghề; tạo việc làm tại chỗ cho nông dân, gắn phát triển công nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch và tài chính; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Phát triển và nâng cao chất lượng phục vụ trong tất cả các ngành dịch vụ; phấn đấu đưa giá trị gia tăng khu vực dịch vụ, du lịch tăng bình quân 11,6%/năm; đến năm 2010, thương mại-dịch vụ đạt 37% trong GDP. Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH và một số dự án trọng điểm, nhằm  tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển đồng đều, bền vững các lĩnh vực KT-XH. 
 Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các hoạt động văn hóa-xã hội, KH- CN, thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; triển khai và đạt chuẩn phổ cập bậc trung học phổ thông vào năm 2010; đưa trường Đại học đa ngành Hà Tĩnh đi vào hoạt động có nền nếp, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Coi trọng phát triển văn hóa, tập trung nâng cao chất lượng làng, xã văn hóa, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa, gắn với hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở. Triển khai có hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia và chuẩn quốc gia về y tế; từng bước đồng bộ hóa về cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành Y tế; mở rộng các dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình, từng bước xây dựng cơ cấu và chất lượng dân số theo mô hình gia đình ít con, khỏe mạnh và hạnh phúc...
Đi đôi với phát triển KT-XH, đặc biệt quan tâm nhiệm vụ QP-AN. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về nhiệm vụ QS,QP, BVTQ, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân và cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh phát triển KT-XH đi đôi với tăng cường tiềm lực nền QPTD, xây dựng thế trận QPTD, gắn với thế trận ANND, biên phòng toàn dân; bảo đảm sức mạnh chiến đấu, chủ động đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; sẵn sàng đối phó kịp thời, có hiệu quả với các tình huống, kể cả khi địch gây chiến tranh xâm lược, sử dụng vũ khí công nghệ cao. Việc kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN phải được thực hiện từ trong chủ trương, quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển KT- XH, nhất là trong các chương trình, dự án trọng điểm xây dựng hạ tầng các lĩnh vực mà QS,QP có nhu cầu.  Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng KVPT vững chắc, gắn với xây dựng cơ sở xã, phường, cụm tuyến an toàn, làm chủ, SSCĐ; xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ QS,QP. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế gắn với QP-AN, QP-AN với kinh tế.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; củng cố lòng tin vào mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên định chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh..., nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, tạo sự thống nhất cao trong Đảng bộ và nhân dân, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Tăng cường công tác GDQP toàn dân, trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 12- CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP-AN trong tình hình mới”; nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, GDQP cho học sinh, sinh viên; đồng thời, chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm xây dựng ý thức, tri thức về quốc phòng cho mọi công dân, hướng tới một xã hội có kỷ cương, trật tự, văn minh.
Tăng cường phối hợp đồng bộ các giải pháp, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trước hết là chất lượng chính trị, sức mạnh chiến đấu và trình độ SSCĐ của các LLVT. Tập trung xây dựng lực lượng quân đội, công an, bộ đội Biên phòng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; thường xuyên rà soát, kiện toàn, bảo đảm có số lượng hợp lý, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QP-AN bảo vệ địa bàn. Chăm lo xây dựng lực lượng DQTV theo phương châm “vững mạnh, đều khắp”, coi trọng độ tin cậy về chính trị; duy trì lực lượng DQTV đạt tỷ lệ 1,5% so với số dân, chú trọng những địa bàn trọng điểm, dân quân biển. Tăng cường xây dựng lực lượng DBĐV có trình độ SSCĐ cao, khả năng huy động nhanh, sẵn sàng đối phó thắng lợi với các tình huống. Thường xuyên bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, phương án tác chiến phòng thủ phù hợp với tình hình mới; đồng thời, tổ chức tốt các phương án tác chiến phòng thủ ở các huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn theo kế hoạch. Duy trì thực hiện nghiêm chế độ SSCĐ ở các cấp. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng: quân sự, công an, bộ đội Biên phòng, nắm chắc tình hình địa bàn, bảo vệ vững chắc các mục tiêu, địa bàn trọng yếu. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện cho cả lực lượng thường trực, DQTV và DBĐV. Thực hiện tốt công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự, bảo đảm 100% chỉ tiêu, đạt chất lượng cao; làm tốt việc đón tiếp, quản lý quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp; trên cơ sở đó, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo nền tảng xây dựng nền QPTD vững mạnh, xây dựng KVPT vững chắc, làm cơ sở hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ QS, QP-AN, bảo vệ môi trường hòa bình cho công cuộc xây dựng tỉnh nhà  giàu mạnh về kinh tế, tiến bộ về xã hội, vững vàng về QP-AN, góp phần cùng cả nước xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
TS. Trần Đình Đàn
Ủy viên BCHTƯ Đảng - Bí thư Tỉnh ủy
 
Ý kiến bạn đọc (0)