QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:28 (GMT+7)
Phải chăng chủ nghĩa xã hội là trái với xu thế phát triển của thời đại hiện nay?
Trong thế kỷ 20, nhân loại đã từng chứng kiến sự ra đời và phát triển của hệ thống XHCN; đồng thời nhân loại cũng chứng kiến sự khủng hoảng và sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu. Mặc dù đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trong xây dựng một chế độ xã hội tốt đẹp trong lịch sử hiện đại, song đứng trước tình hình đó, CNXH đã bị phê phán gay gắt, từ nhiều phía. Nguyên nhân của sự sụp đổ ở nhiều góc độ, song vấn đề cơ bản là do các nước XHCN chưa nhận thức đầy đủ và vận dụng đúng đắn những qui luật khách quan của xã hội, muốn bỏ qua các giai đoạn tất yếu, những bước trung gian quá độ cần thiết. Mô hình CNXH được thiết lập trước đây đã bộc lộ nhiều sai lầm, khuyết tật nhưng chậm được khắc phục. Khi cải tổ, đổi mới ở một số nước lại phạm sai lầm nghiêm trọng là không giữ vững, bảo vệ mặt tốt đẹp, tính ưu việt của hệ thống giá trị xã hội đã xây dựng được. Không tỉnh táo cảnh giác khi đối phó với khủng hoảng, với sự tấn công của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, để cho chúng mặc sức thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ bằng nhiều thủ đoạn tinh vi và nham hiểm, dẫn đến tình trạng rối loạn của hệ thống chính trị - xã hội, làm  cho Đảng Cộng sản mất vai trò lãnh đạo chính quyền và sự sụp đổ của CNXH là hệ quả không thể tránh khỏi. Sai lầm đó, xét đến cùng là do chủ quan của lãnh đạo các Đảng Cộng sản ở các nước chứ không thể đổ sai lầm cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin hay chủ nghĩa xã hội khoa học. Điều đáng tiếc là ngay trong hàng ngũ của những người Cộng sản cũng có một số ít biểu hiện thoái hóa biến chất, dao động về lập trường, tư tưởng, muốn phủ định con đường XHCN; cho CNXH chỉ là “bóng ma” trong lịch sử, đi theo con đường XHCN là mơ hồ, ảo tưởng về một chế độ xã hội tốt đẹp; CNXH tự thất bại trong cuộc cạnh tranh với chủ nghĩa tư bản... Họ cho rằng nguyên nhân sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu là do học thuyết Mác - Lê-nin; rằng học thuyết Mác đã lỗi thời, không có tính phổ biến nên bị phá sản hoàn toàn là tất yếu, v.v và v.v.

Riêng Việt Nam, từ những bài học rút ra trong sự nghiệp dựng nước và giữ  nước, cũng như trước yêu cầu bức xúc của lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã nhận thức và hành động theo quy luật khách quan, đó là: muốn giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài cách mạng vô sản. Bởi lẽ, cách mạng vô sản là sản phẩm của sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể ở nước ta. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là một học thuyết cách mạng và khoa học. Đó không chỉ là học thuyết nhận thức và giải thích thế giới một cách đúng đắn,  mà chủ yếu là một học thuyết cải tạo thế giới. Vận mệnh của nó gắn liền với vận mệnh của giai cấp công nhân hiện đại, của nhân loại cần lao và tiến bộ trong cuộc đấu tranh vì chân lý khoa học và vì sự tiến bộ, công bằng xã hội. Nó vạch ra những nguyên lý cơ bản nhất, chung nhất về con đường, về hình thức, phương pháp, lực lượng đấu tranh cách mạng để xóa bỏ áp bức, bất công. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, một khi giai cấp công nhân đã nắm được lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin thì cuộc đấu tranh của họ chống chủ nghĩa đế quốc và giai cấp thống trị phản động trong nước sẽ chuyển từ tự phát sang tự giác và do đó chỉ có con đường cách mạng vô sản, con đường cách mạng XHCN mới là lối thoát đúng đắn duy nhất cho các dân tộc bị áp bức, trong đó có Việt Nam.

