QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 22:55 (GMT+7)
Phải chăng sự định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay có gì chưa rõ?

Kể từ Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960, Đảng ta đã kiên trì nhất quán thực hiện đường lối đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Tuy vậy, sự biến đổi của thực tiễn đã đem lại những nhận thức khác nhau về CNXH, thậm chí có những vấn đề rất cơ bản lại nhận thức trái ngược giữa hai thời kỳ. Chẳng hạn trong thời kỳ thực hiện thể chế kinh tế tập trung, bao cấp thì bác bỏ, phê phán kinh tế thị trường nhiều thành phần. Hậu quả của cơ chế đó là nhiều động lực phát triển kinh tế và xã hội bị triệt tiêu. Phải trải qua thực tiễn nhiều hơn nữa, đến Đại hội IX mới xác định được “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và “Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân” là một sự thay đổi cơ bản trong tư duy lý luận về CNXH, là tiền đề lý luận quan trọng để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN), khắc phục tình trạng quan liêu hóa bộ máy nhà nước, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng của CNXH ở thế kỷ XX. Vì vậy, vấn đề nhất quán là đưa nước ta tiến lên CNXH như thế nào, theo mô hình nào, chứ không phải là vấn đề có nên tiến lên CNXH hay không. Bởi lẽ, xu thế quá độ từ chủ nghĩa tư bản (CNTB) lên CNXH vẫn là xu thế lớn, mang ý nghĩa thời đại. Xu thế đó đang biểu hiện cả ở sự tiếp tục tồn tại và phát triển của công cuộc xây dựng CNXH hiện thực, cả ở “sự quá độ” diễn ra một cách tất yếu khách quan trong lòng CNTB.

Hiện nay, trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ, CNXH chưa trở thành mặt chủ yếu của hai mặt đối lập (đối lập CNTB), nên những thách thức và nguy cơ đối với sự tồn tại và phát triển của CNXH hiện thực là rất lớn. Sự phát triển của khoa học và công nghệ ngày nay đã làm nảy sinh khả năng cứu vãn CNTB khỏi sự diệt vong nhanh chóng, tạo điều kiện để CNTB tự điều chỉnh, thích nghi để kéo dài sự tồn tại và tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, công cuộc đổi mới của chúng ta có thành tựu và có khuyết điểm, trong đó thành tựu là cơ bản, là mặt chủ yếu của sự phát triển. Khuyết điểm không phải là mặt cơ bản, chủ yếu. Bởi khuyết điểm không phải từ bản chất của CNXH. Chúng có những nguyên nhân khách quan, song chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Một mặt, do công cuộc xây dựng đất nước ta trong điều kiện vô cùng khó khăn, phức tạp; năng lực chủ quan của toàn Đảng, kể cả hàng ngũ lãnh đạo, quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập. Mặt khác, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng âm mưu thâm độc “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng nước ta. Trong tình hình đó, một số người do phai nhạt lý tưởng, thoái hóa biến chất và do cả cơ hội về chính trị, đã đưa ra một số quan điểm làm phân tâm xã hội, tác động tiêu cực tới quá trình đổi mới, quá trình đẩy mạnh phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Chính vì vậy mà làm cho một số người tôn sùng CNTB, niềm tin đối với CNXH bị dao động; làm cho một số người tiếp nhận quan niệm giá trị của phương Tây, lạc mất phương hướng giá trị XHCN; làm cho một số người coi rẻ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tiếp thu phương thức sống của phương Tây. Sự khủng hoảng của CNXH với tư cách một chế độ xã hội không phải là cơ sở để cho một số người đi tới kết luận rằng, CNXH là một sai lầm lịch sử; rằng, “CNTB muôn năm”,  rằng CNTB là triển vọng duy nhất và cuối cùng của mọi dân tộc, của mọi quốc gia. Sự khủng hoảng của CNXH chỉ là khủng hoảng của một kiểu, một mô hình bị biến dạng của CNXH. Từ kinh nghiệm thành công và chưa thành công của quá trình xây dựng CNXH, từ những tri thức và kinh nghiệm mới mà nhân loại đã tạo ra trong những thể chế chính trị - xã hội khác nhau trong hiện thực lịch sử và thời đại, những người cộng sản có khả năng đổi mới nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH. Điều đó đã được thực tế khẳng định, CNXH ở Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác không chỉ thoát khỏi khủng hoảng, mà còn có bước phát triển mạnh mẽ hiện tại và cả trong tương lai.
