QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 22:45 (GMT+7)
Phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đảng viên làm kinh tế tư nhân không bị giới hạn về quy mô

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX trình Đại hội X của Đảng tiếp tục khẳng định ở nước ta trong thời kỳ quá độ (TKQĐ) tồn tại 6 thành phần kinh tế: "Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã  hội chủ nghĩa”.

Khái niệm kinh tế tư nhân được dùng để chỉ các thành phần kinh tế dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất (TLSX), gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Tuy nhiên, quy mô và tính chất của các thành phần kinh tế này không đồng nhất. Kinh tế cá thể, tiểu chủ dựa trên cơ sở tư hữu nhỏ và lao động của chính chủ sở hữu, không mang tính chất bóc lột. Trái lại, kinh tế tư bản tư nhân dựa trên chế độ tư hữu tư bản và bóc lột lao động làm thuê. Lý luận Mác – Lê-nin khẳng định sự tồn tại khách quan của kinh tế tư nhân trong TKQĐ lên CNXH và việc cải tạo các thành phần kinh tế này theo CNXH là một trong những nhiệm vụ kinh tế cơ bản của cả TKQĐ.
Đã một thời do chủ quan nóng vội chúng ta đã  nhanh chóng xóa bỏ kinh tế tư nhân, nhất là kinh tế tư bản tư nhân. Việc làm đó không những không phù hợp với lý luận Mác - Lê-nin về cải tạo XHCN các thành phần kinh tế tư nhân mà còn không khơi dậy được các tiềm năng trong xã hội để phát triển đất nước và làm tăng thêm những khó khăn trong đời sống của nhân dân. Bởi vậy, trong quá trình đổi mới, Đảng ta cho rằng nền kinh tế tư nhân trong đó có kinh tế tư bản tư nhân gắn liền với chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN và nó đã được thực tiễn đổi mới 20 năm qua chứng minh là đúng đắn. Có thể nói rằng, phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, lâu dài trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Đây cũng là một nội dung quan trọng của đổi mới trong nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Gần 20 năm phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân, họat động dưới các hình thức: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp doanh phát triển khá nhanh và thu hút đông đảo các tầng lớp dân cư tham gia vào hoạt động. Hiện nay, trong nông nghiệp có hàng triệu cơ sở kinh tế cá thể, tiểu chủ, hơn 71 ngàn trang trại, hơn 12 vạn doanh nghiệp tư nhân.
Sự phát triển của kinh tế tư nhân có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội mà có thể nêu ra những vấn đề chủ yếu sau:
Đóng góp quan trọng nhất là tạo ra việc làm và góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội. Các doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp đã sử dụng 16% lực lượng lao động xã hội. Riêng năm 2004, các doanh nghiệp tư nhân đã giải quyết khoảng hơn 1,6 triệu việc làm. Kinh tế tư nhân đóng góp đáng kể vào việc huy động các nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Trong 4 năm gần đây, chỉ tính 72.601 doanh nghiệp có vốn đăng ký kinh doanh đã đạt 145.000 tỷ đồng (tương đương với 9 tỷ USD) cho đầu tư phát triển. Tỷ trọng đầu tư của các loại doanh nghiệp tư nhân trong tổng đầu tư xã hội đạt từ 23 đến 25%. Kinh tế tư nhân đóng góp đáng kể vào GDP và ngân sách nhà nước (dự kiến năm 2005 bằng 37% GDP).
Như vậy, trong gần 20 năm đổi mới, kinh tế tư nhân ở nước ta phát triển khá nhanh chóng, có vai trò tích cực đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân.
