QPTD -Thứ Ba, 23/08/2011, 01:26 (GMT+7)
Phấn đấu xây dựng Thành phố Móng Cái giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng-an ninh

Nhận thức rõ vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng-an ninh (QP-AN), đối ngoại của tỉnh Quảng Ninh và vùng Đông Bắc Tổ quốc, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân các dân tộc thành phố Móng Cái luôn quán triệt, cụ thể hoá hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Trong quá trình thực hiện, Móng Cái nỗ lực khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh phát triển kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội, tăng cường tiềm lực QP-AN...; nhờ đó, đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của Thành phố (giai đoạn 2005-2010) bình quân đạt 14,35%/năm; phấn đấu năm 2010 thu nhập bình quân đầu người đạt 1.511 USD (gấp 1,54 lần so với năm 2005)... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng: tỷ trọng thương mại, dịch vụ, du lịch tăng từ 63,6% lên 70,7%; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng giảm từ 17% xuống 14%; nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 19,4% xuống còn 14,4%. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân Móng Cái từng bước được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (năm 2009 còn 0,64%); dân chủ ở cơ sở được phát huy; lòng tin, sự đồng thuận của nhân dân đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương ngày càng cao; "thế trận lòng dân" trên địa bàn được củng cố vững chắc...

Tuy nhiên, nền kinh tế của Thành phố vẫn còn bộc lộ những hạn chế: tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và chưa thực sự là nền tảng vững chắc cho văn hoá-xã hội, QP-AN và các lĩnh vực khác phát triển. Để khắc phục những yếu kém này và phấn đấu xây dựng Thành phố ngày càng giàu về kinh tế, mạnh về QP-AN, Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân Thành phố xác định: Tiếp tục đổi mới toàn diện, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; phát huy tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định, bền vững. Xây dựng Móng Cái trở thành Thành phố cửa khẩu quốc tế, đô thị loại 2, biên giới hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường; một trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn của vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc bộ, là động lực phát triển mạnh của vùng Đông Bắc Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với chăm lo nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) đi đôi với bảo đảm QP-AN, bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; tăng cường công tác đối ngoại, xây dựng vùng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển...  

Thực hiện mục tiêu trên, những năm tới, Thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm: xây dựng cầu Bắc Luân 2, gắn với đường vành đai 2; khu mậu dịch tự do, khu đô thị sát biên giới, điểm thông quan hàng hoá, tạo bước đột phá quan trọng trong phát triển thương mại-dịch vụ-du lịch và mở rộng không gian đô thị. Đồng thời, Thành phố tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo chặt chẽ việc nâng cấp và khai thác có hiệu quả các trung tâm thương mại, khu kinh tế cửa khẩu, các điểm thông quan hàng hoá, kho ngoại quan, hệ thống cảng thuỷ nội địa, hệ thống chợ, siêu thị... theo hướng xã hội hoá. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về các hoạt động thương mại, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu. Phát huy lợi thế của Thành phố nằm trong "Hai hành lang và một vành đai" phát triển kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ và hợp tác kinh tế song phương Việt Nam-Trung Quốc, các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, thương mại qua biên giới, trên cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh, đúng pháp luật; phấn đấu giá trị hàng hoá qua cửa khẩu tăng bình quân 18,6%/năm. Đồng thời, Thành phố đầu tư phát triển, mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính, ngân hàng theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH; chỉ đạo quyết liệt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiên quyết không để xảy ra "điểm nóng" trên địa bàn.

 Trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, Thành phố khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp phía Tây Thành phố; ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, như: chế tạo, lắp ráp hàng điện tử...; đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng, gia công, chế tác hàng hoá, chế biến thuỷ sản, hoa quả phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; nâng cấp, khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Ninh Dương, Hải Yến..., phấn đấu tăng trưởng ngành công nghiệp, xây dựng của Thành phố đạt mức trên 12%/năm.

Đối với lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, Móng Cái tập trung đầu tư nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hoá; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, chăn nuôi theo hướng công nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến; đầu tư phát triển thuỷ, hải sản đồng bộ (nuôi trồng, khai thác, chế biến), phấn đấu đến năm 2015, tổng sản lượng thuỷ sản của Thành phố đạt trên 40.000 tấn; đầu tư chăm sóc, bảo vệ, trồng mới rừng ngập mặn, rừng phòng hộ đầu nguồn, phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ rừng che phủ đạt trên 40%. Thành phố tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt); nâng cấp hệ thống giao thông nội thành, vùng biên giới, nông thôn, hải đảo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và QP-AN; tăng cường đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động; thực hiện tốt các chính sách xã hội...

