Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:13 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) kết hợp với củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN) nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược (xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc) là quan điểm cơ bản của Đảng ta. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã khẳng định: “Kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng của đất nước”1.
Yên Bái là tỉnh miền núi, vùng cao; vừa có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển KT-XH, vừa có vị trí chiến lược quan trọng về QP-AN trong thế trận phòng thủ chung của Quân khu 2 và cả nước. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Yên Bái đã đoàn kết, sáng tạo, phát huy nội lực, tranh thủ có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế của Tỉnh phát triển ổn định, năm sau cao hơn năm trước, GDP năm 2006 tăng 11, 44%, năm 2008: 12,5%; GDP bình quân đầu người năm 2007 đạt 6,0 triệu đồng, năm 2008 đạt 7,5 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế của Tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng nông, lâm nghiệp giảm từ 36,58% (năm 2007) xuống 35,05% (năm 2008), song giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,38%; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 18,95%; thương mại, dịch vụ tăng 14,1%. Bộ mặt đô thị và nông thôn được đầu tư xây dựng, phát triển; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong Tỉnh không ngừng được cải thiện. Hệ thống chính trị được củng cố, hiệu quả hoạt động ngày càng cao; dân chủ ở cơ sở được phát huy; chính sách dân tộc của Đảng được thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và chế độ; QP-AN được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội luôn ổn định.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Yên Bái vẫn còn một số yếu kém, đó là: nền kinh tế phát triển chậm, chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chưa thực sự trở thành nền tảng vững chắc cho các lĩnh vực khác phát triển. Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội XVI của Đảng bộ Tỉnh (9-2008) đã nghiêm túc kiểm điểm những yếu kém này; đồng thời, chỉ ra các chủ trương, giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ Tỉnh đã đề ra, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020”. Đó là: Tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, huy động mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 12,5-13%/năm; chuyển dịch nhanh hơn cơ cấu kinh tế và lao động, nhất là trong nông nghiệp và nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn ODA, FDI, xây dựng, mở rộng các khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Tăng cường QP-AN, mở rộng quan hệ đối ngoại, nhất là kinh tế đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị-xã hội. Phấn đấu đến năm 2010 đưa Tỉnh ra khỏi tình trạng tỉnh nghèo, trở thành tỉnh phát triển toàn diện, tạo nền tảng phát triển vững chắc cho giai đoạn 2010-2020.
Với tinh thần đó, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân Tỉnh xác định: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành và toàn dân địa phương nêu cao tinh thần tự lực tự cường, phát huy mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH và chuyển dịch cơ cấu theo hướng CNH, HĐH. Trên lĩnh vực nông nghiệp, tập trung nâng cao chất lượng và giá trị sản xuất, phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu sản xuất (vật nuôi và cây trồng); đồng thời, tiếp tục chuyển dịch mạnh hơn cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng với nhiều mô hình và quy mô khác nhau. Theo đó, các huyện thuộc vùng thấp (thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, các huyện Trấn Yên, Yên Bình...) chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, xây dựng các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến, mở rộng thị trường xuất khẩu; các huyện vùng cao (Trạm Tấu, Mù Cang Chải và các xã vùng cao của 3 huyện: Lục Yên, Văn Chấn, Văn Yên) tập trung trồng lúa, ngô (ở những nơi có điều kiện), bảo đảm đủ ăn và chuyển mạnh sang nghề rừng gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi ong; đầu tư phát triển một số vùng trồng giống cây đặc sản của địa phương: chè San, quế, thảo quả, táo mèo, măng tre Bát Độ, sắn cao sản và cây trồng mới có sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu. Đồng thời, Tỉnh chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vùng cao, vùng khó khăn, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các hộ gia đình vào việc trồng, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện hiệu quả công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, công tác thú y, bảo vệ thực vật và phát triển các dịch vụ kỹ thuật ở nông thôn, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ tiên tiến, hiện đại (công nghệ sinh học, giống cây, con, nông, lâm nghiệp, thủy sản) vào sản xuất, phù hợp với từng địa phương, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu. Cùng với đó, chú trọng chỉ đạo các địa phương đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, đảm bảo tưới, tiêu cho cây trồng. Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa, bài trừ các hủ tục, tệ nạn, bảo đảm an ninh, trật tự nông thôn.
Về phát triển công nghiệp, xây dựng, Tỉnh tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế (khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện vừa và nhỏ). Tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là các dự án công nghiệp trọng điểm: các nhà máy thủy điện Nậm Đông 3, 4, Văn Chấn, Ngòi Hút 1 và nhà máy luyện gang thép; đồng thời, triển khai một số dự án mới: sản xuất chế biến gỗ, bột giấy, đá trắng...; xây dựng và mở rộng các khu, cụm công nghiệp gần đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, đón đầu thu hút đầu tư các năm tiếp sau. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo hành lang pháp lý, thu hút đầu tư của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; khuyến khích phát triển công nghiệp chế tác, chế biến tinh, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động (không xuất khẩu tài nguyên thô); đẩy mạnh việc cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước. Tỉnh phấn đấu đạt tăng trưởng công nghiệp, xây dựng trên 22%/năm; đến năm 2010, tỷ trọng này là 38.
