QPTD -Thứ Sáu, 16/09/2011, 23:10 (GMT+7)
Phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục - đào tạo năm học 2008 - 2009

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự nỗ lực của các học viện, trường, năm học 2007 - 2008, công tác nhà trường quân đội đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp; trong đó, đã thực hiện tốt kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo được giao, chất lượng giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) được nâng lên một bước. Các cơ quan chức năng của Bộ đã tập trung xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội đến năm 2010, chuẩn bị điều kiện xây dựng Đề án “Quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội giai đoạn 2010 - 2020”. Bộ Quốc phòng đã ra các quyết định nâng cấp Trường Trung học Công nghiệp Quốc phòng thành Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng; đổi tên các trường trung học chuyên nghiệp thành các trường trung cấp chuyên nghiệp...

Đề án “Kiện toàn và phát triển đội ngũ nhà giáo quân đội” được triển khai theo đúng kế hoạch; chất lượng đội ngũ nhà giáo từng bước được nâng lên, cả về trình độ kiến thức, năng lực sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn. Trong năm học, đã tổ chức xét, đề nghị trên công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho 39 nhà giáo (4 GS, 35 PGS); công nhận giáo viên, giảng viên giỏi cấp Bộ Quốc phòng cho 108 nhà giáo; xét đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú (đợt cuối năm 2008) cho 50 nhà giáo (3 NGND,  47 NGƯT).

Công tác tuyển sinh quân sự được đổi mới theo lộ trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đúng với Luật Giáo dục và đặc thù quân đội. Nền nếp chính quy trong GD-ĐT được duy trì thường xuyên. Cơ quan chức năng của Bộ và các cấp quản lý nhà trường thực hiện tốt chế độ kiểm tra, thanh tra theo Luật Giáo dục và Điều lệ Công tác nhà trường quân đội. Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” được các học viện, trường tích cực hưởng ứng, trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, góp phần chấn chỉnh mạnh mẽ việc dạy, học và thi cử. Cục Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của các Bộ, ngành Nhà nước triển khai các dự án về đầu tư, hỗ trợ ngân sách thông qua các chương trình, mục tiêu quốc gia. Chế độ phân cấp sử dụng ngân sách cho các học viện, trường và các cơ sở đào tạo được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm công khai, dân chủ, đạt hiệu quả cao.

Năm học 2008-2009 diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới đất nước, trong đó có đổi mới về GD-ĐT đang được đẩy mạnh. Việc nước ta đã là thành viên của WTO tạo ra những cơ hội mới cho sự hội nhập, phát triển GD-ĐT. Tuy nhiên, công tác GD-ĐT còn không ít khó khăn, thách thức. Do đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng GD-ĐT, trước hết các học viện, trường trong quân đội cần tập trung quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ 8, Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW về công tác GD-ĐT trong tình hình mới, Chỉ thị số 01/CT-TM ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Tổng Tham mưu trưởng về nhiệm vụ công tác nhà trường quân đội năm học 2008 – 2009. Đẩy mạnh đổi mới toàn diện, cả cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý và nội dung, phương pháp dạy-học. Các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án “Quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội giai đoạn 2010-2020”; hoàn chỉnh thủ tục đề nghị cấp trên xét để Học viện Quân y trở thành trường trọng điểm quốc gia (năm 2008, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã được công nhận). Đồng thời, tập trung đầu tư cho Học viện Chính trị quân sự, Học viện Hải quân, Học viện Phòng không-Không quân, Trường sĩ quan Lục quân 1 và Trường quân sự Quân khu 3 thành trường trọng điểm của quân đội; xây dựng 01 đến 02 học viện, trường có đủ điều kiện để tham gia "Chương trình đào tạo tiên tiến" của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Triển khai nghiên cứu, xây dựng “Chiến lược đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong quân đội giai đoạn 2010 – 2020”.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 63 về “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ, hạ sĩ quan chỉ huy và nhân viên chuyên môn kỹ thuật các cấp trong quân đội”; tập trung đổi mới nội dung, tổ chức, phương pháp dạy và học nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT. Trên cơ sở hội nghị rút kinh nghiệm 01 năm thực hiện đào tạo theo quy trình, chương trình đào tạo mới, các học viện, trường cần điều chỉnh, bổ sung chương trình, nội dung đào tạo, phù hợp với từng đối tượng và vùng miền, bảo đảm sát yêu cầu huấn luyện chiến đấu, nâng cao năng lực thực hành của người học. Triển khai rà soát, chuẩn hoá hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật tại các học viện, trường. Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, nâng cao trình độ sư phạm cho đội ngũ nhà giáo để đổi mới phương pháp giảng dạy theo quy trình, chương trình đào tạo mới, với phương châm gắn đào tạo tại trường với các hoạt động diễn tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Trong quá trình đào tạo, các học viện, trường cần tích cực đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, bảo đảm tính khách quan, phản ánh đúng thực chất trình độ của người học; thực hiện quy chế tính điểm thống nhất với các tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Các học viện, trường tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 60/CT-TM của Tổng Tham mưu trưởng và cuộc vận động của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; hạn chế thấp nhất, đi đến chấm dứt hiện tượng tiêu cực trong thi cử; đồng thời, kiên quyết xử lý cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ, công nhân viên trong các cơ sở đào tạo vi phạm quy chế thi, kiểm tra, đánh giá kết quả.

