Thứ Năm, 24/04/2025, 15:08 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 15-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Cục Quân giới, tiền thân của ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) ngày nay. Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, ngành CNQP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT); xây dựng tiềm lực vật chất kỹ thuật to lớn và nguồn nhân lực chất lượng cao; tham gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới, Ngành đang tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển CNQP theo hướng tiên tiến, hiện đại.
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 16-6-2003 của Bộ Chính trị "Về xây dựng nền CNQP trong thời kỳ mới", Pháp lệnh CNQP được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII thông qua ngày 26-01-2008, Đề án "Quy hoạch phát triển CNQP đến năm 2010, tầm nhìn 2020" của Chính phủ và các chủ trương, chính sách có liên quan, ngành CNQP đã phát huy vai trò lực lượng nòng cốt, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển ngành CNQP nước ta cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, mục tiêu xây dựng và phát triển CNQP Việt Nam trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của tiềm lực quốc phòng-an ninh (QP-AN) đất nước, là bộ phận của nền công nghiệp quốc gia; có trình độ khoa học, công nghệ tiến tiến, hiện đại; có năng lực nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hoá các loại VKTBKT với tính năng kỹ thuật và chất lượng cao, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), nhằm đối phó thắng lợi với mọi hình thức, quy mô chiến tranh, kể cả chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao; đồng thời, tham gia phát triển KT-XH, góp phần thực hiện CNH, HĐH đất nước.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, ngành CNQP tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả kết hợp giữa phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực QP-AN bảo vệ Tổ quốc, coi đó là giải pháp rất quan trọng, xuyên suốt quá trình xây dựng, phát triển và giữ gìn tiềm lực CNQP cả trước mắt và lâu dài; đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà nòng cốt là ngành CNQP trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh CNQP. Đây là một quá trình lâu dài, phải tuân thủ sự quản lý thống nhất của Nhà nước và lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về xây dựng và phát triển CNQP (cả về quy định, tổ chức hoạt động, quy hoạch, kế hoạch, huy động nguồn lực, chính sách). Trước mắt, chúng ta cần tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng và phát triển CNQP giai đoạn 2011-2015, tạo sự chuyển biến tích cực trong hiện đại hóa ngành CNQP đất nước. Trong đó, tập trung kiện toàn tổ chức quản lý CNQP theo hướng tích tụ tập trung, tăng cường gắn kết với công nghiệp dân sinh; tích cực triển khai các dự án trọng điểm theo hướng đồng bộ, hiện đại; tiếp tục chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả sản xuất quốc phòng và nghiên cứu khoa học-công nghệ (KHCN) để tạo ra những sản phẩm vũ khí, đạn dược có chất lượng ổn định, độ tin cậy cao, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu huấn luyện, SSCĐ của quân đội; tăng cường hiệu quả kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng trong hoạt động sản xuất kinh tế, không ngừng nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng và tiềm lực quân sự, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tuy nhiên, xuất phát từ điều kiện thực tiễn cụ thể, Ngành tập trung thực hiện 2 khâu đột phá: ổn định và nâng cao chất lượng các sản phẩm quốc phòng, bảo đảm sự tin cậy của bộ đội đối với vũ khí do CNQP nước ta sản xuất; tăng năng lực công nghệ để chế tạo một số loại vũ khí thế hệ mới phục vụ QP-AN. Bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng, CNQP tích cực tham gia phát triển KT-XH, góp phần thực hiện CNH, HĐH đất nước, thông qua việc không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao về các chỉ tiêu sản xuất và thu nhập so với mức bình quân của cả nước và ngành Công nghiệp quốc gia. Muốn vậy, ngành CNQP cần tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:
1. Tăng cường huy động nguồn vốn, gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển CNQP. Cùng với nguồn vốn cơ bản, quyết định của Nhà nước, chúng ta cần tăng cường huy động các nguồn vốn phát triển sản xuất của các cơ sở CNQP nòng cốt, huy động đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng và phát triển CNQP. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển CNQP phải thực hiện đúng theo kế hoạch và quy định của pháp luật Nhà nước; thực hiện lồng ghép các nội dung phát triển CNQP vào trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển KT-XH của đất nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư ; từng bước đổi mới phương thức phân bổ, sử dụng, nâng cao hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho CNQP; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư trùng lặp, lãng phí, tốn kém do thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm. Mặt khác, tập trung kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy và cơ chế quản lý, môi trường pháp luật, tăng cường kiểm tra, giám sát, hoàn thiện hệ thống tài chính và kiểm toán... tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút nguồn đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho phát triển CNQP.
