QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 23:57 (GMT+7)
“Nội công, ngoại kích” về “dân chủ, nhân quyền” - những mũi giáo cùn

Gần đây, khi đất nước ta có nhiều hoạt động kỷ niệm những sự kiện lịch sử trọng đại; đặc biệt, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII, các thế lực thù địch lại dấy lên một chiến dịch tiến công, chống phá Việt Nam một cách điên cuồng trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Mũi giáo tiến công lần này cũng chủ yếu chĩa vào vấn đề “dân chủ, nhân quyền”, và được chúng “đâm” từ ngoài vào, từ trong ra, phối hợp “nội công, ngoại kích” khá nhịp nhàng.

 “Nội công”
Các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, lợi dụng tự do, dân chủ ở trong nước, cấu kết với các thế lực thù địch bên ngoài và nhận được sự tài trợ, khuyến khích của chúng, đã đua nhau hoạt động, đóng vai trò “nội công” rất tích cực. Lần này nổi lên những “gương mặt mới”, đó là những “nhà dân chủ trẻ tuổi” như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công nhân, Trần Khải Thanh Thuỷ…
Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân mới đây (11-5-2007) bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”. Đài và Nhân đều là luật sư của văn phòng luật sư Thiên Ân, do Đài đứng đầu. Nhưng cái “văn phòng luật sư” này không hành nghề luật sư, không thèm bào chữa cho bất kỳ một thân chủ nào. Do nhận được nguồn cung cấp đô-la từ bên ngoài, lại được bọn phản động tôn là “nhà lý luận” của cái gọi là “phong trào dân chủ Việt Nam”, Đài biến văn phòng luật sư Thiên Ân thành trung tâm hoạt động, tập hợp, lôi kéo một số sinh viên ngành Luật đến để tuyên truyền lừa bịp, giảng dạy lý thuyết về “dân chủ, nhân quyền” nhằm phát triển lực lượng đấu tranh lâu dài. Tại “văn phòng luật sư” này và tại nhà riêng, Đài và Nhân còn soạn thảo, in ấn, tán phát hàng trăm tài liệu có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, xuyên tạc lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc; đả kích, bôi nhọ các lãnh tụ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng; vu cáo “Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền”; tuyên truyền đòi thay đổi chế độ XHCN do Đảng lãnh đạo; kêu gọi nhân dân tẩy chay cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII… Đài và Nhân còn nhận sự chỉ đạo của một số tên cầm đầu phản động lưu vong ở nước ngoài xúc tiến kế hoạch thành lập cái gọi là “Uỷ ban nhân quyền Việt Nam” do Đài đứng đầu; đồng thời, cử người đi tiếp xúc với nhân viên ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Hà Nội, tiến hành thu thập những thông tin mà chúng cho là “bằng chứng Việt Nam đàn áp dân chủ, nhân quyền” rồi tổng hợp đưa lên mạng Internet. Đài còn liên hệ với các phần tử bất mãn, chống đối khác để lên kế hoạch tuyên bố khôi phục hoạt động của cái gọi là “Đảng Dân chủ 21” và trực tiếp soạn thảo điều lệ cho cái đảng này. Nguyễn Văn Đài không hề giấu giếm ý đồ muốn giành chính quyền ở Việt Nam khi tính đến khả năng “Đảng Dân chủ 21” giành thắng lợi trong cuộc bầu cử toàn quốc, chủ tịch đảng sẽ là người đứng đầu chính phủ. Ngoài việc làm trợ thủ đắc lực cho Đài, Nhân còn tham gia nhiều hoạt động với các tổ chức phản động khác, như ký tên ủng hộ “Tuyên ngôn về tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam” của bọn phản động lưu vong, tham gia “Khối 8406” do Nguyễn Văn Lý lập ra, làm người phát ngôn của “Đảng Thăng tiến Việt Nam” được quảng cáo trên trang Web tiếng Việt của đài BBC…
