QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 23:26 (GMT+7)
Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Phật giáo truyền vào Việt Nam đến nay đã 20 thế kỷ. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Phật giáo có ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài. Trong quá trình phát triển, Phật giáo, với tư cách là một tôn giáo, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Ngay từ những ngày đầu du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã hòa mình với tín ngưỡng và văn hóa bản địa, hình thành nên nền Phật giáo dân tộc, Phật giáo càng phát triển và bén rễ sâu trong đời sống xã hội thì sự gắn bó với dân tộc càng sâu sắc hơn. Lịch sử  2000 năm Phật giáo Việt Nam là lịch sử của những người Phật giáo yêu nước. Sử sách đã ghi lại rằng năm 43 sau Tây lịch, đất nước ta rơi vào tay nhà Hán, mở đầu thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Trong bối cảnh đất nước bị nô dịch và nguy cơ văn hóa bị đồng hóa, Phật giáo dân tộc thực sự trở thành vũ khí tinh thần chống lại sự xâm lược, nô dịch và đồng hóa bằng Hán Nho của các triều đại phong kiến phương Bắc. Ngay sau khi lên ngôi, vị vua đầu tiên của nước ta là Lý Nam Đế (544 – 548) đã cho dựng chùa Khai Quốc (chùa Mở Nước) ở giữa Kinh đô. Việc xây dựng chùa Mở Nước cho thấy vua Lý Nam Đế đã nhận thấy vai trò của Phật giáo trong xây dựng và giành nền độc lập dân tộc.
Sau khi nước nhà giành được nền độc lập tự chủ, đầu thế kỷ thứ 10 và trải qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, nhất là dưới thời Lý với các vị Thiền sư tiêu biểu như Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn, Nguyễn Minh Không, Từ Đạo Hạnh, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt... các vị Thiền sư cao tăng đồng thời cũng là những nhà chính trị-quân sự-ngoại giao xuất sắc của thời đại, là những người có công lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Các ông đã khai hóa nền văn hóa quốc gia, đã giáo hóa toàn dân hộ trì triều đình để cùng nhau giữ gìn non sông gấm vóc và đấu tranh giành lấy độc lập, tự do cho quốc gia. Thời kỳ này Phật giáo đã được nâng lên một tầm mới, hòa nhập với dân tộc, trở thành  một yếu tố tinh thần chủ đạo của xã hội. Đến thời nhà Trần, tinh thần đó đã được nhà Trần kế tiếp và tạo dựng đất nước trong gần 2 thế kỷ trị vì. Phật giáo đã thực sự trở thành Phật giáo dân tộc, trở thành nền tảng tư tưởng chủ đạo trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và bảo vệ đất nước, đồng thời là bộ phận chủ yếu góp phần tạo nên nền văn hóa tinh thần đương thời của dân tộc. Các Thiền sư - Hoàng đế thời Trần đã lập nên Thiền phái Trúc Lâm, là một Thiền phái mang hệ tư tưởng triết học và bản sắc hoàn toàn Việt Nam. Các vị vua như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông đều rất uyên thâm về triết lý Phật giáo và đã ứng dụng Phật giáo trong mối liên kết nhân tâm để xây dựng và bảo vệ đất nước. Tinh thần của Hội nghị Diên Hồng là tiếng nói của ý thức tự chủ và tinh thần tự lực, tự cường của người dân Việt Nam, là đỉnh cao của sự đoàn kết dân tộc, mà chính sự liên kết nhân tâm, tinh thần hòa hợp của đạo Phật đã thấm nhuần sâu sắc trong vua – tôi thời Trần. Tinh thần Phật giáo đã góp phần quan trọng trong chiến thắng vĩ đại 2 lần chống quân Nguyên – Mông của quân dân nhà Trần.
