Thứ Bảy, 23/11/2024, 16:08 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Biên giới, biển đảo có vị trí hết sức quan trọng đối với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên, đầu tư toàn diện để phát triển cả về kinh tế - xã hội (KT - XH) cũng như củng cố quốc phòng - an ninh (QP - AN) đối với các khu vực này. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nơi đây đã từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên và lịch sử, hiện nay các xã, phường khu vực biên giới, biển đảo còn rất nhiều khó khăn. Địa hình những nơi này rất phức tạp, thường bị chia cắt bởi núi cao, vực sâu, sông suối lớn, giao thông gặp nhiều trở ngại; khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai, nhất là ở các xã, phường khu vực biên giới phía Tây của Tổ quốc. Với dân số khoảng trên 5 triệu người (chiếm 7,31 % dân số cả nước), song mật độ phân bố không đều, đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số (trong đó có 14/20 dân tộc đặc biệt khó khăn như: Brâu, Rmâm, Rục, Chứt, Khơ me… ); đồng bào là tín đồ của các tôn giáo chiếm 25 %. Kinh tế chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn rất nhiều khó khăn; toàn khu vực biên giới có 1012 xã, phường, thì 388 xã thuộc diện khó khăn; số hộ đói nghèo quanh năm chiếm 24,44%, số hộ đói giáp vụ khoảng 30,40%. Tuy hầu hết các xã, phường đều đã có trường phổ thông cơ sở, song cơ sở vật chất rất nghèo nàn; hầu hết thôn, bản xa xôi chưa có lớp học; tỷ lệ mù chữ, thất học cao (người mù chữ trong độ tuổi chiếm khoảng 24,8%, trẻ em thất học chiếm 11,29% so với cả nước). Tình trạng tái mù chữ diễn ra thường xuyên; trong đó một số không nhỏ là cán bộ thôn, bản, đoàn thể. Điều kiện khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là khi xảy ra dịch bệnh còn nhiều hạn chế; đội ngũ nhân viên y tế vừa yếu, vừa thiếu… nên hơn 70% người dân chữa bệnh tại nhà hoặc nhờ thày mo. Đời sống văn hoá - thông tin nghèo nàn; có những vùng, nhiều năm đồng bào không được xem phim, xem văn nghệ, nghe đài, đọc báo. Tệ nạn xã hội, hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là bọn tội phạm có tổ chức, hoạt động trên phạm vi rộng, liên quan đến nhiều quốc gia, như tội phạm ma tuý, buôn bán vũ khí, chất nổ, tiền giả, buôn bán phụ nữ, trẻ em... Lợi dụng đặc điểm đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hoà bình” với nhiều thủ đoạn thâm độc. Chúng ra sức tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, nhằm tạo ra sự mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên các địa bàn biên phòng. Cùng với việc thổi phồng những hạn chế, yếu kém của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở xã, phường, chúng tăng cường tuyên truyền, lôi kéo đồng bào tham gia vào các tổ chức bất hợp pháp, như cái gọi là “đạo Vàng Chứ”, “Tin Lành Đề Ga”; đòi thành lập “Vương quốc Mông” ở Tây Bắc; “Nhà nước Đề Ga” ở Tây Nguyên; tổ chức Khơ - me Crôm và đòi “Tự trị” ở Tây Nam bộ,... Trong khi đó, hệ thống chính trị cơ sở ở địa bàn biên giới hoạt động còn nhiều yếu kém. Cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể ở nhiều địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý KT - XH, QP - AN và khả năng tuyên truyền, vận động nhân dân chưa đáp ứng với yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra.
Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, hoạt động chủ yếu của Bộ đội Biên phòng diễn ra trên các địa bàn biên giới, biển đảo. Những năm qua, quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của trên, nhất là Chỉ thị 15/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 24/NQ-ĐU của Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ biên phòng các cấp đã nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo trong xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới. Đã tăng cường tuyên truyền vận động, tổ chức hướng dẫn nhân dân tự giác tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Cấp uỷ, chỉ huy các cấp đã thường xuyên chú trọng công tác vận động quần chúng; tham gia xây dựng hệ thống chính trị các xã, phường biên giới, biển đảo vững mạnh toàn diện. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, các đồn Biên phòng trong toàn lực lượng đã lựa chọn những đồng chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ để xây dựng đội Vận động quần chúng của đồn. Các đội có nhiệm vụ: xây dựng, củng cố cơ sở chính trị ở cơ sở; tham gia chương trình xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học; chương trình quân, dân y kết hợp; thông tin tuyên truyền và thực hiện các dự án xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế… Thực tế cho thấy, các đội Vận động quần chúng của các đồn Biên phòng đã tham mưu có hiệu quả cho cấp uỷ, chính quyền địa phương trong củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, các đoàn thể và lực lượng dân quân, công an xã, phường biên giới, biển đảo. Trực tiếp nắm tình hình, thường xuyên phối hợp với các cơ quan hữu quan củng cố chính quyền địa phương vững mạnh; phát hiện những quần chúng ưu tú để đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp vào Đảng, tạo nguồn cán bộ cho các địa phương. Đồng thời, qua tuyển nghĩa vụ quân sự hằng năm, các đồn Biên phòng có kế hoạch chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài là người dân tộc thiểu số cho các địa phương. Tham gia huấn luyện nghiệp vụ cho các tổ chức quần chúng, lực lượng công an, an ninh nhân dân, dân quân, tự vệ.
Cùng với việc duy trì thường xuyên hoạt động của các đội Vận động quần chúng, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Biên phòng đã tăng cường 438 cán bộ, sĩ quan biên phòng cho 388 xã, phường đặc biệt khó khăn. Biên phòng các tỉnh: Nghệ An, Quảng Trị, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn… đã tăng cường sĩ quan Biên phòng về làm phó bí thư đảng uỷ xã phụ trách xây dựng cơ sở chính trị và QP - AN. ở các địa phương có cán bộ Biên phòng về công tác, chất lượng xây dựng cơ sở chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; năng lực của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính được nâng lên; chế độ làm việc của Đảng uỷ, Hội động nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có hiệu quả hơn; mối quan hệ, phân công phối hợp, hiệp đồng, thực hiện chức trách, nhiệm vụ của từng chức danh có tốt hơn; nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình được đề cao trong mọi hoạt động của tổ chức cơ sở đảng…
Kết quả tổng thể của Bộ đội Biên phòng trong xây dựng cơ sở chính trị ở các địa phương biên giới, biển đảo là đã góp phần tích cực vào việc phát triển KT - XH, củng cố QP - AN trên địa bàn. Nhiều nơi, các đội Vận động quần chúng, các sĩ quan Biên phòng tăng cường đã tham mưu cho cấp uỷ địa phương ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, tăng cường QP - AN; tổ chức xây dựng cụm, tuyến an toàn, làm chủ, sẵn sàng chiến đấu; kết hợp xây dựng mô hình phát triển KT - XH, thực hiện xoá đói, giảm nghèo với củng cố lực lượng dân quân, tự vệ, công an xã, bản và tổ tự quản… Công tác nắm địa bàn, đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là ở những nơi có phỉ hoạt động, buôn lậu, được tăng cường, đạt hiệu quả cao. Chỉ tính riêng trong năm 2007, đội ngũ cán bộ tăng cường và các đồn Biên phòng đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương củng cố 68 tổ chức cơ sở đảng, 34 Uỷ ban nhân dân xã, phường và trên 200 tổ chức đoàn thể quần chúng vững mạnh; kết nạp được 182 đảng viên mới, thành lập được 16 chi bộ, trong đó có 1 chi bộ vùng giáo dân. Phối hợp với các lực lượng trên địa bàn, các đơn vị đã tham gia xây dựng, củng cố 367 tổ an ninh nhân dân, 67 đội dân phòng; tổ chức 32 lớp bồi dưỡng kiến thức QP - AN cho các đối tượng, mở 136 lớp huấn luyện quân sự cho hơn 2632 cán bộ xã, dân quân và 1.120 học sinh trung học phổ thông; giúp địa phương giải quyết tốt cá vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai; phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng di, dịch cư tự do…Đồng thời, các đơn vị chú ý nâng cao chất lượng hoạt động của các Chương trình phối hợp giúp nhân dân các xã, phường biên giới phát triển KT - XH. Các mô hình như: VAC của đồn Pù Nhi (Thanh Hoá), xây dựng Điểm sáng văn hoá toàn diện ở bản Ngàn Chuồng (Bình Liêu-Quảng Ninh), vận động đồng bào Ma Cong ở bản Chăm Phu của Đồn 585 (Quảng Bình)…, đã trở thành điểm sáng trong công tác vận động quần chúng; các Đề án: Xây dựng biên giới hoà bình hữu nghị, phát triển KT - XH, tăng cường QP - AN (Kiên Giang), Xây dựng cụm, tổ tầu thuyền ở Hải Phòng, Quảng Ngãi…, đã phát huy tác dụng tích cực đối với các địa phương. Các Chương trình phối hợp với Uỷ ban Dân tộc, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, ngành Giáo dục và đào tạo… để tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao chất lượng công tác xoá đói, giảm nghèo…được phối hợp chặt chẽ, thu hút được các nguồn vốn và tạo sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện, tạo hiệu quả thiết thực đối với nhân dân trên các địa bàn.