Ai đó nói rằng, thành tựu của 20 năm đổi mới, nhất là đời sống của nhân dân được cải thiện nhanh chóng như hiện nay là do sự hỗ trợ của bên ngoài, du nhập từ bên ngoài, không xuất phát từ thực tế của đất nước, là một luận điệu phi lý, đầy mâu thuẫn. Con đường cứu nước giải phóng dân tộc, đưa đất nước đi đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là con đường duy nhất phù hợp với những điều kiện thực tế của nước ta, giải quyết được những vấn đề cơ bản, bức xúc của nhân dân ta. Phát triển tiến lên theo định hướng XHCN hiện nay không do ý muốn chủ quan. Trái lại, quá trình đổi mới theo định hướng XHCN hiện nay là tiếp nối một cách tự nhiên và tất yếu quá trình cách mạng giải phóng dân tộc, quá trình xây dựng CNXH của nhân dân ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo từ năm 1930 cho đến nay. Đó là sự lựa chọn của lịch sử đúng đắn của nhân dân ta.
Thắng lợi to lớn của Trung Quốc trong quá trình cải cách và mở cửa, những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong 20 năm đổi mới không chỉ đem lại sức sống mới cho CNXH hiện thực mà còn có ý nghĩa tích cực đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Có thể khẳng định rằng, thành công của công cuộc đổi mới, cải cách của các nước XHCN như Việt Nam, Trung Quốc... có ý nghĩa quyết định cho thắng lợi hoàn toàn của CNXH. Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào rằng con đường CNXH mà Đảng và nhân dân ta đã chọn không “phi thực tế”, mà phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu bức xúc của xã hội Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Yêu cầu đó là độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân, là đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu bằng cách tiến lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hơn ai hết, dân tộc ta hiểu rõ giá trị của sự lựa chọn. Đó là một thực tế không ai có thể phủ nhận, xuyên tạc.
Điều quan trọng là công cuộc đổi mới đã đưa lại những bài học kinh nghiệm quý báu để giải quyết nhiều vấn đề mà mô hình CNXH trước đổi mới đã không vượt qua. Chẳng hạn, việc xác định nền kinh tế trong CNXH cũng là một loại hình kinh tế thị trường; công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những giải pháp và bước đi thích hợp; chủ động mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển dân chủ XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân..., đã đưa đến những thắng lợi kinh tế – xã hội và chính trị quan trọng, làm thay đổi bộ mặt đất nước. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước tiếp tục phát triển trong bối cảnh tình hình có những diễn biến phức tạp. Bên cạnh những thời cơ lớn, chúng ta cũng đang đứng trước không ít thử thách cam go. Trong tình hình đó, để quá trình đổi mới, đẩy mạnh phát triển đất nước theo con đường XHCN đi tới thắng lợi, theo chúng tôi cần bàn thêm một số vấn đề sau đây.
Nhận thức ngày càng sâu sắc hơn, đúng đắn hơn về CNXH là vấn đề có tính quy luật về nhận thức hiện thực khách quan. Hơn nữa, nếu biết chủ động phân tích những sai lầm trước đây thì nhận thức mới, tư duy mới sẽ được hoàn thiện hơn, phù hợp với đặc điểm dân tộc, đặc điểm giai đoạn mới, do đó bảo đảm thắng lợi bền vững hơn.
