QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 01:12 (GMT+7)
Phát huy bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, phấn đấu cho một thế giới hoà bình, hợp tác và phát triển
Ngày 16 tháng 10 vừa qua, với tỷ lệ phiếu ủng hộ rất cao: 183 trong tổng số 190 nước tham gia bỏ phiếu, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã bầu Việt Nam làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 (cùng với Việt Nam còn 4 Uỷ viên không thường trực mới là Buốc-ki-na Pha-xô, Li-bi, Cô-xta Ri-ca và Crô-a-ti-a). Đây là sự kiện chính trị - đối ngoại trọng đại, hết sức có ý nghĩa trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của nước ta; khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế; sự tin cậy của cộng đồng quốc tế trao cho Việt Nam vai trò và vị trí quan trọng trong một cơ quan quyền lực nhất của LHQ.

Thành lập ngày 24-10-1945, LHQ có sứ mệnh bảo vệ an ninh, hoà bình và thúc đẩy sự thịnh vượng của thế giới. Hơn 60 năm qua, LHQ đã không ngừng phát triển cả về quy mô và tầm vóc, đảm đương trọng trách của mình. Từ 51 thành viên ban đầu, đến nay LHQ đã có 192 nước thành viên thuộc tất cả các châu lục. LHQ đã thành công trong việc ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba - cuộc chiến tranh, mà theo dự đoán, nếu nổ ra sẽ tiêu huỷ toàn cầu. Hiện nay, LHQ cũng đang có nhiều hoạt động trong vai trò trung gian hoà giải nhiều cuộc xung đột quân sự, chiến tranh cục bộ; kiến tạo và duy trì hoà bình ở nhiều nơi trên khắp các châu lục. LHQ cũng thực hiện rất nhiều chiến dịch cứu trợ nhân đạo, cứu giúp hàng chục vạn thường dân vô tội trước những thảm cảnh của xung đột, chiến tranh, của thiên tai, dịch bệnh..., ở châu Phi và nhiều nơi trên thế giới. Tuy còn nhiều vấn đề, nhưng với sứ mệnh cao cả và những hoạt động hiệu quả, thiết thực đối với nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, LHQ đã từng bước khẳng định uy tín và vị thế là một tổ chức quốc tế có vai trò quan trọng nhất trong đời sống chính trị thế giới.

Nhận thức đúng tầm quan trọng của LHQ và mong muốn góp sức vào công việc chung của tổ chức này, nên ngay sau khi thành lập nước, tháng 1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập ra nước Việt Nam mới - đã gửi thư tới Khoá họp đầu tiên của Đại hội đồng LHQ, yêu cầu LHQ kết nạp Việt Nam. Nhưng do nhiều lý do, cho tới năm 1977, Việt Nam mới trở thành thành viên chính thức của LHQ.
