Thứ Bảy, 23/11/2024, 16:13 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Đoàn Kinh tế- Quốc phòng (KT-QP) là một trong những đơn vị quân đội đóng quân trên tuyến biên giới. Đây là lực lượng quân đội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện dự án xây dựng các Khu KT-QP trên các địa bàn đặc biệt khó khăn: miền núi, vùng sâu, vùng xa... nhạy cảm về vấn đề dân tộc và tôn giáo. Việc xây dựng dự án Khu KT-QP hướng tới thực hiện mục tiêu: “Phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng dự án góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh (QP-AN) ở địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo trên cơ sở bố trí lại dân cư theo quy hoạch của sản xuất và mục tiêu lâu dài của QP-AN, hình thành các cụm làng xã biên giới, tạo vành đai biên giới, biển, đảo trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc”1.
Theo đó, việc tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới là nhiệm vụ quan trọng nhằm hỗ trợ tích cực cho nhiệm vụ chính là phát triển KT-XH, xây dựng thế trận QP-AN trên tuyến biên giới của các đoàn KT-QP. Thực tế những năm qua, ngay từ những ngày đầu đến khu dự án, các đoàn KT-QP đã nhanh chóng tổ chức triển khai quán triệt, tuyên truyền làm cho cán bộ, chiến sĩ của đoàn nhận thức sâu sắc, rõ ràng về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; xác định rõ vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của đoàn KT-QP trong tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới. Trên cơ sở nhận thức rõ chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các đoàn KT-QP chủ động phối hợp với tổ chức cơ sở đảng, Ủy ban nhân dân các cấp và các ban, ngành chức năng khác, tổ chức tuyên truyền, vận động để nhân dân các dân tộc nhận thức đúng đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Có thể nói, hiện nay hệ thống chính trị, nhất là tổ chức Đảng, chính quyền của một số địa phương trên địa bàn biên giới còn có những bất cập, hạn chế; đặc biệt, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu về năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Đó là một khó khăn lớn trong việc phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN; đồng thời là kẽ hở để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trong bối cảnh đó, với chức năng và nhiệm vụ của mình, các đoàn KT-QP đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, trước hết là cấp ủy, chính quyền các địa phương giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Trong quá trình thực hiện, các đoàn KT-QP đã tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, thông qua nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và coi đó là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Bởi lẽ, xét đến cùng, cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc chính là nhân tố quyết định sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới.
Ngoài ra, các đoàn KT-QP còn trực tiếp tham gia giải quyết các vấn đề bất thường về an ninh chính trị xuất hiện trên địa bàn. Đó là, trực tiếp sử dụng các biện pháp để vạch trần, ngăn chặn những âm mưu của các thế lực thù địch thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; trực tiếp tham gia vận động quần chúng nhân dân và cùng nhân dân đấu tranh chống bọn phản động trong và ngoài nước âm mưu lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc để phá hoại cách mạng Việt Nam.
Riêng với nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, các đoàn KT-QP đã tham gia phòng ngừa, đấu tranh với đủ loại hình tội phạm trên địa bàn biên giới (giết người, cướp của, chống người thi hành công vụ, buôn bán vận chuyển ma tuý...); tham gia quản lý trật tự, an toàn xã hội (quản lý tạm trú, tạm vắng, hộ khẩu...); trực tiếp đấu tranh và ngăn chặn các tệ nạn xã hội (buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy, mại dâm, cờ bạc,...); tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng; xây dựng ý thức phòng chống và trực tiếp tham gia phòng chống thảm họa thiên tai, cháy nổ, bão lụt; v, v.
Để góp phần nâng cao hiệu quả của việc tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, các đoàn KT-QP tham gia hoạt động xây dựng thôn, bản theo chương trình định canh, định cư; trực tiếp tổ chức, phát động và thực hiện các phong trào, chẳng hạn: tổ chức giao lưu, kết nghĩa, xây dựng mô hình văn hóa mới; xây dựng mô hình tăng gia sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ thực hiện các chính sách xã hội, chính sách dân tộc; làm nòng cốt phát động các phong trào thi đua trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, cơ sở. Bằng những hành động thiết thực đó, các đoàn KT-QP đã trực tiếp góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên tuyến biên giới.