I. Xu thế thời đại
Thực tiễn cải cách trên thế giới cho thấy rằng, những cuộc cải cách dựa trên nhận thức giáo điều, bảo thủ, chủ quan duy ý chí đều thất bại, mà việc thay thế nó bằng quá trình cải cách đối phó, chắp vá cũng không có triển vọng.
Trong thời đại quá độ lên xã hội hậu tư bản hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức, đã xuất hiện xu thế phát triển bền vững mà tính chất tiến bộ, tính chất nhân đạo của nó biểu hiện tập trung ở sự phát triển đồng thuận giữa ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Thực chất của sự phát triển đồng thuận ấy là bảo vệ và phát triển con người và cộng đồng - một vấn đề mà C.Mác và Ph. Ăngghen đã dự báo.
Xu thế phát triển bền vững về căn bản đối lập với khuynh hướng phát triển phiến diện của CNTB chỉ vì tối đa hóa lợi nhuận, còn coi nhẹ, thậm chí bỏ qua vấn đề xã hội và môi trường, gây ra những khủng hoảng xã hội và tàn phá môi trường mà ngày nay nhân loại đang phải chịu những hậu quả nặng nề về khủng hoảng xã hội và thảm họa thiên tai không lường trước được.
Sự lớn mạnh của xu thế phát triển bền vững đã được nhân loại đón nhận biểu hiện ở các phong trào xã hội chống bất công và tàn phá môi trường, ở sự xác định các tiêu chí quốc tế về kinh tế, xã hội, môi trường, tiêu chí về sự phát triển con người (HDI). Những tiêu chí ấy đang trở thành thể chế hoạt động của các tổ chức quốc tế, các tổ chức ngoài Chính phủ (NGO), và là những điều kiện để hội nhập quốc tế.
Sự lớn mạnh và hấp dẫn của xu thế phát triển bền vững đã chỉ ra một chân lý: phương thức phát triển phiến diện của CNTB đã tới giới hạn lịch sử và một phương thức phát triển mới đang thay thế nó, báo hiệu một thời đại mới với một nền văn minh mới đã bắt đầu.
Xu hướng phát triển bền vững dựa trên cơ sở của nó là kinh tế tri thức có khả năng và đòi hỏi phải phát triển đồng thuận giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Khả năng này không thể có trong kinh tế công nghiệp nói chung và nhất là trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa truyền thống. Vì vậy, phát triển bền vững là xu thế thuộc về xã hội hậu tư bản.
II. Phát triển bền vững là nội hàm
của định hướng XHCN
Từ xu hướng chủ đạo của thời đại là phát triển bền vững nói trên, có thể rút ra những nhận thức mới, phương pháp mới cho việc thực hiện định hướng XHCN ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
1. Về kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từ chuyển sang kinh tế thị trường có sự quản lý Nhà nước đến việc xác định kinh tế thị trường định hướng XHCN là một bước tiến về nhận thức. Tuy nhiên, nội hàm của định hướng XHCN chưa được làm rõ. Nhìn chung, cấp vĩ mô rất quan tâm đến tăng trưởng kinh tế, nhất là tỷ lệ tăng trưởng hằng năm của kế hoạch, nhưng vấn đề chất lượng, hiệu quả chưa đáp ứng được, lãng phí, mất mát ngày càng tăng, môi trường sinh thái không được bảo vệ. Nhà nước vẫn quan tâm từng mặt tách rời nhau, thiếu một hệ thống để xây dựng mô hình và tác động thúc đẩy cả hệ thống vận động phát triển. Vì vậy, tuy từng mặt có phát triển (kiểu số cộng, không tính mất mát, lãng phí), nhưng cả hệ thống lại bị tụt hậu dần so với các nước trong khu vực.
