QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:13 (GMT+7)
Phải chăng đó là ý kiến đóng góp chân thành với Đảng?

Vừa qua Đảng ta đã công bố Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, để cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể quần chúng, cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân đã sôi nổi tổ chức thảo luận, hội thảo, viết bài, gửi thư hoặc phát biểu trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp ý kiến vào nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị và công tác xây dựng Đảng. Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi nhận thấy rằng, nhìn chung các ý kiến đóng góp rất thẳng thắn, tâm huyết, có ý thức trách nhiệm và tinh thần xây dựng. Các ý kiến xây dựng đó đa dạng, nhiều chiều, nội dung đóng góp ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đảng ta đều hết sức trân trọng, lắng nghe, xem xét, tiếp thu những ý kiến hợp lý để chỉnh sửa, nhằm nâng cao chất lượng các văn kiện trình Đại hội và rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ lãnh đạo đất nước và xây dựng Đảng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.

Thế nhưng, điều đáng chú ý ở đây là càng gần đến ngày Đại hội Đảng, các thế lực phản động ở bên ngoài và các phần tử chống đối ở trong nước càng tăng cường các hoạt động chống phá Đảng ta, Nhà nước ta, mà trước mắt là chống phá Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. Hoạt động của họ dưới nhiều hình thức, nhưng phổ biến nhất là lan truyền và tán phát tài liệu xuyên tạc, vu cáo, cố tình phủ nhận hoặc hạ thấp ý nghĩa những thành tựu và tiến bộ của công cuộc đổi mới đất nước; thổi phồng những khuyết điểm, thiếu sót, qui chụp cho Đảng nhiều sai lầm, nào là quan liêu, tham nhũng, vi phạm dân chủ, nhân quyền, vi phạm quyền tự do tôn giáo... Từ đó, họ đòi Đảng ta phải từ bỏ vai trò lãnh đạo, từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; đòi nhân dân ta phải từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa để đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Trong khi đó một số cán bộ, đảng viên của Đảng cũng góp ý xây dựng Đảng, đã viết thư, viết bài, nhưng gửi rộng rãi đến nhiều địa chỉ và để lan truyền trong xã hội, thậm chí trên mạng thông tin toàn cầu. Họ tuyên truyền những nhận định, đánh giá của cá nhân mình về tình hình nội bộ của Đảng và về nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; trong đó có những ý kiến rất phiến diện chủ quan, sai lầm đã gây hoang mang, nghi ngờ trong Đảng và trong nhân dân. Những việc làm sai trái đó đã và đang được các thế lực thù địch ra sức lợi dụng xuyên tạc chống phá Đảng ta, chế độ ta. Trong số những người này có cả những người có quá trình tham gia cách mạng, đóng góp cho đất nước ở những cương vị, trọng trách không nhỏ. Và tôi thật sự bất ngờ trước thái độ, cách hành văn và những nội dung khi họ “góp ý” với Đảng. Cái nhìn của họ về đất nước, về sự lãnh đạo của Đảng phiến diện, thiếu khách quan, chỉ một màu ảm đạm, thất bại, sai lầm. Tôi tự hỏi, điều gì đã làm họ biến đổi như vậy?
Họ đã đóng góp ý kiến từ câu chữ, văn phạm trong bản Dự thảo đến những vấn đề lớn, cơ bản thuộc hệ thống lý luận cách mạng của Đảng, về chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước họ, những thế lực thù địch với đất nước ta cũng đã nhiều lần chống phá chủ nghĩa xã hội với những luận điệu tương tự như vậy. Chúng cố tình “bới lông, tìm  vết” để tập trung công kích, chống phá Đảng ta, chế độ ta.