Trần Khải Thanh Thủy vốn là một giáo viên, rồi làm phóng viên cho một tờ báo. Do vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bị buộc thôi việc, Thuỷ bất mãn rồi lao vào con đường tội lỗi. Ngày 21-4-2007, Thuỷ bị công an Hà Nội bắt khẩn cấp về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam" theo điều 88, Bộ luật Hình sự, khi Thuỷ đang có hành vi tán phát hơn 30 bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và vu cáo các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Nhà nước ta. Từ mục đích lừa đảo để kiếm tiền, Thủy đã lao sâu vào hoạt động chống phá Nhà nước ta một cách rất ngông cuồng. Lấy địa bàn hoạt động ở phố Mai Xuân Thưởng, nơi có văn phòng tiếp dân của Nhà nước ta - một biểu hiện của dân chủ - Thủy thường la cà, tiếp xúc với những người dân đến thỉnh nguyện, khiếu kiện, lợi dụng những người nhẹ dạ, cả tin, lôi kéo họ, lập ra cái gọi là “Hội oan dân Việt Nam”. Thuỷ  cho tay chân quay phim, chụp ảnh, nhận đơn của những người khiếu kiện để "chế biến" thành những bản tin, bài viết tung lên mạng Internet. Thủy còn tải những tài liệu từ trên mạng có nội dung kích động hoạt động chống đối để tán phát cho bà con khiếu kiện, như “Một đề nghị về phương thức thực hiện cuộc tổng nổi dậy”; trong đó kêu gọi, hướng dẫn cách thực hiện cuộc “tổng nổi dậy” trong ba ngày diễn ra hội nghị APEC-2006, bắt đầu bằng các cuộc biểu tình tại các địa phương từ ngày 12-11 đến ngày 17-11-2006 nhằm thực hiện mục tiêu “loại bỏ vĩnh viễn chủ nghĩa cộng sản ra khỏi Vịêt Nam”, giải tán Đảng Cộng sản Việt Nam, đổi tên Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam…
“Ngoại kích”
Phối hợp với mũi giáo “nội công” ở trong nước về “dân chủ, nhân quyền”, các thế lực thù địch từ bên ngoài cũng thường xuyên giương lên mũi giáo “ngoại kích” để  “đâm”, để  “chọc ngoáy” vào Việt Nam. Bọn chúng chi viện cả tinh thần, tiền bạc cho các “nhà dân chủ”, “nhà hoạt động nhân quyền” ở trong nước, hoặc tiến công trực diện về “dân chủ, nhân quyền” với Việt Nam. Các lực lượng “ngoại kích” này tạm chia làm hai loại chính.
Loại thứ nhất, là các cá nhân hoặc phe nhóm, đảng phái phản động người Việt lưu vong. Loại này bao gồm những người trong bộ máy ngụy quyền Sài Gòn trước đây luôn cay cú với thất bại, sau ngày 30-4-1975 phải chạy ra nước ngoài, và những phần tử thoái hoá, biến chất, do bất mãn, hoặc cơ hội chính trị mà sống lưu vong để hoạt động. Bọn chúng quyên góp đô-la gửi về Việt Nam cho mũi “nội công” hoạt động.Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng Internet, chúng thường xuyên nói xấu, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, vu cáo “Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền”. Mỗi khi những kẻ phạm tội như Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thuỷ bị xử lý theo đúng pháp luật Việt Nam, thì họ lại dấy lên chiến dịch đòi trả tự do cho những người này mà họ gọi là “tù nhân chính trị”, “tù nhân tôn giáo”, hay “tù nhân lương tâm”.
Loại thứ hai, là những cá nhân, hoặc tổ chức chính phủ, phi chính phủ ở Mỹ và phương Tây do thiếu thông tin, thông tin sai lệch, không nắm được thực chất tình hình Việt Nam mà thường phê phán, chọc ngoáy vào vấn đề dân chủ,  nhân quyền ở Việt Nam. Cũng có những tổ chức, cá nhân vì động cơ chính trị hoặc vụ lợi mà cố tình xuyên tạc, bóp méo để rồi chỉ trích tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, cố tình áp đặt quan niệm “dân chủ, nhân quyền” của Mỹ và phương Tây cho Việt Nam, can thiệp một cách thô bạo nội bộ Việt Nam.
