QPTD -Thứ Sáu, 05/08/2011, 00:52 (GMT+7)
Phải chăng xu thế đa cực hóa thế giới đang hình thành rõ nét ?

Sau "chiến tranh lạnh", Mỹ ra sức khuếch trương sức mạnh, nhằm thiết lập trật tự thế giới "đơn cực", do Mỹ đóng vai trò "ông chủ". Tuy nhiên, chưa đầy 2 thập kỷ, do những sai lầm trong chính sách đối ngoại, nhất là mượn danh "chống khủng bố", bất chấp luật pháp quốc tế, đơn phương sử dụng sức mạnh quân sự  "đánh đòn phủ đầu" các nước "thù nghịch", Mỹ đã tự hạ thấp uy tín và làm mất vai trò "độc tôn" lãnh đạo thế giới của mình. Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, thời kỳ "đơn cực" của Mỹ đã qua, xu thế đa cực hoá thế giới đang hình thành rõ nét, thể hiện trên những cơ sở chủ yếu sau: 

1. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) có thể trở thành đối trọng với Mỹ và NATO

  Từ khi thành lập (15-6-2001) đến nay, SCO (gồm 6 nước: Nga, Trung Quốc, Ka-dắc-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan, Ki-rơ-gi-xtan, Ta-gi-ki-xtan) từng bước khẳng định vai trò là một tổ chức quan trọng trong lĩnh vực hợp tác kinh tế và bảo đảm an ninh, ổn định ở khu vực Trung Á. Đặc biệt, trước tình hình đang có những diễn biến phức tạp ở khu vực và thế giới, nhất là xung đột quân sự giữa Nga và Gru-di-a ở Nam Cáp -ca-dơ (8 đến 12-2008), tại hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 8 (28-8-2008), nguyên thủ các nước thành viên đã đạt được nhận thức chung về vị thế chiến lược của khu vực Trung Á đang không ngừng được tăng lên; do vậy, việc xây dựng SCO vững mạnh, dựa trên quan hệ hợp tác, đối tác toàn diện giữa các nước thành viên được xác định là mục tiêu và là yêu cầu cấp thiết, quan trọng trong việc củng cố sự ổn định về chiến lược, duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực và trên thế giới. Giới nghiên cứu quốc tế cho rằng, hội nghị thượng đỉnh lần này là một bước đột phá trong quan hệ đối ngoại của SCO và cùng với sự hợp tác Nga - Trung (hai cường quốc đóng vai trò nòng cốt trong SCO, lại có đồng quan điểm trong xây dựng trật tự thế giới đa cực, phản đối chủ nghĩa bá quyền, "đơn cực" của Mỹ), vị thế của tổ chức này sẽ ngày càng được nâng lên và sẽ là "đối trọng" ngăn chặn tham vọng bá quyền của Mỹ và NATO ở khu vực này cũng như  trên thế giới. Trong tương lai, SCO có thể kết nạp thêm nhiều quốc gia khác trong khu vực, như I-ran, Pa-ki-xtan, Ấn Độ.    

2. Quan hệ Mỹ - Trung còn nhiều mâu thuẫn

Trong quan hệ giữa các cường quốc hiện nay, quan hệ Mỹ- Trung Quốc là một trong những quan hệ phức tạp nhất; những động thái trong quan hệ giữa họ sẽ trực tiếp tác động đến các quan hệ quốc tế khác và cục diện chiến lược toàn cầu. Năm 2008, Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức "đối thoại chiến lược"; theo đó, hai nước đã nối lại đối thoại về nhân quyền; thúc đẩy đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên; trao đổi hồ sơ tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Triều Tiên... Tuy nhiên, trước sự "trỗi dậy" rất nhanh, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản), nước thứ 3 (sau Mỹ, Nga) nắm được kỹ thuật tên lửa phá vệ tinh, đưa người đi bộ trong khoảng không vũ trụ và việc mở rộng vai trò chính trị "cường quốc có trách nhiệm với thế giới" của Trung Quốc, Mỹ càng ráo riết đẩy mạnh chính sách kiềm chế, ngăn chặn, không để nước này trở thành mối đe dọa tiềm tàng đến vị thế siêu cường số 1 thế giới của mình. Mới đây, sau khi báo chí Mỹ và Anh đưa tin Trung Quốc chủ trương xây dựng một căn cứ hải quân hiện đại, quy mô lớn ở đảo Hải Nam với 11 đường hầm trong núi, có sức chứa 20 tàu ngầm hạt nhân và chế tạo tàu sân bay..., Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Kít-tinh đã cảnh báo:“Trung Quốc đừng lãng phí thời gian và năng lực vào những chương trình phát triển quân sự như vậy”. Trong khi đó, Bắc Kinh tố cáo Mỹ tiếp tục lấy vấn đề nhân quyền, Tây Tạng, Đài Loan..., để thực hiện chính sách kiềm chế, chống phá Trung Quốc. Ngày 6-10-2008, Trung Quốc tuyên bố hoãn các cuộc trao đổi quân sự và ngoại giao với Mỹ để phản đối kế hoạch của Mỹ bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan (trị giá 6,5 tỷ USD). Theo các nhà phân tích quốc tế, Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích chiến lược trong quan hệ với nhau, nhất là Mỹ vẫn rất cần vai trò của Trung Quốc trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, I-ran, nên quan hệ giữa hai cường quốc này sẽ vừa hợp tác vừa ngăn chặn, kiềm chế nhau quyết liệt. Đây cũng là đặc điểm nổi bật trong quan hệ quốc tế đương đại và là nhân tố làm xu thế đa cực hóa của thế giới càng rõ nét.

