Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:01 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được và để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần cho toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ) về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP) năm 2010 và Chỉ lệnh công tác hậu cần của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP), ngành Hậu cần Quân đội tiếp tục phấn đấu, chủ động khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch hậu cần được giao.
Năm 2009, ngành Hậu cần Quân đội thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thuận lợi là cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn gay gắt. Khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế, tài chính nước ta; giá cả các mặt hàng thiết yếu biến động phức tạp, nhất là xăng dầu, vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh; thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong khi đó, Ngành phải triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ đột xuất, kinh phí hậu cần hạn hẹp, tổ chức biên chế đang trong quá trình tinh giảm...Tuy nhiên, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của ĐUQSTƯ, BQP, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội, Ngành đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ công tác hậu cần, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, đáp ứng nhu cầu hậu cần cho toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QS,QP và tham gia phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH).
Kết quả nổi bật là, Đảng ủy, Chỉ huy Tổng cục Hậu cần đã chủ động tham mưu cho ĐUQSTƯ, BQP về bổ sung quy hoạch, kế hoạch Dự án phát triển KT-XH gắn với tăng cường quốc phòng- an ninh (QP-AN) trên các địa bàn trọng điểm; xây dựng kế hoạch, phương thức bảo đảm hậu cần (BĐHC) sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tình hình mới (theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ); bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn kiện hậu cần SSCĐ. Cùng với đó, Ngành đã bảo đảm tốt hậu cần cho nhiệm vụ SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất; chú trọng ưu tiên bảo đảm cho các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời, biển đảo, biên giới, các đơn vị đóng quân trên các địa bàn trọng điểm về QP-AN. Triển khai bảo đảm kịp thời hậu cần cho nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn (năm 2009, toàn quân đã tổ chức cấp phát cứu trợ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y, chăn màn, quần áo và cơ động 71 lượt tổ quân y giúp các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh với tổng giá trị kinh phí trên 56 tỷ đồng). Tổ chức Diễn tập HC-09 đúng kế hoạch, bảo đảm bí mật, an toàn, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành của chỉ huy và cơ quan hậu cần chiến lược.
Công tác hậu cần thường xuyên đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Việc tiếp tục đổi mới phương thức tạo nguồn, tăng cường phân cấp cho đơn vị; mở rộng đấu thầu mua sắm tạo nguồn ở cấp chiến lược và thực hiện tiết kiệm 12% hạn mức xăng dầu trong toàn quân đã giảm chi hàng trăm tỷ đồng ngân sách. Triển khai thực hiện thí điểm Đề án xã hội hoá một số khâu trong công tác nuôi dưỡng bộ đội ở Học viện Hậu cần và Trường Sĩ quan Chính trị đạt kết quả tốt, làm cơ sở để rút kinh nghiệm, áp dụng rộng rãi đối với các đơn vị có điều kiện đóng quân ổn định, trước hết là hệ thống nhà trường, viện nghiên cứu, cơ quan chiến lược, chiến dịch... Bảo đảm ăn, mặc cho bộ đội có bước chuyển biến mới. Cùng với việc đề xuất với Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định 65/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2003/NĐ-CP “Quy định về tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ” phù hợp với thực tiễn hiện nay, Tổng cục đã chỉ đạo tốt việc khai thác tạo nguồn lương thực, thực phẩm, kết hợp với đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chăn nuôi1, chế biến, giết mổ tập trung, đưa vào bữa ăn với giá rẻ hơn giá thị trường từ 5-10%, góp phần giữ ổn định đời sống của bộ đội. Tổ chức sản xuất, bảo đảm đầy đủ, kịp thời tiêu chuẩn quân trang cho các đối tượng, nhất là chuyển đổi trang phục sĩ quan K08 và quân trang nghi lễ theo đúng kế hoạch Bộ giao. Công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội được các cơ quan, đơn vị triển khai tích cực; chú trọng phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất lây lan trong quân đội; bảo đảm tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tỷ lệ quân số khỏe đạt 99,04% (vượt chỉ tiêu 0,54%); kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự. Thực hiện đúng chủ trương, định hướng của Bộ về xây dựng cơ bản, ưu tiên đầu tư cho các đơn vị đủ quân có doanh trại xuống cấp nghiêm trọng, các đơn vị mới thành lập, di chuyển, đóng quân ở vùng sâu, vùng xa; triển khai có hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ, tập trung xoá nhà cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng, xoá hố vệ sinh hở, trang bị mới giường sắt 2 tầng, phản nằm, doanh cụ, xây dựng công trình tắm nước nóng cho bộ đội đóng quân ở vùng rét và công trình cấp nước sạch bảo đảm sinh hoạt cho bộ đội. Chủ động tạo nguồn xăng dầu, bảo đảm kịp thời cho nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện và các nhiệm vụ đột xuất. Hoàn thành kế hoạch vận tải thường xuyên và đột xuất, nhất là vận chuyển bảo đảm cho Trường Sa, cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí, đạn, binh khí kỹ thuật và các nhiệm vụ đột xuất, đảm bảo an toàn, tiết kiệm.
