QPTD -Thứ Bảy, 17/09/2011, 23:38 (GMT+7)
Ph.Ăng-ghen và thời đại ngày nay

Ngày 28-11-1820, Ph.Ăng-ghen - một thiên tài của nhân loại - đã chào đời. Sinh thời, ông từ chối mọi sự giàu sang, dấn thân theo con đường cách mạng; cùng C.Mác xây dựng học thuyết giải phóng con người, vì mục tiêu tự do, hạnh phúc. Tư tưởng đó được thể hiện trong hệ thống tác phẩm đồ sộ của ông, như: "Lút-vích Phoi-ơ-bắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức", "Chống Đuy-rinh", " Biện chứng của tự nhiên", "Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản", "Quân đội", "Chiến tranh nông dân ở Đức"…

Giá trị cách mạng, khoa học trong các công trình của Ph.Ăng-ghen khá toàn diện, đề cập đến nhiều ngành khoa học, như: lịch sử, triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội, luật học, đạo đức học, mỹ học, khoa học quân sự… Trí tuệ, tình cảm và cuộc đời hoạt động của Ph.Ăng-ghen đã thể hiện phẩm chất của một lãnh tụ, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ; chiến sĩ trung thành, tận tụy chiến đấu cho sự tiến bộ; nhà bác học bách khoa, nhà lý luận quân sự thiên tài của giai cấp vô sản và loài người tiến bộ. Các tư tưởng cơ bản của Ph.Ăng-ghen có giá trị bền vững và sức sống mạnh liệt trước mọi thử thách, đã và đang soi sáng cho giai cấp vô sản, nhân loại tiến bộ tiến lên phía trước, hướng tới một tương lai tốt đẹp.

Thứ nhất, bằng lý luận khoa học và cách mạng cùng với hoạt động thực tiễn cải tạo thế giới, Ph.Ăng-ghen đã cùng với C.Mác trang bị cho giai cấp vô sản và nhân dân tiến bộ trên thế giới một thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng để nhận thức sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và con người. Đó không chỉ là bước ngoặt cách mạng trong triết học, mà còn là bước nhảy vọt về nhận thức của giai cấp vô sản, nhân dân lao động. Chính thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận khoa học, cách mạng của các ông đã giúp cho nhân loại nhận thức sâu sắc hơn về sức mạnh vô địch của con người, đặc biệt là của quần chúng nhân dân.

Bộ “Tư bản" mang tên tuổi C.Mác, chứa đựng những tư tưởng vạch thời đại, được nhiều thế hệ đánh giá cao và xem đó là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại. Công trình đó do C.Mác soạn thảo, Ph.Ăng-ghen tham gia và đặc biệt sau khi C.Mác qua đời, Ph.Ăng-ghen đã hoàn thành nó một cách xuất sắc. Nhờ vậy, không chỉ những người mác-xít mà cả những người ngoài mác-xít, ngày càng nhận thức đúng hơn về chủ nghĩa Mác, vai trò của các nhà sáng lập ra học thuyết Mác. Giáo sư J.Đề-ri-đa người Pháp cho rằng: trong truyền thống triết học chưa ai vượt C.Mác và tương lai cũng khó có người sánh kịp. Ông đánh giá rất cao tinh thần phê phán cách mạng của học thuyết C.Mác đối với chủ nghĩa tư bản; chính vì thế mà ông kêu gọi loài người hãy thấm nhuần tư tưởng của C.Mác và đi theo tư tưởng khoa học cách mạng đó. Cũng không phải ngẫu nhiên mà kênh New oline - BBC đã tổ chức bình chọn các vĩ nhân lỗi lạc của thế giới trong 1.000 năm trở lại đây: C.Mác đã đứng số 1 trong 10 vĩ nhân danh tiếng nhất của nhân loại... Mặc dù tự nhận mình là chiếc "vĩ cầm thứ hai" sau Mác, nhưng không vì vậy mà hình ảnh của Ph.Ăng-ghen bị lu mờ. C.Mác và Ph.Ăng-ghen, những người sáng lập ra chủ nghĩa Mác - không chỉ là lãnh tụ chính trị, mà còn là các nhà khoa học lỗi lạc; tư tưởng của các ông thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc, tạo ra bước ngoặt cách mạng trong nhận thức nhân loại.

