QPTD -Thứ Sáu, 05/08/2011, 22:02 (GMT+7)
Phát huy vai trò của Phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Ngày 20-10-1930, Hội Phụ nữ Giải phóng (tiền thân của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hiện nay) được thành lập. Hoạt động xuyên suốt của Hội luôn hướng tới mục đích vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Với mục đích đó, từ ngày thành lập đến nay, Hội đã tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, động viên, khuyến khích chị em phát huy truyền thống và phẩm chất tốt đẹp, đoàn kết, sáng tạo, tự tin, đấu tranh giải phóng phụ nữ, giải phóng dân tộc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, phụ nữ Việt Nam luôn nêu cao phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, lập nên nhiều chiến công to lớn, vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Non sông gấm vóc Việt Nam do Phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”1.

Trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với nhân dân cả nước, hàng triệu phụ nữ Việt Nam đã đứng lên đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên chính quyền dân chủ nhân dân, tạo bước ngoặt lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa phụ nữ Việt Nam từ vị trí người nô lệ, làm thuê trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ cả nước đã hăng hái tham gia phục vụ chiến đấu, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc oanh liệt 9 năm trường kỳ kháng chiến.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, suốt 21 năm chiến đấu gian khổ, phụ nữ Việt Nam đã cùng nhân dân cả nước thể hiện rõ ý chí quyết tâm đánh giặc ngoại xâm. Trên chiến trường miền Nam, nơi tuyến đầu của Tổ quốc, chị em đã tham gia làm giao liên, liên lạc; xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch, nuôi giấu cán bộ, bám đất, bám dân, kiên cường chiến đấu. Nhiều chị em đã tham gia Đội quân tóc dài, các đội: “Nữ du kích”, “Nữ biệt động”, lập nên những chiến công hiển hách. Cùng với phụ nữ miền Nam, phụ nữ miền Bắc đã tích cực tham gia phong trào “Ba đảm đang”, thi đua sản xuất và công tác thay cho nam giới đi chiến đấu; đảm đang công việc gia đình, khuyến khích chồng, con yên tâm chiến đấu; phục vụ chiến đấu khi cần thiết. Chị em không chỉ làm tốt nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đảm nhiệm phần lớn công việc sản xuất, mà còn vận động các mẹ, các chị động viên chồng con lên đường đánh Mỹ. Hàng vạn phụ nữ đã tình nguyện tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến,... Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có sự đóng góp to lớn của phụ nữ hai miền Nam - Bắc. Những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ trong chống Pháp, chống Mỹ, như: Anh hùng Lực lượng vũ trang, liệt sĩ Hoàng Ngân, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Thị Định, Út Tịch, Tạ Thị Kiều, Trần Thị Lý, Mẹ Suốt, Ngô Thị Tuyển, Đào Thị Hào,... đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam.           

Từ sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, cả nước đi lên CNXH, phụ nữ Việt Nam đã cùng chung sức khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung xây dựng đất nước. Vào thời kỳ này, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phát động phong trào thi đua “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” với bốn nội dung: Thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm, chấp hành chính sách của Đảng, Nhà nước; sẵn sàng phục vụ chiến đấu và chiến đấu tốt, động viên con, em đi chiến đấu, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi dạy con theo 5 điều Bác Hồ dạy; đoàn kết, tương trợ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Hàng triệu phụ nữ đã đạt danh hiệu “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, phụ nữ càng có thêm cơ hội đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những phẩm chất cao quý của phụ nữ Việt Nam càng tiếp tục tỏa sáng. Các tầng lớp phụ nữ trong cả nước đã năng động, sáng tạo, tích cực phấn đấu và có những đóng góp  quan trọng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường quốc phòng-an ninh của đất nước. Đánh giá vai trò phụ nữ Việt Nam, Nghị quyết số 11 - NQ/TW của Bộ chính trị khóa X "Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã khẳng định: "Phụ nữ giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, qua mọi thời kỳ, phụ nữ luôn là lực lượng hùng hậu, có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quốc gia độc lập, tự cường, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ gìn nền độc lập của dân tộc"2. Hiện nay, phụ nữ chiếm trên 50% lực lượng lao động toàn xã hội; trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp là 49,95%; công nghiệp, xây dựng là 36,69%; thương mại, du lịch là 53,98%; trong các doanh nghiệp là 42,98% (25% nữ chủ doanh nghiệp); giáo dục - đào tạo là 69%; y tế là 57,42%. Trong cả, tỷ lệ phụ nữ có trình độ cao đẳng là 60,64%, đại học là 34%, thạc sĩ trên 30%, tiến sĩ là 17%, công nhân kỹ thuật là 34,47%, nghiên cứu khoa học là 6,3%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm 25,76%, nữ cấp ủy gần 15%, v.v. Phụ nữ trong lực lượng vũ trang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; từ năm 1997 đến nay, đã có 3 tập thể và 22 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, v.v.     