Dân tộc Việt Nam đã từng trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, song, dù ở giai đoạn nào thì hình ảnh của các vị Thiền sư, Pháp sư, Quốc sư, Phật tử đứng ra hộ trì đất nước đã trở nên rất gần gũi, thân quen đối với người dân. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, thống nhất đất nước, Phật giáo đã có những đóng góp đáng ghi nhận vào chiến thắng hào hùng của nhân dân ta. Nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo trên khắp mọi miền đất nước đã trở thành những căn cứ che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng; nhiều nhà sư đã nêu cao tinh thần đại sĩ chính nghĩa tham gia phong trào “cởi áo Cà - Sa khoác áo chiến bào” lên đường nhập ngũ, trực tiếp cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận; nhiều tăng ni, phật tử trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng như cố Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, cố Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, cố Hòa thượng Thích Thiện Hào... Tiêu biểu như chùa Tam Bảo, trụ sở Hội Phật học kiêm tế của Thiền sư Thích Thiện Chiếu trở thành nơi cất giấu vũ khí, nuôi giấu cán bộ kháng chiến. Bản thân Thiền sư thì bị đày ra nhà tù Côn Đảo và bị tra tấn dã man, nhưng vẫn một lòng trung kiên với cách mạng. Trong lao động sản xuất, thực hiện nếp sống đạo đức, văn hóa, nhiều vị tăng ni, phật tử trở thành những người tiêu biểu, gương mẫu, là chỗ dựa đáng tin cậy của Phật giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là những minh chứng cho tinh thần yêu nước chân chính của Phật giáo Việt Nam hòa mình trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Nhận định về vai trò và những đóng góp của Phật giáo Việt Nam đối với cách mạng và dân tộc, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu trong buổi tiếp đại biểu Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam tại Phủ chủ tịch: “Trong quá khứ, Phật giáo Việt nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã xác nhận Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo, từ bản chất, bản sắc, từ trong thực tiễn hoạt động của mình, biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc. Trong sự nghiệp cao cả của dân tộc ngày nay, Phật giáo đã góp phần xứng đáng. Đối với Việt Nam, nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến đạo Phật, đến những việc làm quý báu, đẹp đẽ của đông đảo tăng ni, phật tử. Đạo Phật ở Việt Nam đã mang màu sắc dân tộc Việt Nam rõ rệt. Có thể nói rằng Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng dân tộc, và trưởng thành cùng dân tộc”.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi, đất nước thống nhất, giang sơn liền một cõi, Bắc Nam sum họp một nhà. Đó là yếu tố quyết định để tăng ni, phật tử cả nước khơi dậy nguyện vọng thống nhất Phật giáo đã từng ấp ủ lâu nay mà chưa thực hiện được. Đó chính là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay (Hội nghị thống nhất Phật giáo được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 7 - 11 - 1981). Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Phật giáo nước nhà, thực hiện sứ mệnh tiếp nối truyền thống vẻ vang của 2000 năm truyền bá giáo lý Đức Phật trên nước ta, nhất là tổ chức lãnh đạo tinh thần tăng ni, phật tử trong cả nước phát huy khả năng, trí tuệ của mình đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Với phương châm hoạt động "Đạo pháp-  Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quán triệt sâu sắc và kiên trì thực hiện chính sách nhất quán trước sau như một của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ Bảy (khóa IX), Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là phương châm hoạt động mang tính xuyên suốt, là sự lựa chọn đúng đắn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thể hiện tinh thần tiếp tục đồng hành cùng dân tộc tiến lên phía trước. Để thực hiện mục đích cao cả đó, trong 20 năm đổi mới vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đã đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Giáo hội, tạo nền móng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển trong kỷ nguyên mới. Thành tựu quan trọng nhất là công tác xây dựng và củng cố tổ chức của Giáo hội ngày càng được hoàn thiện, ổn định, thống nhất, vận hành có hiệu quả. Qua đó, đã cổ vũ tăng ni, phật tử trong cả nước tham gia thực hiện các hoạt động Phật sự chung của Giáo