Thực tế lịch sử hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, phát huy cao độ truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc, nhân dân ta một lòng kiên định chiến đấu hy sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH đã đưa đất nước ta bước sang trang sử mới, hết sức huy hoàng. Sau hàng trăm năm dưới ách nô lệ của thực dân, đế quốc, dân tộc ta đã được tự do, độc lập; công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo sau hơn 20 năm đã đem lại sự phát triển toàn diện cho đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là một thực tế không thể xuyên tạc, bài bác được. Thế nhưng, đến hôm nay có người vẫn nuối tiếc: giá chúng ta không đi theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, không đi theo con đường XHCN, không tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược, thì dân tộc đã tiến ngang hàng các cường quốc. Có người cố làm ngơ, cho rằng lựa chọn con đường XHCN ở nước ta có gì chưa ổn, trái với xu thế phát triển của thời đại hiện nay, không phù hợp với tình hình cụ thể ở Việt Nam mà chỉ là sự dập khuôn, bắt chước mô hình xã hội của nước ngoài, và răn dạy dân tộc ta, Đảng ta từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từ bỏ con đường XHCN. Nội dung các bài phát biểu, các ấn phẩm đa dạng của những cá nhân gần đây vẫn chứa đựng những quan điểm lệch lạc, hằn học với những gì đang diễn ra trên đất nước Việt Nam… Rõ ràng, những biểu hiện trên là sự chuyển đổi về lập trường chính trị, sự thoái hóa biến chất, sự thụt lùi về trình độ tư duy khoa học và xen vào đó là chủ nghĩa cá nhân vị kỷ. Do vậy, về lý luận, họ đã khởi xướng cho sự hoài nghi các giá trị của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cho chủ nghĩa đó đã lỗi thời; đối lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tư tưởng Hồ Chí Minh; về thực tiễn, họ phủ nhận tính ưu việt, hợp qui luật của CNXH đã thấm vào máu thịt của hàng tỷ con người trong suốt thế kỷ XX. Một số người đã công khai chia tay với CNXH, đối lập độc lập dân tộc với CNXH; không ít người kêu gọi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập… Tất cả các nhận thức và hành vi trên là chống lại qui luật tất yếu của lịch sử và tương lai rực rỡ của dân tộc Việt Nam.
 Là một dân tộc đã từng hiểu bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc qua bao nỗi khổ đau mà các thế lực hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc gây ra những cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc, hơn ai hết dân tộc ta cho rằng những điều “răn dạy” ấy là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chẳng lẽ bao nhiêu thành quả cách mạng giành được bằng mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam lại chỉ để thực hiện mục tiêu  “thiếu căn cứ khoa học”đó hoặc lại đem trao  vào tay những lực lượng đưa đất nước đi vào con đường TBCN, con đường chắc chắn không thể bảo đảm độc lập thật sự cho dân tộc, tự do, hạnh phúc thật sự cho tuyệt đại đa số nhân dân. Chính vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường XHCN trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng lại tiếp tục khẳng định “ Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không phải từ bỏ mục tiêu CNXH mà làm cho CNXH được nhận thức đứng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động của cách mạng”. Điều đáng mừng là mặc dù trong bối cảnh có nhiều phức tạp, nhưng qua các đợt toàn dân tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, hầu hết ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và đều nhất trí khẳng định tiếp tục đi theo con đường XHCN, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn; khẳng định dù trong hoàn cảnh nào toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cũng quyết tâm theo đuổi đến cùng con đường ấy.
Từ thực tế đó đã khẳng định: mặc dù Liên Xô tan rã, CNXH ở Đông âu sụp đổ, con đường quá độ lên CNXH của nhân loại tiến bộ đang gặp nhiều khó khăn, thử thách, việc giữ vững độc lập dân tộc của các quốc gia hiện nay không dễ dàng, nhưng những người cộng sản, công dân chân chính của Việt Nam vẫn giữ vững niềm tin: tiếp tục nghiên cứu vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong điều kiện lịch sử mới phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu “ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.  Lịch sử cũng như hiện tại đang chứng minh sinh động việc lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, xác định chiến lược và nghệ thuật thực hiện mục tiêu đó của Đảng, Nhà nước ta là hoàn toàn mang tính cách mạng và khoa học; kết quả đó là sự kết tinh của việc nhận thức đúng quy luật phát triển của lịch sử, tinh thần cách mạng triệt để và óc sáng tạo của nhân dân ta, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.  Những chiến công vĩ đại trong lịch sử, các thành tựu quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước theo mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH đã tạo nên một sức mạnh mới cho Đảng ta, dân tộc ta ngẩng cao đầu tiến lên phía trước.
Trên con đường đến mục tiêu đã định trong một thời gian lịch sử không phải ngắn, tất yếu cách mạng nước ta phải đối đầu với nhiều thử thách vô cùng nghiệt ngã. Các thế lực thù địch, bằng những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm đã và đang chống phá quyết liệt độc lập dân tộc và CNXH ở nước ta. Tiếp sức cho các lực lượng thù địch đó là  những người cơ hội về chính trị, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng,v.v, làm băng hoại các giá trị truyền thống của dân tộc. Đó là những cản trở chính trong sự thống nhất ý Đảng, lòng dân, sự kết hợp quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN với quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân trong giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng đất nước theo định hướng XHCN. Song, không vì tồn tại các vấn đề xã hội bức xúc đó mà dẫn đến phủ nhận tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin,  tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; từ bỏ con đường XHCN, đánh giá thiếu khách quan thành tựu của sự nghiệp đổi mới… như một số người đã làm.
