Thứ Bảy, 23/11/2024, 15:55 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Giao thông vận tải (GTVT) là ngành sản xuất vật chất thuộc cơ sở hạ tầng của nền kinh tế quốc dân, có vị trí chiến lược trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng - an ninh ( QP-AN) của đất nước. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, công nhân ngành GTVT luôn sát cánh cùng đồng bào cả nước vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, mở đường thắng lợi, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt, góp phần chi viện đắc lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.
Trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò, vị trí của ngành GTVT là càng quan trọng hơn. Mỗi bước phát triển của Ngành đều tác động trực tiếp đến hiệu quả phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN của đất nước.
Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành GTVT đã tích cực đổi mới toàn diện, từng bước tổ chức lại sản xuất, đổi mới cơ cấu quản lý, kinh doanh, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới. Mặc dù điều kiện còn có nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn, cơ chế chính sách, giá nhiên liệu, vật liệu tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt về thị phần vận tải..., song được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương có liên quan và sự nỗ lực vươn lên của tập thể đội ngũ cán bộ, công nhân, đến nay ngành GTVT đã có bước phát triển khá toàn diện, vững chắc và đạt được những thành tựu rất quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt ở mức cao (12% -14%/ năm), chất lượng GTVT ngày càng được cải thiện, đáp ứng về cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân và dịch vụ lưu thông, vận chuyển hàng hoá cho các thành phần kinh tế; đồng thời, bảo đảm vận tải quân sự đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ QP-AN, nhất là bảo đảm hệ thống đường cơ động cho các đơn vị quân đội và lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện nhiệm vụ ở các địa bàn chiến lược biên giới, hải đảo. Bằng nguồn vốn đầu tư trong nước, ngoài nước và vốn vay ưu đãi ODA, nhiều công trình giao thông huyết mạch, quan trọng của đất nước đã được khôi phục, nâng cấp và làm mới. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2001-2008, ngành GTVT đã đầu tư 81,355 tỷ đồng, hoàn thành xây dựng mới và nâng cấp được hơn 12.000 km đường quốc lộ, làm mới trên 100 km cầu và đường hầm, cải tạo nâng cấp trên 800km đường sắt; cải tạo nâng cấp, xây mới trên 6.000m cảng biển; đưa 17 trên 22 cảng hàng không vào hoạt động. Khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt hơn 850 triệu tấn và 273 tỷ tấn/km; khối lượng vận tải hành khách là 4,3 tỷ hành khách và 151tỷ hành khách/ km. Khối lượng hàng hóa thông qua các cảng biển đạt 447 triệu tấn, tăng 15%/năm...
Đi đôi với việc không ngừng nâng cao năng lực, chất lượng công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải và phát triển sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo Bộ GTVT luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ củng cố QP-AN, bảo vệ Tổ quốc. Điều đó được thể hiện cụ thể trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và trong các dự án khôi phục, nâng cấp, phát triển mạng lưới GTVT, hiện đại hoá trang thiết bị kỹ thuật - công nghệ và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực..., Bộ GTVT luôn phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành, địa phương liên quan, nhất là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khảo sát, thẩm định, phê duyệt các đề án chiến lược, quy hoạch phát triển, các dự án xây dựng công trình giao thông, nhất là trong lựa chọn phương án tuyến, địa điểm, quy mô công trình, để vừa bảo đảm mục tiêu, yêu cầu phát triển KT-XH, vừa bảo đảm yêu cầu QP-AN của từng địa phương và cả nước. Nhờ đó, Bộ GTVT đã phát triển được mạng lưới giao thông các loại tương đối đồng bộ, gắn kết giữa các tuyến trung ương với địa phương, có nhiều tuyến tránh và tuyến thay thế. Hiện tại, về đường bộ, toàn quốc có 93 quốc lộ (QL) với tổng chiều dài 17.295 km và hơn 4.100 cầu các loại. Đường sắt, có 7 tuyến với tổng chiều dài 3.142,9km, trong đó có 2.632km tuyến chính và 281 ga các loại. Đường biển, cả nước có trên 90 cảng biển lớn nhỏ với 22.000 km cầu tàu, 1 triệu m2 kho và 2,2 triệu m2 bãi. Đường sông, cả nước có 2360 sông, kênh, với tổng chiều dài 41.900 km, mới khai thác vận tải được 17.139km, trong đó đường sông trung ương là 6.314km, đường sông địa phương là 10.825 km. Đường hàng không, có 22 sân bay, trong đó có 17 sân bay đang được khai thác vận tải dân dụng với hàng trăm máy bay dân dụng hiện đại, các loại... Hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường biên giới, hải đảo cũng đang được khôi phục, nâng cấp, làm mới để hoà mạng với hệ thống đường quốc gia, phục vụ thiết thực cho yêu cầu phát triển KT-XH, tăng cường tiềm lực QP-AN của địa phương và đất nước. Tuy nhiên, hệ thống GTVT hiện nay của nước ta nhìn chung vẫn còn lạc hậu và còn nhiều bất cập so với yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH của đất nước. Hệ thống đường bộ chưa hoàn chỉnh, chất lượng thấp, nhiều nơi còn bị tắc nghẽn; chưa bảo đảm giao thông thông suốt trong mùa mưa ở các khu vực thường bị ngập lụt và miền núi. Hệ thống cảng biển, đường sắt, hàng không, hàng hải còn bất cập về năng lực vận chuyển, khả năng kho bãi, về thông tin, quản lý; chi phí dịch vụ vận tải còn cao...
