Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:28 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Biến tiềm năng sáng tạo và tinh thần yêu nước của nhân dân thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua phong trào “Thi đua ái quốc” là tư tưởng chủ đạo trong phương pháp vận động cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước.
Xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lê-nin: tinh thần (ý thức) có thể trở thành lực lượng vật chất khi thâm nhập vào quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phát động phong trào “ Thi đua ái quốc” một cách sâu rộng, liên tục trong tất cả các ngành, các giới; qua đó, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và động viên quần chúng tự giác tham gia công tác cách mạng. Do đó, trong “ Lời kêu gọi thi đua ái quốc” ra ngày 1-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “ Mục đích của thi đua ái quốc là:
Diệt giặc đói,
Diệt giặc dốt;
Diệt giặc ngoại xâm.
Cách làm là: dựa vào: Lực lượng của dân,
Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân.
Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì đều phải thi đua nhau...”1.
Lời huấn thị nêu trên cho thấy, Hồ Chí Minh tin tưởng sâu sắc vào lòng yêu nước, thương nòi, vào ý thức cộng đồng của người Việt Nam và đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua phong trào thi đua yêu nước; lấy thi đua yêu nước làm động lực để thực hiện chiến lược của chiến lược cách mạng là: “ Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”. Đa phần người dân Việt Nam, các thành phần dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam - dù thuộc tầng lớp nào, đẳng cấp nào, đảng phái nào, tôn giáo nào, ở miền xuôi hay miền ngược, ở trong nước hay ở nước ngoài, nam nữ, già trẻ - đều có một điểm chung là yêu nước; và thi đua yêu nước là để đi tới điểm chung ấy. Chính vì vậy, lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận được sự hưởng ứng rộng khắp của các tầng lớp nhân dân; phong trào thi đua yêu nước được dấy lên sôi nổi và mạnh mẽ trên khắp đất nước. Ngoài chiến trường, các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương, nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất, ủng hộ kháng chiến. Khẩu hiệu : “ Nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua; ta nhất định thắng, địch nhất định thua” đã trở thành khẩu hiệu hành động của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn.
Nhìn lại thời kỳ những năm đầu thập kỷ sáu mươi (thế kỷ XX), khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ta ra Nghị quyết về “ Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước” (26-1-1961), hàng loạt cuộc phát động hưởng ứng thi đua của các ngành, các giới đã diễn ra. Mở đầu, phong trào thi đua trong nông nghiệp với lá cờ đầu là hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình); trong công nghiệp là nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng); cùng với đó là phong trào thi đua “ Ba Nhất” trong quân đội (bắt đầu từ tháng 8-1960). Thi đua với nông dân, công nhân và bộ đội, hàng triệu thày, cô giáo và học sinh hăng hái hưởng ứng cuộc vận động “ Hai tốt” (dạy tốt, học tốt) theo tấm gương trường Bắc Lý ( Hà Nam)... Khi ấy, tất cả các ngành, các địa phương đều xây dựng được những điển hình, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu. “Gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, cờ Ba Nhất, trống Bắc Lý” một thời đã lôi cuốn, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia lao động sản xuất, học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong dịp đầu năm mới 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư động viên nhân dân với vần thơ: “Cả miền Bắc thi đua phấn khởi/ Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong”. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược trên cả hai miền Nam Bắc, để động viên nhân dân dồn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định : “Lúc này, chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người dân Việt Nam yêu nước”. Người kêu gọi quân và dân miền Bắc: “ Hãy đẩy mạnh phong trào thi đua “ Mỗi người làm việc bằng hai”, kiên quyết vượt mọi khó khăn, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam”2. Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên phong trào “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, vừa chiến đấu, xây dựng và bảo vệ miền Bắc; đồng thời, kiên quyết chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thể hiện tập trung nhất tinh thần yêu nước là phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên và “Ba đảm đang” trong phụ nữ. Đồng chí Trường Chinh đã đánh giá: “Phong trào “Ba sẵn sàng” đã thực sự là một phong trào cách mạng rộng lớn của quần chúng thanh niên, là chiến trường lập công của tuổi trẻ, là trường học bồi dưỡng một thế hệ thanh niên anh hùng của dân tộc anh hùng”3.Về phong trào “Ba đảm đang”, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Với phong trào “Ba đảm đang” một phong trào cách mạng sôi nổi, đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp bách của kháng chiến, chị em phụ nữ đã gánh vác một nhiệm vụ vô cùng trọng đại là xây dựng và củng cố hậu phương lớn XHCN, thường xuyên tạo cho tiền tuyến một sức mạnh vật chất và nguồn động viên tinh thần vô giá”4. Như vậy, bằng phương pháp vận động quần chúng tham gia các phong trào “Thi đua ái quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người Việt Nam, từ trẻ đến già, từ miền xuôi đến miền ngược, kết thành một khối vững chắc thi đua đóng góp công sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn cho thấy, các phong trào thi đua đã mang lại hiệu quả vô cùng to lớn; chính nhờ những phong trào “Thi đua ái quốc” mà tinh thần và ý chí Việt Nam được nâng lên thành sức mạnh, thành lực lượng vật chất để chiến thắng kẻ thù xâm lược và giành những thành tựu vẻ vang trong xây dựng đất nước.