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ 10, các cấp Hội Phụ nữ đã tập trung quán triệt sâu sắc tinh thần nghị quyết của Đại hội cho mọi cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước và triển khai thực hiện nghiêm túc; đồng thời, tăng cường vận động phụ nữ cùng nhân dân cả nước tích cực tham gia kiềm chế lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc". Đặc biệt, Cuộc vận động ủng hộ xây dựng, sửa chữa "Mái ấm tình thương” do Ban chấp hành Trung ương Hội phát động đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và thu hút đông đảo phụ nữ cùng nhân dân trong cả nước, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia với số tiền đăng ký ủng hộ trên 45 tỷ đồng. Số tiền đó, bước đầu đã được Trung ương Hội phân bổ trên 14 tỷ đồng cho 40 tỉnh, thành phố để xây 966 nhà cho các hộ phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Riêng Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tích cực vận động, ủng hộ xây mới được 982 nhà và sửa chữa được 484 nhà với số tiền là 14, 286 tỷ đồng. Việc làm này đã góp phần thiết thực vào thực hiện có hiệu quả phong trào "Vì người nghèo" do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, tô thắm thêm truyền thống tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam. Cùng với đó, Hội cũng quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm của mình là: nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của phụ nữ đáp ứng yêu cầu tình hình mới; tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh; mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế vì bình đẳng, phát triển và hòa bình...

Sự nghiệp CNH,HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang tạo môi trường thuận lợi cho công tác phụ nữ và phong trào hoạt động của phụ nữ; đồng thời, cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn để nắm bắt cơ hội và vượt qua thử thách. Để đưa phong trào phụ nữ phát triển, phát huy tốt vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cấp Hội phụ nữ cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tập hợp, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ; động viên chị em tích cực tham gia phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị "Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", cùng 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Các hoạt động của Hội phải gắn với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, của địa phương, đáp ứng nhu cầu chính đáng và lợi ích của đông đảo các tầng lớp phụ nữ; chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, đa dạng hóa các hình thức hoạt động, nhằm thu hút và phát huy sức mạnh tổng hợp của phụ nữ.

2. Đẩy mạnh các hoạt động xoá đói, giảm nghèo, dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình; đặc biệt, quan tâm đến phụ nữ khu vực giải tỏa đất, phụ nữ mất việc làm do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế đất nước nhằm giúp chị em phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tiếp tục vận động phụ nữ tích cực tham gia Cuộc vận động ủng hộ xây dựng, sửa chữa "Mái ấm tình thương”, giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống.

3. Tổ chức tốt các hoạt động phối hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng- an ninh; trong đó, phối hợp với Bộ Quốc phòng tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam với Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng chương trình phối hợp giai đoạn 2009- 2012 và tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với Bộ đội Biên phòng. Vận động phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, tham gia dân quân, tự vệ; động viên chồng, con thực hiện nghĩa vụ quân sự, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Các cấp Hội cần tổ chức những hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, 20 năm Ngày Biên phòng toàn dân và 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, với truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".

4. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống, phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước. Gắn nội dung xây dựng người phụ nữ "Có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu" với việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và các chuyên đề giáo dục về phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống HIV/AIDS, bảo vệ môi trường “Xanh, sạch, đẹp”, vệ sinh an toàn thực phẩm.      

5. Xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Tập trung các hoạt động hướng về cơ sở; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội; đặc biệt là cán bộ Hội cơ sở.

6. Đẩy mạnh hoạt động giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, việc thực hiện các luật pháp, chính sách đối với lao động nữ và trẻ em, kịp thời phát hiện các vụ việc vi phạm đến quyền lợi, nhân phẩm của phụ nữ, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ.

Thực hiện tốt những nhiệm vụ trên đây là điều kiện cơ bản để phong trào phụ nữ có những bước tiến mới, phát huy đầy đủ vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

NGUYỄN THỊ THANH HÒA

Ủy viên BCHTƯ Đảng

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

___________

1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 432.

2- Tài liệu nghiên cứu quán triệt Nghị quyết số 11- NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X. Nxb CTQG, H. 2008, tr. 8.

 

Ý kiến bạn đọc (0)