Khẳng định những mặt tích cực của kinh tế tư nhân ở nước ta đồng thời cũng cần thấy rõ những hạn chế, khuyết tật của nó trong quá trình phát triển như: tính chất tự phát, vô chính phủ trong sản xuất, kinh doanh; tình trạng chấp hành không nghiêm luật pháp, kỷ cương... Đặc biệt, không ít các doanh nghiệp tư bản tư nhân trốn lậu thuế, kinh doanh bất hợp pháp, bóc lột công nhân như thời tích lũy nguyên thủy của chủ nghĩa tư bản (CNTB); móc ngoặc, làm tha hóa một số cán bộ có chức, có quyền trong bộ máy Đảng và Nhà nước, các tổ chức và cơ quan kinh tế nhà nước; chiếm dụng, rút ruột tiền hàng trăm tỷ đồng... Số doanh nghiệp tư nhân lớn làm ăn thực sự nghiêm chỉnh không phải là nhiều. Bởi vậy, theo chúng tôi cần đánh giá một cách khách quan, công bằng sự phát triển của kinh tế tư nhân, tránh khuynh hướng đề cao quá mức vai trò của kinh tế tư nhân so với thực tế.
Vấn đề chủ yếu và quan trọng nhất trong sự phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta là làm sao để có thể đảm bảo cho sự phát triển đó đi theo định hướng XHCN. Trên thực tế về mặt lãnh đạo, quản lý và định hướng, đây là vấn đề mà chúng ta còn nhiều yếu kém, bất cập, nhất là khả năng kiểm soát của Nhà nước.
Mặc dù kinh tế tư nhân, kể cả tư bản tư nhân ở nước ta hiện nay không hoàn toàn giống với kinh tế tư nhân trong chế độ tư bản, vì ở nước ta dù ít hay nhiều nó đã mang đặc trưng của CNTB nhà nước, do có sự quản lý, điều hành của Nhà nước XHCN. ở đây, chính vai trò của Nhà nước XHCN là yếu tố cực kỳ quan trọng trong định hướng sự phát triển của kinh tế tư nhân. Một khi nhà nước bỏ mất vai trò của mình hay vai trò đó quá yếu thì kinh tế tư nhân sẽ trở về với nguyên nghĩa của nó và tất nhiên, nó sẽ tự phát đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Để có thể tiếp tục khuyến khích sự phát triển của kinh tế tư nhân và đảm bảo thực hiện được định hướng XHCN, theo chúng tôi, cần quan tâm đến những vấn đề sau:
1. Tiếp tục đổi mới tư duy về kinh tế tư nhân trong TKQĐ lên CNXH ở nước ta; loại bỏ những lực cản gây khó khăn, trở ngại cho sự phát triển của kinh tế tư nhân theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật và các cơ chế, chính sách, đảm bảo các điều kiện pháp lý cho kinh tế tư nhân phát triển và tạo ra hệ thống công cụ quản lý, định hướng có hiệu quả của Nhà nước.
3. Thực hiện nghiêm chỉnh và chặt chẽ chế độ kiểm toán, kế toán, thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật nước ta và các thông lệ quốc tế. Đảm bảo cho kinh tế tư nhân làm ăn, kinh doanh minh bạch, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội.
4. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân bán cổ phần và phát triển liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác và với Nhà nước để trở thành kinh tế tư bản nhà nước.
5. Tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước với kinh tế tư nhân, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị- xã hội khác đối với kinh tế tư nhân. Đồng thời, tập trung chỉ đạo đổi mới sự phát triển của kinh tế Nhà nước để làm được vai trò chủ đạo trong định hướng XHCN.
Về vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân không bị giới hạn về quy mô trong dự thảo Điều lệ Đảng.
Theo nhận thức của tôi, đây là một vấn đề còn nhiều điều chưa rõ ràng cả về lý luận và thực tiễn. Trong khi đó, các Văn kiện chính thức của Đại hội Đảng chỉ nên đưa vào những nội dung đã được khẳng định sự đúng đắn về lý luận và thực tiễn để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của toàn Đảng. Dưới đây, tôi chỉ xin đề cập 2 nội dung sau:
Thứ nhất: vì sao lại nêu vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân không bị giới hạn về quy mô? Phải chăng vì do yêu cầu bức bách của thực tiễn trong khi chúng ta chưa giải quyết được về mặt lý luận.