Thực trạng đó chỉ rõ, phương hướng phát triển chỉ chạy theo số lượng cần phải thay đổi sớm và phải chuyển sang hướng phát triển bền vững thì định hướng XHCN mới thực hiện được. Sự chuyển hướng này đòi hỏi phải thực hiện những vấn đề chiến lược cơ bản sau đây:
Thứ nhất, chuyển từ phương châm chung “lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm” sang “phát triển và hiện đại hóa lực lượng sản xuất là nhiệm vụ trung tâm”. Đây là khâu then chốt để đồng thời giải quyết các yêu cầu tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Sự chuyển hướng này đòi hỏi quyết tâm chiến lược phát triển kinh tế tri thức ngay từ bây giờ. Đó là định hướng chính cho việc cải cách lĩnh vực giáo dục - đào tạo, cho việc phát triển các khoa học và công nghệ nước ta.
Thứ hai, nghiên cứu, đổi mới một cách cơ bản về chính sách phân phối sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển đồng thuận giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Chắc chắn rằng cứ mỗi bước phát triển và hiện đại hóa lực lượng sản xuất đi đôi với đổi mới chính sách phân phối thì định hướng XHCN lại thể hiện đầy đủ hơn trong đời sống nhân dân và trong phát triển nội lực của dân tộc ta.
Muốn vậy, cải cách lĩnh vực tài chính, ngân sách và lĩnh vực kế hoạch - đầu tư được đặt ra theo hướng phát triển bền vững, hình thành thể chế kinh tế mới. Kết quả của cuộc cải cách lĩnh vực này sẽ mở đường và thúc đẩy toàn bộ công cuộc đổi mới.
Thứ ba, đối với nước ta, khi chuyển sang chiến lược phát triển bền vững không những là hiện thực hóa “định hướng XHCN” mà còn tạo thuận lợi về thế và lực cho nước ta hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi vì chiến lược phát triển bền vững là chiến lược tiến cùng thời đại trong bối cảnh hiện nay. Trái lại, nếu cứ kéo dài hướng phát triển chạy theo số lượng, thì hội nhập kinh tế sẽ khó khăn hơn và luôn ở thế yếu trong cạnh tranh quốc tế.
2. Về xã hội, chính trị trong hướng phát triển bền vững. Sự phát triển đồng thuận giữa kinh tế với xã hội và môi trường sẽ tác động rất tích cực đến sự phát triển xã hội và chính trị.
Trước hết, theo hướng này, tăng trưởng kinh tế sẽ thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo, làm cho xã hội ngày càng đồng thuận, tạo ra sự ổn định xã hội – chính trị trong phát triển.
Thứ hai, sự phát triển đồng thuận trên cơ sở kinh tế tri thức sẽ ngày càng đổi mới cơ cấu xã hội – giai cấp, tăng cường sự phân công hợp tác trong cộng đồng. Kinh tế tri thức phát triển sẽ thúc đẩy hình thành đội ngũ lao động tri thức từ các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp đô thị và lĩnh vực dịch vụ. Đội ngũ lao động tri thức là lực lượng sản xuất chủ yếu của kinh tế tri thức, đồng thời là cơ sở mới bền vững, chất lượng cao của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự phát triển của hệ thống chính trị nói chung.
Thứ ba, trong môi trường phát triển đồng thuận về xã hội và chính trị, nền dân chủ ngày càng được nâng cao, tạo ra động lực mới cho sự phát triển con người – sự phát triển tự do của mỗi cá nhân, mà sự phát triển này, theo C. Mác là điều kiện để phát triển xã hội XHCN.
Thứ tư, sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nội hàm phát triển bền vững sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng của hệ thống chính trị mới XHCN trong tương lai. Có thể nói, sự phát triển kinh tế, xã hội, chính trị theo hướng bền vững như vậy mới thực sự là hướng đi tới “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, giải tỏa được nỗi lo lắng của người lãnh đạo “không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng, không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên”.
 
GS, TS. Trần Ngọc Hiên

 

Ý kiến bạn đọc (0)