Với thái độ nhìn thẳng vào thực tế, nói đúng sự thật, chúng ta thừa nhận rằng, hiện nay trong bộ máy Đảng, Nhà nước còn không ít những người mượn danh Đảng, Nhà nước để tham nhũng, hối lộ, làm giàu bất chính, nhằm thu vén cho gia đình, dòng họ, địa phương, bạn bè thân hữu. Nếu không được khắc phục kịp thời và kiên quyết thì các tệ nạn đó sẽ dẫn đến cái nhìn lệch lạc, thiếu thiện chí về tình hình Việt Nam của các thế lực thù địch; gây ra một cản trở rất lớn đối với việc thực hiện mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc và phát triển theo con đường CNXH ở Việt Nam. Giải quyết vấn đề đó như thế nào là một tiêu chí trong đánh giá sức chiến đấu của Đảng và hiệu quả đưa Nghị quyết Đại hội X của Đảng vào cuộc sống. Thách thức đó sẽ còn đối mặt với chúng ta không chỉ ngày một, ngày hai, mà nó tồn tại dai dẳng suốt trong thời kỳ quá độ tiến tới một xã hội phát triển, nhân dân được giải phóng thực sự, toàn diện; xã hội đạt được sự công bằng, dân chủ, văn minh. Mỗi đảng viên cộng sản, mỗi công dân Việt Nam cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định; có tư duy khoa học sáng suốt; có sự đánh giá phân tích đầy đủ các bài học lịch sử và dự báo đúng sự vận động của xã hội Việt Nam để có sự đóng góp vào tính tất yếu của lịch sử và tương lai của dân tộc. Nếu chúng ta quay lưng với lịch sử, thờ ơ trước vận mệnh của dân tộc trong tình hình hiện nay không chỉ là thiếu trách nhiệm với lịch sử, mà còn là tội lỗi đối với đồng bào, đồng chí, đặc biệt là những con người đã hy sinh tính mạng và tài sản để giành, giữ gìn độc lập dân tộc, đi tiên phong trong lựa chọn con đường phát triển phù hợp với tính tất yếu của thời đại, nguyện vọng thiết tha của nhân dân lao động và toàn dân tộc Việt Nam. Chúng ta không phải những người theo chủ nghĩa hoài nghi, nhưng cần nhạy cảm, tỉnh táo để nhận dạng các loại hình "sâu mọt" đang gặm nhấm dần độc lập dân tộc và CNXH, đặc biệt là ý đồ tạo nên một sự đoạn tuyệt trong mối quan hệ biện chứng giữa độc lập dân tộc và CNXH ở Việt Nam. Nếu những ai có bản lĩnh chính trị vững vàng, có lý luận khoa học sâu sắc và có vốn sống thực tiễn sẽ hiểu ngay ý đồ của những người lớn tiếng tuyên bố: chủ nghĩa Mác - Lê-nin lỗi thời, CNXH hết vai trò lịch sử, đi theo tư tưởng Hồ Chí Minh và độc lập dân tộc là không phù hợp. Trên thực tế, họ không thừa nhận kinh tế thị trường định hướng XHCN; bằng nhiều biện pháp để làm thay đổi bản chất Đảng, làm suy yếu sức mạnh của chính quyền Nhà nước các cấp, tạo nên tâm lý xã hội thiếu đồng thuận trong tập thể, trong xã hội… Tất cả các nhân tố trên sẽ làm lan toả tâm lý bất bình với chế độ xã hội, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và quyền tự do, dân chủ của nhân dân nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, tạo nên sự mất ổn định xã hội. Đó là lực cản trực tiếp kìm hãm sự phát triển của lịch sử Việt Nam nói chung, ngăn cản con đường phát triển XHCN của dân tộc ta nói riêng.
Để chống lại các quan điểm sai trái đó, để định hướng XHCN ngày càng rõ nét hơn trên đất nước Việt Nam, vấn đề cơ bản quan trọng hàng đầu là phải quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, với tinh thần trách nhiệm cao, ý chí quyết tâm lớn; đẩy mạnh chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác, quyết tâm xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng nước kém phát triển. Trong đó, chúng ta phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà  bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của xã hội; xây dựng nền dân chủ XHCN, thực hiện đại đoàn kết dân tộc; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Đó cũng là những cơ sở lý luận và thực tiễn để tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, khoa học của con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Lịch sử thế giới và thực tiễn của cách mạng Việt Nam đã kiểm nghiệm rằng, chỉ có CNXH chân chính mới đưa lại độc lập dân tộc thực sự, mới xây tạo nên một khả năng khách quan để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người toàn diện, triệt để; xây dựng cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc mà các xã hội trước đó không thể thực hiện được. Hiện nay, tuy CNXH đang gặp khó khăn của giai đoạn thoái trào, nhưng xã hội tốt đẹp đó vẫn là hiện thực khách quan, là tương lai của lịch sử, khát vọng của quần chúng lao động, là một xã hội thấm đậm tính nhân đạo, nhân văn và tinh thần đoàn kết quốc tế. Chính hệ thống XHCN thế giới cùng với các nước trong phong trào giải phóng dân tộc định hướng XHCN đã ghi tạc vào thế kỷ XX những chiến công vĩ đại và những thành tựu đầy ấn tượng, sẽ sống mãi trong những trái tim và khối óc của nhân loại tiến bộ.
 
Đại tá, GS, TS.  Lê Văn Quang
 

Ý kiến bạn đọc (0)