Thứ Năm, 24/04/2025, 17:23 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Thực hiện tốt chính sách dân tộc (CSDT) của Đảng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của quân đội ta, góp phần củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 13,8% dân số; cư trú chủ yếu ở miền núi, biên giới; nơi có vị trí đặc biệt quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh (QP-AN) và môi trường sinh thái. Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, đồng bào các DTTS đã không ngừng phát huy truyền thống yêu nước, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của dân tộc.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng đều đề ra đường lối, chủ trương, chính sách không ngừng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các DTTS đã không ngừng phấn đấu, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH, củng cố QP-AN, xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh. Nhờ đó, kinh tế các vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển; công tác xoá đói, giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu to lớn; hệ thống giao thông, y tế có bước phát triển mới; mặt bằng dân trí được nâng lên, mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ đã được thực hiện, hệ thống trường học nội trú được hình thành; đời sống văn hoá được nâng cao một bước; văn hoá truyền thống của các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Theo thống kê, hiện nay, trong số 13.116 cán bộ công chức là người DTTS, có: 118 người có trình độ trên đại học; 7.914 người có trình độ đại học, cao đẳng; 4.393 người có trình độ trung cấp. Nhiều đồng chí là người DTTS đang đảm nhiệm những cương vị chủ chốt trong các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương (14 đồng chí là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, chiếm 8,75%; 87 đồng chí là đại biểu Quốc hội khoá XII, chiếm 17,6%), có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các vùng đồng bào DTTS ở nước ta vẫn là địa bàn có nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý là, đời sống của nhân dân ở đây còn thấp; cơ sở hạ tầng ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa còn kém; hệ thống chính trị cơ sở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Trong lúc đó, các thế lực thù địch ra sức hoạt động chống phá với nhiều thủ đoạn thâm độc, nhất là việc lợi dụng những đặc điểm, hạn chế về KT-XH, dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Nhận thức rõ điều đó, trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn khẳng định quan điểm: thực hiện bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Theo đó, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về công tác dân tộc, như: Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 27-11-1989 của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển KT-XH miền núi, tình hình miền núi và các vùng đồng bào DTTS"; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá IX) “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, “Về công tác dân tộc”, “Về công tác tôn giáo”; đồng thời, xác định thực hiện CSDT là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Là đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hơn 65 năm qua, quân đội ta luôn gắn bó với phong trào cách mạng của Đảng, gắn bó máu thịt với nhân dân, với đồng bào các dân tộc anh em. Vì vậy, thực hiện CSDT của Đảng là trách nhiệm, tình cảm sâu nặng của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) đối với đồng bào các dân tộc và là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, thể hiện bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" của quân đội ta. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng Cục Chính trị, các đơn vị trong toàn quân đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc đường lối CSDT của Đảng và Nhà nước. Từ năm 2003 đến năm 2008, toàn quân đã cử 7.759 tổ (đội) công tác, với 36.675 lượt CB,CS hành quân dã ngoại làm công tác dân vận ở vùng sâu, vùng xa, giúp đồng bào phát triển sản xuất; tổ chức 171.880 buổi tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho trên 25 triệu lượt đồng bào các dân tộc. Thực hiện Chỉ thị 123/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về củng cố, kiện toàn các tổ (đội) công tác xây dựng cơ sở, toàn quân đã cử 224 đội công tác, với 1.844 CB,CS tăng cường cơ sở trên các địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ và các tỉnh biên giới Việt-Lào. Thông qua các hình thức dân vận, các đơn vị đã chủ động làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương củng cố 23.307 lượt hệ thống chính trị cơ sở và 69.540 lượt tổ chức chính trị-xã hội ở các vùng đồng bào DTTS; phát hiện giúp địa phương bồi dưỡng, kết nạp trên 1.100 đảng viên mới, góp phần cùng cấp uỷ địa phương xoá tình trạng thôn (bản) "trắng" đảng viên, tổ chức đảng. Các đơn vị, nhà trường trong toàn quân đã tổ chức 40 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 2.760 cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong các dân tộc. Với phương châm "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", CB,CS không quản ngại gian khổ, khó khăn, ngày đêm bám địa bàn, tuyên truyền, vận động đồng bào tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nhận rõ âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch, từ đó tích cực lao động sản xuất, tham gia củng cố QP-AN, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Thực hiện CSDT của Đảng, toàn quân đã tích cực, chủ động tham gia phát triển KT-XH, xoá đói, giảm nghèo gắn với củng cố QP-AN, xây dựng "thế trận lòng dân", xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương để thực hiện nhiều chương trình, dự án định canh định cư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng điểm sáng văn hoá, xoá mù chữ và phổ cập tiểu học... CB,CS các đơn vị đã giúp địa phương gần 6,2 triệu ngày công, mở mới hơn 10.000 km đường giao thông, đào đắp hơn 4.000 km kênh, mương thuỷ lợi; trồng rừng, khai hoang, phục hoá khoảng 100.000 ha cây công nghiệp; sửa chữa và làm mới 85.682 nhà ở cho đồng bào; xây dựng hàng trăm cây cầu, bể nước sạch, trường học, trạm y tế cho các địa phương... Bộ đội Biên phòng và các đoàn kinh tế-quốc phòng (KT-QP) đã mở trên 500 lớp xoá mù chữ và phổ cập tiểu học cho gần 20 vạn con em các dân tộc ở địa bàn vùng sâu, vùng xa; tiếp nhận và tạo việc làm cho 73.500 hộ dân; tổ chức quy hoạch cho 15.500 hộ đồng bào dân tộc di cư tự do vào sinh sống và làm việc tại các vùng dự án, lập 121 bản định cư mới, xây dựng 104 lớp học, 30 nhà trẻ, mẫu giáo và xây dựng hàng trăm mô hình điểm sáng văn hoá vùng biên giới.
