QPTD -Thứ Bảy, 13/08/2011, 21:54 (GMT+7)
Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu trong sự nghiệp quản lý và bảo vệ vùng trời Tổ quốc

Nhằm cứu vãn thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam, ngày 04-8-1964, đế quốc Mỹ đã dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, lấy cớ dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc nước ta. Ngày 05-8-1964, Không quân Mỹ đã mở cuộc tấn công quy mô lớn vào các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Ninh và Quảng Bình... Với tinh thần cảnh giác cách mạng, mặc dù phải đương đầu với kẻ thù được trang bị vũ khí tối tân, ngay từ lần đầu ra quân, bộ đội Phòng không-Không quân (PK-KQ) (mà trực tiếp là bộ đội Pháo cao xạ) cùng với các lực lượng khác đã đánh thắng không quân Mỹ, bắn rơi 8 máy bay và bắt sống giặc lái. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với quá trình trưởng thành, phát triển của bộ đội PK-KQ; là cơ sở để củng cố niềm tin, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội PK- KQ trước một đội quân có trang bị hiện đại, với nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc.

Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu, các lực lượng trong Quân chủng đã kế thừa và phát triển nghệ thuật “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy ít địch nhiều”, lấy thô sơ và tương đối hiện đại để chiến thắng vũ khí hiện đại của địch; luôn chiến đấu ngoan cường, mưu trí, sáng tạo, giáng những đòn chí mạng vào “Không lực Hoa Kỳ”. Không quân nhân dân Việt Nam lần đầu xuất kích (ngày 3-4-1965) cũng bắn rơi 2 máy bay F-8 của Mỹ trên vùng trời Hàm Rồng, Thanh Hoá. Bộ đội Tên lửa đánh trận đầu tại trận địa Suối Hai, Hòa Bình (ngày 24-7-1965), tiêu diệt gọn một tốp máy bay Mỹ... Bộ đội PK-KQ vừa đánh vừa xây dựng, càng đánh càng mạnh và liên tục đánh thắng các cuộc tiến công bằng máy bay của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc XHCN, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”, góp phần đưa sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đi đến thắng lợi hoàn toàn. Từ khi nước nhà thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, bộ đội PK-KQ luôn nêu cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, ra sức xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), xứng đáng với vai trò nòng cốt của lực lượng phòng không ba thứ quân và thế trận phòng không nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.  

Ngày nay, nhiệm vụ của Quân chủng đã có bước phát triển mới, với yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ PK-KQ phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, sức mạnh chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động đối phó có hiệu quả với mọi cuộc tấn công hoả lực đường không của kẻ thù, kể cả cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao; cùng với các lực lượng khác bảo vệ vững chắc vùng trời, biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, bộ đội PK-KQ phải kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm chiến thắng trận đầu vào thực tiễn quản lý và bảo vệ vùng trời Tổ quốc, xây dựng thế trận phòng không vững chắc trong thế trận phòng thủ chung của cả nước.

