QPTD -Thứ Tư, 27/07/2011, 17:56 (GMT+7)
Phát huy truyền thống, xây dựng Binh chủng Hóa học vững mạnh toàn diện trong tình hình mới

Cách đây 50 năm, ngày 19-4-1958, một số đơn vị hóa học đầu tiên được thành lập, dưới sự chỉ đạo về chuyên môn của phòng Hóa học Nguyên tử - cục Huấn luyện chiến đấu - Bộ Tổng Tham mưu. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới về lực lượng, chuẩn bị cho sự ra đời của Binh chủng Hóa học. Trên cơ sở đó, năm 1973, Bộ Tổng Tham mưu quyết định lấy ngày 19-4-1958 là Ngày truyền thống của Bộ đội Hóa học (BĐHH).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, BĐHH đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ làm nòng cốt trong công tác phòng hóa cho lực lượng vũ trang và nhân dân; chỉ đạo, hướng dẫn bộ đội và nhân dân cách phòng chống, khắc phục hậu quả chất độc hóa học; đồng thời, trực tiếp tham gia chiến đấu, tiêu diệt nhiều sinh lực và vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch. Trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc, BĐHH đã tổ chức ngụy trang, nghi binh bằng màn khói bảo vệ an toàn nhiều mục tiêu chính trị, kinh tế, quân sự quan trọng của đất nước. Cùng với sự phát triển của cách mạng miền Nam, BĐHH đã không ngừng lớn mạnh, có mặt trong hầu hết các chiến dịch, trên khắp các chiến trường, lập nhiều chiến công vẻ vang, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Binh chủng Hóa học đã xây dựng nên truyền thống “Phòng chống tốt, chiến đấu giỏi”; trong đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Binh chủng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, BĐHH vẫn thường xuyên có mặt ở những nơi độc hại nguy hiểm, thu gom, xử lý hàng trăm tấn chất độc tồn lưu sau chiến tranh. Trước yêu cầu phát triển đất nước, chức năng, nhiệm vụ của Binh chủng được mở rộng; BĐHH không chỉ là lực lượng nòng cốt về phòng chống vũ khí hủy diệt lớn cho lực lượng vũ trang và nhân dân trong chiến tranh, mà còn là lực lượng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), tham gia giữ gìn an ninh chính trị; làm nòng cốt trong xử lý, khắc phục sự cố hóa chất độc, xạ, bảo vệ môi trường. Binh chủng luôn thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng về phòng chống vũ khí hủy diệt lớn; xây dựng tiềm lực phòng hóa vững mạnh cả về con người, trang bị kỹ thuật, nghệ thuật bảo đảm phòng hóa. Đồng thời, tham mưu cho Đảng và Nhà nước chỉ đạo về quản lý, kiểm soát lưu thông, sử dụng, cảnh báo sự cố hóa chất  độc, xạ và xây dựng các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả; tham gia các hoạt động đối ngoại trong việc khắc phục hậu quả hoá học sau chiến tranh, thực hiện Công ước cấm vũ khí hoá học. Ngoài ra, BĐHH còn tham gia xử lý nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, như: dập cháy ngầm mỏ than, tiêu tẩy các tác nhân độc hại, nguy hiểm trong sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, góp phần giữ gìn môi trường an toàn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

50 năm xây dựng và phát triển của BĐHH là kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và quân đội. Trong đó, vấn đề có ý nghĩa quyết định là Binh chủng thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tập trung xây dựng Binh chủng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, chủ động, nhạy bén đề ra chủ trương, biện pháp phù hợp; coi trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và cấp ủy các cấp; đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng sự đoàn kết thống nhất cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Xuất phát từ đặc điểm BĐHH phải thực hiện nhiều công việc độc hại nguy hiểm, nên Binh chủng đặc biệt quan tâm xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục chính trị theo hướng đa dạng hoá, linh hoạt và hiệu quả; chú trọng phát huy tính tiền phong gương mẫu, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên và vai trò của các tổ chức quần chúng, tạo sức mạnh tổng hợp. Nội dung giáo dục chính trị tập trung vào những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ quan điểm, tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cùng với việc thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng, công tác dân vận cũng được Binh chủng quan tâm chỉ đạo và đã trở thành nét đẹp trong truyền thống của BĐHH. Nếu như trong chiến tranh, BĐHH luôn được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, yêu mến, “Đi dân nhớ, ở dân thương” thì trong hòa bình, mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân dân càng được gìn giữ và phát huy. Hiện nay, 100% các đơn vị của Binh chủng tổ chức hoạt động kết nghĩa với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở địa phương nơi đóng quân; thường xuyên tham gia có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào do Đảng, Nhà nước và quân đội tổ chức; đồng thời, phát huy khả năng chuyên môn để giúp dân giải quyết những khó khăn, bức xúc về môi trường.