3. Nhật Bản khẳng định vị thế nước lớn trên trường quốc tế

Thời gian qua, tuy vẫn đặt liên minh Mỹ- Nhật làm nhân tố quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia, nhưng Nhật Bản tiếp tục các chính sách tăng cường thực lực quân sự, nhằm "tự chủ" hơn với Mỹ và cải thiện hình ảnh chính trị của mình trên trường quốc tế. Đặc biệt, mới đây, Tô-ki-ô đã quyết định nâng cấp Cục Phòng vệ thành Bộ Quốc phòng, đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa quân đội theo hướng cơ cấu tổ chức tinh gọn, trang bị vũ khí công nghệ cao, nâng cao khả năng tác chiến tiến công biển xa của không quân và hải quân. Các nhà lãnh đạo của nước này cũng chủ trương sửa đổi Hiến pháp để có thể đưa quân đội tham gia các hoạt động quân sự ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia; mở rộng quan hệ đối ngoại đa phương, nhằm vận động các nước ủng hộ Nhật Bản làm Uỷ viên thường trực mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, v.v. Dư luận quốc tế cho rằng, cùng với vị thế là cường quốc kinh tế lớn thứ 2 (sau Mỹ), Nhật Bản đang ráo riết thực hiện chính sách nhằm khẳng định vị trí nước lớn về chính trị, quân sự ở khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, việc Nhật Bản hợp tác với Mỹ xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa (NMD) ở châu Á, đưa Đài Loan vào phạm vi tác chiến của quân đội, bị Trung Quốc phản đối quyết liệt, coi đây là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Trung Quốc, làm phương hại đến quan hệ hai nước. Hơn nữa, chính sách quân sự mới của Tô-ki-ô khiến cho nhiều nước lo ngại, cảnh giác trước nguy cơ nước này sẽ quay trở lại chủ nghĩa quân phiệt.

4.  NATO có xu hướng "ly tâm" ngày càng rõ với Mỹ

Ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, NATO có nhiệm vụ làm lực lượng xung kích của phương Tây trong chiến lược ngăn chặn, chống phá Liên Xô và khối Vác-sa-va. Sau khi "chiến tranh lạnh" kết thúc, tuy không còn "đối trọng", nhưng Mỹ vẫn tiếp tục điều chỉnh chiến lược duy trì, mở rộng NATO để phục vụ cho mưu đồ bá chủ toàn cầu của mình. Theo đó, tổ chức này kết nạp thêm nhiều thành viên mới, mở rộng biên giới NATO sang phía Đông, tạo thế bao vây, kiềm chế Nga; huy động quân đội NATO phục vụ cho cái gọi là "cuộc chiến chống khủng bố" của Mỹ ở Nam Tư (1999), ở I-rắc, ở Áp-ga-ni-xtan... Tuy nhiên, do bị "sa lầy" quân sự ở Áp-ga-ni-xtan, nhất là bất lực trước cuộc chiến ở Nam Cáp-ca-dơ vừa qua, nội bộ NATO càng bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc, nhất là giữa hai bờ Đại Tây Dương, khiến cho tổ chức này "lớn mà không mạnh", xu hướng "ly tâm" với Mỹ ngày càng rõ nét. Tại hội nghị cấp cao NATO vừa qua, các thành viên chủ chốt thuộc châu Âu đã phản đối mưu đồ của Mỹ trao "quy chế ứng cử viên" - bước đệm để kết nạp làm thành viên NATO- cho Gru-di-a và U-crai-na, vì sợ việc này sẽ làm phương hại đến quan hệ với Nga. Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di thì cho rằng, trong thế giới hiện nay, không một nước nào dù mạnh đến đâu, có thể "đơn thương độc mã" giải quyết các cuộc khủng hoảng. Chính khách của nhiều nước NATO cũng chỉ rõ, thời kỳ quá độ "thống soái" của Mỹ đã chấm dứt; đã đến lúc Mỹ nên tôn trọng NATO như một thực thể bình đẳng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.