2. Từng bước đổi mới tổ chức, quản lý và sắp xếp lại lực lượng CNQP. Theo đó, cần chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan trong và ngoài quân đội trong việc thực hiện đồng bộ hóa và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy về CNQP; ưu tiên triển khai các nội dung của Pháp lệnh CNQP và các nghị định của Chính phủ về quản lý CNQP; triển khai nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật về CNQP; cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, trực tiếp là Đảng uỷ Quân sự Trung ương và các tổ chức đảng cơ sở tại các đơn vị CNQP; nâng cao hiệu lực chỉ đạo, quản lý thống nhất của Chính phủ, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong quản lý nhà nước về CNQP. Việc kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý CNQP cần thực hiện theo hướng tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa CNQP nòng cốt và công nghiệp dân sinh, hình thành hệ thống cơ quan quản lý CNQP xuyên suốt, thiết thực và hiệu quả, không trùng lặp, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ. Tổ chức sắp xếp lại các cơ sở CNQP nòng cốt theo hướng tập trung, giảm số lượng, tăng quy mô các cơ sở sản xuất. Trước yêu cầu mới, cần nghiên cứu, từng bước quy tụ các cơ sở CNQP vào đội hình tập đoàn hoặc các tổng công ty theo nhóm sản phẩm, ngành nghề; thực hiện đúng định hướng gắn sản xuất với sửa chữa, sản xuất với nghiên cứu thiết kế; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và biện pháp bảo toàn năng lực CNQP trong quá trình chuyển đổi, thích ứng với kinh tế thị trường và mở của hội nhập kinh tế quốc tế.
3. Huy động tiềm lực kinh tế quốc dân tham gia xây dựng CNQP. Để làm tốt điều đó, Ngành cần xây dựng và thực thi các chế độ, chính sách cụ thể về huy động tiềm lực của nền kinh tế quốc dân, cả trong nước và ngoài nước, trước hết là tiềm lực về công nghiệp và KHCN, tham gia xây dựng, phát triển CNQP (chú trọng các ngành phụ trợ và công nghệ nền cho chế tạo các loại vũ khí có điều khiển, đóng tầu chiến, sửa chữa máy bay và một số loại vũ khí quân, binh chủng khác...). Đồng thời, tăng cường phối hợp đặt hàng, thực hiện đầu tư hỗ trợ, bổ sung bằng vốn ngân sách cho các cơ sở dân sinh có năng lực công nghệ lưỡng dụng để phục vụ quốc phòng.
4. Đẩy mạnh nghiên cứu KHCN, tạo tiền đề cho phát triển sản phẩm mới và công nghệ mới của CNQP. Theo đó, Ngành mở rộng đối tượng thu hút trong các ngành KHCN và công nghiệp dân sinh tham gia các đề tài nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sửa chữa VKTBKT, chuyển giao công nghệ và nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới vào phát triển CNQP, nhất là những lĩnh vực KHCN mới, có tính lưỡng dụng cao, như : công nghệ vũ trụ, công nghệ sinh học, công nghệ la-ze, kiểm tra bằng siêu âm, quang học, quang điện tử, quang bán dẫn, vật liệu hấp thụ sóng, pô-ly-me, cao su tổng hợp; tăng cường đầu tư nguồn lực (nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ngân sách cho các cơ sở nghiên cứu và các phòng thí nghiệm quốc gia) để nâng cao năng lực nghiên cứu, đủ khả năng dẫn hướng cho sự phát triển trình độ KHCN của CNQP. Trước mắt, tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình KHCN về chế tạo vũ khí và nâng cao chất lượng vũ khí do CNQP sản xuất; tăng cường công tác cải tiến VKTBKT hiện có trong biên chế của các lực lượng vũ trang; triển khai nghiên cứu các đề tài thiết kế, chế tạo vũ khí, khí tài phục vụ kế hoạch sản xuất và các dự án đầu tư hiện đại hoá công nghệ. Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ sở nghiên cứu với các đơn vị sản xuất trong nghiên cứu KHCN; mở rộng phạm vi hoạt động của KHCN dân sinh tham gia nghiên cứu phục vụ CNQP.
5. Phát triển nguồn nhân lực, đặt con người ở vị trí trung tâm trong chiến lược xây dựng và phát triển CNQP. Cùng với việc quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho CNQP (nhất là đội ngũ cán bộ KHCN có trình độ cao, kỹ thuật viên tay nghề cao), Ngành chú trọng công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ toàn diện của đội ngũ cán bộ, công nhân viên ở cơ quan, đơn vị CNQP cả về bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, năng lực trí tuệ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ..., bảo đảm đủ khả năng làm lực lượng nòng cốt trong tổ chức xây dựng và phát triển CNQP. Bên cạnh đó, tăng cường huy động tiềm năng tri thức trong nền kinh tế quốc dân; chủ động phối hợp xây dựng và triển khai các kế hoạch dài hạn, trung hạn cũng như ngắn hạn; mở rộng phạm vi và cơ chế thu hút tiềm năng chất xám của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có đủ điều kiện vào làm việc hoặc tham gia các chương trình, dự án phát triển CNQP. Mặt khác, Ngành tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chế độ, chính sách bảo đảm quyền lợi vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên quốc phòng, người lao động trong các đơn vị CNQP; chú trọng các chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ KHCN có trình độ cao, chuyên viên kỹ thuật tay nghề cao trực tiếp nghiên cứu, thử nghiệm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, công nghệ phải thực hiện trong điều kiện độc hại, nguy hiểm,... tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên công tác trong các đơn vị CNQP yên tâm công tác lâu dài, cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp xây dựng và phát triển CNQP trong thời kỳ mới.
Kế thừa, phát huy truyền thống, kinh nghiệm 65 năm qua, ngành CNQP tiếp tục phấn đấu, thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu xây dựng và phát triển CNQP theo hướng tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, góp phần đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Trung tướng NGUYỄN ĐỨC LÂM
Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011