Cùng với đẩy mạnh phát triển KT-XH, Móng Cái đã và đang thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ QP-AN, nhất là xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân và công tác đối ngoại... nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc, củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ QP-AN, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, Thành phố cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ, như: trên địa bàn luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn, khó lường về an ninh chính trị, đặc biệt là an ninh biên giới, an ninh biển, đảo; các hoạt động vi phạm hải phận, vượt biên, đánh bắt hải sản trái phép; buôn lậu qua biên giới... diễn biến phức tạp. Thêm nữa, Móng Cái còn là nơi tập trung, ẩn náu, hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội trong và ngoài nước; là nơi mà các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược "Diễn biến hoà bình", kích động gây chia rẽ nội bộ, chia rẽ tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt-Trung... Thực trạng đó đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân Thành phố phải luôn nâng cao cảnh giác cách mạng, tỉnh táo, không bị mắc mưu kẻ địch, chủ động đấu tranh trấn áp mọi hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn, đặc biệt là địa bàn biên giới, biển, đảo; đồng thời, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong thời kỳ mới.

Từ những bài học kinh nghiệm rút ra qua 5 năm thực hiện Nghị định số 119/2004/NĐ-CP của Chính phủ "Về công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương" gắn với sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị số 36/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Về tiếp tục chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện để đáp ứng nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới" và quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự (QP, QS) ở địa phương, Thành phố tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến toàn diện, vững chắc đối với nhiệm vụ QP-AN để bảo vệ vững chắc địa phương, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Theo đó, Thành phố chỉ đạo tập trung xây dựng nền QPTD, tăng cường tiềm lực chính trị-tinh thần, tiềm lực kinh tế của khu vực phòng thủ; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức luyện tập các phương án, kế hoạch tác chiến khu vực phòng thủ, tác chiến trị an, phòng chống bão lụt, cháy rừng, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn theo quy hoạch tổng thể về phát triển KT-XH của Thành phố; tăng cường đầu tư xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương và các công trình quốc phòng ngày càng vững chắc. Cùng với đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Thành phố, tập trung xây dựng và hoàn thiện thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân trên địa bàn; gắn kết việc thực hiện chính sách xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân với xây dựng cơ sở chính trị trong sạch vững mạnh, tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT địa phương, trước hết, Thành phố tập trung kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan quân sự, công an, bảo đảm có đủ năng lực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền và tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP, QS và an ninh ở địa phương, cơ sở; phấn đấu xây dựng LLVT địa phương vững mạnh toàn diện, thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền QPTD, cùng nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ quê hương trong giai đoạn mới. Trong những năm qua, Thành phố luôn quan tâm chỉ đạo việc thực hiện quy chế phối hợp giữa quân đội với công an, biên phòng theo Quy định 107/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý địa bàn cơ sở, bảo vệ an ninh nội địa và an ninh biên giới; xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ, góp phần cùng toàn dân giữ vững ổn định chính trị, vô hiệu hóa các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; tích cực tham gia đấu tranh ngăn ngừa các loại tội phạm: buôn lậu, gian lận thương mại, tệ nạn xã hội... Tổ chức và quản lý tốt lực lượng dự bị động viên, phấn đấu bảo đảm đủ số lượng, đúng chức danh và chuyên nghiệp quân sự, phấn đấu tỷ lệ đảng viên đạt trên 20%. Trong xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, nhất là lực lượng dân quân các xã biên giới, biển, đảo và các trung đội dân quân cơ động, Thành phố xác định đây là lực lượng nòng cốt trong sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Vì vậy, các cấp uỷ, chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, sắp xếp, kiện toàn ban chỉ huy quân sự, công an xã (phường) theo quy định; tổ chức, xây dựng lực lượng dân quân sát với đặc điểm và khả năng của từng xã (phường); từng bước xây dựng lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các thành phần kinh tế khác có số lượng hợp lý, chất lượng cao, nhất là chất lượng chính trị, đảm bảo tỷ lệ 1,8% dân số, trong đó, tỷ lệ đảng viên đạt 22% trở lên; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị; huấn luyện nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống, bảo đảm an ninh biên giới, an ninh biển, đảo, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần cùng toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo nơi địa đầu Tổ quốc.

NGUYỄN MẠNH HÀ

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố

 

Ý kiến bạn đọc (0)