Tuy nhiên, công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị-xã hội của Bộ đội Biên phòng trên các xã, phường biên giới, biển đảo cũng còn những thiếu sót, khuyết điểm. Công tác quản lý, theo dõi, chỉ đạo cán bộ tăng cường cho các đội Vận động quần chúng chưa thật khoa học, cụ thể, còn hiện tượng chồng chéo; công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm chưa được thường xuyên. Việc quán triệt nhiệm vụ ở các cấp chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến tình trạng một số đồng chí chưa nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ nên hiệu quả công tác chưa cao; thậm chí có đồng chí vi phạm kỷ luật. Một số đơn vị chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ địa phương theo chức năng, nhiệm vụ; bố trí cán bộ tăng cường chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra; công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chưa thường xuyên, liên tục; công tác chính sách với cán bộ tăng cường chậm được đổi mới,v.v.
Nhằm tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Bộ đội Biên phòng trong xây dựng, củng cố cơ sở chính trị ở các xã, phường biên giới, hải đảo, trong thời gian tới, các đơn vị Bộ đội Biên phòng cần tập trung làm tốt những nội dung cơ bản sau: Trước hết, phải tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, nhất là cán bộ các đội Vận động quần chúng, sĩ quan tăng cường cho các địa phương, nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia xây dựng cơ sở chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, củng cố QP - AN trên các địa bàn biên giới, biển đảo. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đồng thời cũng là trách nhiệm, tình cảm, thể hiện bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” của Bộ đội Biên phòng với nhân dân và các dân tộc trên địa bàn; vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là yêu cầu cấp thiết trong tình hình hiện nay. Hai là, tăng cường công tác tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai chương trình phát triển KT - XH, củng cố QP - AN ở các xã, phường biên giới, biển đảo. Tập trung xây dựng các mô hình và nhân rộng điển hình tiên tiến trong xây dựng, củng cố cơ sở chính trị - xã hội, phát triển kinh tế. Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tăng cường giúp các xã, phường biên giới, biển đảo xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh. Đội ngũ này phải là những đồng chí có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng; được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng vận động, tổ chức quần chúng và có kiến thức cơ bản về phát triển kinh tế miền núi, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng cũng như hiểu biết về phong tục, tập quán, ngôn ngữ của đồng bào trên địa bàn.
Để các đơn vị Bộ đội Biên phòng làm tốt hơn vai trò nòng cốt trong xây dựng, củng cố cơ sở chính trị các xã, phường biên giới, biển đảo, đề nghị các cơ quan chức năng của Trung ương và các địa phương tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế thích hợp, tạo điều kiện về mọi mặt, nhất là công tác tổ chức, chế độ, chính sách…, cho đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường cho các xã, phường biên giới, biển đảo, góp phần đưa công tác này phát triển một cách sâu rộng, vững chắc, đạt hiệu quả cao.
Thiếu tướng Võ Trọng Việt
Chính ủy Bộ đội Biên phòng
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011