QPTD -Chủ Nhật, 27/11/2011, 00:29 (GMT+7)
Phát huy truyền thống anh hùng, lực lượng vũ trang Tuyên Quang phấn đấu thực hiện tốt mọi nhiệm vụ

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, nằm ở phía Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế-xã hội (KT-XH) cũng như quốc phòng-an ninh (QP-AN). Trong kháng chiến chống Pháp, Tuyên Quang được chọn làm An toàn khu, “Thủ đô kháng chiến” của cả nước. Chính nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc, lãnh đạo toàn dân kháng chiến, kiến quốc. Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang (LLVT) Tuyên Quang đã đoàn kết một lòng, chiến đấu, hy sinh, làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng: xây dựng, bảo vệ “Thủ đô kháng chiến”, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não; góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, LLVT Tuyên Quang cùng nhân dân các dân tộc vừa tích cực tham gia xây dựng địa phương giầu mạnh, vừa tập trung xây dựng lực lượng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.
Bước vào thời kỳ cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược (xây dựng và bảo vệ Tổ quốc), để trở thành một tỉnh giầu mạnh, xứng đáng với tiềm năng của mình, Tuyên Quang phải phát huy mọi thế mạnh, chuyển sức mạnh của truyền thống thành sức mạnh của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khó khăn lớn nhất của Tuyên Quang là kinh tế còn nghèo, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; các thế lực thù địch ra sức chống phá với nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc. Mặt khác, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, tác động xấu đến đời sống, phong tục, tập quán của một bộ phận nhân dân. Trình độ, năng lực của một số cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; nhiều tệ nạn xã hội chưa được khắc phục; tình hình di cư tự do, truyền đạo trái pháp luật vẫn diễn ra ở một số địa phương. Bên cạnh đó, thiên tai, lũ lụt diễn ra thường xuyên, gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân...
Trước tình hình đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy và Uỷ ban nhân dân Tỉnh đề ra những chủ trương, giải pháp kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố QP-AN trong chiến lược phát triển KT-XH. Tỉnh có một quy hoạch tổng thể, trên cơ sở đó các cấp, các ngành thực hiện phân vùng kinh tế, bố trí lực lượng lao động, xây dựng các ngành kinh tế-kỹ thuật, nhằm tạo ra thế bố trí chiến lược chung thống nhất trong khu vực phòng thủ (KVPT). Các chủ trương, kế hoạch xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, các nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư, cụm du lịch... đều có tính đến sự kết hợp thực hiện mục tiêu KT-XH với bảo đảm QP-AN trong KVPT, nhất là việc giải quyết các vấn đề hậu cần-kỹ thuật cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP). Trên địa bàn toàn Tỉnh cũng như ở các huyện, thị xã, quá trình xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) luôn gắn chặt với thế trận an ninh nhân dân (ANND), nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Các công trình quốc phòng trên địa bàn thường xuyên được củng cố; quyết tâm chiến đấu và các văn kiện khác thường xuyên được điều chỉnh, hoàn thiện. Kế hoạch tác chiến phòng thủ cơ bản được xây dựng theo phương án gắn chặt quốc phòng với an ninh. Kế hoạch sẵn sàng chiến đấu, bố trí lực lượng thường xuyên được bổ sung phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời, luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác của Bộ, Quân khu đứng chân trên địa bàn để vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương, vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Nhờ đó, kinh tế phát triển, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; đời sống nhân dân các dân tộc Tuyên Quang hiện nay đã được cải thiện rõ rệt: 96,3% thôn, bản có đường ô tô; 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia; 143/145 xã, phường, thị trấn có trạm y tế; tỷ lệ hộ đói nghèo chỉ còn 27,77%; toàn Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, riêng thị xã Tuyên Quang đạt chuẩn phổ cập trung học phổ thông năm 2004.
Công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho học sinh, sinh viên, cán bộ các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân rất được coi trọng. BCHQS Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan quân sự địa phương tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền xây dựng chương trình, nội dung, hình thức giáo dục quốc phòng (GDQP) cho học sinh, sinh viên và bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ cơ quan, đoàn thể các cấp, các ngành. Hội đồng GDQP Tỉnh và Hội đồng GDQP của 6/6 huyện, thị xã đã được thành lập, hoạt động ngày càng nền nếp. Trong 5 năm gần đây, BCHQS Tỉnh đã  phối hợp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 15.214 lượt cán bộ từ Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng bản trở lên. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, tham gia học tập môn GDQP đạt 96,3%; trong đó có 50% số trường đã tự giảng dạy được môn GDQP...Nhờ công tác GDQP trên địa bàn được đẩy mạnh và có nền nếp, nên nhận thức và tổ chức thực hiện nhiệm vụ QS,QP bảo vệ Tổ quốc của cấp ủy, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân đã có chuyển biến tích cực.
