QPTD -Thứ Năm, 27/10/2011, 22:33 (GMT+7)
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Tuyên Quang đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với tăng cường quốc phòng - an ninh (QP-AN) là nhiệm vụ chủ yếu của các địa phương trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ đó càng đặt ra hết sức cơ bản đối với Tuyên Quang, một địa bàn miền núi, nhiều dân tộc thiểu số, giàu truyền thống cách mạng, có nhiều đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc, nhưng đời sống còn nhiều khó khăn, các thế lực thù địch ra sức lợi dụng chống phá phục vụ cho mưu đồ của chúng.

Để xây dựng tỉnh nhà có KT-XH phát triển, QP-AN vững mạnh, Tuyên Quang phải khai thác và phát triển mọi tiềm năng và thế mạnh của địa phương; chuyển được sức mạnh truyền thống trong các thời kỳ trước đây thành sức mạnh mới của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập  kinh tế quốc tế. Đảng bộ phải tập trung trí tuệ đề ra được những chủ trương đúng đắn, có nhiều biện pháp tích cực nhằm tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, ra sức đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; tăng cường tiềm lực mọi mặt cho QP-AN. Trên cơ sở một quy hoạch tổng thể của Tỉnh, các cấp, các ngành thực hiện phân vùng kinh tế, phân bố lực lượng lao động, lực lượng sản xuất, phát triển ngành nghề nhằm huy động được mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương cho phát triển tỉnh nhà theo đúng quan điểm của Đảng. Phát triển KT-XH là nền tảng để bảo vệ Tổ quốc; ổn định chính trị, củng cố QP-AN vững mạnh là điều kiện để phát triển KT-XH; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội.

Với tinh thần đó, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết nhất trí, chủ động, sáng tạo, phấn đấu thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về phát triển KT-XH, củng cố sức mạnh QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tỉnh bình quân đạt 11,04%; năm 2006 đạt 12,05%. Công nghiệp đã có những chuyển biến quan trọng; đã triển khai một số dự án, khởi công các nhà máy chế biến lâm sản, khoáng sản, nhà máy giấy luyện Fepromangan... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong GDP. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt mức tăng trưởng khá. Mạng lưới giao thông đã hoàn thành quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển đến năm 2020; bảo đảm thuận lợi cho phát triển kinh tế thời bình và sẵn sàng phục vụ cho cơ động lực lượng và phương tiện quân sự khi có chiến tranh. Hệ thống bưu chính, viễn thông tiếp tục được đầu tư phát triển và từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc. Hoạt động thương mại, du lịch của Tuyên Quang bắt đầu có khởi sắc... Sự nghiệp giáo dục- đào tạo đã được Tỉnh thường xuyên quan tâm; hệ thống trường, lớp được mở rộng trên địa bàn toàn Tỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà. Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố và phát triển, việc chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân không ngừng được nâng cao. Lao động, việc làm đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các hoạt động xã hội và công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng đã được quan tâm, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Công tác xoá đói, giảm  nghèo đã đạt được những kết quả  nổi bật.  Nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được chú trọng. Tỉnh đã tập trung củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; xây dựng lực lượng vũ trang thường trực, dân quân, tự vệ và dự bị động viên phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Từng bước đầu tư xây dựng một số công trình quốc phòng bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng vũ trang và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền khi có chiến tranh...

Những thành quả đạt được trên đây có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tuyên Quang để bước vào thời kỳ phát triển mới. Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV của Tỉnh (nhiệm kỳ 2006- 2010) đã khẳng định, phải tiếp tục xây dựng Tỉnh ngày càng phát triển mà trọng tâm là đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp với phương châm “chớp thời cơ, đột phá mạnh, liên kết rộng, hợp tác sâu”. Động lực của sự phát triển là truyền thống lịch sử, văn hoá và đại đoàn kết các dân tộc. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nêu cao quyết tâm chính trị, chủ động nắm bắt thời cơ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Mở rộng hợp tác, liên doanh, liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, chủ động hội nhập kinh tế; tập trung vào các lĩnh vực quy hoạch phát triển KT-XH, phát triển công nghiệp, giao thông, thông tin, các chính sách khuyến khích ưu đãi và kêu gọi đầu tư, cải cách hành chính; đảm bảo QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đang ra sức phấn đấu đến năm 2010 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm trên 14%, với mức 740USD/ người.

Để đạt được những mục tiêu đó, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đang  tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức trong phát triển kinh tế, thu hút nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mình. Đó chính là sự đổi mới nhận thức, tư duy phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở một tỉnh miền núi. Mặc dù không có những ưu thế về địa lý như các tỉnh miền xuôi, nhưng Tuyên Quang là tỉnh giàu tiềm năng để đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Trước hết phải kể đến tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, với độ che phủ của rừng đạt 62,2% và những cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho kinh tế lâm nghiệp phát triển. Mới đây, Tuyên Quang đã được Chính phủ phê duyệt một dự án kinh tế lớn, đó là Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa với công suất 130.000 tấn/năm, đồng thời định hướng để Tỉnh xây dựng một trung tâm chế biến gỗ lớn tại địa phương. Tuyên Quang cũng có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào và phong phú  như quặng sắt, barite, thiếc, kẽm, chì, mangan, fenspat... cho phép phát triển công nghiệp chế biến với nhiều loại sản phẩm hàng hóa chiếm ưu thế trên thị trường như thép, bột barite, bột đá trắng siêu mịn, gạch men cao cấp cùng với sản xuất nhiều loại vật liệu xây dựng và các sản phẩm khác. Ngoài ra, Tỉnh còn nhiều lợi thế phát triển công nghiệp điện, nước như phát triển thuỷ điện.

Nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, Tuyên Quang đã và đang từng bước hoàn chỉnh quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị và một số cụm, khu công nghiệp tại các huyện. Trong đó, trọng điểm là Cụm các khu công nghiệp - dịch vụ- đô thị Long Bình An nằm trong quy hoạch các khu công nghiệp của Chính phủ, được xây dựng ở vị trí hết sức thuận lợi về giao thông thủy- bộ và mở rộng giao lưu kinh tế giữa các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái và Hà Giang; gần các mỏ khoáng sản, nằm giữa vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ, giấy và bột giấy. Có thể nói, Cụm các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Long Bình An là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Tuyên Quang cũng đang nỗ lực xúc tiến các công việc cho việc xây dựng tuyến đường sắt Thái Nguyên- Tuyên Quang- Yên Bái, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua Tỉnh, chỉnh trị sông Lô; xây dựng các bến cảng; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường bộ, phát triển và nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn; mở rộng, hiện đại hoá mạng lưới bưu chính - viễn thông, phát triển các dịch vụ mới tới vùng nông thôn; mở rộng vùng phủ sóng di động tới 100% các khu dân cư và các tuyến quốc lộ; nâng cao hiệu quả hoạt động các điểm bưu điện - văn hoá xã.

Tỉnh đã có những chuyển biến hết sức căn bản trong nhận thức về hoạt động du lịch và kinh tế du lịch. Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIV đã xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Theo đó, Tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2010, định hướng đến năm  2020 với 3 sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng; định hướng phát triển 3 khu du lịch chính, trong đó Tân Trào đang được đầu tư xây dựng để trở thành Khu du lịch văn hóa - lịch sử và sinh thái quốc gia. Nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp được tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, trọng tâm là thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp theo hướng làm tốt công tác bảo vệ rừng, trồng rừng đi đôi với khai thác, sử dụng rừng hợp lý, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống của người trồng rừng và sống gần rừng.

Trong khi đặt nhiệm vụ phát triển KT-XH là trung tâm, Tuyên Quang rất chú trọng tăng cường sức mạnh quốc phòng, giữ vững an ninh, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên của mình. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc hơn nữa tình hình, nhiệm vụ của cách mạng; những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với nước ta và trên địa bàn, để từ đó xác định đúng đắn yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế phải gắn chặt với nhiệm vụ củng cố, tăng cường QP-AN, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tỉnh cho rằng, trong việc thực hiện nhiệm vụ QP-AN phải nhằm tạo môi trường ổn định, an toàn để thu hút đầu tư thực hiện hiệu quả các chương trình kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, các chương trình, kế hoạch về phát triển KT-XH nhất thiết phải kết hợp và gắn bó chặt chẽ với tăng cường tiềm lực QP-AN, đặc biệt trong thực hiện các chương trình trọng điểm, phát triển các lĩnh vực giao thông - vận tải, thủy lợi, bưu chính - viễn thông. Có như vậy, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân mới có chỗ dựa vững chắc.

Tỉnh đang chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch phát triển vừa phải đáp ứng yêu cầu của KT-XH, vừa bảo đảm QP-AN cả trước mắt cũng như lâu dài, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tỉnh tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, vì đây chính là hậu phương, là “thế trận lòng dân” của chiến tranh nhân dân.

Tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh ngày càng vững chắc. Đặc biệt coi trọng xây dựng hệ thống chính trị: các tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức quần chúng thực sự vững mạnh. Kịp thời bổ sung hoàn thiện các quyết tâm, phương án chiến đấu, kế hoạch phòng chống thiên tai. Nắm chắc tình hình, chủ động xử lý kịp thời, có hiệu quả, làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược, nếu xẩy ra, trên địa bàn Tỉnh.

Nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang tỉnh, có biên chế thực sự tinh gọn, nhưng phải coi trọng chất lượng chính trị, luôn có ý thức sẵn sàng chiến đấu cao, được huấn luyện giỏi, có trang bị tốt đáp ứng được mọi yêu cầu bảo vệ địa phương trong mọi tình huống. Chú trọng xây dựng  cơ sở, nhất là lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh, rộng khắp, có tổ chức, biên chế, trang bị phù hợp, được huấn luyện chu đáo, chất lượng chính trị và độ tin cậy cao; phấn đấu đến 2010 có 100% xã đội trưởng của các xã (phường) được đào tạo cơ bản; tỷ lệ đảng viên trong dân quân tự vệ, dự bị động viên đạt 18% trở lên. Tuyển quân hằng năm đủ chỉ tiêu, gắn công tác tuyển quân với tạo nguồn dự bị động viên và nguồn cán bộ cơ sở.

Trước thời cơ và thách thức mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, đổi mới cách nghĩ cách làm, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng và lợi thế của Tỉnh, chủ động hội nhập kinh tế, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển KT-XH; củng cố QP-AN; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hoàng Bình Quân

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

 

Ý kiến bạn đọc (0)