Gần đây, nổi lên hai vị dân biểu Mỹ rất hăng hái, sốt sắng “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam”. Người thứ nhất là Hạ nghị sĩ L. Xan-chét, dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, đơn vị 47, Quận Cam, bang Ca-li-foóc-ni-a. Bà L. Xan-chét đã từng nhiều lần lên tiếng châm chọc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Nhưng không vì thế mà Chính phủ Việt Nam “chơi xấu” với bà; trái lại, vẫn “chơi đẹp”. Hồi đầu năm nay, Chính phủ Việt Nam đã cấp vi-sa cho bà L.Xan-chét cùng đoàn đại biểu Quốc hội Hoa Kỳ vào Việt Nam, với ý định tạo điều kiện cho bà hiểu được thực tế Việt Nam và làm những việc từ thiện, hữu ích. Nhưng đáp lại sự tôn trọng và lòng hào hiệp của Chính phủ Việt Nam, bà L.Xan-chét lại làm điều ngang ngược: bà từ chối thẳng thừng lời đề nghị đến thăm Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, nhưng lại lợi dụng danh nghĩa phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ để tiếp xúc riêng với một vài phần tử  bất mãn, chống đối chế độ ở Việt Nam. Khi về nước, bà L.Xan-chét tiếp tục có những lời công kích, xuyên tạc về tình hình nhân quyền Việt Nam. Bà L. Xan-chét chỉ nhìn vấn đề dân chủ, nhân quyền Việt Nam qua lăng kính của những kẻ chống đối chế độ ở Việt Nam. Sở dĩ bà ta cố tình làm việc này, động cơ thực sự không phải vì dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, mà là vì động cơ vụ lợi cá nhân, cụ thể là để tranh thủ lá phiếu của một số nhóm người Mỹ gốc Việt có tư tưởng chống Việt Nam đang sống ở quận Cam.
Dân biểu Hoa Kỳ thứ hai là Hạ nghị sĩ  C.Xmít, với những động cơ tương tự như bà L.Xan-chét, ông này cũng nhiều lần công kích vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Gần đây, C.Xmít lại đưa ra một dự thảo nghị quyết cáo buộc “Việt Nam vi phạm nhân quyền”, đồng thời đòi Chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho những người bị kết án vì hoạt động chống phá Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, như Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân. Đáng tiếc là  Uỷ ban Quan hệ đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự thảo nghị quyết này. Đây là việc làm sai trái, can thiệp thô bạo nội bộ Việt Nam, bất lợi cho quan hệ Việt - Mỹ đang không ngừng phát triển mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Trước đây, ông C.Xmít cũng như Hạ viện Mỹ cũng đã từng làm việc tương tự, nhưng cái “nghị quyết” kiểu ấy đã bị vô hiệu và quên lãng, vì Thượng viện Mỹ không thông qua. Lần này chắc cũng vậy. Bởi vì, Thượng viện Hoa Kỳ phải sáng suốt để bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.
