QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 22:28 (GMT+7)
Phát huy giá trị của văn hoá quân sự trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Văn hoá quân sự (VHQS) là một di sản quý báu trong truyền thống  giữ nước của dân tộc ta. Việc phát huy giá trị của VHQS trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay có một ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh bảo vệ Tổ quốc bằng phương thức phi vũ trang ngày càng giữ vai trò nổi bật.

  

Văn hoá nói chung, VHQS nói riêng, có sức mạnh vô cùng lớn và là một trong những nhân tố quyết định sự tồn tại, phát triển đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của mình, dân tộc ta đã lập nên những chiến công hiển hách: đánh bại các đạo quân xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn hơn mình gấp nhiều lần. Sức mạnh quật cường đó của dân tộc ta được kết tinh từ lòng yêu nước, tính chất chính nghĩa, tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng, và từ truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm của các thế hệ người Việt Nam...; trong đó, cái cốt lõi và bao trùm là bề dày văn hóa trong truyền thống quân sự-VHQS của dân tộc Việt Nam. Trong mỗi thời kỳ lịch sử, VHQS có nét độc đáo riêng và không phải lúc nào cũng hiển lộ nhưng luôn tiềm ẩn bên trong cộng đồng các dân tộc, cũng như trong mỗi con người Việt Nam. Nó luôn vận động và phát triển theo tiến trình của lịch sử. Do đó, khi được khơi dậy, VHQS sẽ tạo thành sức mạnh to lớn cuốn trôi bè lũ bán nước và kẻ xâm lược.

Hiện nay và trong thời gian tới, tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đất nước ta đứng trước vận hội để phát triển, nhưng cũng có những thách thức, nguy cơ, nhất là các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hoà bình” (DBHB) với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, việc phát huy giá trị của VHQS là vấn đề có ý nghĩa chiến lược cả trước mắt và lâu dài. Bài viết này đề cập một số nội dung chủ yếu nhằm tiếp tục phát huy giá trị của VHQS trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là:

1. Phát huy nhân tố VHQS trong việc nâng cao nhận thức về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo tư duy mới của Đảng, mục tiêu bảo vệ Tổ quốc hiện nay không chỉ là bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ về mặt tự nhiên-lịch sử, mà còn phải bảo vệ Tổ quốc về mặt chính trị-xã hội. Đó là bảo vệ Đảng và chế độ XHCN, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ nền văn hoá. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc hiện nay không phải chỉ là sức mạnh của lực lượng vũ trang, mà là sức mạnh tổng hợp của quốc gia và chế độ; được xây dựng bằng mọi nguồn lực của đất nước và con người Việt Nam; là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, sức mạnh của nội lực kết hợp với ngoại lực. Điều đáng chú ý là phương thức bảo vệ Tổ quốc hiện nay cũng đã có sự nhận thức mới. Vấn đề bảo vệ Tổ quốc bằng phương thức phi vũ trang ngày càng nổi bật, nhất là khi các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược DBHB nhằm lật đổ chế độ XHCN ở nước ta. Nghiên cứu, xem xét chiến lược DBHB từ góc độ văn hóa, chúng ta dễ dàng nhận thấy đây là một chiến lược hết sức nguy hiểm, bởi nó sử dụng phương thức “phi vũ trang” là chủ yếu, hòng bằng “sức mạnh mềm” (thông qua các hoạt động giao lưu văn hoá, viện trợ kinh tế, liên doanh, liên kết) để len lỏi vào từng lĩnh vực đời sống xã hội, từng bước thẩm thấu vào tư tưởng, nhận thức của mọi người; từ đó, làm chuyển hoá quan niệm của cả hệ thống chính trị về hệ giá trị tư tưởng chính trị-văn hoá dân tộc, từng bước đưa hệ giá trị văn hoá phương Tây vào đời sống xã hội của nhân dân ta. Với thủ đoạn “mưa dầm thấm lâu”, chiến lược DBHB hi vọng sẽ làm thay đổi quan điểm và tư duy giữ nước truyền thống đã được xác lập và ổn định trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Do vậy, trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhiệm vụ quan trọng việc phát huy giá trị của VHQS là phải góp phần tích cực vào các hoạt động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá trong chiến lược DBHB của các thế lực thù địch. Cùng với đó, phải tham gia làm rõ bản chất và nội dung các mối quan hệ: giữa xây dựng với bảo vệ Tổ quốc; giữa bảo vệ độc lập dân tộc với bảo vệ chế độ XHCN; giữa bảo vệ đất nước với bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ hệ thống chính trị, bảo vệ văn hoá; giữa chống giặc ngoài với chống thù trong; giữa phát triển kinh tế với ổn định chính trị; giữa làm giàu với đánh thắng. Ở đây, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước luôn là nhân tố văn hoá quan trọng hàng đầu, mang tính quyết định nhất để xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Trong thực tiễn, sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đóng vai trò là những chủ thể chính trị của VHQS. Mặt khác, Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, nên luôn giữ vai trò quyết định tới mọi quá trình phát triển của VHQS Việt Nam. Vai trò quyết định này được thể hiện thông qua việc Đảng định ra đường lối bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đường lối xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân và đường lối chiến tranh nhân dân trong tình hình mới để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện.