Thứ hai, Ph.Ăng-ghen đã cùng C.Mác xây dựng nên hệ thống tri thức khoa học - một hệ thống phương pháp có tính nguyên tắc trong cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, soi sáng cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ph.Ăng-ghen đã cùng C.Mác cho ra đời "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", nhằm hướng nhận thức của giai cấp vô sản và những người bị áp bức, bóc lột trên thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Lý luận khoa học đó đã mở ra thời kỳ mới cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, trong đó, công xã Pari là mốc son chói lọi. Theo con đường của C.Mác và Ph.Ăng-ghen vạch ra, cách mạng thế giới đã giành được nhiều thành tựu quan trọng. Đó là, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga; sự ra đời của hệ thống các nước XHCN; sự phát triển của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc… Tuy hiện nay CNXH đang trong giai đoạn thoái trào, nhưng điều đó không làm thay đổi con đường mà C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra. Nhiều quốc gia-dân tộc, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, những lực lượng tiến bộ trên thế giới vẫn đang đấu tranh cho lý tưởng cao đẹp đó. Tuy nhiên, như Ph.Ăng-ghen đã khẳng định: chân lý bao giờ cũng cụ thể và cách mạng là sáng tạo; từ các nguyên tắc, phương pháp luận chung mà các ông đã vạch ra, những người cách mạng phải căn cứ vào tình hình cụ thể của mỗi nước và ở từng thời điểm cụ thể để có chiến lược và sách lược đúng đắn; đồng thời, phải luôn bổ sung những vấn đề mới của thời đại đặt ra, bảo đảm cho cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng. Cho dù hiện nay CNXH đang gặp muôn vàn khó khăn, nhưng điều đó không làm thay đổi bản chất của thời đại; thời đại hiện nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH. Đặc điểm lớn nhất của thời đại hiện nay là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng, vì hoà bình, dân chủ, tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và CNXH; trong đó có sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, của toàn cầu hoá, kinh tế tri thức và các vấn đề cấp thiết về kinh tế, an sinh xã hội, môi trường... mà thế giới hiện đại đang đặt ra.

Từ thực tế của tình hình mới, tuân thủ di huấn của các nhà kinh điển, chúng ta cần kết hợp tốt giữa kiên định và sáng tạo trong nhận thức và hành động để thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" theo con đường độc lập dân tộc và CNXH. Lịch sử vận động không ngừng, nhưng tư tưởng của Ph.Ăng-ghen vẫn giữ nguyên giá trị định hướng, soi đường cho giai cấp vô sản, các đảng cộng sản chân chính và loài người tiến bộ quá độ lên CNXH. Hiện thực cuộc sống, tính nhân loại, tính dân tộc, tính giai cấp và mỗi cá thể luôn luôn có quan hệ nhân- quả, biện chứng, nên các giá trị mà Ph.Ăng-ghen tạo dựng phản ánh sự hài hoà vốn có của các quan hệ trên và mang ý nghĩa đa diện. Do vậy, trong tiếp thu tư tưởng của Ph.Ăng-ghen và việc vận dụng các nguyên lý cơ bản của Người vào cuộc sống hiện thực, không nên cường điệu một nội dung nào đó, để tránh rơi vào phiến diện trong tiếp cận nội dung và phương hướng vận dụng.

Thứ ba, các công trình của Ph.Ăng-ghen đã xây dựng nền tảng lý luận cho sự phát triển của khoa học, đặc biệt là sự nhận thức thực chất và  sự định hướng đối với cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, nhằm khắc phục các nhận thức sai lầm về vai trò của cuộc cách mạng đó. Thời đại ngày nay đang diễn ra giai đoạn cao của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại. Đặc biệt là ở các ngành mũi nhọn, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ,… đã có những bước tiến chưa từng thấy; các thành tựu đó đang chứng minh tính khoa học trong các dự báo của C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lê-nin. Chắc chắn nhiều người đã tiếp cận với những cống hiến của Ph.Ăng-ghen trong lĩnh vực này; đặc biệt, trong các tác phẩm: "Chống Đuy-rinh" và "Biện chứng của tự nhiên", ông đã trực tiếp đề cập đến phương pháp luận phát triển của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Trong tư tưởng của mình về khoa học, Ph.Ăng-ghen đặc biệt quan tâm đến các vấn đề thế giới quan của các phát minh khoa học, mối quan hệ biện chứng giữa khoa học với sản xuất, đời sống xã hội và con người. Đối với Ph.Ăng-ghen, khoa học, hoạt động khoa học và phát minh khoa học luôn gắn liền với giới tự nhiên, xã hội và hoạt động trí tuệ, hoạt động thực tiễn của con người và tập đoàn người. Mỗi thành tựu lớn của khoa học là một bước tiến của năng lực nhận thức và năng lực thực tiễn của từng dân tộc và nhân loại trong chinh phục tự nhiên và nhận thức, trong vận dụng quy luật phát triển của xã hội và con người. Song, trong xã hội còn có giai cấp và đối kháng giai cấp, thì các thành tựu trong các lĩnh vực khoa học luôn bị chi phối bởi ý thức chính trị và lợi ích của giai cấp thống trị,v.v.