Cùng với công tác bảo đảm, các chuyên ngành hậu cần đã tổ chức thành công các Hội thi: Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt, Kho xăng dầu chiến thuật an toàn- hiệu quả, Đội Vệ sinh-phòng dịch kiểu mẫu. Các phong trào thi đua của Ngành được duy trì, phát triển, gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo động lực nâng cao chất lượng toàn diện công tác hậu cần.
Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được và để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác hậu cần năm 2010, ngành Hậu cần Quân đội tiếp tục phấn đấu, chủ động khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:
1. Tập trung nguồn lực nâng cao khả năng BĐHC cho nhiệm vụ SSCĐ, các nhiệm vụ đột xuất. Chủ động tham mưu đề xuất với BQP điều chỉnh lượng vật chất hậu cần dự trữ SSCĐ, dự trữ quốc gia cho quốc phòng phù hợp với tình hình kinh tế đất nước và khả năng bảo đảm hiện nay; bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ SSCĐ, thường xuyên và đột xuất, nhất là phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn; chú trọng ưu tiên bảo đảm cho các đơn vị ở các khu vực trọng điểm về QP-AN, các đồn biên phòng, đơn vị mới thành lập và làm nhiệm vụ tác chiến trên biển, đảo. Bảo đảm đồng bộ vật chất, trang bị hậu cần SSCĐ và huấn luyện dã ngoại, phù hợp với điều kiện tác chiến và khả năng ngân sách. Quản lý tốt lượng vật chất hậu cần dự trữ SSCĐ, dự trữ quốc gia cho quốc phòng; từng bước bổ sung đủ lượng dự trữ SSCĐ ở các cấp theo quy định. Triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố); từng bước đầu tư xây dựng căn cứ hậu cần, căn cứ hậu phương các cấp. Hoàn chỉnh kế hoạch và khảo sát nắm chắc tiềm lực hậu cần của các ngành, địa phương và khả năng huy động khi có nhu cầu.
2. Phối hợp đồng bộ các chuyên ngành hậu cần, nâng cao chất lượng bảo đảm hậu cần thường xuyên. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ ổn định đời sống của bộ đội; chỉ đạo triển khai thực hiện mức tiền ăn mới (từ 01- 01- 2010); chú trọng khâu tạo nguồn, quản lý chất lượng, giá cả hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm; đẩy mạnh tăng gia sản xuất2, góp phần cải thiện bữa ăn hằng ngày của bộ đội. Bảo đảm tốt tiêu chuẩn, chế độ cho chiến sĩ ra quân, đón nhận chiến sĩ mới năm 2010. Nghiên cứu cải tiến trang bị, dụng cụ nhà ăn, nhà bếp và bảo đảm ăn, mặc, trang bị dã ngoại; tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình xã hội hoá một số nội dung trong công tác nuôi dưỡng bộ đội. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời tiêu chuẩn quân trang cho các đối tượng, nhất là trang phục sĩ quan K08 theo lộ trình liên thông 3 năm (2008- 2010).
Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của bộ đội; chú trọng nâng cao chất lượng dự báo, giám sát và phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức bền bỉ, dẻo dai của bộ đội; tạo bước chuyển biến tích cực về quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ cao cấp, hạn chế thấp nhất các trường hợp đột tử do bệnh lý; duy trì quân số khỏe toàn quân từ 98,5% trở lên; làm tốt công tác khám sức khoẻ cho tuyển quân và tuyển sinh quân sự. Cung ứng đủ thuốc thiết yếu và từng bước đáp ứng được thuốc, biệt dược phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và cấp cứu điều trị. Khai thác, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị đã được đầu tư. Nâng cao hiệu quả hoạt động kết hợp quân- dân y trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bộ đội và góp phần tăng cường tiềm lực nền quốc phòng toàn dân, nhất là các địa bàn vùng sâu, biên giới, hải đảo; thực hiện tốt công tác dân số, gia đình và trẻ em.
