QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2011, 23:46 (GMT+7)
Phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc và những vấn đề đặt ra

Nước ta có vùng biển và thềm lục địa rộng hơn 1 triệu km2, hơn 3.260 km bờ biển và gần 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, xa, gần trải dài từ Vịnh Bắc Bộ dọc Biển Đông đến Vịnh Thái Lan, trong đó chứa đựng nhiều tài nguyên khoáng sản và các hải sản quý. Đây là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển bền vững của dân tộc ta. Biển cũng là hướng phòng thủ chiến lược của đất nước ta. Lịch sử cho thấy, nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đối với nước ta được bắt đầu từ hướng biển. Ngày nay, vùng biển, đảo càng trở nên một hướng đặc biệt quan trọng, xung yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận thức rõ vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của các vùng biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta đã sớm quan tâm tới việc quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giải quyết tranh chấp trên biển và phát triển kinh tế biển. Ngay sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung mọi nguồn lực để bảo vệ vùng biển và khai thác tài nguyên biển. Đánh giá về vị trí, vai trò của biển nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Biển của ta rất giàu và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Trước khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã có quyết định lịch sử: giải phóng quần đảo Trường Sa, giữ vững thế đứng của Việt Nam trên Biển Đông. Sau khi đất nước thống nhất, ngày 12-5-1977, Chính phủ ta ra Tuyên bố về các vùng biển Việt Nam. Đây là một trong những tuyên bố sớm nhất trong khu vực Đông Nam á. Từ tuyên bố lịch sử đó, ngày 12-11-1982, Chính phủ ta lại ra Tuyên bố về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, mở đầu một trang mới trong lịch sử tiến ra biển, thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta trên biển. Tiếp đó, trong nhiệm kỳ của các Đại hội Đảng lần thứ VII, VIII, IX, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, trong đó đều khẳng định rõ mục tiêu tiến ra biển của đất nước ta: “Trở thành một nước mạnh về biển là mục tiêu chiến lược xuất phát từ yêu cầu và điều kiện khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”. Thực tiễn qua 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đã khẳng định rằng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhân dân và lực lượng vũ trang, kinh tế biển và ven biển của nước ta có nhiều khởi sắc, phát triển theo hướng tích cực, đã đem lại cho đất nước ta khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội, 50% thu nhập ngoại tệ mạnh và tạo ra việc làm ổn định cho khoảng 9 triệu người. Trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, chúng ta đã kiềm chế được xung đột, giữ được lợi ích quốc gia, dân tộc trên phương diện tổng thể, giữ được môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Biển Đông-hải đảo của Nhà nước đã góp phần tăng cường thế phòng thủ ở những địa bàn ven biển trọng yếu và trên tuyến đảo, nhất là thế đứng ở Trường Sa và Biển Đông. Đó là những tiền đề, điều kiện thuận lợi để chúng ta thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách nghiêm khắc, hiện nay còn nhiều cấp, ngành, địa phương và lực lượng hoạt động trên biển chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò chiến lược của biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác nghiên cứu và hiểu biết về biển còn sơ sài, chưa có chiến lược lâu dài ở tầm quốc gia để định hướng công tác khai thác, quản lý, bảo vệ vùng biển một cách thống nhất, đúng trọng điểm. Cơ sở hạ tầng vùng ven biển, hải đảo thiếu thốn và lạc hậu. Sự phát triển kinh tế biển ở nhiều địa phương và một số ngành chủ yếu chạy theo nhu cầu thị trường, chưa thực sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển. Vấn đề phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai từ hướng biển đang là khó khăn lớn của nước ta. Việc xây dựng lực lượng để quản lý, bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, đảo, đặc biệt là Hải quân chưa được tăng cường đúng mức, khả năng răn đe, sẵn sàng giáng trả các hành động xâm phạm chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc còn nhiều hạn chế. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, phải nhanh chóng tiến ra biển; xây dựng được một nền kinh tế biển mạnh, một nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển mạnh. Chỉ có thực hiện được mục tiêu này, chúng ta mới hoàn thành nhiệm vụ đưa nước ta trở thành một nước văn minh, giàu mạnh, hiện đại, có khả năng tham gia vào đời sống quốc tế với một vị trí xứng đáng; ngăn chặn nguy cơ bị các nước bao vây, tranh giành để sử dụng, khai thác biển của ta vì mục đích của họ.
Gần đây, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã thông qua Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010, trong đó xác định rõ: “Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế. Hoàn chỉnh quy hoạch và phát triển có hiệu quả hệ thống cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến dầu khí, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển, đảo. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ bổ trợ. Hình thành một số hành lang kinh tế ven biển. Nhanh chóng phát triển kinh tế-xã hội ở các hải đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”1. Những quan điểm, tư tưởng, mục tiêu về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển nêu trong nghị quyết của Đảng đã thể hiện rõ ý chí, quyết tâm, đồng thời cũng là những định hướng cơ bản, những yếu tố quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quán triệt và tổ chức thực hiện. Để góp phần thực hiện thắng lợi phương hướng, nhiệm vụ và những quan điểm, tư tưởng, mục tiêu về phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, xin đề xuất một số giải pháp cần tập trung nghiên cứu, tổ chức thực hiện trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.
           