Tất cả các vấn đề trên đây có quan hệ chặt chẽ đến nhận thức, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ của từng quốc gia và của cộng đồng nhân loại. Nhận thức được những vấn đề đó, giúp cho chúng ta hiểu được rằng: mỗi thành tựu mới của nhân loại luôn gắn liền với kết quả của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, nó là thành tựu chung mà mỗi dân tộc, mỗi con người có quyền kế thừa và có nghĩa vụ bảo vệ, phát triển. Đối với chúng ta, để có được quyền bình đẳng trong phát triển và sử dụng thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, phải có tiềm lực quốc gia, tiềm lực khoa học và công nghệ mạnh và sự phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam hiện nay cần bằng cả con đường tuần tự và nhảy vọt.

Thứ tư, Ph.Ăng-ghen là người đầu tiên xây dựng hệ thống quan điểm, lý luận trong lĩnh vực quân sự của giai cấp vô sản và các lực lượng cách mạng tiến bộ. Tuy chỉ qua thời gian ngắn làm nghĩa vụ quân sự, nhưng bằng trí tuệ mẫn tiệp, phát huy được sức mạnh của các tri thức khoa học, Ph.Ăng-ghen đã để lại cho nhân loại và giai cấp vô sản một hệ thống lý luận quân sự đồ sộ. Đó là những vấn đề về nguồn gốc, bản chất chiến tranh; sự khác nhau căn bản về chiến tranh xâm lược và chiến tranh tự vệ; những gợi mở bước đầu cho sự phát triển của lý luận về chiến tranh nhân dân. Tư tưởng quân sự của Ph.Ăng-ghen đã tiếp cận nhiều vấn đề rất cơ bản về quân đội, bản chất giai cấp của quân đội, sức mạnh chiến đấu của quân đội; về vai trò của vũ khí, kỹ thuật, mối quan hệ giữa con người và vũ khí…Hệ thống những quan điểm, tư tưởng lý luận quan trọng đó của Ph.Ăng-ghen vẫn còn nguyên giá trị đối với việc xây dựng các lực lượng vũ trang cách mạng trong thời đại ngày nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam thấm nhuần sâu sắc tư tưởng quân sự của Ph.Ăng-ghen, đã biến lý luận thành sức mạnh hiện thực để giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược; không ngừng phát triển, hoàn thiện lý luận về chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. “Còn chủ nghĩa đế quốc thì còn chiến tranh” - thực tiễn đã chứng minh điều đó. Mặc dù hiện nay, hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới vẫn là xu thế lớn; nhưng những mâu thuẫn lớn của thời đại vẫn rất gay gắt. Các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, chạy đua vũ trang... vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi. Vì thế, các dân tộc yêu chuộng tự do và hoà bình vẫn cần luôn nâng cao cảnh giác, chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức, kể cả cuộc chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao của các thế lực hiếu chiến và phản động quốc tế… Đối với chúng ta, bên cạnh việc tập trung sức phát triển kinh tế, đẩy mạnh CNH, HĐH, chúng ta cần chủ động củng cố nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân; xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, có sức chiến đấu cao, đối phó thắng lợi với các âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch.

Ph.Ăng-ghen - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản, nhà bác học uyên bác - đã tạo ra nhiều giá trị cao đẹp định hướng cho các dân tộc và nhân loại nhận thức và hành động vì sự phát triển tiến bộ của xã hội loài người. Hệ thống giá trị mang ý nghĩa khoa học, cách mạng do C.Mác và Ph.Ăng-ghen tạo ra đã và đang soi sáng cho thời đại chúng ta vượt qua những thách thức to lớn, hướng tới chế độ xã hội hiện đại, văn minh,  nhân bản.

Đại tá, GS, TS. Lê Văn Quang

 

Ý kiến bạn đọc (0)