QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 02:59 (GMT+7)
Phát huy truyền thống “Ra quân đánh thắng trận đầu”, xây dựng binh chủng vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới
Trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1968, lần đầu tiên xe tăng của quân đội ta tham gia chiến đấu trên chiến trường và giành thắng lợi vang dội trong trận Làng Vây - trận then chốt của chiến dịch Đường 9-Khe Sanh. Đây là một thắng lợi mang tính lịch sử, đánh dấu bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, và mở đầu truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng thiết giáp (TTG) anh hùng.

Để có được trận đầu đánh thắng bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng (diễn ra trong 4 giờ) là cả một quá trình chuẩn bị chu đáo, toàn diện sau gần 10 năm, kể từ khi đơn vị xe tăng đầu tiên của quân đội ta được thành lập (05/10/1959). Đặc biệt là, có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng. Trận đánh đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật quân sự và công tác tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của Bộ đội TTG; nhất là, các bài học về tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quá trình chuẩn bị và thực hành chiến đấu, nghệ thuật cơ động, sử dụng TTG trong tác chiến hiệp đồng binh chủng. Đó còn là các bài học về công tác tổ chức, chỉ huy hành quân chặt chẽ, thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm ngụy trang, giữ cho cuộc hành quân tuyệt đối bí mật, an toàn. Cho đến hôm nay, nhiều cựu chiến binh Mỹ vẫn thắc mắc: tại sao quân giải phóng đưa được xe tăng từ miền Bắc vào tận chiến trường mà họ không phát hiện được, để khi xe tăng nổ súng tiến công, họ hoàn toàn bị bất ngờ, hoảng loạn?