Sức mạnh tổng hợp của Binh chủng là tổng hòa của các mặt công tác, trong đó huấn luyện, SSCĐ là yếu tố trực tiếp nâng cao trình độ và khả năng chiến đấu, bảo đảm của Binh chủng. Vì vậy, để công tác này đạt kết quả cao, Binh chủng đã thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ lệnh Huấn luyện của Tổng Tham mưu trưởng, đẩy mạnh đổi mới nội dung, tổ chức và phương pháp huấn luyện. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ được giao, hoạt động SSCĐ của Binh chủng không chỉ là yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, mà còn là yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, các đơn vị hóa học luôn duy trì nghiêm túc chế độ trực SSCĐ và thường xuyên tổ chức luyện tập phương án, kế hoạch đã xây dựng. Những năm gần đây, công tác huấn luyện chiến đấu của Binh chủng được đổi mới toàn diện, cả về công tác chỉ đạo, điều hành, lẫn nội dung, phương pháp và công tác bảo đảm cơ sở vật chất; đã bám sát phương châm "Cơ bản, thiết thực, vững chắc", sát với thực tế chiến đấu và đối tượng tác chiến, phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Lấy huấn luyện kỹ thuật làm cơ sở, huấn luyện chiến thuật làm trung tâm, chú trọng huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị hoá học có trong biên chế và nắm vững chiến thuật binh chủng hợp thành. Tăng cường huấn luyện thực hành, rèn luyện khả năng cơ động, thực hiện nhiệm vụ trên các địa hình, thời tiết phức tạp, điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; vận dụng kiến thức chuyên môn vào xử trí các tình huống hóa, xạ xảy ra tại các địa phương. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Binh chủng còn chú trọng huấn luyện chuyên sâu cho lực lượng chuyên trách SSCĐ. Bên cạnh đó, còn thực hiện tốt việc kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với đẩy mạnh xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, duy trì nghiêm túc mọi chế độ quy định. Năm 2007, tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường trong các đơn vị của Binh chủng còn 0,3%; nhiều đơn vị đã trở thành điểm sáng trong toàn quân về rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy.

Công tác giáo dục- đào tạo, nghiên cứu khoa học của Binh chủng cũng được đổi mới toàn diện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Mặc dù số đối tượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phòng hóa tại Binh chủng ngày một nhiều hơn, song chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao. Đến nay, đội ngũ cán bộ hóa học toàn quân có 86,4% đạt trình độ đại học, trong đó 15% có trình độ sau đại học. Để công tác nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả cao, Binh chủng chú trọng từ khâu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học đến việc tạo điều kiện, môi trường nghiên cứu thuận lợi. Các đề tài nghiên cứu tập trung vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển tiềm lực phòng chống vũ khí hủy diệt lớn, bảo vệ môi trường; xây dựng nghệ thuật bảo đảm hóa học phù hợp với nguyên tắc, cách đánh và nghệ thuật tác chiến của binh chủng hợp thành. Những năm gần đây, Binh chủng đã triển khai nghiên cứu trên 130 đề tài khoa học từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước, trong đó có 85 đề tài đã nghiệm thu, nhiều đề tài đã được ứng dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, một đề tài của Binh chủng đã đạt giải thưởng Khoa học-công nghệ Nhà nước năm 2005. Bên cạnh đó, Binh chủng đã biên soạn hơn 300 tài liệu, giáo trình và hơn 1.000 mục từ điển chuyên ngành. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào huấn luyện, SSCĐ và tham gia khắc phục hậu quả hoá chất độc, xạ, bảo vệ môi trường được triển khai rộng khắp, góp phần kéo dài tuổi thọ của vũ khí, trang bị, nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trong công tác kỹ thuật, hậu cần, tài chính, BĐHH luôn nêu cao tinh thần tích cực, chủ động, tự lực, tự cường. Đó không chỉ là bài học kinh nghiệm được đúc rút trong chiến tranh mà còn là tư tưởng chỉ đạo các hoạt động bảo đảm của Binh chủng trong tình hình hiện nay, khi mà BĐHH phải thực hiện nhiều nhiệm vụ đột xuất, trên địa bàn rộng. Trong công tác kỹ thuật, Binh chủng tập trung xây dựng nền nếp chính quy trong bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất vũ khí, trang bị; quy hoạch, xây dựng hệ thống kho, trạm cơ bản, vững chắc có tính chiến lược theo yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trước yêu cầu bảo đảm trang bị hóa học cho toàn quân, Binh chủng chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa mua sắm có chọn lọc với đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cải tiến hiện đại hóa trang bị hiện có. Cuộc vận động “Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” được các đơn vị triển khai rộng khắp và duy trì thường xuyên, góp phần tạo chuyển biến vững chắc trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Cùng với đó, Binh chủng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác hậu cần, tài chính; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực được cấp trên đầu tư với công sức của bộ đội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, xây dựng doanh trại, môi trường xanh, sạch, đẹp, bảo đảm tỷ lệ quân số khỏe cao trong học tập, công tác.

Hiện nay, mặc dù có nhiều điều ước quốc tế về cấm vũ khí hủy diệt lớn, nhưng thực tiễn vẫn tiềm ẩn sự phức tạp, khó lường, nhất là khi chiến tranh xảy ra. Mặt khác, sự nghiệp CNH, HĐH xây dựng, phát triển đất nước cũng đòi hỏi BĐHH phải sẵn sàng tham gia khắc phục sự cố hóa chất độc, xạ, bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Tình hình đó đặt ra cho Binh chủng Hóa học những nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, xây dựng Binh chủng vững mạnh toàn diện, xứng đáng là một lực lượng chính trị, chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt là, tăng cường củng cố, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, xây dựng BĐHH có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần cảnh giác cách mạng và ý thức trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng về phòng chống vũ khí huỷ diệt lớn và bảo đảm phòng hoá cho lực lượng vũ trang và nhân dân. Xây dựng lực lượng hoá học theo hướng tinh, gọn, mạnh, cân đối giữa các miền; xây dựng tiềm lực trang bị từng bước hiện đại. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện quân sự, trình độ và khả năng SSCĐ của Binh chủng. Tăng cường giáo dục pháp luật, quản lý kỷ luật, điều lệnh, xây dựng nền nếp chính quy. Không ngừng nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học; tập trung xây dựng nghệ thuật bảo đảm hóa học trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tốt công tác chỉ đạo, bảo đảm trang bị và bảo đảm kỹ thuật hóa học cho toàn quân; hoàn thành tốt vai trò nòng cốt trong xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh và khắc phục sự cố hoá chất độc, xạ, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Đại tá Phạm Quốc Trung

Tư lệnh Binh chủng

 

Ý kiến bạn đọc (0)