 Trước yêu cầu nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng SSCĐ của bộ đội PK-KQ, công tác huấn luyện chiến đấu ở các đơn vị cần được lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, theo đúng phương châm, quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp trong huấn luyện; bảo đảm sát với tình huống, phương án, đối tượng tác chiến và chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Với bộ đội Không quân, các đơn vị đặc biệt coi trọng huấn luyện bay theo nhiệm vụ và yêu cầu chiến đấu, không ngừng nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật của đội ngũ phi công, chỉ huy bay và các chuyên ngành bảo đảm bay. Các đơn vị cũng tập trung huấn luyện ứng dụng chiến đấu, chiến thuật, các khoa mục bay phù hợp với yêu cầu tác chiến mới và VKTBKT hiện có. Trong huấn luyện, chú trọng nội dung bay đêm, bay trong điều kiện phức tạp, bay biển, huấn luyện đánh bằng khí tài, coi trọng bắn đạn thật và làm chủ tính năng máy bay mới; đồng thời, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn bay cho người và VKTBKT. Với bộ đội Phòng không, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần quan tâm nâng cao chất lượng huấn luyện cán bộ, kíp chiến đấu sở chỉ huy, kíp chiến đấu phân đội; trong đó, chú ý trọng tâm huấn luyện thuần thục động tác cá nhân, khả năng hiệp đồng chặt chẽ, đồng bộ trong từng kíp chiến đấu và năng lực xử lý các tình huống tác chiến (kể cả những tình huống phức tạp) một cách linh hoạt, kịp thời. Các đơn vị phòng không chú ý đi sâu huấn luyện cơ động nhanh, huấn luyện đêm, tăng cường khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu, không để bị bất ngờ, lỡ thời cơ trong mọi tình huống. Với bộ đội Ra-đa, Quân chủng tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo hoàn chỉnh trường ra-đa, bảo đảm độ khép kín, bao trùm toàn bộ lãnh thổ quốc gia và vùng trời trách nhiệm; vừa bảo đảm quản lý tốt vùng trời, vừa có khả năng phát hiện, thông báo, báo động từ xa. Cùng với đó, các đơn vị chú ý khai thác mọi khả năng của các lực lượng trinh sát trên không; tập trung cải tiến, nâng cấp, đổi mới trang bị và phương thức hoạt động của mạng thu tình báo Phòng không, các phương tiện của sở chỉ huy, nhằm phát hiện, thông báo mục tiêu kịp thời. Để nâng cao năng lực thực tiễn cho bộ đội, các đơn vị chú ý kết hợp huấn luyện với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, khả năng vận dụng một cách sáng tạo bài học kinh nghiệm từ những trận đánh trước đây vào điều kiện mới; đồng thời, nghiên cứu phương thức tác chiến của một số cuộc chiến tranh trên thế giới có sử dụng vũ khí công nghệ cao, để tìm ra cách đánh phù hợp, hiệu quả bằng vũ khí, trang bị có trong biên chế. Cùng với nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, các cấp tiếp tục sắp xếp, điều chỉnh, củng cố thế trận, lực lượng; rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn kiện tác chiến, xây dựng quyết tâm, kế hoạch đánh địch trong những tình huống cụ thể; xây dựng và tổ chức luyện tập kế hoạch hiệp đồng tác chiến với các đơn vị để không ngừng nâng cao khả năng SSCĐ của Quân chủng.

Tập trung xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị là yêu cầu cơ bản  để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của bộ đội PK-KQ. Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường và sự chống phá của các thế lực thù địch, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Quân chủng cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao giác ngộ về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, nhiệm vụ của quân đội, của đơn vị và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta cho mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công nhân viên toàn Quân chủng. Bên cạnh nội dung giáo dục cơ bản theo quy định, cấp uỷ, người chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên các cấp cần coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Đảng uỷ Quân chủng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh giáo dục truyền thống vẻ vang của quân đội và của Quân chủng. Thông qua công tác giáo dục chính trị, tư tưởng mà củng cố lòng tin của cán bộ, chiến sĩ vào VKTBKT và cách đánh của ta; phát huy trách nhiệm, xác định quyết tâm, biến chủ trương, nghị quyết lãnh đạo của cấp uỷ các cấp thành chương trình, kế hoạch hoạt động thực tiễn; đồng thời, tích cực đấu tranh, ngăn ngừa, khắc phục những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức và hành động của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ. Cùng với đó, các cấp phải hết sức coi trọng công tác quản lý tư tưởng bộ đội; thông qua hoạt động của các tổ chức đảng và tổ chức quần chúng, cấp uỷ các cấp phải nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của từng người, có biện pháp giáo dục, động viên kịp thời, không để xảy ra hiện tượng đột biến về tư tưởng. Quá trình tiến hành công tác tư tưởng phải luôn gắn với công tác tổ chức và công tác chính sách; thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội và giải quyết tốt chính sách hậu phương quân đội