Trong 30 năm qua, nhất là trong hơn 20 năm đổi mới, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, Việt Nam luôn nêu cao trách nhiệm của một thành viên LHQ, hoạt động tích cực cho sự nghiệp hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới. Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào việc đưa Đông Nam á từ một khu vực bị chia rẽ, đối đầu bởi chiến tranh trở thành một khu vực hoà bình, hữu nghị, hợp tác và đang hướng tới hình thành Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột chính: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hoá-xã hội. Việt Nam luôn bày tỏ thiện chí và tích cực ủng hộ những nỗ lực của LHQ, nhằm giải quyết hoà bình các cuộc xung đột, bảo đảm chủ quyền, độc lập của các quốc gia, an ninh, ổn định của khu vực và thế giới; thúc đẩy các chương trình phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội toàn cầu; thiết lập mối quan hệ chính trị, kinh tế quốc tế bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi giữa các quốc gia. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 174 nước và đã có quan hệ kinh tế thương mại với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng là thành viên tích cực của nhiều tổ chức và diễn đàn khu vực, quốc tế, như LHQ, ASEAN, ARF, APEC, ASEM..., nhất là gần đây, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việt Nam cũng đang cùng các tổ chức của LHQ thực hiện thí điểm tại Việt Nam Sáng kiến "Một LHQ"; và là tấm gương sáng cho các nước đang phát triển trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ quyền con người, thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ mà LHQ đã đề ra; đặc biệt là trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, chăm lo cải thiện và nâng cao mức sống của người dân. So với nhiều nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam vẫn thuộc hàng các nước có thu nhập GDP thấp, nhưng thành tích xoá đói, giảm nghèo thì vượt trội. Nếu như năm 1976, số hộ đói nghèo của Việt Nam chiếm tới 59% dân số, thì đến năm 2006 chỉ còn 18% và nếu năm 2007, thực hiện giảm còn 14% thì năm 2008, phấn đấu chỉ còn 11%, đạt mục tiêu Thiên niên kỷ đã cam kết. Cựu Tổng thư ký LHQ Cô-phi An-nan đã nhận xét: “Việt Nam đã phát huy được vai trò lãnh đạo của mình trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ và có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình với nhiều nước đang phát triển”.
Việc Việt Nam được bầu làm Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ là minh chứng sinh động khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta; là kết quả tất yếu của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; là niềm tự hào, vinh dự lớn lao, nhưng cũng là một trọng trách vô cùng nặng nề của đất nước đối với quốc gia-dân tộc và với thế giới. Trong cơ cấu của LHQ, HĐBA là cơ quan duy nhất được quyền đưa ra các quyết định mà các nước thành viên của LHQ và các nước không phải thành viên LHQ đều phải tôn trọng và có nghĩa vụ thi hành. HĐBA có 15 thành viên, trong đó có 5 Uỷ viên thường trực có quyền phủ quyết và 10 Uỷ viên không thường trực, được phân chia đều cho các khu vực. Các Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ có quyền và trách nhiệm tham gia đầy đủ vào quá trình thảo luận, xây dựng những quyết định quan trọng của HĐBA liên quan đến các vấn đề chiến tranh, hoà bình và an ninh quan trọng hàng đầu của các khu vực và thế giới; đấu tranh để nâng cao vai trò, vị thế của LHQ, bảo vệ hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Các Uỷ viên không thường trực của HĐBA tuy không có quyền phủ quyết, nhưng trong một nghị quyết, nếu 7 Uỷ viên không thường trực cùng bỏ phiếu chống thì nghị quyết đó cũng không có hiệu lực thi hành... Như vậy có thể thấy, với vai trò Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã trở thành một địa chỉ tin cậy để cộng đồng quốc tế gửi gắm niềm tin trong các quyết sách toàn cầu. Mỗi lá phiếu của Việt Nam sẽ góp phần quyết định các vấn đề quốc tế hệ trọng, định hình cho sự phát triển của thế giới tương lai. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam mở rộng quan hệ nhiều mặt với các nước thành viên trong HĐBA, với quốc tế, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Nhìn lại lịch sử, đã có những thời điểm, Việt Nam đã từng bị xoá tên trên bản đồ thế giới, thì việc Việt Nam được LHQ tín nhiệm bầu làm Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ càng có ý nghĩa lớn lao, càng đáng trân trọng, tự hào và chúng ta càng phải nỗ lực để xứng đáng với vai trò, trọng trách trước cộng đồng quốc tế. Đúng là đối với nước ta, vị trí Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ là hoàn toàn mới mẻ, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới còn rất phức tạp: tuy hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo của thời đại, nhưng xung đột quân sư, chiến tranh cục bộ từ những mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo, chủ nghĩa khủng bố, các mưu đồ tranh giành quyền ảnh hưởng và lợi ích địa-kinh tế, địa-chính trị ở khu vực và thế giới..., đang ngày một gia tăng, diễn biến phức tạp, đe doạ đến an ninh, ổn định của các nước, các khu vực và thế giới. Hơn nữa, nhiệm kỳ hai năm của Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ là một khoảng thời gian quá ngắn, các thủ tục và nguyên tắc hoạt động của HĐBA lại rất phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải nêu cao bản lĩnh, trí tuệ, xử trí các tình huống phải hết sức tinh tế, khéo léo, kiên định mục tiêu, nguyên tắc, nhưng linh hoạt trong sách lược, để đưa ra các quyết định một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả, nhất là đối với những tình huống khẩn cấp, những quan hệ quốc tế “nhạy cảm”. Nhận thức được điều đó, để hoàn thành tốt trọng trách của mình, ngay từ khi có chủ trương ứng cử vào vị trí Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ (năm 1997), Đảng, Nhà nước ta đã có những nỗ lực rất lớn, chuẩn bị tích cực để đảm đương trọng trách này. Nhất là, chúng ta đã tích cực phát huy vai trò và khả năng của mình trong các lĩnh vực hoạt động của LHQ. Chúng ta cũng được LHQ tín nhiệm bầu vào vị trí lãnh đạo của nhiều cơ quan quan trọng của LHQ, như Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ (1997, 2000, 2003); Chủ tịch Đại hội đồng FAO, thành viên của Hội đồng điều hành UNESCO và Phó Chủ tịch Ban điều hành UNFPA và UNDP. Chúng ta cũng đã phát triển một nền ngoại giao Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực hiện thành công các hoạt động đối ngoại quan trọng của đất nước, như Đàm phán ở Pa-ri (1973), gần đây là Hội nghị cấp cao ASEAN – Hà Nội (1998), Năm APEC- Việt Nam 2006, mà trọng tâm là tuần lễ cấp cao APEC- Việt Nam 2006, v.v, để lại trong lòng bè bạn quốc tế dấu ấn hết sức tốt đẹp về một nước Việt Nam yêu chuộng hoà bình, anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bản lĩnh, trí tuệ, thành công trong đổi mới, CNH, HĐH xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm với các nước và cộng đồng quốc tế. Chúng ta trân trọng tình cảm và sự tin cậy của Nhóm các nước châu á đã đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất bầu vào Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ, bạn bè quốc tế đã ủng hộ Việt Nam làm ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt nhất vai trò quốc tế mới của mình. Để làm tốt trọng trách đó, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam sẽ luôn quán triệt tôn chỉ, mục đích, các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế; đồng thời, tích cực tham vấn, hợp tác chặt chẽ với các uỷ viên khác trong HĐBA để có thể đưa ra những quyết sách kịp thời và phù hợp, vì lợi ích chính đáng của tất cả các nước thành viên LHQ. Việt Nam sẽ nỗ lực cùng các nước góp phần làm giảm căng thẳng, ngăn ngừa và giải quyết hoà bình các cuộc xung đột trên thế giới; ủng hộ và sẵn sàng đóng góp vào quá trình giải trừ quân bị toàn diện và triệt để; lên án và chủ trương loại trừ chủ nghĩa khủng bố quốc tế dưới mọi hình thức, phù hợp với luật pháp quốc tế; hoan nghênh và sẵn sàng tham gia các cơ chế cả trong và ngoài HĐBA về tăng cường hỗ trợ tái thiết và phát triển cho những nước vừa trải qua xung đột. Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ với các nước kinh nghiệm của mình, nhất là kinh nghiệm tái thiết và phát triển sau chiến tranh; tích cực hoàn tất quá trình chuẩn bị để có thể tham gia một cách có hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ, phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục đóng góp vào quá trình cải tổ LHQ nói chung và đặc biệt là HĐBA nói riêng, nhằm tăng cường tính đại diện, hiệu quả, dân chủ để cơ quan này có thể ứng phó hiệu quả với những thách thức mới của thế kỷ 21, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Đồng Đức
 

Ý kiến bạn đọc (0)