hội, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực đóng góp sức mình vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh. Tăng ni, phật tử không ngừng lớn mạnh cả về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Hệ thống giáo dục của Giáo hội được đổi mới về nội dung và phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục về nội điển và ngoại điển, nhất là giáo dục cho tăng ni, phật tử nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận rõ âm mưu của các thế lực thù địch, của một số kẻ xấu lợi dụng tôn giáo, núp bóng tôn giáo để phá hoại đoàn kết lương - giáo, đoàn kết giữa các tôn giáo, đoàn kết dân tộc, chống đối chế độ... Công tác hoằng dương chính pháp được phát huy, đóng góp vào nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan; thường xuyên liên lạc và hợp tác với các đoàn thể, cơ quan để góp phần cùng toàn dân xây dựng một nền văn hóa tiên tiến mang đậm đà bản sắc dân tộc, nhân bản, văn minh và tiến bộ; tích cực bảo quản, trùng tu, tôn tạo các cơ sở tự viện xuống cấp; tổ chức in ấn, phát hành các kinh sách, báo chí nhằm xây dựng nếp sống văn hóa theo đúng chính pháp, cũng như phổ biến đến kiều bào nước ngoài về các hoạt động chung của Giáo hội. Quan hệ quốc tế được mở rộng trên nền tảng chính sách chung của Nhà nước, thúc đẩy việc hợp tác bảo vệ hòa bình của nhân loại. Công tác từ thiện xã hội thiết thực, kịp thời. Kêu gọi lòng nhân ái của các giới, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, tạo sự cảm thông, xây dựng và phát triển cộng đồng theo phương châm hoạt động “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Giáo hội khuyến khích các cơ sở tự viện tổ chức mở các lớp học tình thương, mở phòng khám chữa bệnh miễn phí, xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ quỹ nhân đạo, quỹ vì người nghèo... Hiện nay, trong toàn quốc có 126 Tuệ Tĩnh đường, nổi bật nhất là Tuệ Tĩnh đường ở thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, Cà Mau, Vĩnh Long, với 115 phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc hoạt động có hiệu quả; có trên 1.500 lớp học tình thương, 36 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, trẻ mồ côi, khuyết tật... với trên 20.000 em. Kinh phí cho các hoạt động từ thiện xã hội hằng năm trên 10 tỷ đồng. Giáo hội đã và đang tích cực tham gia vào  công tác quản lý xã hội khác, các vị giáo phẩm tiêu biểu của Giáo hội đã được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
Điểm qua những kết quả trên đây để thấy những hoạt động thiết thực của tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều xuất phát từ giáo lý trong sáng và chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Trong lời nói đầu của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định: “ Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Gần đây, một vài cá nhân nhẹ dạ, bị kẻ xấu kích động đã cấu kết với một số phần tử phản động là người Việt Nam sống lưu vong ở nước ngoài, xuyên tạc tình hình Phật giáo ở Việt Nam và cố tình dựng lên cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” trái pháp luật. Một số thông tin nước ngoài và trên một số mạng Internet đã tuyên truyền xuyên tạc vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Đối với Phật giáo, họ đã hùa theo cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”, để từ đó vu cáo Nhà nước Việt Nam ngược đãi Phật giáo; họ cố tình không để ý đến lịch sử hình thành và phát triển Phật giáo ở Việt Nam, đặc biệt là các phong trào chấn hưng Phật giáo và vận động thống nhất Phật giáo ở Việt Nam trong những năm đầu và giữa thế kỷ XX. Đây là một sự vu khống, xuyên tạc nhằm mục đích chống đối sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam; xúc phạm nghiêm trọng đến tổ chức Giáo Hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho giới tăng ni, phật tử Việt Nam trong mối quan hệ đối nội và đối ngoại, cũng như danh dự, nhân phẩm và quyền lợi chính đáng của tăng ni, phật tử Việt Nam. Xuất phát từ lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, phục vụ chúng sinh theo phương châm hoạt động “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, tăng ni, phật tử Việt Nam luôn luôn nêu cao tinh thần yêu chuộng hòa bình và truyền thống đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, cùng hướng tới tương lai.
 
Hòa thượng Thích Thanh Tứ
Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
 

Ý kiến bạn đọc (0)