Trung ương và các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng, hoàn thiện chiến lược biển và chiến lược quốc phòng-an ninh trên biển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xác định rõ phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Tập trung đúng mức mọi nguồn lực đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài phát triển các ngành kinh tế biển trọng điểm như: khai thác dầu khí, đóng tàu, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, du lịch biển; chú trọng khuyến khích các công ty dầu khí đầu tư thăm dò ở những vùng biển xa, khó khăn, theo phương châm nơi khó làm trước, nơi dễ làm sau. Xây dựng và giải quyết tốt vấn đề quy hoạch vùng ven biển, hải đảo; có cơ chế chính sách phù hợp và đồng bộ để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển, đảo.
Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Đặc biệt, nghiên cứu, vận dụng mô hình khu kinh tế-quốc phòng trên biên giới đất liền để tiến hành xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng trên đảo, quần đảo (do bộ đội Hải quân, bộ đội Biên phòng, bộ đội địa phương làm nòng cốt), vừa tham gia phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút ngày càng nhiều dân cư đến làm ăn, sinh sống, vừa kết hợp củng cố quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Nghiên cứu đầu tư cho huyện đảo Trường Sa xây dựng cơ sở hậu cần nghề cá (có cảng cá, âu tàu, cơ sở chế biến hải sản, bảo đảm dầu, nước, bệnh viện, lực lượng tìm kiếm cứu nạn...) để ngư dân yên tâm làm ăn lâu dài ở vùng biển xa và hoạt động kinh tế có lãi. Tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương đánh bắt cá xa bờ, kết hợp bảo vệ chủ quyền vùng biển với những giải pháp đồng bộ: đóng tàu đủ tiêu chuẩn đánh bắt cá xa bờ, bao tiêu sản phẩm, bảo đảm hậu cần, dịch vụ, bảo đảm an ninh, cứu hộ-cứu nạn cho tàu thuyền của các doanh nghiệp và ngư dân khi có bão và tình huống phức tạp xảy ra...
Đẩy mạnh xây dựng sức mạnh quốc gia trên biển (cả lực lượng kinh tế, nghiên cứu khoa học, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...) tương xứng với tầm quan trọng của biển. Tập trung nỗ lực xây dựng lực lượng quốc phòng-an ninh trên biển, nhất là xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam vững mạnh; phấn đấu trong tương lai gần Hải quân ta có đủ các lực lượng: tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân, hải quân đánh bộ và pháo-tên lửa bờ biển..., đủ sức hoàn thành thắng lợi vai trò nòng cốt quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc trong thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trên biển.
Tăng cường quản lý nhà nước trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các ngành thuộc Trung ương và địa phương có liên quan để bảo vệ có hiệu quả chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Đảm bảo quản lý thống nhất, có phân công, phân nhiệm rõ ràng, cơ chế phối hợp tốt, khắc phục tình trạng phân tán, cục bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, khai thác, hoạt động trên biển của nước ta và giao lưu quốc tế.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp về biển. Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các văn bản hướng dẫn thực hiện các luật liên quan đến từng bộ, ngành, tạo ra một khuôn khổ pháp lý thống nhất cho sự phát triển kinh tế và quản lý, bảo vệ biển một cách có trật tự và bền vững.
Đẩy mạnh hơn nữa quá trình đàm phán giải quyết các vấn đề bất đồng về biên giới lãnh thổ trên biển và về ranh giới thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế với các nước láng giềng. Quán triệt và nắm vững lập trường của Đảng và Nhà nước ta chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các tranh chấp khác liên quan đến Biển Đông là thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản, lâu dài, cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, các bên có liên quan không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, cùng nhau tìm kiếm những hình thức hợp tác thích hợp để giải quyết bất đồng trên biển với các nước láng giềng.
Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế song phương, đa phương trên biển. Trên cơ sở đó khắc phục tình trạng thiếu những hiểu biết cần thiết về các vùng biển của ta, bổ sung những mặt còn yếu phù hợp với lợi ích của nước ta và sự quan tâm của các bên, xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý biển có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đồng thời, thông qua việc mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, liên doanh với nước ngoài trong khuôn khổ Luật Đầu tư với nước ngoài để khai thác vùng biển và thềm lục địa, nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập của ta về vốn, công nghệ, kỹ thuật và về quản lý, bảo vệ biển. Hợp tác quốc tế trên biển còn là biện pháp cần thiết góp phần bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông và trong khu vực.
 
Phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến
Ủy viên BCHTƯ Đảng
Tư lệnh Quân chủng Hải quân
 
1- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb CTQG, H. 2006, tr. 225.

 

Ý kiến bạn đọc (0)