Hoàn thiện quy hoạch tổng thể mặt bằng doanh trại, hợp thức đất quốc phòng; thực hiện nghiêm quy định của Bộ trưởng BQP về phân cấp, ủy quyền quyết định dự án đầu tư và xây dựng; nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng và thẩm định dự án; quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng xây dựng công trình doanh trại; khai thác, sử dụng hiệu quả doanh trại các đơn vị giải thể, rút gọn. Ưu tiên ngân sách xây dựng doanh trại cho các trung đoàn đủ quân; các sư đoàn phòng không; các đồn, trạm biên phòng; các trung, lữ đoàn kỹ thuật; bộ đội tàu hải quân... Đẩy nhanh tiến độ xoá nhà cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng; đầu tư xây dựng các công trình nước sạch bảo đảm cho bộ đội, phấn đấu tỷ lệ các đơn vị được sử dụng nước sạch đạt 76% trở lên; tiếp tục xây dựng các điểm tắm nước nóng cho các đơn vị đóng quân ở phía Bắc, vùng rét đậm. Tập trung đầu tư sửa chữa hệ thống lưới điện, hệ thống cấp thoát nước sinh hoạt để giảm tổn thất về điện và nước; đổi mới đồng bộ đường điện dây trần trong doanh trại, bảo đảm an toàn trong sử dụng. Hoàn thành việc chuyển giao hệ thống điện trung thế, cao thế và trạm biến áp ra địa phương quản lý theo quy định.
Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình giá cả xăng dầu; phân cấp tạo nguồn hợp lý cho các đơn vị, bảo đảm chất lượng xăng, dầu cho các nhiệm vụ, ưu tiên cho Quân chủng Phòng không-Không quân, Hải quân, Cục Cảnh sát biển...Tổ chức nhập khẩu nhiên liệu, dầu mỡ đặc chủng không có ở thị trường trong nước, áp dụng phương thức chào hàng cạnh tranh hoặc đấu thầu để lựa chọn nhà cung cấp; riêng nhiên liệu và dầu mỡ thông dụng, chủ yếu khai thác tại thị trường trong nước.
Triệt để khai thác phương tiện vận tải hiện có để thực hiện nhiệm vụ vận tải quân sự; từng bước đổi mới trang bị, phương tiện vận tải, trước hết là xe vận tải, phương tiện thủy chiến lược; từng bước trang bị một số xuồng, thuyền bảo đảm cho nhiệm vụ phân lũ và phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn. Tăng cường công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông.
3. Các doanh nghiệp hậu cần tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp, ổn định về tổ chức, bộ máy; triển khai các dự án đổi mới công nghệ, nghiên cứu ứng dụng cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm, phục vụ tốt nhu cầu quốc phòng và góp phần phát triển KT-XH; phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm hàng quốc phòng và nâng cao thị phần hàng kinh tế, bảo đảm đủ việc làm cho người lao động.
4. Đẩy mạnh xây dựng Ngành vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị. Tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả việc quán triệt, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên hậu cần. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tổ chức lực lượng ngành Hậu cần trong tình hình mới; quy hoạch hệ thống điều trị và hệ thống y tế dự phòng toàn quân. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 65/2009/ NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ; từng bước triển khai thực hiện theo khả năng ngân sách bảo đảm.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, trọng tâm là nâng cao khả năng SSCĐ, chất lượng bảo đảm ăn uống trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; tổ chức các cuộc diễn tập nâng cao khả năng thực hành bảo đảm trong các tình huống, sát với yêu cầu nhiệm vụ tác chiến. Chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng, huấn luyện hậu cần lực lượng dự bị động viên. Tiếp tục chỉ đạo và tổ chức hội thi tiểu đoàn vận tải, đại đội vận tải "Chính quy- an toàn- hiệu quả" của 6 binh chủng và hội thi "Doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp" của các đơn vị khối quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng. Nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức hội nghị tập huấn hậu cần, ngành nghiệp vụ, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.
Tập trung trí tuệ xây dựng văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về công tác hậu cần nhiệm kỳ 2011-2015. Rà soát, cụ thể hóa các nội dung, biện pháp xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần các cấp vững mạnh toàn diện; đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác hậu cần; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; duy trì nền nếp chính quy trong các hoạt động của Ngành và lễ tiết, tác phong quân nhân; đồng thời, tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ cơ sở vật chất, kinh phí hậu cần. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và các phong trào thi đua khác, gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác hậu cần 2010, thiết thực lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Hậu cần Quân đội (11/7/1950 - 11/7/2010), Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 9, tiến tới Đại hội XI của Đảng.
Thiếu tướng NGUYỄN VĨNH PHÚ
Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần
_________
1- Các đơn vị có điều kiện về đất đai, mặt nước đã tự túc được 90-100% rau xanh, 70-100% định lượng thịt, cá.
2- Các đơn vị đủ quân có điều kiện về đất đai phấn đấu tự túc 100% rau xanh, 60-65% thịt; các đơn vị được đầu tư chăn nuôi tập trung tự túc 100% định lượng thịt, đưa sản phẩm tăng gia vào bếp ăn thấp hơn giá thị trường.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011