Nếu đảng viên làm kinh tế tư nhân ở loại hình cá thể, tiểu chủ thì không có gì phải bàn cãi vì kinh tế cá thể, tiểu chủ bao giờ cũng bị giới hạn bởi quy mô nhất định. Có thế mới gọi là kinh tế cá thể, tiểu chủ và họ không bóc lột lao động làm thuê.
Còn loại kinh tế tư nhân không bị giới hạn về quy mô thì chỉ có thể là kinh tế tư bản tư nhân chứ không thể còn là kinh tế cá thể, tiểu chủ. Điều này C.Mác khẳng định khi phân tích đặc trưng của CNTB. Tính chất của loại kinh tế tư nhân không bị giới hạn vì quy mô là tính chất bóc lột TBCN. Vì vậy tại sao lại không dám thẳng thắn đặt vấn đề: đảng viên được làm kinh tế tư bản tư nhân cho rõ ràng. Có phải vì nếu nói thẳng thắn như vậy sẽ mâu thuẫn với tiêu chuẩn cơ bản của người đảng viên. Người đảng viên mà bóc lột thì không còn là đảng viên cộng sản.
Cũng không thể lấy lý do hiện nay chúng ta chưa xác định được tiêu chí để phân tích thế nào là kinh tế tư bản tư nhân, thế nào là bóc lột để thuyết minh cho vấn đề này. Vì trên thực tế ở nước ta đã có rất nhiều doanh nghiệp tư bản tư nhân cả trong và ngoài nước đang hoạt động với các quy mô khác nhau về vấn đề lao động, thuê và bóc lột nhân công... Đó là các căn cứ thực tế để xác định kinh tế tư bản tư nhân.
Khi cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân không bị giới hạn về quy mô thì có thể một người đảng viên cụ thể nào đó sẽ có quy mô doanh nghiệp hoặc công ty với số vốn khổng lồ, bóc lột một khối lượng lao động khổng lồ dạng của các trùm tư bản. Như vậy, có khả năng đảng viên cộng sản sẽ là trùm tư bản. Vậy tính chất cộng sản ở chỗ nào? Giả sử trong Đảng có một số lượng khá lớn đảng viên là các trùm tư bản lớn với thế lực kinh tế mạnh thì ai dám chắc họ không có khả năng làm những việc mà bây giờ chúng ta chưa dự đoán được.
Hãy xem trong nền kinh tế ở nước ta hiện nay đã có bao nhiêu đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân? Điều quan trọng nhất là nguồn gốc tài sản của họ từ đâu, có thật sự là do lao động của họ hay do tham nhũng khi có chức quyền. Bao nhiêu người thực sự dựa vào tài năng kinh doanh, bao nhiêu người lợi dụng các mối quan hệ mà họ đã có được và tạo ra được khi còn ở bộ máy Đảng, Nhà nước để làm kinh tế tư nhân? Trong thực tế, nhiều đảng viên tiền phong trong làm kinh tế, có tác dụng lôi kéo quần chúng như làm kinh tế trang trại, các hợp tác xã cổ phần, các xưởng thợ... nhưng không nhất định phải là cách làm kinh tế tư bản tư nhân.
Thứ hai: có nên đưa vấn đề này vào Điều lệ Đảng không?
Từ sự lý giải trên, tôi nghĩ rằng, cách đặt vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân không bị giới hạn về quy mô là không có sức thuyết phục cả về lý luận và thực tiễn. Và do đó không nên đưa vấn đề này vào các văn kiện và Điều lệ Đảng vì các lý do sau:
1- Không có căn cứ thuyết phục về lý luận và thực tiễn như đã trình bày ở trên.
2- Đưa vào Điều lệ Đảng vấn đề này sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho việc hợp pháp hóa tài sản tham nhũng của cán bộ có chức có quyền khi thực hiện kinh doanh kinh tế tư nhân.
Còn đối với các đảng viên hiện nay đang làm kinh tế tư nhân, có thể giải quyết theo 2 hướng:
- Tốt nhất là họ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp trở thành tư bản nhà nước hoặc loại hình tổ chức kinh tế khác, mà vẫn giữ vững và phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của mình.
- Nếu không tha thiết với Đảng, họ xin tự nguyện thôi sinh hoạt Đảng, trở thành công dân tốt và làm ăn theo pháp luật.
 
Thiếu tướng, PGS, TS. Vũ Quang Lộc
Phó Giám đốc Học viện Chính trị-quân sự

 

Ý kiến bạn đọc (0)