QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:03 (GMT+7)
Phát huy truyền thống 60 năm của một đơn vị anh hùng, Học viện Lục quân phấn đấu thực hiện tốt mọi nhiệm vụ

Ngày 7-7-1946, lớp huấn luyện bổ túc cán bộ đầu tiên của quân đội ta khai giảng tại Tông (Sơn Tây) thuộc tỉnh Hà Tây ngày nay đã đánh dấu sự ra đời của Học viện Lục quân.

Là một nhà trường được hình thành sớm trong hệ thống nhà trường Quân đội, 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, được sự thương yêu, đùm bọc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương nơi Học viện đóng quân, sự đoàn kết giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị bạn và sự phấn đấu nỗ lực của lớp lớp cán bộ, giảng viên, công nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ, Học viện Lục quân đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho.
Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, từ lớp bổ túc cán bộ đầu tiên những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đến Trường bổ túc Quân chính trung cấp và Học viện Lục quân ngày nay là những bước phát triển vững chắc của Học viện Lục quân. Gắn liền với quá trình phát triển của cách mạng, sự nghiệp xây dựng và chiến đấu của Quân đội trong 60 năm qua, Học viện đã nhiều lần thay đổi tên gọi, dù điều kiện thời bình hay thời chiến, đóng quân tập trung hay phân tán, Học viện vẫn luôn kiên định, không ngừng phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục- đào tạo, khẳng định vị trí quan trọng trong hệ thống nhà trường Quân đội, góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân sự cho toàn quân.
Trải qua 60 năm, Học viện Lục quân đã đào tạo gần 300 khóa học với hơn 33.000 cán bộ chỉ huy tham mưu - binh chủng hợp thành, cán bộ quân sự địa phương cấp huyện (quận), tỉnh (thành), cán bộ các chuyên ngành, giảng viên chiến thuật và hàng trăm Tiến sĩ, Thạc sĩ cho Quân đội ta và Quân đội nước bạn Lào, Cam-pu-chia.
Đội ngũ cán bộ đào tạo tại Học viện qua các thời kỳ có mặt ở các chiến trường, trên nhiều lĩnh vực công tác đã hoàn thành tốt cương vị, chức trách được giao. Trong số đó nhiều đồng chí đã lập nhiều chiến công xuất sắc, trở thành cán bộ cao cấp, tướng lĩnh, đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Với lực lượng ban đầu chỉ có 5 giáo viên (số lượng học viên khóa đầu tiên chưa tới 100 đồng chí, gồm cán bộ quân sự và chính trị cấp trung đội, đại đội), hoàn toàn bỡ ngỡ với cương vị làm thầy, những trang giáo án tuy còn nhiều hạn chế, song chứa đựng lòng nhiệt huyết cách mạng và kinh nghiệm thực tiễn của cuộc cách mạng Tháng Tám, đến nay Học viện Lục quân đã có 100% cán bộ, giảng viên có trình độ đại học trở lên, trong đó đội ngũ cán bộ toàn Học viện có 43,74% trình độ sau đại học; riêng giảng viên là 56,65%, đội ngũ cán bộ đã qua chiến đấu, phục vụ chiến đấu chiếm tỉ lệ 51,9; trong đó có 25 đồng chí được Nhà nước phong hàm Giáo sư, Phó giáo sư; 02 đồng chí được tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", 14 đồng chí được tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú".
Hơn nửa thế kỷ qua, Học viện Lục quân đã nhiều lần thay đổi địa điểm đóng quân, dù ở đâu Học viện cũng luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương hết lòng ủng hộ, tạo điều kiện, giúp đỡ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 2 năm 1976, Học viện chuyển vào đóng quân tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. 39 năm qua, học viện đã không ngừng củng cố, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, làm tốt công tác truy quét bọn tàn quân Phun-rô (1976-1978), tham gia phá các tổ chức phản động, bảo vệ an ninh Thành phố, đồng thời luôn làm tốt công tác dân vận, bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả. Vận động cán bộ, chiến sĩ quyên góp ủng hộ hàng trăm triệu đồng, xây dựng bốn nhà tình nghĩa, phụng dưỡng suốt đời 3 mẹ Việt Nam anh hùng, tham gia phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị ở vùng sâu, vùng xa: xã Ninh Gia, Phú Hội (huyện Đức Trọng), xã Đachays (huyện Lạc Dương)... Chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương xây dựng các phương án sẵn sàng chiến đấu, kịp thời xử lý các tình huống phức tạp xảy ra. Ghi nhận những thành tích, công lao của đơn vị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã tặng Học viện bức trướng với dòng chữ "Đoàn kết keo sơn, nghĩa tình trọn vẹn".
Với những thành tích trong công tác giáo dục- đào tạo và nghiên cứu khoa học quân sự, Học viện đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý; bốn lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, bốn lần được Chủ tịch nước gửi tặng lẵng hoa. Năm 2001, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống, Học viện Lục quân vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", tô thắm thêm truyền thống của Học viện "Kiên định vững vàng, khắc phục khó khăn, đoàn kết nhất trí, chủ động sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ".
Trong những năm tới, cách mạng nước ta đang đứng trước những thời cơ lớn và những khó khăn, thách thức mới. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, "phi chính trị hóa" quân đội, làm mất ổn định chính trị- xã hội để tạo cớ can thiệp vũ trang.
Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ của Học viện phải quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ VIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện lần thứ X, nhiệm kỳ 2005-2010. Trước mắt tập trung xây dựng các tổ chức Đảng, cấp ủy, chi bộ và toàn Đảng bộ luôn trong sạch, vững mạnh. Đầu tư chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan có chuyên môn tốt, đảm bảo tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy Học viện ở các nhiệm vụ. Xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, bồi dưỡng về chất lượng chuyên môn trong sư phạm gắn với học tập thực tế chỉ  huy ở các đơn vị và năng lực nghiên cứu khoa học đi đôi với tích cực đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, nâng cấp các trang thiết bị giảng dạy phù hợp với chương trình mới và các đối tượng học tập. (Hiện nay Học viện đã có hệ thống giảng đường, sở chỉ huy diễn tập, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục- đào tạo, nơi ăn ở, làm việc tương đối khang trang). Thường xuyên chăm lo tới đời sống vật chất, tinh thần, nơi sinh hoạt, công tác để mọi người yên tâm gắn bó hơn nữa với Học viện, đồng thời mở rộng giao lưu hợp tác với các nhà trường trong và ngoài Quân đội, đoàn kết với lãnh đạo, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn đóng quân của Học viện, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị ở địa phương.
Học viện Lục quân hiện nay là nơi tập trung đội ngũ cán bộ, giảng viên có phẩm chất tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, được đào tạo cơ bản, có kiến thức, tri thức quân sự sâu rộng, tâm huyết với nghề nghiệp; nhiều đồng chí đã trải nghiệm qua thực tiễn chiến đấu, phục vụ chiến đấu, không những hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy mà còn có khả năng nghiên cứu khoa học quân sự. Chất lượng học viên về học tập và rèn luyện ở Học viện là những đồng chí đã qua chỉ huy ở cấp tiểu đoàn, trung đoàn, chỉ huy quận, huyện...; có quân hàm thường từ cấp thiếu tá tới đại tá, được tuyển chọn theo đúng quy định của Bộ. Hệ thống giáo trình, bài giảng, tài liệu được biên soạn công phu là kết tinh của trí tuệ tập thể đội ngũ cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đã qua.
Đi đôi với công tác giáo dục-đào tạo, Học viện rất chú trọng thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học quân sự; luôn xứng đáng là một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp quân sự, đồng thời là một trung tâm nghiên cứu khoa học quân sự của quân đội ta. Học viện xác định phương hướng nghiên cứu khoa học trong Học viện trước hết phục vụ nâng cao chất lượng huấn luyện. Từ khi còn là lớp bổ túc, chương trình, nội dung huấn luyện còn đơn giản, đến sau này huấn luyện cơ bản cho nhiều chuyên ngành, Học viện đã biên soạn tài liệu bảo đảm đủ cho yêu cầu huấn luyện. Đến nay hệ thống chương trình kế hoạch, tài liệu, giáo khoa, giáo trình, bài giảng, bài tập tưởng định của Học viện đã tương đối hoàn chỉnh và được các học viện, nhà trường, đơn vị trong toàn quân nghiên cứu vận dụng. Cán bộ, giảng viên của Học viện đã nhiều lần được Bộ giao nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề chiến thuật, chiến dịch, viết điều lệnh chiến đấu... đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn cách mạng.
Công tác nghiên cứu khoa học đã hoàn thành nhiều đề tài cấp Học viện và cấp Bộ, được Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng đánh giá đạt chất lượng tốt.
Trong những năm tháng gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, nhiều đoàn cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện đã đi thực tế chiến trường, nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm và trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Trong số đó không ít đồng chí đã hy sinh anh dũng hoặc đã để lại một phần xương máu của mình ở chiến trường. Điều đó khẳng định Học viện Lục quân luôn gắn liền với chiến trường và đơn vị, lấy yêu cầu của chiến trường, đơn vị là mục tiêu giáo dục-đào tạo.
Ngày nay, trước sự phát triển nhanh của khoa học - công nghệ cao được ứng dụng vào lĩnh vực quân sự, quốc phòng dẫn đến nhiều nước có sự phát triển mới về biên chế tổ chức quân sự - quốc phòng, phương thức tiến hành chiến tranh, Học viện luôn chú trọng nghiên cứu các tưởng định, tài liệu, tổng kết nghiên cứu chiến lược, các tài liệu nghiên cứu về địch, các tài liệu chiến thuật từ cấp tiểu đoàn đến cấp sư đoàn; tổng kết kinh nghiệm chiến dịch trong hai cuộc chiến tranh giải phóng... Từ đó hoàn thiện nâng cao lý luận nghệ thuật quân sự cấp chiến thuật, xây dựng các tưởng định luyện tập phù hợp với yêu cầu tác chiến trong chiến tranh tương lai, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ chỉ huy tham mưu cấp trung đoàn, sư đoàn, quận (huyện), tỉnh (thành) hoàn thành được nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và đánh thắng kẻ thù khi có chiến tranh xảy ra.
Tự hào với truyền thống 60 năm vẻ vang của Học viện Lục quân anh hùng, mỗi cán bộ, giảng viên, công nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ ra sức thi đua, phấn đấu xây dựng Học viện chính quy, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục- đào tạo và nghiên cứu khoa học, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta.
 
Trung tướng, PGS, TS. Đào Văn Lợi
Giám đốc Học viện Lục quân
 

Ý kiến bạn đọc (0)