Xây dựng đội ngũ giáo viên vững mạnh toàn diện, trên cơ sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án "Kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo quân đội đến năm 2010" đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Các học viện, trường cần rà soát, bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu, gắn với bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo. Tăng cường cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng về khoa học xã hội và nhân văn, sư phạm, ngoại ngữ; tham gia các đợt tập huấn nghiệp vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, nhất là chất lượng các luận án tiến sĩ khoa học quân sự được bảo vệ theo chế độ mật. Trong đó, chú trọng xây dựng quy hoạch đào tạo tiến sĩ từ năm 2010 dến 2020; tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng nguồn đào tạo sau đại học, chuẩn bị đủ số lượng và chất lượng nguồn đào tạo tiến sĩ trong nước và ngoài nước, góp phần chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo quân đội. Cùng với GD-ĐT, các học viện, trường còn phải đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng các đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để phục vụ tốt hơn công tác dạy-học; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và trong giảng dạy. Bộ sẽ đầu tư cho một số học viện, trường viết bài giảng mẫu, phần mềm dạy học, phần mềm mô phỏng; đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các phòng phương pháp, giảng đường khoa sư phạm, phòng học ngoại ngữ của các học viện, trường đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao. Triển khai có hiệu quả các kế hoạch khảo sát, thẩm định quy hoạch công trình huấn luyện chiến đấu ngành nhà trường. Lập kế hoạch báo cáo Bộ Quốc phòng xin cấp vũ khí, trang bị nhóm 1 đưa vào phục vụ công tác đào tạo.

Các học viện, trường còn phải thực hiện tốt kế hoạch nghiên cứu, biên soạn hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học; trước hết là, kế hoạch biên soạn, in ấn giáo trình, tài liệu năm học 2008-2009 cho các đối tượng đào tạo theo quy trình, chương trình đào tạo mới. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Đề án "Nâng cấp thư viện các trường quân đội" trình Bộ Quốc phòng phê duyệt và triển khai thực hiện. Nâng cao chất lượng Tạp chí Nhà trường quân đội, xứng đáng là diễn đàn nghiên cứu, phổ biến khoa học GD-ĐT quân sự và hướng dẫn, chỉ đạo công tác nhà trường quân đội; đẩy mạnh việc tuyên truyền về công tác nhà trường quân đội trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Công tác tuyển sinh, cử tuyển thực hiện theo quy chế của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; tổ chức thi tuyển theo phương án “3 chung” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các nhà trường quân đội tuyển đủ nguyện vọng 1 theo chỉ tiêu (xác định riêng cho 2 khu vực phía Bắc và phía Nam; quân nhân và thanh niên ngoài quân đội). Thực hiện nghiêm túc kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nhân viên chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Mặt khác, cần tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm tra tuyển sinh và thực hiện quy chế đào tạo sau đại học.

Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (QP-AN) cho các đối tượng. Tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/CT-BQP ngày 01-02-2008 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ đối tượng 1 tại Học viện Quốc phòng. Theo đó, từ nay đến hết quý 3 năm 2010, mỗi năm Học viện Quốc phòng tổ chức từ 5 - 7 khoá, mỗi khoá 70-75 học viên; Học viện Chính trị quân sự, Quân khu 1, 5, 7 mỗi năm mở từ 5 - 7 khoá, mỗi khoá từ 70 - 75 học viên cho đối tượng 2. Các trường tham gia đào tạo nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước thực hiện nghiêm túc Quyết định số 38/2003/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng về tổ chức đào tạo dân sự trong các nhà trường quân đội; xác định đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong việc kết hợp giữa kinh tế với QP-AN, giữa đào tạo trong quân đội với đào tạo dân sự. Đặc biệt là, mở rộng đào tạo nguồn cán bộ cơ sở tại chỗ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và tạo nguồn đào tạo theo địa chỉ của quân đội.

Trước yêu cầu hội nhập và phát triển GD-ĐT, cần tích cực triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo trong quân đội giai đoạn 2007-2015 và những năm tiếp theo". Việc tổ chức các đoàn cán bộ nhà trường đi nước ngoài nghiên cứu kinh nghiệm đào tạo và mời chuyên gia nước ngoài vào giảng dạy trong các trường quân đội phải bảo đảm đạt hiệu quả thiết thực. Chú trọng thực hiện nghiêm túc kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng học viên quân sự các nước theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước. Các học viện tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo với nước ngoài trên cơ sở quy định của Bộ Quốc phòng, phấn đấu mỗi học viện hợp tác với ít nhất một đối tác đào tạo nước ngoài.

Thường xuyên quán triệt và thực hiện tốt Nghị định số 101/2002/NĐ-CP của Chính phủ và quy định của Bộ Quốc phòng về thanh tra, kiểm tra trong GD-ĐT. Năm 2008, Bộ Tổng Tham mưu sẽ tổ chức kiểm tra toàn diện từ 4 đến 6 học viện, trường theo kế hoạch và đột xuất; tổ chức thanh tra các kỳ thi tuyển sinh sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các học viện, trường cần chủ động tổ chức tự kiểm tra đánh giá chất lượng đào tạo và xây dựng nền nếp chính quy. Cùng với các nhiệm vụ đó,  cần tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; các quy định về huấn luyện điều lệnh, xây dựng chính quy, chấp hành điều lệnh, Luật Giao thông và các quy định về rèn luyện thể lực, hoạt động thể thao; thường xuyên thực hiện nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng diễn tập, huấn luyện chiến đấu trong nhà trường quân đội.

Phát huy kết quả đã đạt được, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ GD-ĐT năm học 2008-2009, cơ quan chức năng và các học viện, trường cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, trực tiếp là của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng về GD-ĐT, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2008-2009, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Trọng Thắng

Cục trưởng Cục Nhà trường

 

Ý kiến bạn đọc (0)