Hiện nay, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các tuyến biên giới nước ta trở nên sầm uất, nhộn nhịp; những cửa khẩu trở thành cửa ngõ giao thương với các nước trong khu vực và thế giới... Nhưng bên cạnh mặt tích cực là cơ bản, thì đồng thời cũng nảy sinh những khó khăn, phức tạp mới; đó là, các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới càng diễn biến phức tạp. Tình hình đó đòi hỏi các đoàn KT-QP cần phát huy hơn nữa vai trò của mình, thông qua thực hiện các biện pháp đồng bộ, sáng tạo. Đó là:
1. Kết hợp tuyên truyền, giáo dục với xây dựng mô hình mẫu. Thực tế môi trường hoạt động của các đoàn KT-QP cho thấy, phẩm chất “nói đi đôi với làm”, “kết hợp tuyên truyền với tổ chức xây dựng mô hình mẫu” là biện pháp phù hợp, có sức thuyết phục nhất trong việc vận động quần chúng nhân dân cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giữ gìn sự ổn định chính trị và củng cố QP-AN trên địa bàn. Thực hiện biện pháp trên không chỉ bó hẹp với riêng cán bộ, chiến sĩ của các đoàn KT-QP, mà quan trọng hơn là bao gồm cả việc vận động nhiều lực lượng trên địa bàn tham gia xây dựng mô hình mẫu; trong đó, đồng bào các dân tộc tại chỗ (bản địa) được xác định là nguồn nhân lực chính, chủ yếu và lâu dài để phát triển KT-XH, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới. Mọi hoạt động giao lưu, kết nghĩa đều hướng tới sự gắn kết và tăng cường niềm tin của bà con các dân tộc với các đoàn KT-QP; qua đó, củng cố lòng tin đối với Đảng, đoàn kết cùng nhau thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Để đạt được mục tiêu đó, cần chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các hình thức giao lưu, kết nghĩa; và chất lượng hoạt động đó chỉ có thể được thực hiện thông qua những hoạt động toàn tâm, toàn ý, năng động, mềm dẻo, sáng tạo và kiên trì của cán bộ, chiến sĩ các Đoàn KT-QP. Điều đó đòi hỏi việc tuyển chọn cán bộ làm công tác tuyền truyền, vận động, công tác hỗ trợ phát triển KT-XH và đặc biệt là công tác tham mưu cho chính quyền địa phương phải là những người thực sự có năng lực, có kinh nghiệm, có khả năng tổ chức, làm gương, làm mẫu để nhân dân noi theo.
2. Vận động kiên trì, lấy phòng ngừa, ngăn chặn là chính. Thực hiện nhiệm vụ tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội gắn với địa bàn sinh sống của đại đa số đồng bào các dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới cần chú trọng sử dụng biện pháp vận động kiên trì, lấy phòng ngừa, ngăn chặn là chính. Phải coi đây là một trong những biện pháp cơ bản, xuyên suốt. Bởi vì, khi vấn đề mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội xảy ra, nhất là ở một vùng lãnh thổ mà nhận thức của nhân dân về những vấn đề chính trị, xã hội còn ở mức thấp thì hậu quả khó lường. Trong bối cảnh đó, lấy biện pháp vận động thường xuyên, kiên trì, kết hợp với “mô hình làm gương”, “mô hình điểm” sẽ là phương pháp có tính khả thi để tuyên truyền, giáo dục, giúp bà con các dân tộc thiểu số nhận thức đúng đắn về các chủ trương, chính sách của Đảng; trên nền tảng nhận thức đó, xây dựng và hình thành từng bước ý thức và trách nhiệm của nhân dân địa phương về nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới. Nhận thức và ý thức trách nhiệm của dân cư trên địa bàn về giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khi được xác định rõ, chính là cơ sở quan trọng nhất để phòng ngừa, ngăn chặn những vấn đề bất ổn về chính trị, xã hội, AN-QP có thể nảy sinh.
3. Nhanh chóng khoanh vùng, giải quyết dứt điểm, ngăn chặn lây lan. Đây là biện pháp cần được sử dụng kịp thời khi phát hiện có những tình huống phức tạp về an ninh xảy ra trên địa bàn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta đang chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, tận dụng có hiệu quả những thời cơ để tăng trưởng và phát triển kinh tế định hướng XHCN một cách nhanh, bền vững, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, nếu chỉ vì giải quyết không tốt một vài bất ổn về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên khu vực biên giới, thì rất dễ bị các lực lượng thù địch, phản động trong và ngoài nước lợi dụng để chống phá, gây ra những hậu quả xấu về kinh tế, chính trị, xã hội. Do vậy, nhanh chóng khoanh vùng, giải quyết dứt điểm, ngăn chặn lây lan là biện pháp mà các lực lượng trên địa bàn cần phối hợp sử dụng triệt để và thực hiện một cách hiệu quả, nhằm giữ vững ổn định chính trị, xã hội. Trên cơ sở luật định và những thể chế hướng dẫn, các đoàn KT-QP cần chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, già làng, trưởng bản tiến hành lựa chọn một số cơ sở quần chúng để xây dựng mạng lưới an ninh cơ sở. Việc mở rộng hoạt động và hoạt động tích cực của mạng lưới an ninh cơ sở trên địa bàn sẽ góp phần ngăn chặn có hiệu quả những hoạt động gây rối an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới.
4. Mềm dẻo, tránh nôn nóng, tuân thủ quy luật khách quan. Giải pháp cơ bản trước mắt và lâu dài để nâng cao nhận thức, tinh thần, ý thức của quần chúng trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn là chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Với những đặc điểm kinh tế, xã hội đã nêu ở trên, trong quá trình thực hiện những nội dung, hình thức tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, yêu cầu các lực lượng nói chung, các đoàn KT-QP nói riêng, cần quán triệt và thực hiện tốt phương thức mềm dẻo, tránh nôn nóng, tuân thủ quy luật khách quan. Đây chính là những bài học mang tính lý luận rút ra qua tổng kết thực tiễn, thực hiện nhiệm vụ nêu trên trong nhiều năm qua của các đoàn KT-QP.
Đại tá, PGS,TS. TRẦN TRUNG TÍN
Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng
________
1- Thủ tướng Chính phủ- Nghị định số 44/2009/NĐ-CP về xây dựng Khu KT-QP, ngày 7-5-2009).
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011