Thứ Sáu, 22/11/2024, 13:14 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Kinh tế tư nhân (KTTN) giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Bởi vậy, nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của KTTN, từ đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thành phần kinh tế này phát triển, là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn ở nước ta hiện nay.
Trước thời kỳ đổi mới, trong văn kiện của Đảng chưa đề cập đến vai trò của thành phần KTTN; thậm chí, trong nhiều năm, thành phần kinh tế này còn là đối tượng cần được xoá bỏ. Trước Đại hội X của Đảng, tuy thành phần kinh tế này đã được đề cập, nhưng chưa rõ nét. Đến Đại hội X, Đảng đã xác định, trong thời kỳ quá độ (TKQĐ) lên CNXH ở Việt Nam có 5 thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, KTTN, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Để tạo điều kiện cho KTTN phát triển theo đúng quan điểm của Đảng, cần đánh giá đúng vai trò, vị trí của thành phần kinh tế này; đồng thời, đưa ra được các giải pháp hữu hiệu nhằm định hướng sự phát triển của nó cho phù hợp với yêu cầu của đất nước.
Về vị trí, vai trò của KTTN: cần thấy rằng, KTTN góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia. KTTN (bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân) phát triển cùng với kinh tế nhà nước thúc đẩy quá trình CNH,HĐH đất nước; đẩy mạnh việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, làm cho hoạt động kinh tế năng động hơn, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của xã hội và xuất khẩu. Do đặc điểm của mình, KTTN còn góp phần quan trọng vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, tạo sự đồng thuận xã hội, bảo đảm tính ổn định và bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ. KTTN đã khai thác và tận dụng có hiệu quả tiềm năng về vốn, nguyên vật liệu sẵn có trong nước (kể cả các loại phế liệu và các loại máy móc thiết bị cũ) để phát triển sản xuất; qua đó, đóng góp xứng đáng vào tổng giá trị sản phẩm trong nước: năm 2005 là 325.611 tỉ đồng, năm 2006 là 380.987 tỉ đồng và năm 2007 là 454.327 tỉ đồng. KTTN phát triển làm cho giá trị sản xuất công nghiệp tăng lên qua các năm: năm 2004 là 230.809,8 tỉ đồng, năm 2005 là 305.045,0 tỉ đồng, năm 2006 là 396.898,2 tỉ đồng (khu vực kinh tế nhà nước các năm tương ứng là 221.450,7 tỉ đồng, 249.085,2 tỉ đồng và 271.050,6 tỉ đồng). KTTN cũng đóng góp rất lớn vào việc huy động vốn phát triển kinh tế - xã hội. Vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước (trong đó có KTTN) ngày càng tăng: năm 2005 là 130.398 tỉ đồng, năm 2006 là 154.006 tỉ đồng và năm 2007 là 184.300 tỉ đồng. Sự đóng góp của KTTN đã tác động tích cực đến các nhân tố cấu thành sức mạnh tổng hợp của đất nước: kinh tế, kinh tế quân sự, khoa học - công nghệ và chính trị - tinh thần, v.v.
KTTN còn đóng góp vào việc xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; bởi sự phát triển KTTN ở mọi vùng, miền trên địa bàn cả nước sẽ cho phép khai thác tối đa mọi nguồn lực của các vùng, miền để phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, làm gia tăng tiềm lực kinh tế, khoa học - kỹ thuật; đồng thời, tạo sự phân bố nguồn nhân lực, nguồn hậu cần, kỹ thuật rộng khắp cho sự nghiệp quốc phòng, làm tăng khả năng bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Mặt khác, KTTN phát triển cho phép thu hút nhiều lao động của địa phương, tăng thu nhập cho các tầng lớp nhân dân, góp phần làm tăng sự đồng thuận xã hội đối với các nhiệm vụ chính trị của đất nước; nói cách khác, sẽ tạo ra “thế trận lòng dân” vững chắc hơn trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN.
KTTN phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho huy động nguồn nhân lực, vật lực tại chỗ cho thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.Thông qua cạnh tranh trong nền kinh tế, KTTN góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực của xã hội, tuyển chọn được đội ngũ công nhân lành nghề, đội ngũ doanh nhân có tâm huyết, có năng lực kinh doanh, biết làm giàu chân chính cho bản thân và cho xã hội. Đây là nguồn nhân lực quan trọng, có chất lượng cao, có thể huy động cho nhiệm vụ quốc phòng, BVTQ khi cần thiết. Mặt khác, trong khi kinh tế nhà nước chưa đáp ứng được hết nhu cầu việc làm của người lao động, thì KTTN đã và đang thu hút được số lượng lớn lao động. Số lao động đang làm việc tại khu vực kinh tế ngoài nhà nước (trong đó có KTTN) có xu hướng ngày càng tăng: năm 2005 là 37.355,3 nghìn người, năm 2006 là 38.050,2 nghìn người và năm 2007 là 38.657,7 nghìn người. Điều đó góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội do thiếu việc làm gây ra, tạo sự ổn định về chính trị - xã hội. Đồng thời, sự phân bố KTTN rộng khắp các vùng, miền trong cả nước, sẽ cho phép lao động tìm được việc làm tại chỗ, hạn chế dòng người về các đô thị tìm việc làm, gây nhiều bức xúc ở những nơi này. Vì vậy, sự phát triển KTTN góp phần “giữ chân” được lao động (chủ yếu là lực lượng trẻ) tại địa phương tham gia các hoạt động của lực lượng dân quân, tự vệ, lực lượng dự bị động viên, đáp ứng kịp thời yêu cầu về nguồn nhân lực của khu vực phòng thủ.