Khi ngẫm nghĩ những ý kiến đóng góp của họ, tôi cảm thấy họ đang phủ nhận chính mình, và tôi tự hỏi, phải chăng họ đã biến chất hay tư tưởng còn điều gì vướng mắc? Họ cho rằng đó chỉ là ý kiến cá nhân khác với quan điểm, đường lối của Đảng chứ không chống lại quan điểm, đường lối của Đảng. Thế nhưng, thực tế những điều họ viết ra lại là những vấn đề muốn phủ định những thành tựu cách mạng, phủ định con đường xã hội chủ nghĩa, phủ định nguyên tắc tập trung dân chủ – nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng... Và do đó, những điều họ viết ra không thuộc loại “những ý kiến đóng góp cho Đảng khác nhau” mà là những quan điểm chính trị đối lập. Chỉ riêng việc họ đã từng là cán bộ, đảng viên của Đảng, có quá trình tham gia cách mạng, cống hiến cho đất nước, cho dân tộc mà viết những điều trái ngược đó đã gây ra sự nghi kỵ trong Đảng, trong quần chúng nhân dân và tác động tiêu cực không nhỏ đối với xã hội, nhất là thế hệ trẻ. Những việc làm trên, cùng với sự chống phá của các thế lực thù địch làm cho tình hình chính trị, tư tưởng trong xã hội thêm phức tạp, làm tăng sự hoài nghi, dao động về niềm tin, lý tưởng vào nền tảng tư tưởng, đường lối đổi mới của Đảng. Phải chăng đây chính là sự tha hóa, tự diễn biến của một bộ phận cán bộ, đảng viên, và những việc làm đó đã rơi vào đúng những mưu đồ của các thế lực thù địch, nhằm xuyên tạc, chia rẽ nội bộ, lôi kéo, mua chuộc một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, chống phá Đảng ta từ nội bộ, đồng thời tập hợp lực lượng trong và ngoài nước kích động quần chúng gây sức ép, hòng thay đổi quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng? Tuy nhiên, Đảng ta luôn ý thức rõ, thực tiễn hiện nay, trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, đang còn những bức xúc trong xã hội mà chúng ta đang đấu tranh để ngăn chặn, khắc phục, như nạn tham nhũng, bệnh quan liêu, sự suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên... Để giải quyết những vấn đề đó thì đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải cùng nhau góp sức.
Càng gần đến ngày Đại hội Đảng, những phần tử cơ hội, bất mãn càng hoạt động ráo riết chống lại Đảng ta. Tuy nhiên, đây chỉ là một lực lượng rất nhỏ, nhưng nếu ta không kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái của họ, thì với những thủ đoạn, hình thức, biện pháp tinh vi và sẽ bị các thế lực thù địch bên ngoài móc nối, tổ chức, họ sẽ dần dần làm cho Đảng suy yếu, gieo rắc sự hoài nghi trong quần chúng và ngay cả trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thoạt đầu sự hoài nghi chỉ có thể chớm nở ở một vài điểm nào đó, rồi cứ thế lớn dần lên cho đến khi hoài nghi toàn bộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoài nghi ý nghĩa và sự cần thiết của sự nghiệp cách mạng, mục tiêu lý tưởng mà mình tự nguyện suốt đời phấn đấu để thực hiện.
Nhưng nói gì thì nói, thực tế một điều không ai có thể phủ nhận được là sau 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu quan trọng rất đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, xã hội ổn định... Đặc biệt là, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội thì đời sống dân chủ ngày càng được mở rộng. Việc phát huy dân chủ, lấy ý kiến đóng góp của toàn dân vào việc sửa đổi Hiến pháp và trước mỗi kỳ Đại hội của Đảng là một minh chứng.
Thiết nghĩ, việc đóng góp ý kiến với Đảng là hết sức cần thiết, đó cũng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân. Đảng ta luôn luôn trân trọng mọi ý kiến, thậm chí cả những ý kiến khác với ý kiến của Đảng, nhằm khai thác trí tuệ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tiếp thu những ý kiến hợp lý để bổ sung, nâng cao chất lượng các văn kiện Đại hội và xây dựng Đảng. Cũng vì thế mà Đảng không ngừng lớn mạnh, được nhân dân tin tưởng như hiện nay. Nhưng vấn đề quan trọng ở chỗ ý kiến phải thật sự chân thành, tâm huyết với ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Phải đúng nguyên tắc, nếu là đảng viên thì những ý kiến đóng góp, phê bình, kiến nghị với Đảng phải nói trong tổ chức hoặc gửi đến cơ quan có thẩm quyền của Đảng xem xét. Không được tự ý tuyên truyền, tán phát ý kiến riêng trong xã hội, tạo cơ sở cho các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc chống đối Đảng, chống đối chế độ, nhất là vào thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng sắp diễn ra.
 
Mạnh Dũng
 

Ý kiến bạn đọc (0)