Những mũi giáo cùn
Các thế lực thù địch tưởng rằng “dân chủ, nhân quyền” là điểm yếu chí mạng của Việt Nam, và những mũi giáo “nội công, ngoại kích” về dân chủ, nhân quyền của chúng là rất lợi hại ! Thực ra không phải như vậy. Đành rằng, không thể coi thường những âm mưu, thủ đoạn nhiều khi rất xảo trá, nham hiểm của các mũi “nội công, ngoại kích” về “dân chủ, nhân quyền”, nhưng chúng ta vẫn có thể khẳng định, đó là những mũi giáo cùn, vì những lý lẽ sau đây:
Một là, chưa bao giờ mà sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo lại thu được nhiều thành tựu to lớn như ngày nay, trong đó có cả thành tựu về dân chủ, nhân quyền, mặc dù dân chủ và nhân quyền ở nước ta  cũng như bất kể nước nào cũng còn có những vấn đề chưa hoàn hảo, còn là cuộc đấu tranh lâu dài để khắc phục. Chưa bao giờ mà thế và lực của đất nước Việt Nam lại lớn mạnh như ngày nay. Chưa bao giờ mà đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Việt Nam lại được nâng cao như ngày nay, dù chúng ta biết mình vẫn là nước nghèo trên thế giới. Chưa bao giờ các quyền tự do, dân chủ, các quyền con người nói chung, quyền của phụ nữ, trẻ em, người già, người nghèo, người khuyết tật, các đối tượng chính sách nói riêng được Đảng và Nhà nước ta chăm lo chu đáo như ngày nay. Đó là những thực tế khách quan được tuyệt đại đa số nhân dân trong nước cảm nhận thấy trong cuộc sống hằng ngày, được dư luận rộng rãi trên thế giới khẳng định, ngợi ca. Các thế lực thù địch “nội công, ngoại kích” đối với cách mạng nước ta nói chung, đối với vấn đề dân chủ, nhân quyền nói riêng là đánh vào chỗ mạnh, chỗ cứng. Vậy thì những “mũi giáo” ấy không thể không “cùn” đi ! Bởi vậy, chúng chỉ có cách xuyên tạc, bóp méo, lừa bịp về tình trạng dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam mà thôi.
Hai là, thứ “dân chủ, nhân quyền” mà bọn chúng muốn “đấu tranh” cho Việt Nam là thứ “dân chủ, nhân quyền” của Mỹ và phương Tây. Chúng ta hiểu rằng, “dân chủ, nhân quyền” vừa có tính phổ biến toàn nhân loại vừa tính đặc thù do những điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hoá, dân trí, v.v. của mỗi quốc gia-dân tộc quy định. Họ không thừa nhận tính đặc thù, mà tuyệt đối hoá tính phổ biến, cho “dân chủ, nhân quyền” của Mỹ và phương Tây có giá trị phổ biến. Cố tình áp đặt vào Việt Nam, áp đặt cho toàn thế giới điều đó là phản khoa học, hết sức phi lý. Là người Việt Nam nhưng Đài, Nhân và một số người khác lại cứ muốn đòi dập khuôn “dân chủ, nhân quyền” của Mỹ và phương Tây ở Việt Nam thì lại càng phi lý và lố bịch. Đó là chưa kể những kẻ giương chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” để hoạt động chống phá, gây mất ổn định chính trị cho đất nước, phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân còn là tội ác không thể dung tha. Vậy mà họ “nội công” bằng mũi giáo “dân chủ, nhân quyền” thì chẳng “cùn” lắm sao!
Ba là, nhiều “nhà dân chủ “, “nhà hoạt động nhân quyền” tham gia “nội công, ngoại kích” về dân chủ, nhân quyền, như trên đã nêu, có tư cách và động cơ chẳng mấy tốt đẹp. Có những kẻ được cha mẹ, xã hội cho ăn học làm luật sư (Đài, Nhân) nhưng lại chẳng hành nghề luật sư; vì đô-la, vì ảo vọng quyền lực mà lao vào con đường tội lỗi, đi ngược lại niềm mong chờ của chính cha mẹ mình để rồi vào tù. Có kẻ vi phạm đạo đức nghề nghiệp bị sa thải, bất mãn mà lao vào con đường lừa bịp những người đi khiếu kiện, rồi lao sâu vào tội tỗi để kiếm đô-la và ảo vọng quyền lực, như Trần Khải Thanh Thuỷ. Còn các ông, bà dân biểu Mỹ như trên đã nêu, chỉ vì động cơ lợi ích cá nhân mà “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam, trong khi ở nước Mỹ có rất nhiều vấn đề về nhân quyền, như vụ xả súng bắn chết hơn 30 sinh viên, giáo sư trường Đại học công nghệ Vơ-gi-ni-a mới rồi, sao không thấy các vị lên tiếng? Thế mà các vị cứ vác giáo để “ngoại kích” về “dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam, thì mũi giáo của các vị chẳng “cùn” thì sắc bén với ai được!
Nguyễn Ngọc Hồng
 
Ý kiến bạn đọc (0)