Từ sau chiến thắng Làng Vây, Bộ đội TTG đã liên tục tham gia chiến đấu trong hầu hết các chiến dịch quan trọng. Hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử luôn là niềm tự hào, là biểu tượng chiến thắng của dân tộc, của Quân đội nói chung và Bộ đội TTG nói riêng. Thực tế đã khẳng định, Bộ đội TTG luôn là lực lượng đột kích chủ yếu của lục quân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giải phóng dân tộc.
Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh những thời cơ, vận hội mới là những thách thức mới đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Trong điều kiện mới, các phương pháp, hình thức đấu tranh trong chiến tranh BVTQ đa dạng và tổng hợp hơn, nhưng nếu chiến tranh xâm lược xảy ra, thì phương thức tiến hành chiến tranh BVTQ bằng các binh đoàn chủ lực, bao gồm các hoạt động tác chiến tập trung, hiệp đồng quân, binh chủng vẫn là phương thức có ý nghĩa quyết định. Vì vậy, với ưu thế trang bị hiện đại, sức cơ động cao và khả năng đột kích lớn, vai trò, vị trí, nhiệm vụ của Bộ đội TTG càng trở nên quan trọng.
Tình hình, nhiệm vụ đó đặt ra cho Binh chủng TTG những yêu cầu mới rất cao, đòi hỏi phải xây dựng Binh chủng có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, lấy  xây dựng về chính trị làm cơ sở để không ngừng nâng cao trình độ và khả năng SSCĐ, bảo đảm “Đã ra quân là đánh thắng” khi đất nước xảy ra chiến tranh. Với tinh thần đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Binh chủng lần thứ 8 đã đề ra phương hướng, mục tiêu: "Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ VIII, đẩy mạnh xây dựng Binh chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao...".
Trên cơ sở đó, Binh chủng tập trung trước hết vào việc xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bởi như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã căn dặn: “TTG là khối sắt thép cơ động, có sức đột kích mạnh, nhưng thép tư tưởng, chính trị mới là quyết định nhất, cơ bản nhất”. Thấm nhuần lời căn dặn đó, Binh chủng đã chú trọng xây dựng bản chất cách mạng, ý chí, tinh thần, “bản lĩnh thép” của Bộ đội TTG; xây dựng từng đơn vị và toàn Binh chủng trở thành những “khối thép” trong mọi tình huống. Trong đó, lấy nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm cơ sở xây dựng chính trị, tư tưởng trong toàn đơn vị. Cuộc vận động “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng” được Binh chủng đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều biện pháp đồng bộ với những chỉ tiêu cụ thể, gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; nâng cao chất lượng đảng viên với nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ. Phương pháp, hình thức giáo dục chính trị được đổi mới theo hướng đa dạng hoá, linh hoạt và hiệu quả, tập trung nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Coi trọng việc vận dụng những bài học kinh nghiệm tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và trong “Ra quân đánh thắng trận đầu” của Bộ đội TTG nói riêng vào thực tiễn công tác huấn luyện, giáo dục chính trị.
Các đơn vị TTG còn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn đóng quân. Phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, các hoạt động xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng... được các đơn vị nhiệt tình tham gia và đạt kết quả thiết thực, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân-dân, giữ vững ổn định chính trị-xã hội.
Xác định huấn luyện là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên của đơn vị trong thời bình, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã chủ trương đẩy mạnh đổi mới toàn diện nhiệm vụ huấn luyện, cả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nội dung, phương pháp và bảo đảm cơ sở vật chất. Công tác chỉ đạo huấn luyện được tiến hành theo quy trình thống nhất, đồng bộ; chú trọng phân cấp quản lý, điều hành theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng cấp. Trong công tác huấn luyện cán bộ, các đơn vị chú trọng nâng cao năng lực sư phạm, phương pháp tổ chức huấn luyện theo cương vị, chức trách, trình độ tổ chức hiệp đồng, rèn luyện khả năng vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp tác chiến, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh hỏa lực, sức đột kích và khả năng cơ động của TTG trong chiến đấu. Với đặc điểm là binh chủng chiến đấu, được trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại, có hỏa lực mạnh, sức cơ động cao nên các đơn vị đều coi trọng huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành, nâng cao trình độ khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị hiện có, từng bước tiếp cận với vũ khí công nghệ cao. Chương trình, nội dung huấn luyện chiến thuật được xây dựng sát với thực tế chiến đấu, coi trọng huấn luyện chiến thuật phân đội nhỏ, thành thục tác chiến từ cấp một xe đến tiểu đoàn TTG trong đội hình binh chủng hợp thành và có thể tác chiến độc lập trong những điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, ở một số đơn vị vẫn còn hiện tượng huấn luyện thiếu thực sự, thực tế, xây dựng tình huống trong diễn tập còn giản đơn,...
Những bài học kinh nghiệm trong chiến tranh giải phóng và nhất là những cuộc diễn tập, hợp luyện hiệp đồng quân, binh chủng trong những năm qua cho thấy yêu cầu rất quan trọng của việc nâng cao khả năng cơ động của xe tăng, thiết giáp và đổi mới, phát triển ngụy trang, nghi trang. Đây cũng là yêu cầu rất cao của nội dung phòng tránh, đánh trả hỏa lực tiến công của địch, bảo đảm cho Bộ đội TTG hoàn thành tốt nhiệm vụ tác chiến trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Nhận thức rõ yêu cầu đó, các đơn vị TTG đã thường xuyên quán triệt, vận dụng quan điểm “huấn luyện là quá trình truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu”, tập trung huấn luyện, rèn luyện nâng cao trình độ và khả năng cơ động của cả phương tiện, trang bị và con người; tích cực vận dụng kinh nghiệm chỉ huy, tổ chức hành quân đường dài trong “Ra quân đánh thắng trận đầu” vào huấn luyện cơ động dã ngoại hành quân đường dài trên các loại địa hình, thời tiết phức tạp, sát với thực tế chiến đấu. Công tác huấn luyện ngụy trang được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; chú trọng kết hợp các phương pháp ngụy trang truyền thống với ngụy trang hiện đại, nhằm bảo đảm tuyệt đối bí mật trong hành quân, trú quân và tổ chức chuẩn bị chiến đấu. Thực hiện tốt việc kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với đẩy mạnh xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, duy trì nghiêm túc chế độ quy định và quy tắc trong huấn luyện.
Binh chủng thường xuyên duy trì nghiêm chế độ SSCĐ ở tất cả các cấp; trong đó, quan tâm bổ sung, hoàn thiện phương án, kế hoạch cơ động SSCĐ, thiết bị chiến trường và tổ chức lực lượng TTG trên từng hướng, địa bàn chiến lược, tạo lập thế trận TTG trong thời bình. Trước âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, các đơn vị còn coi trọng xây dựng, luyện tập các phương án, kế hoạch SSCĐ sát với phương án, địa bàn tác chiến, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng sẵn sàng đập tan mọi âm mưu bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Là Binh chủng kỹ thuật, chiến đấu, được trang bị nhiều vũ khí, phương tiện hiện đại nên các đơn vị TTG luôn coi trọng nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; thực hiện tốt cuộc vận động “Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”, tạo chuyển biến vững chắc trong công tác kỹ thuật. Trong đó, tập trung xây dựng nền nếp chính quy trong bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất vũ khí, trang bị. Trước yêu cầu hiện đại hoá vũ khí, trang bị TTG, Binh chủng chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp từng phần, tiến tới hiện đại hoá đồng bộ xe TTG; tích cực ứng dụng khoa học-công nghệ vào công tác bảo quản, bảo dưỡng và quản lý vũ khí, trang bị; từng bước khắc phục tình trạng đề tài nghiên cứu được nghiệm thu đánh giá cao, nhưng vận dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả thấp. Cùng với việc tập huấn, huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ lái xe, nhân viên kỹ thuật, các đơn vị còn quan tâm rèn luyện bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ thợ sửa chữa, lái xe. Những thực tiễn trong cuộc hành quân của Tiểu đoàn 198, từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam “Ra quân đánh thắng trận đầu”, vượt qua hơn 1000km đường, có địa hình phức tạp, dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, luôn là những bài học sâu sắc về xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm và kinh nghiệm bảo đảm kỹ thuật trong hành quân được truyền thụ cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong toàn Binh chủng vận dụng, phát triển trong điều kiện mới.
Để bảo đảm SSCĐ cao trong mọi tình huống, công tác bảo đảm hậu cần được Binh chủng chỉ đạo: phải kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao chất lượng đời sống hằng ngày của bộ đội với bảo đảm dự trữ SSCĐ. Kế hoạch bảo đảm hậu cần cho TTG trên từng hướng, địa bàn chiến lược đựợc xây dựng phù hợp với phương án, kế hoạch xây dựng căn cứ hậu cần, kỹ thuật của khu vực phòng thủ địa phương. Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” được đẩy mạnh với những chỉ tiêu thiết thực, cụ thể, phấn đấu 85-90% các bếp đạt các tiêu chí của “Bếp nuôi quân giỏi, quản lý tốt”; chủ động phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho bộ đội và khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương theo chương trình quân, dân y kết hợp... Đã tích cực đẩy mạnh phong trào xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp. Thực hiện nghiêm luật ngân sách, quy định của Bộ Quốc phòng và quy chế quản lý tài chính; ưu tiên cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ.
Hướng tới kỷ niệm 40 năm “Ra quân đánh thắng trận đầu” (07/02/1968-07/02/2008), cán bộ, chiến sĩ Binh chủng TTG quyết tâm phấn đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với "chất thép” của bộ đội TTG anh hùng.
Thiếu tướng Vũ Bá Đăng
Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp
 

Ý kiến bạn đọc (0)