Để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo yêu cầu đồng bộ, hợp lý, từng bước hiện đại, tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn trên phạm vi toàn quốc, thời gian tới, ngành GTVT sẽ tập trung thực hiện tốt các mục tiêu trong Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, trục dọc Bắc – Nam: Hoàn thành nâng cấp và mở rộng QL1A từ Hữu Nghị Quan đến Năm Căn; nối thông và nâng cấp toàn tuyến đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng đến Đất Mũi(Cà Mau); xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường bộ ven biển; hoàn thành nâng cấp đường sắt Thống Nhất đạt cấp tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và khu vực. Triển khai xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Nghiên cứu phát triển tuyến vận tải hành khách cao tốc Bắc - Nam trên biển. Khu vực phía Bắc: Xây dựng mới các tuyến đường bộ cao tốc thuộc Hai hành lang và Một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc và các đoạn tuyến thuộc đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Nối thông và nâng cấp toàn bộ các quốc lộ thuộc hệ thống vành đai phía Bắc, đường bộ ven biển; hoàn thành xây dựng tuyến vành đai biên giới... Xây dựng mới đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh thuộc tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Xây dựng mới một số tuyến đường sắt tốc độ cao thuộc Hai hành lang và Một vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc; cải tạo và nâng cấp đường sắt hiện hữu, đường sắt đầu mối Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Hoàn thành mở rộng các cảng thuộc khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh (Cái Lân, Đình Vũ); xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 DWT đến 80.000DWT; ưu tiên phát triển các bến container và các bến cảng chuyên dùng. Tiếp tục phát triển cảng hàng không quốc tế Nội Bài kết hợp với việc nghiên cứu xây dựng cảng hàng không quốc tế thứ hai tại Hải Dương; nâng cấp các cảng hàng không Cát Bi, Điện Biên, Nà Sản... Khu vực miền Trung -Tây Nguyên: Xây dựng các đoạn đường bộ cao tốc thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Nâng cấp, xây dựng các đường thuộc hành lang Đông - Tây và các đường ngang nối vùng duyên hải với các tỉnh Tây Nguyên, nối các cảng biển Việt Nam với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan và Cam-pu-chia; nối thông và nâng cấp tuyến đường bộ ven biển. Xây dựng tuyến đường sắt phục vụ khai thác và sản xuất alumin-nhôm tại các tỉnh Tây Nguyên và nối Tây Nguyên với cảng biển. Hoàn thành nhanh việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác 2 bến khởi động cảng trung chuyển quốc tế Văn Phong, tạo tiền đề xây dựng cảng trung chuyển quốc tế có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Phát triển cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; nâng cấp cảng hàng không Chu Lai, Vinh, Đồng Hới, Phù Cát, Tuy Hoà, Cam Ranh, Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột đạt tiêu chuẩn quốc tế đối với sân bay nội địa... Khu vực phía Nam: Xây dựng các đoạn tuyến đường bộ cao tốc thuộc đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc: TPHCM - Trung Lương - Cần Thơ, TPHCM - Long Thành - Vũng Tàu và Long Thành - Dầu Giây - Đà Lạt; TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, các vành đai thuộc khu vực TPHCM; nâng cấp và xây dựng mới 3 trục dọc chính (quốc lộ 1A, tuyến N1, N2) nối thông và nâng cấp tuyến đường bộ ven biển... Xây dựng đường sắt cao tốc TPHCM - Nha Trang (thuộc tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam), đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu; xây dựng đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh để nối với đường sắt xuyên á. Xây dựng đường sắt TPHCM - Mỹ Tho - Cần Thơ. Cải tạo, nâng cấp và xây dựng 3 cụm cảng biển khu vực Đông Nam Bộ: cụm cảng TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành để trở thành cảng trung chuyển hành khách, hàng hoá có sức cạnh tranh trong khu vực. Đầu tư xây dựng các sân bay Cần Thơ, Phú Quốc thành cảng hàng không quốc tế ; xây dựng cảng hàng không Vũng Tàu phục vụ bay dịch vụ dầu khí, bay taxi và hoạt động hàng không chung; nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không Cà Mau, Rạch Giá, Côn Đảo.
