QPTD -Chủ Nhật, 30/10/2011, 22:29 (GMT+7)
Phát huy truyền thống, ngành Chính sách quân đội phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới

Trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, của Quân đội, ngày 26 tháng 2 năm 1947 Chính phủ đã ban hành Nghị định 240/CP thành lập Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục và Ban Thương binh ở các khu. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự ra đời về mặt tổ chức của ngành Chính sách Quân đội - cơ quan tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thương binh, liệt sỹ, công tác chính sách đầu tiên trong cả nước. Từ đó, ngày 26 tháng 2 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Chính sách Quân đội nhân dân Việt Nam.

6O năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Tổng cục Chính trị; sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn quân, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương cũng như sự giúp đỡ của bộ đội và nhân dân cả nước, ngành Chính sách Quân đội đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác chính sách quân đội và hậu phương quân đội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Ngành luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong công tác, nâng cao trình độ về mọi mặt, đồng tâm, hiệp lực xây dựng nên truyền thống "Đoàn kết chặt chẽ, tận tụy công tác, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Với những thành tích đã đạt được, nhiều tập thể và cá nhân của Ngành được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác; cục Chính sách vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, ngành Chính sách Quân đội luôn chủ động, tích cực khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, triển khai các mặt công tác chính sách thông qua nhiều hình thức, biện pháp linh hoạt, sáng tạo đã góp phần cùng các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị kịp thời động viên, khen thưởng chiến trường, đẩy mạnh phong trào thi đua giết giặc lập công, xây dựng quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi; làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ; tham mưu, đề xuất và tổ chức có hiệu quả việc đảm bảo chế độ, tiêu chuẩn và chính sách đãi ngộ về mọi mặt đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân...; tích cực, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội... Chính sách và công tác chính sách đã góp phần xây dựng quân đội ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; nhân lên sức mạnh nhân tố con người và sức mạnh của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn. Đặc biệt, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, ngày 23 tháng 11 năm 1967 cục Chính sách thuộc Tổng cục Chính trị được thành lập; hệ thống cơ quan chuyên trách công tác chính sách từ Bộ Quốc phòng xuống các đơn vị trong toàn quân được củng cố cả về cơ cấu và chất lượng. Đồng thời, nhiệm vụ công tác chính sách có bước phát triển mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xây dựng, phát triển, chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta, góp phần tạo động lực đẩy mạnh sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Từ khi đất nước thống nhất, đi lên CNXH, ngành Chính sách Quân đội đã chủ động, tích cực bảo đảm các chế độ, chính sách cho bộ đội và hậu phương quân đội. Tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho số lượng lớn quân nhân đã hoàn thành nhiệm vụ trở về quê hương tham gia lao động sản xuất; tổ chức nuôi dưỡng, cứu chữa hàng vạn thương binh, bệnh binh chuyển ra từ các chiến trường; tích cực giải quyết các tồn đọng chính sách sau chiến tranh như: xác minh, kết luận, báo tử hàng chục vạn liệt sỹ; cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ ở các vùng rừng núi, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, gian khổ; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, bổ sung chế độ, chính sách với lực lượng làm nghĩa vụ quốc tế. Công tác chính sách còn tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tham mưu cho Bộ để trình Nhà nước ban hành chế độ, chính sách thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan; phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương mở cuộc vận động chấp hành tốt chính sách hậu phương quân đội...Qua đó góp phần quan trọng cổ vũ, động viên cả về vật chất và tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Trong 5 năm gần đây (2001-2005), quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngành Chính sách Quân đội đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng, cân đối, điều chỉnh, bổ sung, đề xuất ban hành, thể chế hóa đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; trong đó có những chế độ, chính sách lớn mang ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc, khơi dậy sức mạnh tổng hợp và truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của cả dân tộc. Đồng thời, tích cực, chủ động tổ chức thực hiện chính sách với quân đội, hậu phương quân đội ngày càng có hiệu quả. Hệ thống chính sách đã được bổ sung, sửa đổi kịp thời, phù hợp với chính sách chung của Nhà nước, phù hợp với đặc điểm hoạt động của quân đội cũng như sự phát triển của điều kiện kinh tế-xã hội đất nước. Các chế độ, chính sách lớn như: chế độ, chính sách với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong quân đội và thôi phục vụ trong quân đội; chế độ khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế đối với thân nhân sĩ quan, thân nhân quân nhân chuyên nghiệp; đề xuất chủ trương tuyên dương danh hiệu vinh dự Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chủ trương và giải pháp lớn về công tác tìm kiếm, cất bốc và quy tập mộ liệt sĩ; giải quyết những chính sách tồn đọng sau chiến tranh; các chế độ đối với lực lượng làm nhiệm vụ mới, nhiệm vụ đặc thù... qua đó tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, người có công và hậu phương quân đội, tạo động lực thúc đẩy việc xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, góp phần ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh.