Để lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Quân chủng tập trung xây dựng các tổ chức vững mạnh; gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng cấp uỷ với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ với đội ngũ đảng viên. Các cấp uỷ tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong mọi lĩnh vực hoạt động của đơn vị. Trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng, cần chú ý kiện toàn đủ về số lượng, vững mạnh về chất lượng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, nâng tỷ lệ chi bộ có chi uỷ lên 93-95%; riêng các chi bộ trực tiếp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, công tác ở những nơi khó khăn như: chi bộ phi đội, chi bộ cao xạ, chi bộ ra-đa và chi bộ đại đội 1, đại đội 2 trong các tiểu đoàn tên lửa, bảo đảm tỷ lệ 97-98%. Trong sinh hoạt, các tổ chức đảng cần giữ vững nguyên tắc, nền nếp, chế độ; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; giữ nghiêm kỷ luật và sự đoàn kết thống nhất; phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng, của mọi cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Việc duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt của các tổ chức quần chúng phải luôn đi đôi với thực hiện nền nếp, chế độ công tác huấn luyện, xây dựng nếp sống chính quy, rèn luyện kỷ luật, tác phong; đẩy mạnh thực hiện bước 2 Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện phong trào “Một tập trung, hai đột phá”, “Hai không, ba giảm” do Bộ Quốc phòng và Quân chủng phát động. Cấp uỷ các cấp cần coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh cả về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, gương mẫu về đạo đức, lối sống và có uy tín trước tập thể; thường xuyên quan tâm đến đội ngũ cán bộ hoạt động trong môi trường đặc thù (phi công quân sự, bộ đội Tên lửa, bộ đội Ra đa); làm tốt công tác tư tưởng, chính sách, thực hiện luân chuyển đối với các cán bộ đã qua nhiều năm công tác ở những địa bàn khó khăn, độc hại.

Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác hậu cần, kỹ thuật nhằm bảo đảm đầy đủ, kịp thời yêu cầu của nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Hiện nay, một số lượng lớn VKTBKT của Quân chủng đã qua sử dụng nhiều năm, thiếu đồng bộ. Do đó, các đơn vị cần chú ý giáo dục, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật trong việc bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, cải tiến, kéo dài tuổi thọ của số VKTBKT hiện có. Cùng với việc giáo dục, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần coi trọng giáo dục đạo đức, nâng cao trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp cho họ. Ngành Kỹ thuật của Quân chủng tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”; đồng thời, triển khai có hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết chuyên đề về Công tác kỹ thuật của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Đảng uỷ Quân chủng; động viên mọi người ra sức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tấm gương đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính” của Bác Hồ. Mọi nền nếp, chế độ công tác kỹ thuật ở các đơn vị cần được duy trì nghiêm túc; khắc phục mọi biểu hiện chủ quan, giản đơn hay thiếu trách nhiệm trong công việc của đội ngũ nhân viên kỹ thuật; phấn đấu bảo đảm kịp thời về số lượng, chất lượng, chủng loại và sự đồng bộ của VKTBKT cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Cùng với việc khắc phục sự xuống cấp của VKTBKT hiện có, Quân chủng tập trung chỉ đạo từng bước mua sắm VKTBKT mới; đặc biệt là chỉ đạo công tác huấn luyện, khai thác, sử dụng VKTBKT, góp phần nâng cao hệ số kỹ thuật, hệ số sử dụng, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống. Ngành Hậu cần của Quân chủng cần khắc phục khó khăn, bảo đảm kịp thời, đúng, đủ mọi chế độ, tiêu chuẩn, nhất là với các đối tượng được ưu đãi đặc biệt; đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi, duy trì cơ sở hậu cần tại chỗ; chú ý tới các đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa và trên địa bàn khó khăn, phức tạp. Đặc biệt, cần hết sức quan tâm bảo đảm đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vật chất, kỹ thuật, hậu cần cho các nhiệm vụ và duy trì đúng, đủ lượng dự trữ cho nhiệm vụ SSCĐ của Quân chủng.

Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PK-KQ tiếp tục phấn đấu, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, xây dựng Đảng bộ Quân chủng trong sạch, vững mạnh, Quân chủng vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng, TS. LÊ HỮU ĐỨC

Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân

 

Ý kiến bạn đọc (0)