Để đạt được những định hướng, mục tiêu trên, ngành GTVT triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung thực hiện tốt những yêu cầu, nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới, nhất là trong lĩnh vực KT-XH, QP-AN và đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới. Thường xuyên giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị nhận thức đúng các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ phát triển KT-XH kết hợp với tăng cường QP-AN trong tiến trình đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế; từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức đối với nhiệm vụ phát triển GTVT đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
2. Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT bảo đảm đồng bộ, hợp lý, từng bước hiện đại, tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ, đô thị và nông thôn trên phạm vi toàn quốc, nhằm bảo đảm vừa phục vụ cho phát triển KT-XH, vừa đáp ứng yêu cầu củng cố QP-AN của từng địa phương và của cả nước. Phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước để phát triển hệ thống GTVT hợp lý, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá, hành khách tăng nhanh trong giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo.
3. Coi trọng công tác bảo trì, khai thác hiệu quả, bền vững kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; đồng thời, tích cực đẩy mạnh việc nâng cấp và xây dựng mới các công trình kết cấu hạ tầng giao thông mang lại hiệu quả KT-XH cao, phù hợp với chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trước hết là trục Bắc-Nam, các khu kinh tế trọng điểm, các trục giao thông đối ngoại, các đô thị lớn và các địa bàn chiến lược miền núi, biên giới, hải đảo.
4. Phát triển vận tải theo hướng hiện đại với chi phí hợp lý, an toàn, giảm thiểu tác động môi trường và tiết kiệm năng lượng; chú trọng ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức; nhanh chóng đổi mới, hiện đại hóa phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đồng thời phát triển nhanh hệ thống dịch vụ vận tải đối ngoại, trước hết là vận tải hàng không và hàng hải, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
5. Chú trọng phát triển GTVT ở các đô thị theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính, đảm bảo hiện đại, an toàn, tiện lợi và bảo vệ môi trường. Đối với các đô thị lớn (Hà Nội và TPHCM) tập trung phát triển phương thức vận tải khối lượng lớn (vận tải bánh sắt). Thực hiện các giải pháp đồng bộ, kiểm soát sự gia tăng phương tiện cá nhân; giải quyết ùn tắc giao thông và bảo đảm an toàn giao thông đô thị. Đồng thời, phát triển mạnh hệ thống giao thông nông thôn và hệ thống đường biên giới, hải đảo đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; gắn kết mạng GTVT địa phương với mạng GTVT quốc gia, tạo sự liên hoàn, thông suốt, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân và tăng cường tiềm lực QP-AN của từng địa phương và của cả nước.
6. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong ngành GTVT (bao gồm các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông, doanh nghiệp dịch vụ tư vấn và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp GTVT...) để nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị tham gia vận tải, hình thành các tập đoàn đủ mạnh để có thể hội nhập và cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
7. Huy động tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt chú trọng nguồn lực trong nước và từ mọi thành phần kinh tế để đầu tư phát triển GTVT; xã hội hoá việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trước hết là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đồng thời, coi trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại (sân bay, cảng biển quốc tế, các trục đường sắt, đường bộ xuyên á) bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ tiên tiến ngang tầm với các nước trong khu vực, có khả năng tiếp nhận được các tàu, máy bay cỡ lớn.
8. Thường xuyên chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ huy Quân sự các cấp từ cơ quan Bộ đến các đơn vị thành viên, cơ sở; chăm lo xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng dự bị động viên trong toàn Ngành có đủ số lượng, chất lượng cao, nhất là chất lượng chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ sản xuất, bảo vệ địa bàn nơi đơn vị đóng quân. Chuẩn bị tốt mọi mặt công tác động viên quốc phòng, sẵn sàng khi có lệnh là động viên kịp thời, đầy đủ nhân lực, vật lực theo yêu cầu nhiệm vụ QP-AN của đất nước.
Nguyễn Hồng Trường
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải
Chỉ huy trưởng BCHQS Bộ GTVT
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011