QPTD -Thứ Sáu, 05/08/2011, 21:55 (GMT+7)
Phát huy truyền thống, công nhân viên chức, lao động quốc phòng đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Ngày 06-3-1949, Công đoàn Sản xuất vũ khí Việt Nam (tiền thân của Công đoàn Quốc phòng ngày nay) ra đời. Trải qua 60 năm hoạt động, tổ chức Công đoàn Quốc phòng đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc động viên đội ngũ công nhân viên chức (CNVC), lao động quốc phòng (LĐQP) nêu cao bản chất, truyền thống giai cấp công nhân Việt Nam và “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, đạt hiệu quả cao; làm ra nhiều sản phẩm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN ngày nay. Từ 137 công đoàn cơ sở, với 37.500 đoàn viên, chủ yếu công tác trong ngành sản xuất vũ khí, đến nay, đã có 43 đơn vị cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng có tổ chức Công đoàn Quốc phòng, với 776 công đoàn cơ sở, trên 14 vạn đoàn viên, hoạt động ở hầu hết các tổng cục, quân khu, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường, bệnh viện... Đội ngũ CNVC, LĐQP đã trưởng thành toàn diện về trình độ tay nghề, khả năng nắm bắt tiến bộ khoa học-kỹ thuật; tuyệt đại đa số có bản lĩnh chính trị vững vàng, yêu nghề, gắn bó với nhà máy, công xưởng, cơ quan, đơn vị; có đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; có tác phong lao động công nghiệp, chính quy; xứng đáng là một bộ phận tiêu biểu của giai cấp công nhân Việt Nam trong mọi giai đoạn của cách mạng.

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chăm lo đến sự phát triển, trưởng thành của quân đội; trong đó, Người đặc biệt quan tâm đến ngành sản xuất vũ khí, đạn dược và công tác hậu cần, công tác kỹ thuật trong quân đội. Người luôn dành cho các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, đội ngũ công nhân lao động trong các công binh xưởng, kho, trạm,... những tình cảm ân cần, lời động viên, chỉ bảo kịp thời, sâu sắc. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ luôn soi sáng phong trào công đoàn trong quân đội.