Xây dựng cơ sở chính trị xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện, theo hướng an toàn, làm chủ, sẵn sàng chiến đấu cao là một nhiệm vụ hết sức cơ bản ở Tuyên Quang hiện nay. Cơ quan quân sự các cấp đã luôn chú trọng tham mưu cho cấp ủy và chính quyền các chủ trương, biện pháp tiến hành công tác tư tưởng, tổ chức phù hợp với từng đối tượng. Đã chú trọng bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những kiến thức về quản lý kinh tế, luật pháp, QP-AN; tăng cường quán triệt các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN ở miền núi; các nội dung về nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng KVPT; công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo... mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra. Đến nay, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở 100% xã, phường trong Tỉnh đã được củng cố và hoạt động có hiệu quả. Một số nơi trước đây có việc truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do diễn biễn phức tạp, nay đã được khắc phục và giải quyết tốt hơn. BCHQS Tỉnh phối hợp với các ban, ngành tổ chức nhiều chương trình hoạt động giữa LLVT Tỉnh với các đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, nhất là với Công an, Biên phòng, Mặt trận Tổ quốc để nắm chắc tình hình ở cơ sở, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh. Đặc biệt, công tác vận động quần chúng được chú ý đổi mới và tăng cường, có tác dụng nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở, động viên nhân dân các dân tộc hăng hái thi đua lao động sản xuất, định canh, định cư, ổn định cuộc sống. Ngoài hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, 5 năm qua LLVT tỉnh tổ chức 78 tổ, đội công tác liên ngành  xuống 85 cơ sở; đồng thời, tổ chức 18 đợt với 748 lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân dã ngoại kết hợp với làm công tác dân vận, và huy động 25.112 lượt dân quân, tự vệ (DQTV) tham gia các hoạt động dân vận tại địa phương; xây dựng cơ sở chính trị tại 32 xã khó khăn; tham gia 24.000 ngày công giúp dân di chuyển khỏi khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đến nơi ở tái định cư mới; tiến hành tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phòng chống dịch bệnh...; cử  cán bộ xuống 7 xã trọng điểm, góp phần cùng địa phương xây dựng cơ sở từ trung bình và yếu vươn lên khá, vững mạnh toàn diện.  
Tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp và trình độ sẵn sàng chiến đấu của LLVT,  thực sự xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tin cậy của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang là nhiệm vụ hết sức quan trọng, bởi LLVT là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ QS,QP trên địa bàn. BCHQS Tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác nắm chắc tình hình, phối hợp bảo đảm an toàn địa bàn trong mọi tình huống. Các huyện, thị xã, các đơn vị đều đã xây dựng phương án chiến đấu, kế hoạch phòng thủ bảo vệ địa phương, kế hoạch cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy nổ, cháy rừng sát với thực tế; đồng thời, thường xuyên diễn tập, bổ sung, hoàn thiện các phương án đó... Công tác huấn luyện đã chú trọng làm tốt các khâu chuẩn bị, xây dựng kế hoạch, tập huấn cán bộ, chuẩn bị thao trường, chọn đối tượng sát, đúng thực tế; coi trọng tất cả các nội dung huấn luyện, trong đó chú ý giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, làm cơ sở để xây dựng bản lĩnh chính trị, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sỹ. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tổ chức, biên chế, xây dựng lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Lực lượng DQTV được xây dựng, củng cố đạt 1,71% so với dân số, trong đó đảng viên là 17,43%; các xã, phường đội trưởng, chỉ huy trưởng tự vệ đều là đảng viên, có 78,6% tham gia cấp ủy cùng cấp. Hiện nay, toàn Tỉnh có 45/45 đầu mối xếp đủ đơn vị dự bị động viên (DBĐV), đăng ký, quản lý 47.595 quân nhân dự bị, tỷ lệ đảng viên đạt 15%; hằng năm thực hiện chặt chẽ công tác phúc tra, đăng ký, lựa chọn, bổ túc, miễm nhiệm, giải ngạch theo đúng pháp lệnh, từng bước nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Công tác tuyển quân hằng năm đảm bảo 100% chỉ tiêu thanh niên nhập ngũ, gắn chặt với tạo nguồn DBĐV và tạo nguồn cán bộ cơ sở, tuyển sinh quân sự. Kế hoạch huấn luyện được thực hiện nghiêm túc, quân số thường trực tham gia huấn luyện đạt 98,7%; 100% cơ sở DQTV được huấn luyện, quân số đạt 97,3%; huy động trên 9000 lượt quân DBĐV, đạt 91,7%; chất lượng huấn luyện các lực lượng này đạt khá. Qua huấn luyện, năng lực chỉ huy, trình độ kỹ thuật, chiến thuật, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ và khả năng hợp đồng tác chiến và chiến đấu của các đơn vị được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong mọi tình huống...
 60 năm qua (17-4-1947 đến 17-4-2007), dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc, che chở của nhân dân, sự giúp đỡ, phối hợp của các đơn vị bạn, LLVT Tỉnh Tuyên Quang đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, lập được nhiều chiến công góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, tô thắm thêm truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và truyền thống quê hương Tân Trào lịch sử. Với những thành tích đã đạt được, LLVT Tỉnh và 13 tập thể, 4 cán bộ, chiến sĩ đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Phát huy truyền thống anh hùng, LLVT Tuyên Quang quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại tá Tiêu Xuân Hồng
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy
Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)