Nhìn lại ý nghĩa lịch sử của các phong trào thi đua yêu nước, trong tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hiện nay, Đảng ta chủ trương tiếp tục khơi dậy các phong trào thi đua với nội dung và hình thức mới phù hợp điều kiện và hoàn cảnh mới. Để phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm hoàn thành sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, phấn đấu thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, phong trào thi đua yêu nước cần được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, có chiều sâu, nhằm động viên các ngành, các giới, các địa phương cùng mọi tầng lớp nhân dân cả nước tham gia. Trong thi đua, phải lấy đại đoàn kết toàn dân tộc làm mục tiêu chung, làm điểm tương đồng; đồng thời, chấp nhận các điểm khác nhau, không trái với lợi ích chung của cả dân tộc. Khuyến khích, vận động nhân dân dấy lên phong trào người người, nhà nhà và cả nước cùng khởi động, cùng phấn đấu xóa đói, giảm nghèo, thoát cảnh lạc hậu. Người đói phải vươn lên đủ ăn, người đủ ăn phải phấn đấu trở nên giàu có, người giàu phải giàu hơn nữa. Vận động nhân dân thi đua thực hiện tốt các chính sách xã hội theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tích cực tham gia các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói, giảm nghèo”, nhân đạo, từ thiện, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, tham gia công tác ngoại giao nhân dân. Hơn bao giờ hết, mỗi người chúng ta, từ cán bộ lãnh đạo đến người dân lao động, càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Để đảm bảo phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: một là, cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là, kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần và quyết tâm 30 phần”5. Tức là, muốn thi đua có kết quả, thì ngoài công tác tuyên truyền cho mọi người hưởng ứng, cán bộ còn phải đi sâu, đi sát phong trào, kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn và đặc biệt là phải quyết tâm thực hiện mục tiêu để giành thắng lợi. Cũng đừng biến thi đua thành “ganh đua” thuần túy, mà “thi đua” phải thực sự là hình thức tổ chức để thu hút, lôi kéo quần chúng tham gia, đoàn kết và cùng nhau tiến bộ. Bởi vậy, đối với từng đối tượng phải biết tổ chức nội dung sao cho phù hợp, không câu nệ, phô trương, hình thức. Coi trọng phương pháp vận động quần chúng thông qua các phong trào thi đua yêu nước, Hồ Chí Minh đã kịch liệt phê phán tư tưởng khoa trương “phát” mà không “động”, hoặc lối làm việc kiểu “đánh trống, bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột”. Người yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành khi phát động thi đua thì phải tổ chức tuyên truyền, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và có tổng kết, đánh giá kết quả từng đợt thi đua. Có như vậy, việc phát động thi đua mới có ý nghĩa, mới tìm ra được những cá nhân tích cực, gương mẫu, những tập thể biết đoàn kết, khắc phục khó khăn để trở thành điển hình tiên tiến; đồng thời, cũng chỉ ra được những cá nhân thiếu tích cực, những tập thể yếu kém, làm ăn không hiệu quả, từ đó có biện pháp khắc phục. Để thực hiện thi đua có hiệu quả, không nặng về hình thức, từng ngành, từng địa phương, đơn vị cần thực hiện đúng tinh thần thi đua mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: tùy theo điều kiện, mục tiêu, nhiệm vụ của mình mà tổ chức phát động phong trào thi đua, đề ra các chỉ tiêu, nội dung, hình thức thi đua thích hợp. Cùng với đó, phải kịp thời tổng kết, biểu dương những điển hình tiên tiến, đề cao những gương “người tốt, việc tốt” trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, có hình thức khen thưởng xứng đáng với những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc.
Thời gian qua, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ta phát động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân và đưa lại kết quả hết sức to lớn trên các lĩnh vực. Thực tế ấy chứng minh, thi đua yêu nước không bao giờ là lỗi thời, là hình thức, nếu chúng ta biết vận dụng đúng tư tưởng Hồ Chí Minh: mục đích thiết thực, phù hợp, cán bộ chỉ đạo theo dõi sâu sát, động viên kịp thời, hiệu quả cụ thể gắn với lợi ích nhân dân. Duy trì phong trào thi đua yêu nước trên cơ sở luôn luôn tìm tòi, đổi mới hình thức, thì nội dung thi đua sẽ là chất keo đoàn kết giúp chúng ta tiếp tục huy động được nhiều hơn tiềm năng trí tuệ và sức lực của hết thảy các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
ThS. Nguyễn Bích Hạnh
Học viện CT- HCQG Hồ Chí Minh
___________
1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H.1996, Tập 5, tr. 444.
2- Hồ Chí Minh- Về nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước- Nxb ST, H.1967, tr 57, 58.
3- Lời phát biểu của đồng chí Trường Chinh tại Đại hội “ Ba sẵn sàng” toàn miền Bắc (5-1973), Báo Tiền phong, ra ngày 11-5-1973.
4- Lời phát biểu của đồng chí Lê Duẩn tại Đại hội phụ nữ Việt Nam lần thứ IV , Báo Phụ nữ Việt Nam, ra ngày 8-4-1974.
5- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H. Tập 11, tr .338.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011