Trước tình hình mới, nhiệm vụ công tác chính sách phải triển khai với khối lượng lớn vừa cấp bách, vừa lâu dài, rất đa dạng, phức tạp, khẩn trương, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương cả trong nước và quốc tế.  Để góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội vững mạnh, đòi hỏi ngành Chính sách Quân đội phải thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; luôn bám sát thực tiễn hoạt động của quân đội; tích cực tổng kết, rút kinh nghiệm, phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những khuyết điểm, tồn tại để nghiên cứu, đề xuất, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngày càng tốt hơn các mặt công tác chính sách.

Trước hết, chủ động, tích cực triển khai toàn diện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Đây là vấn đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ngành. Vì vậy, Ngành cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ VIII; phối hợp cùng các cơ quan trong và ngoài quân đội bổ sung, sửa đổi, cụ thể hóa các chế độ, chính sách cho phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc, yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới, thực tiễn đời sống của bộ đội và các đối tượng chính sách. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chế độ tiền lương, phụ cấp, chính sách bảo hiểm xã hội, ưu đãi xã hội đối với quân đội; ban hành và thực hiện tốt chính sách với các đối tượng làm nhiệm vụ mới trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm, khó khăn, gian khổ; chính sách đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, khuyến khích, thu hút, phát triển tài năng trong quân đội. Đồng thời, phối hợp, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách thực hiện Luật Sĩ quan (sửa đổi), Luật Nghĩa vụ quân sự; tham gia xây dựng và hướng dẫn triển khai, tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội trong lực lượng vũ trang; nghiên cứu, xây dựng và từng bước hoàn thiện chính sách xây dựng quân đội trong những năm tiếp theo; đề xuất ban hành, triển khai thực hiện chính sách với các đối tượng tham gia kháng chiến...phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội trong tình hình mới; trong đó tập trung giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách sau chiến tranh; đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ trong và ngoài nước. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc; thực hiện tốt những vấn đề trên không chỉ là thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn thể hiện đạo lý, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng thiết tha của mọi tầng lớp nhân dân. Thực tế cho thấy, các tồn đọng sau chiến tranh và do lịch sử để lại còn rất lớn, đặc biệt là vấn đề xác minh, kết luận quân nhân chưa rõ tin tức, quân nhân bị thương trong chiến tranh chưa được giám định để hưởng quyền lợi của mình. Lãnh đạo, chỉ huy cơ quan chính sách các cấp trong toàn quân cần phát huy những kết quả và kinh nghiệm đã đạt được, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và nỗ lực hơn nữa để phối hợp với các cấp, các ngành và nhân dân địa phương sớm hoàn thành công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ; nhất là cần có kế hoạch chặt chẽ, chu đáo thực hiện những hiệp định đã ký kết với các nước bạn Lào và Căm-pu-chia. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa toàn diện công tác chăm sóc người có công và các đối tượng chính sách, tạo điều kiện cho họ tích cực, chủ động, sáng tạo  trong lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế để làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Với những lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ cần thường xuyên quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, gian khổ, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, kỷ luật dân vận và quan hệ quốc tế, thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần tô thắm thêm truyền thống của “Bộ đội Cụ Hồ”. Trong đó, ngành Chính sách Quân đội phải là lực lượng nòng cốt phát huy tinh thần đoàn kết, “hiếu nghĩa, bác ái” trong nhân dân, làm cho truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta ngày càng phát triển trong điều kiện mới.

Ba là, xây dựng hệ thống cơ quan chính sách các cấp và đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác chính sách vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Công tác chính sách là một mặt hoạt động của công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang. Chất lượng và hiệu quả của công tác chính sách phụ thuộc một phần quan trọng và trực tiếp vào hoạt động cơ quan chính sách và đội ngũ cán bộ, chiến sĩ các cấp làm công tác này. Vì vậy, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp là phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố hệ thống cơ quan chính sách vững mạnh; tạo cơ chế chặt chẽ, linh hoạt, nhịp nhàng, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội thực hiện tốt các chế độ, chính sách hiện hành; nhất là các chính sách trực tiếp tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Chủ động quan hệ, phối hợp, hiệp đồng cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Nắm vững tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, đề xuất với trên nghiên cứu, ban hành các chính sách góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Cán bộ, chiến sĩ làm công tác chính sách phải luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; có đạo đức cách mạng trong sáng, thương yêu đồng chí, đồng đội, gắn bó với công việc; đồng thời phải có kiến thức toàn diện, phương pháp tác phong công tác tốt. Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải không ngừng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác chính sách; lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ có đức, có tài đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ lâu dài.

Thiếu tướng Vũ Hữu Luận

Cục trưởng cục Chính sách

 

Ý kiến bạn đọc (0)