Thấm nhuần lời dạy và tấm gương của Bác, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều phong trào Thi đua ái quốc trong cán bộ, công nhân lao động đã xuất hiện, như: “Tăng gia, sản xuất vũ khí”, “Gây cơ sở, phá kỷ lục” “Rèn cán, cải kỹ”, “Phá kỷ lục Ngô Văn Phú”,...  Đội ngũ cán bộ, công nhân lao động các đơn vị đã nêu cao lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tích cực nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc”. Những thỏi “gang kháng chiến”, súng cối 81 mm, súng SKZ, BaZôCa, súng phóng lựu,... đã ra đời từ trí tuệ và bàn tay sáng tạo, khéo léo của những người “lính thợ”. Nhiều anh hùng, chiến sĩ thi đua, tiêu biểu trong phong trào lao động yêu nước, như: Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm, Cao Viết Bảo,... đã xuất hiện, góp phần xây đắp nên truyền thống tốt đẹp của CNVC, LĐQP ngay từ những ngày đầu thành lập của tổ chức công đoàn trong quân đội.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, truyền thống ấy tiếp tục được phát huy, nhân rộng. Với tinh thần: “Làm việc tăng ca, hướng ra tiền tuyến”, “Giành 5 đỉnh cao”, “Thi đua quyết thắng vì tiền tuyến anh hùng”,... CNVC, LĐQP  đã không quản gian khổ, hy sinh, có mặt ở khắp các chiến trường ác liệt; vừa lao động, vừa chiến đấu, di chuyển, bảo vệ cơ sở sản xuất. Tuy phải làm việc trong điều kiện vô vàn khó khăn, gian khổ, ác liệt, song các kỹ sư, công nhân lao động vẫn cho ra đời hàng chục ngàn sáng kiến, sáng chế cải tiến kỹ thuật; sản xuất ra nhiều loại vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến đấu, phụ tùng thay thế; phục hồi, sửa chữa, nâng cao hiệu quả của nhiều loại vũ khí, khí tài; tham gia mở hàng ngàn ki-lô-mét đường phục vụ chiến đấu;...  góp phần quan trọng vào thành tích vẻ vang của quân đội và dân tộc.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, đội ngũ CNVC, LĐQP tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước, nhiệt tình cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm chủ khoa học-kỹ thuật, từng bước nắm bắt và làm chủ công nghệ mới, ứng dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “5 nhất, 3 không”, “Xanh – sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”; “Cuộc vận động 50”,... được CNVC, LĐQP hưởng ứng nhiệt tình và thực sự trở thành động lực trong xây dựng đơn vị. Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”, đội ngũ CNVC, LĐQP đã không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; tích cực nghiên cứu, đề xuất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thay thế hàng nhập ngoại, hạ giá thành sản phẩm, tận dụng nguyên vật liệu, tiết kiệm vật tư, chi phí điện, nước, nhiên liệu, tiết kiệm thời gian làm việc,... làm lợi cho quân đội và Nhà nước hàng trăm tỷ đồng và hàng chục ngàn ki-lô-oát điện. Những thành quả lao động mà đội ngũ CNVC, LĐQP mang lại không chỉ có ý nghĩa đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng, mà còn góp phần không nhỏ vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Ghi nhận những đóng góp của các thế hệ CNVC, LĐQP và công tác công đoàn trong quân đội, tại Đại hội đại biểu Công đoàn Quân đội lần thứ VII (tháng 9/2008), Đảng uỷ Quân sự Trung ương – Bộ Quốc phòng đã tặng Công đoàn Quốc phòng 8 chữ vàng: “Trung thành, đoàn kết, sáng tạo, phát triển”. Đó là một vinh dự, đồng thời cũng là những yêu cầu cao đặt ra, đòi hỏi đội ngũ CNVC, LĐQP và tổ chức công đoàn trong quân đội phải tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Hiện nay, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang tiếp tục đi vào chiều sâu. Đây là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa lâu dài đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đối với đội ngũ CNVC, LĐQP, Cuộc vận động là một dịp quan trọng để mỗi tập thể, cá nhân người lao động có điều kiện soi lại mình, thấy rõ những mặt mạnh, mặt yếu; tiếp tục trau dồi và phát huy bản chất tốt đẹp của giai cấp công nhân Việt Nam, truyền thống của CNVC, LĐQP; từ đó tích cực phấn đấu, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, thực hiện “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác Hồ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong mỗi cương vị, chức trách, việc làm cụ thể hằng ngày. Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động, đội ngũ CNVC, LĐQP cần nhận thức sâu sắc rằng, tấm gương đạo đức trong sáng, cao đẹp của Bác Hồ, với những đức tính: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là những phẩm chất tiêu biểu của người cách mạng Việt Nam. Những phẩm chất ấy đã được nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phát huy mạnh mẽ trong chiến đấu, lao động, học tập và công tác; là một nhân tố quan trọng làm nên thành tựu có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước. Những phẩm chất ấy cũng đã trở thành một phần không thể thiếu trong bản chất cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ CNVC, LĐQP nói riêng.

Nhiệm vụ của CNVC, LĐQP trong quân đội hiện nay đang ngày càng trở nên nặng nề, phức tạp. Đội ngũ CNVC, LĐQP không chỉ thuần tuý thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, mà còn là một lực lượng quan trọng trong thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, vừa góp phần tạo thế bố trí lực lượng sản xuất phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường quốc phòng-an ninh của đất nước, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bổ sung cho ngân sách quốc phòng; đồng thời, tham gia vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói, giảm nghèo. Yêu cầu nâng cao chất lượng tổng hợp, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế và chịu tác động không nhỏ từ mặt trái của kinh tế thị trường,... là những thách thức đang đặt ra đối với mỗi người “lính thợ” về lòng yêu nước, yêu nghề, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính năng động, sáng tạo, ý thức làm chủ nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị và những đức tính cần thiết khác. Điểm khác căn bản của những công nhân lao động trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng với công nhân làm việc trong các lĩnh vực khác là họ lao động ở một lĩnh vực đặc biệt; vừa là công nhân, lại vừa là quân nhân cách mạng; vừa phải thể hiện được tính tiền phong, tiên tiến của giai cấp công nhân hiện đại, vừa phải phát huy đầy đủ những phẩm chất của người chiến sĩ – Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận lao động, sản xuất.

Do đó, tiêu chí rèn luyện, làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ đối với đội ngũ CNVC, LĐQP là phải: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ, với  Tổ quốc, với nhân dân; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; thường xuyên gắn bó máu thịt với nhân dân; đoàn kết, bình đẳng, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, trên dưới đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động; chủ động khắc phục khó khăn, tự lực tự cường, lao động cần cù và sáng tạo; cần kiệm xây dựng quân đội, xây dựng đất nước, tôn trọng và bảo vệ của công; sống trong sạch, lành mạnh, trung thực, khiêm tốn, giản dị, lạc quan, ham học, cầu tiến bộ;...