Hiện nay, toàn quân có 170 tổ (đội) công tác với 1500 CB,CS tăng cường cơ sở ở các vùng đồng bào DTTS, giúp 500.000 ngày công, đào, đắp 13.000 km đường giao thông, 567 km kênh, mương thuỷ lợi, tham gia chống cháy rừng được 876 ha; giúp dân xoá đói, giảm nghèo được 11.159 hộ với 23,7 tỷ đồng; tham gia xây dựng cơ sở chính trị vùng đồng bào DTTS được 1.448 xã, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được 36.965 buổi với 3.400.000 lượt người... Trên các địa bàn đứng chân, các đơn vị đã thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư", xây dựng bản làng văn hoá, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, không trồng cây thuốc phiện, giữ gìn an ninh thôn (bản), loại bỏ các thủ tục mê tín, bài trừ tệ nạn xã hội... Thực hiện chương trình "Kết hợp quân-dân y", các bệnh viện quân đội, các trạm xá quân-dân y đã phát huy tốt hiệu quả trong tuyên truyền, vận động đồng bào ăn ở hợp vệ sinh, phòng, chống dịch, khám, chữa bệnh cho đồng bào. Mỗi khi có bão, lũ, cháy rừng, lũ quét,... CB,CS đóng quân trên các địa bàn luôn là lực lượng xung kích, nòng cốt giúp địa phương khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Thời gian qua, cả nước có 62.000 thanh niên các DTTS nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc; 3.777 người được cử tuyển vào các học viện, nhà trường trong quân đội; trong đó, phát triển Đảng được 5.000 đảng viên là quân nhân đồng bào DTTS. Đây là lực lượng trẻ, được học tập, rèn luyện, bồi dưỡng trong môi trường quân đội; sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, sẽ là đội ngũ cốt cán xây dựng cơ sở chính trị, củng cố QP-AN tại các địa phương. Trong quá trình quản lý, giáo dục, đào tạo, các đơn vị quân đội đều thực hiện tốt CSDT của Đảng đối với quân nhân là người DTTS, thực hiện sự bình đẳng dân tộc giữa các quân nhân; giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các quân nhân là người DTTS phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có thể nói, thông qua công tác dân vận, quân đội đã trực tiếp đưa CSDT của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng thêm niềm tin của đồng bào các dân tộc vào Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Thời gian tới, nhằm bảo đảm cho quân đội thực hiện tốt hơn nữa CSDT của Đảng, cấp uỷ, chính uỷ, chính trị viên, người chỉ huy các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc; hướng mạnh về cơ sở; không ngừng đổi mới và đa dạng hoá nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao hiệu quả làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong củng cố, phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở địa phương vùng đồng bào DTTS; tham gia phát triển KT-XH, củng cố QP-AN; giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phòng, chống có hiệu quả chiến lược "Diễn biến hoà bình", âm mưu bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phát huy sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Để thực hiện tốt điều đó, các đơn vị cần tập trung vào những nội dung, biện pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục quán triệt cho mọi CB,CS, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng nhận thức sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những quan điểm của Đảng về vấn đề dân tộc, CSDT và đoàn kết dân tộc. Mọi CB,CS phải nhận thức sâu sắc rằng, thực hiện CSDT của Đảng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, thuộc về bản chất, truyền thống của quân đội; thể hiện tình cảm và trách nhiệm của người quân nhân cách mạng đối với đồng bào các dân tộc. Việc quán triệt CSDT của Đảng phải gắn chặt với phổ biến, giáo dục nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ chính trị của các đơn vị, các mặt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang. Đồng thời, các cấp cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng cho CB,CS kiến thức về dân tộc, kinh nghiệm công tác vùng đồng bào DTTS, tình hình ở các vùng, miền, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng nước ta. Qua đó, phát huy trách nhiệm, tinh thần sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của CB,CS; khắc phục những nhận thức, hành động không đúng trong thực hiện CSDT của Đảng và trong quan hệ với đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Hai là, đổi mới nội dung, hình thức công tác dân vận cho phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, vùng, miền, đặc thù của mỗi dân tộc. Toàn quân tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng về công tác dân vận; kiện toàn các tổ (đội) công tác; đồng thời, căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ của từng đơn vị và đặc điểm, phong tục, tập quán, nếp sống văn hoá của các dân tộc để xác định nội dung, biện pháp tiến hành cho phù hợp. Các