5. Sự suy giảm vị thế "thống trị" kinh tế của Mỹ

Giai đoạn cuối năm 2008, sự phá sản của một loạt tập đoàn tài chính khổng lồ của Mỹ đã tạo ra "cơn sốc" khủng hoảng tài chính cho nền kinh tế nước này và thế giới. Tổng thống đương nhiệm lúc đó G.W.Bu-sơ đã thừa nhận:" Mỹ đang ở giữa một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng". Còn Tổng thống mới đắc cử B. Ô-ba-ma thì coi cuộc khủng hoảng tài chính này là "lớn nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 1930". Cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ cũng nhanh chóng lan rộng trên phạm vi toàn thế giới, đẩy nền kinh tế Mỹ và kéo theo đó là kinh tế của một loạt nước EU, Nhật Bản đến bờ vực suy thoái. Theo thống kê chưa đầy đủ, do tác động của khủng hoảng, hiện đã có trên 100.000 người Mỹ thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm khoảng 4%; tài chính thế giới thiệt hại khoảng 550 tỷ USD (tính đến tháng 9-2008). Các nhà phân tích quốc tế cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính lần này là hệ quả tất yếu của những sai lầm trong chính sách của Chính quyền Mỹ. Nó cũng là minh chứng cho thấy, chủ nghĩa tư bản hiện đại (hay chủ nghĩa tư bản tự điều chỉnh) cũng không tránh được quy luật khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ vốn có của nó (điều này đã được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lê-nin phát hiện từ những năm cuối thế kỷ XIX) và Mỹ- nền kinh tế tư bản lớn nhất hành tinh, "đầu tàu" của kinh tế thế giới (chiếm tới hơn 30% GDP thế giới) - cũng không là ngoại lệ. Ngược lại, hơn bao giờ hết, nó càng phơi bày những hạn chế, yếu kém và sự bất lực của chủ nghĩa tư bản độc quyền, bá quyền đơn cực cả về chính trị và kinh tế, mà Mỹ là đại diện, chỉ làm cho tình hình quốc tế thêm phức tạp, đe dọa đến an ninh, hòa bình của thế giới.

Như vậy là, cùng với hậu quả của cuộc xung đột quân sự ở Nam Ô-xê-ti-a, cuộc khủng hoảng tài chính này của Mỹ, như nhiều chính khách nói, là một "nốt nhấn" khẳng định: trật tự thế giới đơn cực của Mỹ "không có và không còn lý do" để tồn tại; đã đến lúc thế giới cần xây dựng một trật tự an ninh quốc tế dựa trên nguyên tắc nỗ lực tập thể và dân chủ thực sự. Có một thực tế không thể phủ nhận trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay là, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới, sự phụ thuộc, tùy thuộc lẫn nhau về lợi ích kinh tế, an ninh giữa các nước, các khu vực đang ngày một tăng lên; điều đó làm cho an ninh quốc gia và an ninh khu vực, an ninh quốc tế cũng ngày càng phụ thuộc, tác động qua lại với nhau. Đây là đặc điểm mới của thế giới đương đại mà tất cả các quốc gia trong hoạch định chiến lược đều phải tính tới. Do vậy, trong trật tự thế giới mới, an ninh của thế giới không thể do một hoặc một số trung tâm sức mạnh quyết định, mà phải được thực hiện bằng nỗ lực tập thể và sự hợp tác của tất cả các nước, dựa trên nguyên tắc luật pháp quốc tế, trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau; không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết bất đồng, xung đột bằng các biện pháp đối thoại, hòa bình, không áp đặt đối với nước khác; hợp tác bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển. Hiện nay, cơ chế đảm bảo hòa bình, an ninh quốc tế được đại đa số các quốc gia trên thế giới công nhận là Hiến chương Liên hợp quốc, mà cơ quan quyền lực tối cao là Hội đồng Bảo an. Vấn đề cấp bách đặt ra là Liên hợp quốc, trước hết là Hội đồng Bảo an, cần phải có những cải tổ toàn diện theo hướng dân chủ, phù hợp với những thay đổi mới trên thế giới, để thực sự phát huy vai trò là một tổ chức quốc tế trung tâm, đủ hiệu lực tập hợp lực lượng, sức mạnh của cộng đồng quốc tế phản ứng hiệu quả với các mối đe dọa, các nguy cơ (cả nguy cơ truyền thống và nguy cơ phi truyền thống) trên toàn cầu, xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

NGUYỄN NHÂM

 

Ý kiến bạn đọc (0)