Hiện nay, để phát triển mạnh thành phần KTTN, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và BVTQ, cần giải quyết nhiều vấn đề; trong đó, đáng chú ý các nội dung sau:
1. Cần có quan niệm thống nhất về thành phần KTTN. Khái niệm KTTN được dùng để chỉ các loại hình kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Thế nhưng hiện nay, trong tư duy lý luận cũng như trong thống kê, đánh giá về KTTN, chúng ta chưa thống nhất về khái niệm và khu vực của thành phần kinh tế này. Vì vậy, theo chúng tôi, nên nhất quán dùng khái niệm thành phần KTTN như Đại hội X của Đảng đã xác định, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân; trong đó, bộ phận kinh tế cá thể, tiểu chủ dựa trên chế độ sở hữu tư nhân quy mô nhỏ về tư liệu sản xuất, không có sự thuê mướn nhân công hoặc có thuê mướn nhưng ở quy mô rất nhỏ. Bộ phận kinh tế tư bản tư nhân dựa trên chế độ sở hữu tư nhân quy mô lớn tư bản chủ nghĩa, có sự thuê mướn nhân công ở mức độ lớn hơn bộ phận kinh tế tiểu chủ. Mặt khác, để tiện cho việc nghiên cứu, nên có sự phân định chính xác về số liệu thống kê khi đánh giá sự đóng góp của các lĩnh vực phân theo các thành phần kinh tế theo đúng tiêu chí của từng thành phần, không nên có số liệu đánh giá một cách chung chung như hiện nay. Có như vậy, mới có thể đánh giá sự biến đổi cơ cấu kinh tế trong các thành phần kinh tế của TKQĐ lên CNXH và nghiên cứu, đề xuất định hướng cũng như có cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp, để tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy KTTN phát triển theo mục tiêu của TKQĐ lên CNXH ở Việt Nam một cách phù hợp.
2. KTTN có xu hướng chung là quan tâm đầu tư vào những lĩnh vực thu hồi vốn nhanh và có lợi nhuận cao, ít quan tâm tới đầu tư vào các lĩnh vực có đóng góp cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH,HĐH, nhưng lợi nhuận thấp. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích KTTN đầu tư vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; đầu tư vào việc thu mua, chế biến và bảo quản nông sản cho nông dân. Đây là hai lĩnh vực góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH,HĐH và trực tiếp góp phần làm tăng tiềm lực quốc phòng. Nhà nước và KTTN cùng hợp tác đầu tư vào 2 lĩnh vực này thì sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH,HĐH được đẩy mạnh hơn. Bởi lẽ, một là, ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, nếu chỉ trông chờ vào sự đầu tư từ nguồn này cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, thì cơ hội tạo điều kiện cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ rất chậm. Hiện nay, KTTN đầu tư rất ít vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và vào các vùng, miền còn khó khăn (chỉ có 15% trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội). Nhà nước và KTTN cùng đầu tư vào việc thu mua, chế biến và bảo quản nông sản cho nông dân, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH,HĐH; tạo ra nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm và các cơ sở chế biến hậu cần tại chỗ cho khu vực phòng thủ. Hai là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH,HĐH, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn tất yếu sẽ đạt sản lượng nông nghiệp lớn. Do vậy, nếu không chú ý tới việc thu mua, chế biến và bảo quản nông sản cho nông dân, thì khả năng đẩy mạnh sản xuất lớn trong nông nghiệp khó thành hiện thực. Nếu Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích KTTN đầu tư vào việc thu mua, chế biến và bảo quản nông sản, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong việc triển khai, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH,HĐH. Đó còn là cơ sở để chế biến lương thực, thực phẩm và cùng với đó là cơ sở kỹ thuật tại chỗ đáp ứng yêu cầu quốc phòng, BVTQ khi cần.
3. Cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và KTTN. Trong TKQĐ lên CNXH, Nhà nước đóng vai trò chủ thể quản lý nền kinh tế (trong đó có KTTN); đồng thời, Nhà nước cũng là đối tác của KTTN. Trước hết, với tư cách là chủ thể quản lý đối với KTTN, Nhà nước ban hành luật pháp, ban hành và thực hiện cơ chế quản lý phù hợp đối với thành phần KTTN theo cơ chế thị trường và luật pháp quốc tế. Trong điều kiện hiện nay, khi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu có tác động không nhỏ đến doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ta, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách giúp các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh vươn ra thị trường thế giới. Đồng thời, cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động kinh tế của thành phần KTTN, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện và hỗ trợ thành phần KTTN phát triển theo quy định của pháp luật và chính sách của Nhà nước. Tiếp theo, Nhà nước, với tư cách là đối tác của KTTN, vừa là khách hàng, hộ tiêu dùng lớn của KTTN (trước đây chỉ có doanh nghiệp nhà nước), vừa là đối tác liên doanh, hợp tác thông qua các doanh nghiệp nhà nước. Trong mối quan hệ đối tác với KTTN, kinh doanh theo cơ chế thị trường, Nhà nước phải đảm bảo mối quan hệ bình đẳng trước pháp luật, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, cùng có lợi giữa doanh nghiệp nhà nước và KTTN.
Phát triển KTTN là xu thế tất yếu trong TKQĐ lên CNXH ở Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ sở hữu về tư liệu sản xuất của các bộ phận cấu thành thành phần kinh tế này có sự khác nhau; do đó, việc nghiên cứu để định hướng cho sự phát triển các bộ phận của thành phần KTTN theo mục tiêu của CNXH cần được đặt ra để thúc đẩy KTTN phát triển theo đúng định hướng XHCN. Có như vậy, KTTN mới phát huy vai trò to lớn trong xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN.
TS. VŨ THỊ THOA
Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011