 Để thực hiện những yêu cầu đó, mỗi CNVC, LĐQP phải nỗ lực phấn đấu một cách toàn diện; thường xuyên trau dồi bản chất cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam và truyền thống, bản chất tốt đẹp của Quân đội nhân dân; tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, nền nếp chính quy; chấp hành các quy định, quy chế và nội quy làm việc của nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị một cách tự giác, nghiêm minh. Mỗi CNVC, LĐQP cần xây dựng cho mình kế hoạch phấn đấu “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác Hồ; đề ra những nội dung cụ thể của cá nhân để thực hiện; tập trung vào rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, cần, kiệm xây dựng quân đội, xây dựng đơn vị, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, thoái hóa, biến chất; có biện pháp tự khắc phục những hạn chế, yếu kém trong nhận thức và hành động, nhất là những thói quen không phù hợp với yêu cầu của tập thể, của nhiệm vụ. Trước tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, mỗi CNVC, LĐQP cần phát huy bản chất, truyền thống của giai cấp công nhân; thể hiện rõ tính “tiên tiến” và “triệt để” cách mạng; chủ động giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa tập thể và cá nhân.

Để nâng cao hiệu quả Cuộc vận động, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cấp trong toàn quân cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, động viên tư tưởng, nâng cao hơn nữa nhận thức của đội ngũ CNVC, LĐQP về tấm gương đạo đức của Bác; trong đó, đặc biệt chú ý mối quan hệ giữa ý thức và hành động cách mạng. Cần làm cho mọi người thấu hiểu: tấm gương đạo đức của Bác không phải chỉ ở lời nói, mà được thể hiện rất sinh động, mẫu mực, trực quan bằng việc làm. Ở Bác, lời nói luôn đi đôi với việc làm; Bác đặt ra yêu cầu cao đối với mỗi tổ chức, mỗi cá nhân và làm gương về thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Có thể thấy rằng, qua hơn 2 năm thực hiện Cuộc vận động, đội ngũ CNVC, LĐQP đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, sự chuyển biến, tiến bộ về việc làm chưa nhiều, chưa rộng khắp, có mặt chuyển biến còn chậm. Vì vậy, cấp uỷ, chỉ huy các cấp cần có nhiều chủ trương, biện pháp thích hợp, đi sâu vào việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình hành động của tập thể nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị,...; đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chế làm việc, quy định công tác, nội quy hoạt động của từng tập thể lao động, phân xưởng, nhà máy, kho, trạm. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong CNVC, LĐQP; tăng cường công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện kỷ luật quân đội, xây dựng tác phong chính quy; khơi dậy trong các tập thể lao động phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giảm chi phí lao động, tiết kiệm vật tư, nhân công, thời gian lao động. Cùng với đó, cần lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tốt dân chủ, đoàn kết trong mỗi tập thể lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời những vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giám sát quá trình phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, CNVC, LĐQP; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, tập thể lao động vững mạnh toàn diện.

Các cấp công đoàn, trực tiếp là công đoàn cơ sở cần phát huy tính chủ động trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng trong đội ngũ CNVC, LĐQP. Phong trào công đoàn tiếp tục hướng vào các hoạt động truyền thống, đề cao ý thức, trách nhiệm chính trị, tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tinh thần làm chủ, tự giác học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, tay nghề, làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến, ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất; sự gương mẫu, trung thực, cần kiệm xây dựng đất nước, xây dựng quân đội,... của mỗi cán bộ, đoàn viên công đoàn. Các phong trào: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “5 nhất, 3 không”; Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”,... cần tiếp tục được duy trì và nhân rộng với những nội dung, biện pháp mới, phù hợp, thiết thực, tạo động lực thúc đẩy từng tập thể, cá nhân người lao động nỗ lực phấn đấu làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Để duy trì và nuôi dưỡng phong trào, phải làm tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; coi trọng phát hiện gương “người tốt, việc tốt” và các biện pháp nhân rộng điển hình tiên tiến; uốn nắn những lệch lạc, yếu kém, đưa phong trào  của tổ chức công đoàn đi lên, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thượng tướng BÙI VĂN HUẤN

Ủy viên BCHTƯ Đảng,

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

 
Ý kiến bạn đọc (0)