2. Phát huy vai trò của VHQS trong giáo dục tinh thần yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Lòng yêu nước là phẩm chất hàng đầu mang tính truyền thống của con người Việt Nam, được hun đúc, một phần thông qua tác động giáo dục của VHQS. Trong lịch sử, những câu thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” đã góp phần khích lệ lòng yêu nước của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Tống; tuyên bố của Quang Trung-Nguyễn Huệ trước lúc xuất quân đại phá quân Thanh: “Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho trích luân bất phản/Đánh cho phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”… đã khẳng định tính tự tôn dân tộc; hay hai tiếng “đồng bào” được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng thường xuyên, đã chứa đựng một tố chất văn hoá sâu nặng như một “vũ khí” sắc bén, một “sức mạnh mềm” trong suốt quá trình cách mạng. Bởi vậy, VHQS có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ ở mọi thời kì. Trong tình hình hiện nay, để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược (xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN) lại càng cần phải phát huy giá trị VHQS; trong đó, việc phát huy giá trị VHQS phải hướng vào bồi đắp lòng yêu nước, yêu CNXH, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhưng, để làm tốt điều đó, thật không hề dễ, nhất là trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế… Vì thế, trong quá trình thực hiện, cần phải đổi mới cả về nội dung, hình thức, giáo dục sao cho phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể,… Điều quan trọng nữa là phải có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, cơ sở; trong đó, ngành văn hoá, giáo dục đóng vai trò nòng cốt. Xét đến cùng, mục tiêu của việc phát huy giá trị VHQS là nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN. Do đó, việc phát huy vai trò của VHQS trong giáo dục tinh thần yêu nước hiện nay cần tập trung vào giáo dục truyền thống quân sự, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, đoàn kết chống kẻ thù xâm lược… Hình thức và biện pháp giáo dục phải phong phú, đa dạng: thông qua hệ thống nhà trường, phương tiện truyền thông, các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội và lồng ghép với các hoạt động, như: tổ chức tham quan các di tích lịch sử, bảo tàng; các lễ hội văn hoá hướng về cội nguồn, các ngày kỉ niệm lớn của dân tộc, của quân đội. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, việc phát huy giá trị VHQS mà trực tiếp là giáo dục truyền thống yêu nước phải góp phần làm thất bại chiến lược DBHB, nhất là âm mưu chia rẽ các dân tộc Việt Nam của các thế lực thù địch. Qua đó, không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, xây dựng “thế trận lòng dân”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

3. Giữ gìn và phát huy giá trị VHQS trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Một trong những nét văn hoá độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc là kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương điển hình trong việc sử dụng VHQS để đấu tranh ngoại giao bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước. Phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Người như “ngọn đèn pha” soi rọi trên mặt trận ngoại giao trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong các cuộc đàm phán với đối phương, VHQS Việt Nam đã tỏa sáng bằng việc kết hợp chặt chẽ, đúng đắn giữa ý chí kiên cường, bất khuất với nhãn quan nhìn xa thấy rộng và tinh thần yêu nước sâu sắc, yêu hòa bình cao cả. Bằng sức mạnh văn hoá, chúng ta đã tạo được sự đồng thuận, đoàn kết, ủng hộ rộng rãi trong các mối quan hệ quốc tế. Do đó, sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều quốc gia, dân tộc, của nhiều tổ chức quốc tế và của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng hiện nay, hợp tác và đấu tranh, đấu tranh để hợp tác luôn có sự đan xen, nên nhiệm vụ đối phó với chiến lược DBHB (có sự phát triển cả về tính chất, quy mô trên tất cả các lĩnh vực) đặt ra với yêu cầu mới cao hơn, phức tạp hơn. Vì vậy, nhiệm vụ phát huy vai trò của VHQS đòi hỏi phải: xác định rõ đối tác, đối tượng trong các thời điểm, hoàn cảnh khác nhau; chăm lo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; kiên trì giữ vững nguyên tắc độc lập dân tộc và CNXH trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước về lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Thực hiện tốt những nhiệm vụ trên là góp phần trực tiếp xây dựng các tuyến phòng thủ an ninh, chính trị, “bảo vệ Tổ quốc từ xa”, phòng chống có hiệu quả mưu đồ, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, giữ vững sự ổn định chính trị và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện CNH, HĐH đất nước. Cũng cần nhận thức rõ xu hướng chung của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới hiện nay là hòa bình, hợp tác và phát triển; giải quyết xung đột, bất đồng thông qua đối thoại, đàm phán hoà bình làm chính. Xu thế đó hoàn toàn phù hợp với dòng chảy văn hoá của dân tộc Việt Nam-một dân tộc yêu chuộng hoà bình và luôn có một ước nguyện chính đáng là muôn đời “tắt lửa chiến tranh”.

 VHQS Việt Nam được kết tinh từ lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc với bao giá trị đặc sắc, là một trong những nội dung cốt lõi tạo nên sức mạnh văn hoá, tinh thần của người Việt Nam; đồng thời, là đầu mối gắn kết mỗi người Việt Nam yêu nước, khơi dậy mạch nguồn của trí tuệ, tư tưởng, tình cảm và ý chí Việt Nam. Không những thế, nó còn là chìa khoá để giải mã sức sống trường tồn của dân tộc. Do vậy, nhiệm vụ của chúng ta ngày nay là phải tiếp tục phát huy những giá trị trong VHQS Việt Nam vào thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thượng tá, ThS. DƯƠNG QUANG HIỂN

Học viện Chính trị

 

Ý kiến bạn đọc (0)