Đối với thương mại, dịch vụ và du lịch, Tỉnh tập trung chỉ đạo duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành thương mại, dịch vụ, phát triển mạnh các ngành dịch vụ (viễn thông, tài chính, vận tải...); xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch theo hướng xã hội hóa; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án: khu du lịch Hồ Thác Bà, Suối Giàng; thực hiện có hiệu quả Chương trình “Du lịch về cội nguồn” trong Chương trình hợp tác phát triển thương mại, du lịch 3 tỉnh Yên Bái-Phú Thọ-Lào Cai và hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh vùng Tây Bắc; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 16%/năm trở lên; thực hiện nghiêm chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương: tiết kiệm chi thường xuyên 10%, chống tham nhũng, lãng khí, tăng cường kiểm soát chi, dành vốn cho đầu tư phát triển, hỗ trợ sản xuất và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Cùng với đó, Tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN, nhất là hệ thống giao thông miền núi, vùng cao, vùng sâu, các công trình trọng điểm (đường trung tâm km5 đi thị trấn Yên Bình, Trạm Tấu-Bắc Yên, Đại Lịch-Minh An, Yên Bái-Khe Sang, Cầu Trái Hút...), bưu chính, viễn thông, điện, bệnh viện, nước sạch; đầu tư kiên cố hóa trường, lớp. Tăng cường công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, thực hiện tốt các mục tiêu chương trình y tế quốc gia trên địa bàn; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, người già... và tích cực xóa đói, giảm nghèo.
Song song với đẩy mạnh phát triển KT-XH, Tỉnh ủy Yên Bái thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, trước hết là “thế trận lòng dân” nhằm giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện thúc đẩy KT-XH phát triển. Trong mặt bằng chung của cả nước, Yên Bái vẫn là tỉnh nghèo, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí thấp (nhất là vùng sâu, vùng xa); hệ thống hạ tầng cơ sở (đường giao thông, bưu chính-viễn thông, điện lưới quốc gia...) cũng chưa phát triển. Hơn nữa, lợi dụng những khó khăn của Tỉnh, các thế lực thù địch vẫn đang đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hoà bình”, chống phá trên tất cả các mặt; lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo và các hoạt động núp dưới danh nghĩa “từ thiện” để truyền đạo trái pháp luật; tình trạng di dịch cư tự do, tái trồng cây thuốc phiện, khiếu kiện, thiên tai... trên địa bàn Tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Thực trạng đó đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các LLVT phải nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh vô hiệu hóa mọi hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn; đồng thời, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương trong thời kỳ mới; coi đây là nhiệm vụ cơ bản lâu dài của Tỉnh trong suốt quá trình xây dựng và phát triển.
Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn 5 năm (2003-2008) thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-quân sự ở địa phương những năm qua, Tỉnh ủy Yên Bái tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo địa phương thực hiện tốt hơn nhiệm vụ xây dựng nền QPTD, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Theo đó, Tỉnh chỉ đạo tập trung xây dựng tiềm lực QP-AN, tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực kinh tế; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức luyện tập các phương án, kế hoạch phòng thủ phù hợp với đặc điểm, địa hình và khả năng của Tỉnh. Trên cơ sở đó, phát huy sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị để xây dựng và từng bước hoàn thiện thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân ở từng địa phương, cơ sở; cùng với phát triển KT-XH, chú trọng tăng cường xây dựng khu vực phòng thủ về chiều sâu, ngày càng vững chắc, xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương vững mạnh; gắn kết việc thực hiện chính sách xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân với tăng cường “thế trận lòng dân”, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa phương.
Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân Tỉnh coi trọng việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, trước hết là chất lượng chính trị, năng lực hành động của cơ quan quân sự, công an các cấp đủ sức tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng- quân sự và an ninh trên địa bàn; xây dựng LLVT nhân dân, công an nhân dân vững mạnh toàn diện, thực sự là lực lượng nòng cốt cùng nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ quê hương trong giai đoạn mới. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa quân đội với công an theo Quy định 107/2003/TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần cùng toàn dân giữ vững ổn định chính trị, vô hiệu hóa các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, tích cực tham gia đấu tranh ngăn ngừa tệ nạn xã hội. Tỉnh thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh, rộng khắp, có số lượng hợp lý, chất lượng cao, nhất là chất lượng chính trị, đảm bảo tỷ lệ 2,3% dân số, trong đó, tỷ lệ đảng viên đạt 19% trở lên. Tổ chức và quản lý tốt lực lượng dự bị động viên, phấn đấu bảo đảm đủ số lượng, đúng chức danh và chuyên nghiệp quân sự, tỷ lệ đảng viên đạt 15% trở lên. Trong xây dựng LLVT, Tỉnh chú trọng tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trọng tâm là giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ mới; xây dựng bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu... bảo đảm cho LLVT thực sự là lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống, góp phần cùng toàn dân xây dựng Yên Bái không ngừng vững mạnh về QP-AN, phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội.
HOÀNG XUÂN LỘC
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh
_____________
1- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, tr .110.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011