đơn vị cần phát huy hiệu quả công tác vận động quần chúng đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn để có cách thức truyên truyền, vận động đáp ứng với yêu cầu phát triển các vùng đồng bào DTTS trong tình hình mới. CB,CS trực tiếp làm công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS phải thật sự đồng cam, cộng khổ, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào; thông hiểu tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán của từng dân tộc; phấn đấu đạt được yêu cầu: "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin". Qua đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động xây dựng thôn, bản văn hoá; phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm kích động, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Trên cơ sở gây được tình cảm gắn bó với nhân dân mà xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Ba là, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tham gia xây dựng cơ sở địa phương xã, thôn, bản vững mạnh; góp phần củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở vùng đồng bào DTTS.Các tổ (đội) công tác cần chủ động tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng thôn, bản vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở vững mạnh, thực sự là cầu nối giữa "ý Đảng với lòng dân" ở các vùng đồng bào DTTS. CB,CS tăng cường cơ sở cần tích cực tham gia xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên vững mạnh, làm chỗ dựa cho cấp uỷ và chính quyền cơ sở trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Các nhà trường trong quân đội có trách nhiệm thực hiện tốt chế độ cử tuyển con em các dân tộc để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho các địa phương vùng đồng bào DTTS; đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện trong thời gian học tập tại trường. Các quân khu, Bộ đội Biên phòng và các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, nhất là các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dân tộc...
Bốn là, tích cực tham gia phát triển KT-XH, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Các đoàn KT-QP, các đội công tác tăng cường cơ sở cần nghiên cứu, xây dựng các mô hình, điểm sáng về KT-XH để đồng bào học tập, làm theo. Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ xoá đói, giảm nghèo ở các vùng đồng bào DTTS, các đoàn KT-QP cần tích cực mở các lớp đào tạo nghề, hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, làm giàu chính đáng, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc. Các đơn vị đứng chân trên vùng đồng bào DTTS, như: Đoàn KT-QP, các đơn vị làm đường tuần tra biên giới, các đồn biên phòng,... cần tích cực vận động đồng bào các DTTS không di dịch cư tự do, tham gia thực hiện các dự án phát triển KT-XH, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc trên địa bàn chiến lược; tích cực vận động đồng bào xây dựng khu dân cư văn hoá, điểm sáng văn hoá vùng cao biên giới. Ngành Quân y cần thực hiện tốt chương trình "Kết hợp quân-dân y", tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ bộ đội và nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, dịch bệnh. Mọi CB,CS phải tích cực, chủ động, phát huy vai trò xung kích, nòng cốt trong giúp đỡ đồng bào phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, lũ, cháy rừng, cứu hộ, cứu nạn...
Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện CSDTcủa Đảng. Trong tiến hành tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, các cơ quan, đơn vị, tổ (đội) công tác tăng cường cơ sở phải thường xuyên phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, lực lượng trên địa bàn; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các già làng, trưởng bản và người có uy tín trong các dân tộc; giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, nhất là ở các cơ sở trọng điểm, xung yếu. Việc thực hiện CSDT phải gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, tạo sức mạnh tổng hợp, đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.
Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam được tổ chức trong tháng 5 năm này là sự kiện chính trị-xã hội quan trọng để tổng kết những kết quả đã đạt được và rút ra những bài học kinh nghiệm trong thực hiện CSDT; đồng thời, xác định chủ trương, biện pháp, bảo đảm cho CSDT của Đảng đáp ứng được yêu cầu phát triển của các dân tộc trong thời kỳ mới. Từ kết quả và kinh nghiệm đạt được, toàn quân cần tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ", thực hiện tốt hơn nữa CSDT của Đảng, góp phần xây dựng các vùng đồng bào DTTS ngày càng vững mạnh; kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Thượng tướng BÙI VĂN HUẤN
Ủy viên BCHTƯ Đảng, Phó Chủ nhiệm TCCT
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011